Thứ 3 | 11/06/2024

baophutho.vnVăn hóa doanh nghiệp là toàn bộ các giá trị văn hóa được xây dựng trong suốt quá trình tồn tại và phát triển của doanh nghiệp, trở thành quy tắc, đồng thời chi phối tình cảm, suy nghĩ, hành vi của mọi thành viên trong doanh nghiệp. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp được thể hiện qua việc coi trọng đạo đức kinh doanh gắn với uy tín, thương hiệu của sản phẩm và doanh nghiệp; chú trọng bảo vệ môi trường, nâng cao trách nhiệm xã hội. Vì vậy, việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp được Đảng bộ Khối Doanh nghiệp tỉnh xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của cấp ủy, lãnh đạo doanh nghiệp.

Nhân viên Công ty CP Du lịch- Dịch vụ- Thương mại Phú Thọ nâng cao trình độ công nghệ thông tin, thực hiện chuẩn mực văn hóa giao tiếp công sở, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ của doanh nghiệp.

Thời gian qua, các doanh nghiệp trong Khối đã làm tốt công tác tuyên truyền, ban hành đồng bộ các quy chế, quy định, các chuẩn mực đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp. Qua đó nhằm thay đổi phong cách làm việc của cán bộ, nhân viên trên tinh thần tận tụy, hết lòng vì nước, vì dân, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, đoàn kết, phát huy dân chủ; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với Nhà nước, bảo vệ môi trường... góp phần tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh (SXKD), tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa của doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp đã cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về phát triển khoa học - công nghệ (KHCN) vào công tác quản lý, áp dụng KHCN tiên tiến, sử dụng máy móc, thiết bị hiện đại vào sản xuất; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành để tối ưu hóa năng suất lao động, hiệu quả SXKD. Nhiều doanh nghiệp có những công trình nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến kỹ thuật ứng dụng vào thực tiễn, tạo ra những sản phẩm có giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập, mức sống của người lao động. Điển hình như: Viễn thông Phú Thọ phát động Cuộc thi “Sáng tạo VNPT 2024” và đồng hành với phong trào 1 triệu sáng kiến của Công đoàn Tập đoàn; Công ty CP Giống vật tư nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam với dự án cấp tỉnh “Ứng dụng công nghệ cao xây dựng mô hình sản xuất tảo soắn Spirulina tại tỉnh Phú Thọ”; Công ty TNHH Dệt Phú Thọ cải tiến làm lưới lọc bụi cho máy ghép Rieter... Qua đó, nâng cao hiệu quả hoạt động SXKD của các doanh nghiệp.

Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng 6 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp trong Khối có tổng doanh thu ước đạt 18.710 tỷ đồng, tăng 7,01% so với cùng kỳ; nộp ngân sách nhà nước ước đạt 849 tỷ đồng, bằng tăng 3,15% so với cùng kỳ. Các doanh nghiệp trong Khối đảm bảo việc làm cho gần 26.000 lao động với thu nhập bình quân đầu người đạt gần 8.000.000 đồng/người/tháng, tăng 4,3% so với cùng kỳ. Ngoài phát triển SXKD, các doanh nghiệp đã tích cực tham gia hoạt động xã hội.
Trao đổi về giải pháp tập trung thực hiện trong thời gian tới để xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong Khối, đồng chí Lê Đức Thưởng - Phó Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh cho biết, cần tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, sự quản lý, điều hành của lãnh đạo doanh nghiệp và sự phối hợp chặt chẽ giữa tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể trong thực hiện xây dựng văn hóa. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, người lao động về văn hóa doanh nghiệp và thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Coi trọng xây dựng, nâng cao uy tín thương hiệu của sản phẩm và doanh nghiệp.
Đặc biệt chú trọng vai trò, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu trong xây dựng, thực hiện văn hóa doanh nghiệp. Xây dựng môi trường làm việc dân chủ, đoàn kết, đẩy lùi bệnh quan liêu, bè phái, mất đoàn kết nội bộ. Không ngừng nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, người lao động. Quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động; đẩy mạnh hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, xây dựng đời sống tinh thần lành mạnh cho cán bộ, công nhân viên, người lao động. Có chế độ, chính sách khuyến khích, động viên cán bộ, đảng viên, người lao động tự nghiên cứu, học tập, nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ. Chú trọng công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp.
Trịnh Hà
Dẫn nguồn: 
Chú trọng văn hóa doanh nghiệp (baophutho.vn)

Các tin khác
Thông báo mới
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com