Thứ 3 | 14/05/2024

baophutho.vnĐể ý những hành động, phát ngôn của các tổ chức phương Tây mang nặng định kiến không tốt đẹp về Việt Nam ngày càng có cảm giác họ đang mắc chứng bệnh tâm lý mà giới y học gọi là “tự kỷ ám thị”- Tự mình làm mờ mắt mình với những ám ảnh ngày càng nặng nề, bảo thủ, trói buộc trong tư duy hằn học, phủ đen lên toàn bộ nỗ lực, thành tựu ngày càng rực rỡ của Việt Nam. Kéo dài trong suốt mấy thập niên, ám ảnh về “nhân quyền”, “tự do báo chí”, “tự do tôn giáo”, “dân chủ”... là những biểu hiện nặng nề, nhức nhối nhất của căn bệnh trầm kha này...

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nhấn mạnh: “Việt Nam bác bỏ những nhận định không khách quan, mang tính định kiến và không chính xác về tình hình thực tế tại Việt Nam được nêu trong Báo cáo tự do tôn giáo quốc tế năm 2024 của Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ”.Ảnh: dangcongsan.vn

Ngày đầu tháng 5, như thường lệ, Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) công bố báo cáo tự do tôn giáo 2024 toàn cầu, trong đó có Việt Nam, nhận định tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam năm 2023 “không có gì thay đổi” so với năm 2022, với việc “nhà chức trách tiếp tục bách hại những cộng đồng tôn giáo độc lập không tuân thủ sự kiểm soát của nhà nước”, cũng như ngăn cản họ trong việc thực thi niềm tin tôn giáo một cách độc lập. USCIRF kêu gọi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chỉ định Việt Nam là “Quốc gia cần quan tâm đặc biệt” vì cho rằng Việt Nam “đàn áp tôn giáo một cách nghiêm trọng”...

Té nước theo mưa, hai ngày sau, ngày 3/5, tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) công bố cái gọi là báo cáo về “Chỉ số tự do báo chí thế giới năm 2024”, xếp Việt Nam thứ 174 trong số 180 quốc gia về tự do báo chí, nguyên do thứ hạng tự do báo chí thấp được lý giải do “cầm tù nhà báo có hệ thống, khiến nước này nằm trong nhóm nước có nền báo chí tồi tệ nhất thế giới”. Lợi dụng cơ hội này, nhiều tổ chức, cá nhân mang nặng tư tưởng thù địch, chống phá đã đăng tải các nội dung trên trang Fanpage liệt kê các trường hợp mà họ khoác chiếc áo “tự do báo chí” để vu cáo Việt Nam “vô cớ bắt bỏ tù các nhà báo vì họ dám nói lên sự thật”!

Dây máu ăn phần, cái gọi là Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) cũng lu loa đòi Việt Nam “trả tự do ngay cho tất cả những người bị cầm tù hoặc giam giữ chỉ vì bày tỏ quan điểm chính trị ôn hòa, hay trái với đường lối của Đảng Cộng sản”.

Trước đó, tổ chức Văn bút Hoa Kỳ” (PEN America) đã diễn trò hề không thể lố bịch hơn khi trao giải thưởng về tự do viết lách năm 2024, cho Phạm Đoan Trang - một tội phạm đang thụ án tại Việt Nam.

Trước hết, Việt Nam là một quốc gia độc lập, có chủ quyền. Không một tổ chức, cá nhân nào có quyền can thiệp vào công việc nội bộ của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Huống chi mấy tổ chức hữu danh vô thực như: Theo dõi Nhân quyền, Ngôi nhà tự do, Văn bút Hoa Kỳ, Phóng viên Không Biên giới... mang danh lên tiếng vì dân chủ, nhân quyền nhưng các hoạt động cho thấy điều ngược lại, chuyên nghề chống phá, kích động dân chúng chống đối chính quyền ở các quốc gia độc lập, có chủ quyền, thì tiếng nói hoàn toàn không có mảy may trọng lượng với Việt Nam.

Luận điệu xuyên tạc của các thế lực chống phá 

Thứ đến, những “cáo buộc”, “lên án”, “báo cáo”... mà các tổ chức này đưa ra đều mang nặng tính chủ quan, phiến diện, một chiều, áp đặt theo cảm tính, định kiến thiếu thiện cảm chứ hoàn toàn không phải thực tiễn cuộc sống đang diễn ra ở Việt Nam. Hơn ai hết, chỉ có công dân Việt Nam, những người đang sinh sống, học tập, công tác ở Việt Nam mới hiểu biết đầy đủ, chính xác, cặn kẽ và có quyền nhận xét, đánh giá về tình hình nhân quyền, tự do báo chí, tự do tôn giáo, dân chủ... ở Việt Nam. Tuy nhiên, thay vì đến tận nơi quan sát, thu thập thông tin khách quan, trung thực, các tổ chức nói trên chỉ dựa vào thông tin của những kẻ mạo danh dân chủ, chống phá, thù địch với Đảng, Nhà nước, thậm chí là những kẻ tội phạm đang thụ án, phần tử phản động sống lưu vong thì làm sao có thể chính xác.

Không chỉ quy định rõ ràng trong Hiến pháp, các bộ luật từ ngày thành lập nước mà thực tiễn đời sống đã chứng minh Việt Nam luôn tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm thực thi quyền con người, trong đó có quyền tự do tôn giáo, tự do báo chí... Không chỉ thực thi, đảm bảo, thúc đẩy quyền con người ở trong nước một cách nghiêm túc, nhất quán, liên tục, mà Việt Nam còn nỗ lực góp phần quan trọng thúc đẩy, bảo vệ quyền con người trên phạm vi toàn cầu. Những nỗ lực của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong đảm bảo, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người từ nhận thức đến hành động cụ thể không chỉ là một trong những điểm sáng được quốc tế ghi nhận, mà còn là cơ sở, là sự tin tưởng để Việt Nam trúng cử và trở thành thành viên của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc lần thứ hai, nhiệm kỳ 2023-2025. Đây là minh chứng rõ ràng nhất cho tự do, dân chủ và quyền con người ở Việt Nam.

Chiều 9/5, tại họp báo thường kỳ do Bộ Ngoại giao tổ chức, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nhấn mạnh: Việt Nam bác bỏ những nhận định không khách quan, mang tính định kiến và không chính xác về tình hình thực tế tại Việt Nam được nêu trong Báo cáo tự do tôn giáo quốc tế năm 2024 của Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ. Tại Việt Nam, không có ai bị phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo, tín ngưỡng. Các hoạt động của các tổ chức tôn giáo được bảo đảm theo đúng các quy định của pháp luật. Điều này đã được thể hiện rất rõ trong Hiến pháp của Việt Nam năm 2013, hệ thống pháp luật Việt Nam, cũng như được tôn trọng trên thực tế. Các chính sách, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người, trong đó có tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng được nhiều nước ghi nhận và đánh giá cao. Đây cũng là những đánh giá, nhận xét của các nước tham gia phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia của Việt Nam về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc được tổ chức ngày 7/5 vừa qua tại Geneva, Thụy Sĩ.

Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục trao đổi với phía Hoa Kỳ về những vấn đề mà hai bên cùng quan tâm trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn và tôn trọng lẫn nhau, đóng góp vào việc thúc đẩy quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện, vì hòa bình và phát triển bền vững giữa Việt Nam - Hoa Kỳ.

Thiện chí của Việt Nam đã thể hiện rất rõ, vấn đề còn lại là các tổ chức, cá nhân mang nặng định kiến thiếu thân thiện, thù hằn, đố kỵ cần tự điều trị căn bệnh “tự kỷ ám thị”, có cái nhìn khách quan, đúng đắn về Việt Nam để quan hệ song phương ngày càng tốt đẹp, mang lại lợi ích thiết thực cho hai quốc gia, dân tộc và cộng đồng quốc tế.
Cẩm Ninh
Dẫn nguồn: 
Ám ảnh “Nhân quyền” (baophutho.vn)

 

 
Các tin khác
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com