Thứ 6 | 29/03/2024
baophutho.vnTừ xưa đến nay, đình làng được coi là biểu tượng cộng đồng của làng xã Việt Nam, là một yếu tố của văn hóa vật thể. Việc bảo tồn và phát huy giá trị của văn hóa đình làng chính là gìn giữ, bảo vệ những giá trị của làng xã truyền thống Việt Nam, cũng là phát huy vốn văn hóa cổ truyền trong thời đại mới.
Toàn tỉnh hiện có 225 xã, phường, thị trấn và khoảng 140 ngôi đình, tập trung chủ yếu ở vùng đồng bằng như: Thành phố Việt Trì, các huyện Lâm Thao, Tam Nông, Thanh Thủy. Trong đó, phổ biến nhất là thành phố Việt Trì, huyện Lâm Thao với gần ba chục ngôi đình, ít nhất là các huyện Hạ Hòa, Thanh Sơn, Yên Lập. Thông thường, mỗi làng Việt có một ngôi đình làng, cùng với đó là một ngôi chùa hoặc đền, miếu. Tuy nhiên, ở Phú Thọ, có làng có tới 2 hoặc 3 ngôi đình nhưng có làng lại không có ngôi đình nào. Trường hợp làng có hai đình có thể do dân số của làng tăng lên đòi hỏi phải mở rộng làng. Vì vậy, người ta dựng thêm một ngôi đình nữa làm thờ thành hoàng làng và tổ chức các hoạt động của khu dân cư mới.

Đình Hùng Lô (xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì) được xây dựng vào thế kỷ XVII.
Theo Tiến sỹ Sử học Nguyễn Anh Tuấn – Chi hội Lý luận phê bình và văn nghệ dân gian, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh: Đình làng ở Phú Thọ được xây dựng từ rất lâu đời, khoảng từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX, cá biệt có một số ít đình được xây dựng vào thế kỷ XX. Trong đó, có 5 ngôi đình được xác định xây dựng vào thế kỷ XVII là: Đình Nội và Đình Ngoại (làng Lâu Thượng – xã Trưng Vương, thành phố Việt Trì); Đình Hùng Lô (xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì) và Đình Đào Xá (xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy).
Nằm trong hệ thống đình trung du Bắc Bộ nên đình làng ở Phú Thọ có nhiều nét đặc trưng chung so với các đình làng trong khu vực. Đình làng cơ bản giống nhau về cấu trúc: Thường có 5 gian 2 trái, 1 hậu cung. Trong đó, gian giữa thường để thông; bên trong xếp long ngai, bài vị, đồ thờ; bên ngoài trải chiếu để tế lễ. Một số đình có sàn cao hai bên để các quan viên ngồi theo phân cấp thứ tự.
Đình Thạch Khoán, xã Thạch Khoán, huyện Thanh Sơn thờ các vị danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương.
 
Chia sẻ thêm về đình làng và văn hóa đình làng, Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Phạm Bá Khiêm cho biết: Đình làng là nơi thờ tự các vị thần mà nhân dân trong làng tôn là thành hoàng làng. Các vị thần được thờ ở đình làng rất đa dạng, phong phú. Có thần chỉ được thờ ở một đình làng, có thần được thờ ở nhiều điểm khác nhau. Đặc biệt, các vị thời Hùng Vương như: Các vị Vua Hùng cùng vợ con và tướng lĩnh thời Hùng Vương được thờ nhiều nơi nhất trong toàn tỉnh. Trong số 140 đình làng trong toàn tỉnh thì có 105 ngôi đình thờ các vị thần có liên quan đến thời đại Hùng Vương. Bên cạnh đó, từ thời xa xưa, đình làng còn được gọi là công sở của khu dân cư, của làng, từ tiếp chỉ vua, bàn việc lớn và thậm chí là xử lý các sự vụ trong làng. Đình đồng thời là nơi tổ chức hội làng với các loại hình diễn xướng, trò chơi dân gian... Thông qua đó tôn ti trật tự làng xã được duy trì và xác định, góp phần bảo tồn và phát huy văn hoá làng. Trải qua thời gian, hiện nay đình làng còn có thêm hai chức năng: Là cơ sở để nghiên cứu về cấu trúc, ẩm thực, văn hóa của đình, của làng và góp phần thúc đẩy, phát triển văn hóa, du lịch địa phương.
Bà con chơi thể thao ở sân đình.
 
Có thể thấy các ngôi đình đều gắn liền với đời sống mỗi cộng đồng dân cư và các hoạt động chung của xóm làng. Hơn nữa, các ngôi đình có thể coi là biểu tượng của làng, nơi linh thiêng trong tâm thức của mỗi người. Đình làng cùng các di tích tín ngưỡng tôn giáo khác như: Đền, miếu, nghè, chùa... trở thành nơi không được phép xâm phạm. Đồng thời, có những quy định, kiêng kị được truyền từ đời này sang đời khác như: Không giết mổ động vật, xây dựng nhà cửa, mồ mả trong đất của đình, không tự tiện chặt, hái bẻ cây trồng ở đình. Việc thực hiện các nghi thức tế lễ cũng phải đảm bảo theo các tiêu chuẩn như quần áo chỉnh tề, người được chọn phải là người có tư các đạo đức tốt, được mọi người quý trọng, gia đình đầy đủ, song toàn...
Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia Đình Ngoại Lâu Thượng, xã Trưng Vương, thành phố Việt Trì hiện còn lưu giữ nhiều nét kiến trúc cổ đặc trưng của đình làng Bắc Bộ.

Một số nét kiến trúc còn lưu giữ được của Đình Ngoại Lâu Thượng.
Từng là trung tâm, trụ sở của làng, trải qua thăng trầm, biến thiên của thời gian, có thời gian văn hóa đình làng bị mai một, một số đình làng bị tàn phá. Hiện nay được sự quan tâm của các cấp, các ngành và quần chúng nhân dân, đình làng lại tiếp tục là biểu tượng của văn hóa cổ truyền, văn hóa đình làng vẫn đang được duy trì, gìn giữ trong đời sống cộng đồng. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có những ngôi đình bị xuống cấp nghiêm trọng chưa được bảo tồn, tu sửa. Việc tổ chức một số lễ hội đình làng cũng chưa thực sự được quan tâm dẫn đến những giá trị văn hóa truyền thống dần mai một. Vì vậy, để tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị của văn hóa đình làng trong đời sống cộng đồng cần có sự quan tâm nhiều hơn nữa của các cấp, các ngành và chính người dân. Và đặc biệt, bảo tồn đình làng cần gìn giữ cả phần chất và phần hồn của ngôi đình, để đình làng và văn hóa đình làng có thể trường tồn mãi với thời gian.

Vĩnh Hà

Dẫn nguồn: Bảo tồn giá trị văn hóa đình làng trong cộng đồng (baophutho.vn)

Các tin khác

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com