Thứ 4 | 05/04/2017
Ngày 4 tháng 4 năm 2017 (tức ngày 8/3 âm lịch) tại sân Trung tâm lễ hội – Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Đinh Dậu 2017 đã tổ chức Hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy tỉnh Phú Thọ mở rộng lần thứ V. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ sự kiện giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Đinh Dậu 2017.
Tham gia hội thi năm nay, ngoài sự góp mặt của các nghệ nhân đến từ 13 huyện, thành, thị của tỉnh Phú Thọ còn có sự góp mặt của các nghệ nhân đến từ Thành phố Hà Nội. Theo thể lệ, đối với nội dung gói, nấu bánh chưng: các đội thi thực hiện gói 10 chiếc bánh chưng vuông từ 5 kg gạo nếp, 1 kg đỗ xanh, 1 kg thịt lợn trong thời gian tối đa 10 phút; đối với nội dung giã bánh giầy, các đội thi thực hiện thổi 5 kg gạo nếp thành xôi trong thời gian tối đa 30 phút, giã và làm thành 10 chiếc bánh giầy trong thời gian tối đa 15 phút. Sản phẩm sau khi hoàn thành phải đạt tiêu chí về thẩm mỹ, bánh chưng phải chín rền, đảm bảo thơm ngon, mùi vị hấp dẫn; bánh giầy phải dẻo, mịn, trắng, bánh tròn, thành cao, bày trên mâm có dán chữ “Phúc” màu đỏ.
Ngay sau tiếng trống khai hội, các nghệ nhân đã bắt tay vào phần thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy với tinh thần quyết tâm cao trong sự hò reo cổ vũ của đông đảo bà con về dự lễ hội. Với tất cả tấm lòng thành kính, các đội đã chọn được những nguyên liệu ngon nhất, thao tác nhanh và chuẩn xác nhất để có thể hoàn thành việc gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy trong thời gian ngắn nhất mà vẫn bảo đảm chất lượng, thẩm mỹ.
 

Phần thi gói bánh chưng của đội Yên Lập. 
Ảnh: Nguyễn Hương

 
Kết thúc hội thi, Ban Tổ chức đã trao Giải nhất gói, nấu bánh chưng cho đội văn hóa dân gian huyện Cẩm Khê; Giải nhất nội dung thi giã bánh giày thuộc về đội văn hóa dân gian Thành phố Hà Nội. Như vậy, hai đội đoạt giải Nhất hội thi “Gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy” năm 2017 sẽ được gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy dâng lên Vua Hùng vào ngày 10/3 (âm lịch) năm 2018.
   Hội thi là hoạt động văn hóa có ý nghĩa sâu sắc mang đậm nét truyền thống của dân tộc, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, là dịp để các nghệ nhân, đồng bào các dân tộc trong và ngoài tỉnh giao lưu, học hỏi kinh nghiệm trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc Việt. Qua đó tuyên truyền, quảng bá nét đẹp văn hóa đặc sắc và hình ảnh con người, quê hương đất Tổ đến với bạn bè, du khách trong nước, quốc tế, nhằm mở rộng, giao lưu hợp tác phát triển./.

Hồng Vân
Các tin khác

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com