Tổ quốc Việt Nam, nước của tổ tiên mình tươi đẹp, có miền rừng núi, miền trung du, miền đồng bằng, ven biển, hải đảo, gắn bó với nhau bởi hai yếu tố Đất và Nước. Đất nước ấy sinh ra con người đã sáng tạo nền nông nghiệp lúa nước với văn hoá riêng, phong phú nhân văn. Đi cùng với nền văn hoá vật thể và phi vật thể trong làng, bản của các dân tộc Việt Nam còn lưu giữ được những tác phẩm có giá trị liên quan đến thế giới quan vũ trụ nhân sinh, đến nguồn gốc dân tộc, sự ra đời con người, cây cỏ, muôn vật. Sử thi "Đẻ đất đẻ nước" lần đầu tiên năm 1976 đã tìm thấy trong dân tộc Mường ở Hoà Bình "Tác phẩm này đã đúc kết toàn bộ sản phẩm tinh thần của thời kỳ Mường Việt Cổ. Đó là lịch sử, triết lý dân gian dưới hình thức tục ngữ, ca hát và các hình thức diễn xuất có hoá trang... một tác phẩm lớn tổng hợp hầu hết các thần thoại Việt Mường". Nội dung tác phẩm nói về vũ trụ, các thiên thể vũ trụ, nạn hạn hán, nạn lũ lụt nguyên thủy, nguồn gốc loài người từ loài chim, nguồn gốc các dân tộc đều chung một nguồn gốc do mẹ chim đẻ ra. Việc tìm ra lửa, lúa gạo, lợn, gà, trâu, làm nhà theo hình con rùa. Tác phẩm tổng hợp các chuyện thần thoại về tô tem: chim, rắn, rùa của các dân tộc nước ta.
Sử thi "Đẻ đất đẻ nước":
Về khởi nguyên vũ trụ:
"Ngày xưa ngày ấy - Dưới đất chưa có đất
Trên trời chưa có trời - Trên trời chưa có ngôi sao đỏ
Dưới đất chưa có ngọn cỏ xanh – Đất còn rời rạc
Nước còn bùng nhùng - Ngó lên trông xuống mịt mùng".
Vậy là, ngày xưa vũ trụ khởi nguyên còn hỗn mang, tương đương với khái niệm Thái cực mà ta vẫn nói thời nay.
Về đẻ đất:
......................
"Có một năm mưa dầm mưa dãi - Nước vượt khỏi đồi U
Nước dâng đồi Bái - Năm mươi ngày nướ rút
Bảy mươi ngày nước xuôi - Mọc lên một cây xanh xanh
Có chín mươi chín cành - Cành trọc lên trời, lá xanh biết cựa
Thân trên mặt đất, thân cây biết rung - Trong tán trong -
cành có tiếng đàn bà con gái - Cành chọc trời là con đầu
Tên gọi ông Thu Tha - Cành bung xung là con thứ hai
Tên gọi bà Thu Thiện - Hai ông bà nên đôi nên lứa
......................
Gió ầm ầm đã nghe - Mưa le re đã thấy
Thứ nào muốn dậy đều nên thân hình - Đất đã có
Đất rộng thênh thang"............
Như vậy đất sinh ra, cây cỏ, muôn vật cũng thế đều do hai ông bà Thu Tha Thu Thiện giao hợp mà có - chúng là hữu tính, có linh hồn. Tư duy nguyên thủy, hồn nhiên chất phác đó ngày nay vẫn còn đọng trong tín ngưỡng tôn giáo (mọi vật có linh hồn).
Về đẻ nước:
......................
"Hạn chín tháng trời - Nắng 12 năm xác đất
Cạn suối vỡ mai ba ba - Khô đồi gãy sừng hươu
Nắng nhiều cây hết lá - Nắng cả đất hết cỏ
Trâu ăn đất cóng - Người uống nước sương
......................
Ông Pồng Pêu ao ước - Ước ơ là ước
Ước sao được trận mưa - Mưa dầm dề chín đêm, mười bữa sáng
Có nước, nước còn đục ngầu..."
Có đất cây si mọc lên - Cây si cao đến tận gậm trời, cành lá che kín một bên đất, che kín một bên trời
......... "Cây si lá úa vàng - cây si đã mục
Gốc si đã đổ - Cành si ngã lấp đầy thung lũng
Đầu si gẫy vật lên đồi Chu
Chuyện đó đã rồi - Hồi đó đã xong
Lại nghe chuyện si long gốc - lại nghe chuyện si mục cành
Đẻ ra mường, ra nước"
Những câu thơ trên trích trong sách "Đẻ đất đẻ nước Sử Thi Mường" - Đặng Văn Lung - Vương Anh - Hoàng Anh Nhân - 2012 - NXB Thông Tấn xã VN - 194 200.
Từ sử thi "Đẻ đất, đẻ nước" sự ra đời của mây gió cây cối, muôn vật, đất, nước đều do sinh sản hữu tính qua bước giao hợp, thai nghén mà ra bởi hai yếu tố âm dương. Đến lượt đất và nước giao hợp với nhau thành ra sản phẩm đất - nước. Vậy đất, nước, đất nước đều có linh hồn. Vào thế kỷ 19 nhà triết học Campanella (Ý) tác giả "thành phố mặt trời" còn quan niệm "vũ trụ và tất cả các bộ phận của nó đều có hồn, mọi cái đều sống, mọi cái đều là một tổng thể thống nhất sống động và vũ trụ cũng là một sinh vật có sức mạnh sự khôn ngoan và tình yêu" "lược khảo lịch sử các tư tưởng xã hội chủ nghĩa" (sự thật 1979) - "Tổng hợp văn hoá Đất Tổ" tập 2 - 2001 378.
Đi tìm lời giải đất và nước, gần đây tác giả đã đọc cuốn sách "Hướng dẫn áp dụng phong thủy học trong xây dựng nhà" - 2014 - GSTS Nguyễn Tiến Đích - NXB Thông tin và truyền thông nói "Lửa, nước, khí, đất, gỗ đều là hữu tính, nghĩa là lửa không đơn thuần chỉ là lửa đun nấu mà có người, có người lửa, động vật, thực vật lửa. Nước không phải đơn thuần là H2O mà có người nước động vật nước, thực vật nước, khí, đất, gỗ cũng vậy.
"Do hữu tính như vậy, nên khi dùng lửa, nước, khí, gỗ thì phải thận trọng không lãng phí không làm ô nhiễm khí 58 - 59."
Thật là kỳ lạ, cực kỳ bí ẩn, con người về tư duy vũ trụ nhân sinh thời quá khứ xa xăm trong tác phẩm Sử thi "Đẻ đất, đẻ nước" lại trùng hợp với tư duy thời hiện đại thế kỷ 21. Hoá ra ông cha ta sống hoà thuận với thiên nhiên đã phát hiện được ở đó những điều kỳ diệu, cực kỳ bí ẩn. Họ tôn thờ đất có Thần linh, họ tôn thờ sông có Hà bá đâu phải mê tín, mà là tín ngưỡng được lưu truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác.
Đất là một vật chất và hình tượng cao quý thiêng liêng, là nguồn sống tuyệt đối của cư dân nông nghiệp, còn là vật phẩm là nghi lễ hôn nhân. "Tục ăn đất còn tồn tại ở một số dân tộc thuộc ngữ hệ Môn - Khơme là dân tộc vốn gần gũi với người Việt như người Kháng, người Ba Na và tồn tại trong người Việt. Hiện nay như ở huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Phú. Tại đây còn cả xưởng chế biến đất ăn, tác giả lúc còn bé cũng đã ăn ngói (đất ăn) còn nhớ hương vị thơm thơm, ngòn ngọt, "khi con gái về nhà chồng không những được mang con bò, lúa, mà cả nghề làm đất, cùng với cả gian nhà đất, giếng nước".
Theo triết lý Ngũ Hành: "Đất chủ về đức tín, nó chứa muôn vật có chức năng sinh hoá và dưỡng dục nên là mẹ của muôn vật. Vì là mẹ nên có tính đôn hậu" - Quách Phác (Đời Tấn) Tứ Khố Toàn Thư – “Táng Thư” - NXB thời Đại 35.
Về đất: Nó là vật chất, cảm thấy và nhận thức được, nó tồn tại ngoài ý thức con người. Nó thiêng liêng vì đất là mẹ của muôn loài, có sự sống, có hồn, có sức mạnh, khôn ngoan và tình yêu. Dân gian khi động thổ xây dựng nhà đều có lễ vật xin phép để được bình an, mọi bề thuận lợi. Phải chăng tín ngưỡng này có từ thời xã hội thị tộc cho đến nay.
Về Đền Hùng: Núi Nghĩa Lĩnh xanh tốt đột ngột vươn cao giữa 99 núi xung quanh như 99 con Voi chầu về voi mẹ - Bạch Hạc là đỉnh tam giác châu, nơi ba dòng sông hội tụ (Hồng, Lô, Đà), còn là trung tâm giữa Trung du và đồng bằng như là để cân bằng về mọi hướng. Đây là vùng đất quý, phía sau Đền Hùng la liệt núi non chạy từ Tây Bắc xuống Đông Nam phía trước có ba dòng sông hội tụ. Kinh Dương Vương ngao du phong thuỷ đã chọn nơi này làm kinh thành - đô thành nước Văn Lang. Cổng Đền Hùng có đại tự "Cao sơn cảnh hạnh" (Đức hạnh cao minh) và câu đối "Thác thủy khai cơ tứ cố Sơn hà quy bản tịch" - "Đăng cao vong viễn quần phong la liệt tự nhi tôn" (mở lối đắp nền, bốn mặt non sông về một mối - lên cao trông rộng đồi núi tựa cháu con). Trụ ngoài "Đăng giả hệ hà tư vạn cổ giang sơn để tạo thủy - Giai tai do vương khí, thiên niên thành quách úy thông gian" (lên đây nhớ về cội giang sơn chốn này tạo dựng - Đẹp thay nhờ vượng khí, thiên niên thành quách tươi tốt giữa màu xanh). Nơi đây bà Âu Cơ đẻ bọc trăm trứng nở trăm con trai chấn giữ đầu non góc biển - nơi chôn rau cắt rốn của Bách Việt - nơi gắn liền với nghĩa đồng bào “hồn dân tộc”, nơi dựng nước Văn Lang Nhà nước đầu tiên của Lạc Việt - hồn nước.
Đất Đền Hùng ngùn ngụt khí thiêng hội tụ hồn dân tộc, hồn nước.
Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng hàng năm được tỉnh Phú Thọ tổ chức trang nghiêm, trọng thể, tạo ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách. Ảnh: Quách Sinh
Về nước: Nước là vật chất thiết yếu cho mọi sinh vật, đi tìm sự sống ngoài trái đất trước hết nơi ấy có nước không?
Theo triết lý Ngũ hành, nước chủ về đức trí, đại diện cho thông minh, linh hoạt và tính thiện. Theo phong thủy nước chủ về tiền tài.
Đền Giếng - Đền Hùng có Giếng Ngọc, tương truyền hai bà công chúa Tiên Dung, Ngọc Hoa hàng ngày soi gương chải tóc tại đây. Trong đền còn câu đối:
"Tỉnh dụng cấp kỳ phúc tịnh thụ - Sơn bất cao, hữu tiên tắc danh" (Giếng để múc nước, phúc ấy hưởng chung - Núi không cao có tiên mà nổi danh). Chữ Phúc ở đây hiểu là việc tốt lành như giàu sang, thọ, việc may (TĐ Hán Việt - 1996 136). Nước Giếng Ngọc không bao giờ cạn, màu nước xanh, vị ngọt, khí nước thơm rất quý. Theo phong thủy nước này của Thủy Khẩu, mạch của nó rất dài, nguồn của nó rất xa. Thủy Khẩu có tên là Thiên môn chủ về của cải. Người xưa am hiểu sâu sắc về phong thủy nên đào giếng, làm đền để bảo vệ thủy khẩu.
Đất Đền Hùng hội tụ hồn dân tộc, hồn nước. Nước Đền Hùng biểu tượng của giàu sang may mắn và sống lâu. Với tâm thức "Đẻ đất đẻ nước" dân gian đã lấy đất, nước Đền Hùng để thờ, thể hiện tín ngưỡng Hùng Vương sâu đậm, niềm tin cuộc sống bình an thịnh vượng. Hiểu biết về đất, nước của dân gian sâu sắc, bí ẩn, thật kinh ngạc và thán phục biết chừng nào !
Nguyễn Xuân Đài