Chủ nhật | 09/06/2024

baophutho.vnTrước bối cảnh khí hậu có nhiều diễn biến bất thường thì việc bảo đảm an toàn, an ninh nguồn nước cũng như môi trường sinh thái là vấn đề hết sức quan trọng. Vì vậy, những năm qua, tỉnh Phú Thọ đặc biệt quan tâm đến công tác quản lý, khai thác nguồn tài nguyên này một cách hiệu quả để phục vụ đời sống Nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội bền vững trên địa bàn.

Học sinh Trường Mầm non Kiệt Sơn, huyện Tân Sơn được sử dụng nước hợp vệ sinh.

Hệ lụy nhãn tiền

Phú Thọ có khí hậu ôn đới, mưa nhiều, lượng mưa trung bình từ 1.600-1.800 mm/năm; hệ thống sông, ngòi của tỉnh phân bố tương đối đồng đều, gồm 3 con sông lớn là sông Hồng, sông Đà và sông Lô cùng với 130 sông, suối nhỏ, hàng nghìn ao, hồ, đầm phân bố khắp trên địa bàn tỉnh; cùng với trữ lượng nước dưới đất cung cấp một lượng không nhỏ trên tổng lượng nước cấp sinh hoạt đã tạo ra nguồn cung cấp nước chủ yếu cho sản xuất, sinh hoạt của Nhân dân và điều hòa môi trường khí hậu. Tuy nhiên, hiện nay tốc độ đô thị hóa ngày càng cao, nhu cầu về sử dụng nước không ngừng tăng theo, đồng nghĩa với đó là lượng nước thải ra môi trường không qua xử lý, khiến nguy cơ gây ô nhiễm cũng tăng lên; quá trình khai thác khoáng sản; sử dụng hoá chất độc hại trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; vi phạm hành lang bảo vệ nguồn nước làm biến đổi dòng chảy... Cùng với đó là tình trạng sử dụng nước không hợp lý, gây lãng phí nguồn nước, làm cho trữ lượng nước bị giảm mạnh. Ở vùng nông thôn, tình trạng người dân khoan, đóng giếng tùy tiện không đúng kỹ thuật để phục vụ sinh hoạt và tưới tiêu trong nông nghiệp đã gián tiếp gây ô nhiễm và sút giảm trữ lượng nước ngầm, ảnh hưởng lớn đến việc khai thác nước sạch cho người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng cao... Điều này đã và đang gây ảnh hưởng xấu cho sinh hoạt và phát triển sản xuất kinh tế nông, lâm nghiệp, công nghiệp, du lịch...

Theo báo cáo của Sở TN&MT từ năm 2020-2023, Sở đã triển khai 8 cuộc thanh tra 39 tổ chức, cá nhân và 13 cuộc kiểm tra 67 tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh có liên quan đến khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước. Trong đó đã phát hiện, xử lý 37 đơn vị vi phạm thăm dò, khai thác, sử dụng nước dưới đất không có giấy phép; vi phạm xả nước thải vượt quy chuẩn cho phép ra môi trường; vi phạm xả nước thải không đúng vị trí quy định của giấy phép; vi phạm không thực hiện quan trắc, giám sát tài nguyên nước trong khai thác, sử dụng nước dưới đất; vi phạm xả nước thải vượt quy chuẩn cho phép ra ngoài môi trường với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính hơn 4 tỷ đồng và thu hồi hơn 226 triệu đồng là tiền thu lợi bất hợp pháp có được từ hành vi vi phạm hành chính. Đồng thời, đình chỉ hoạt động, tước giấy phép, buộc khôi phục lại hiện trạng trám lấp các giếng khoan khai thác nước dưới đất có hành vi vi phạm về thăm dò, khai thác, sử dụng nước dưới đất không có giấy phép; yêu cầu thực hiện đấu nối, sử dụng nước từ hệ thống cấp nước tập trung đã có tại khu vực.

Nhiều công trình nước tự chảy được đầu tư, giúp cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa được sử dụng nước hợp vệ sinh.

Nỗ lực vì cuộc sống xanh bền vững
Những năm gần đây, việc sử dụng nước hợp vệ sinh của các xã vùng đồng bào miền núi ở huyện Thanh Sơn đã được cải thiện rõ rệt. Nhiều hộ dân trước đây phải sử dụng nguồn nước chưa đảm bảo để sinh hoạt nay đã được dùng nguồn nước hợp vệ sinh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Đồng chí Trần Quang Thành - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Huyện đã chỉ đạo các ngành liên quan phối hợp với các xã, thị trấn xác định mốc giới, kiểm tra, giám sát vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt để phát hiện những nơi nguồn nước bị ô nhiễm không đạt tiêu chuẩn cấp nước sinh hoạt, kịp thời dừng khai thác, cấp nước đảm bảo sức khỏe của Nhân dân. Việc khai thác nước ở địa phương không vượt quá ngưỡng giới hạn đối với các sông và trữ lượng đối với các tầng chứa nước, phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, môi trường và trong cả mùa lũ và mùa kiệt của các hệ thống hồ chứa nước”.
Do biến đổi khí hậu, hiện nay chúng ta phải thường xuyên đối mặt với các thiệt hại và rủi ro thiên tai nghiêm trọng liên quan đến nước như bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ quét, ngập lụt; sạt lở đất, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, cháy rừng... Để đảm bảo an ninh, an toàn nguồn nước, hàng năm tỉnh Phú Thọ đều bố trí nguồn kinh phí để thực hiện điều tra, đánh giá về tài nguyên nước đối với các nguồn nước sông, suối, hồ, đầm trên địa bàn tỉnh, theo nguyên tắc ưu tiên những nhiệm vụ cấp thiết trước: Quy hoạch tài nguyên nước phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội; điều tra, đánh giá tài nguyên nước; điều tra, lập danh mục các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ; danh mục các nguồn nước không được san lấp; điều tra, khoanh định khu vực hạn chế khai thác, ngưỡng khai thác nước dưới đất tỉnh Phú Thọ; đánh giá hiện trạng khai thác, sử dụng, xả nước thải vào nguồn nước; xác định danh mục các nguồn nước bị ô nhiễm, cạn kiệt; kiểm kê tài nguyên nước định kỳ; xây dựng và duy trì hệ thống mạng quan trắc, giám sát tài nguyên nước; xây dựng và duy trì hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước; đảm bảo phân bổ hợp lý nguồn nước; bảo vệ tài nguyên nước; phòng, chống và khắc phục hậu quả do nước gây ra.
Đồng chí Phạm Văn Quang, TUV- Giám đốc Sở TN&MT cho biết: “Sở TN&MT đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu các tổ chức, cá nhân thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, hành nghề khoan nước dưới đất thực hiện các quy định pháp luật về tài nguyên nước và xây dựng hệ thống xử lý nước thải, vận hành xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, phù hợp với mục đích sử dụng nước. Tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước; phối hợp với các ngành liên quan, các địa phương triển khai thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật; đẩy mạnh công tác bảo vệ tài nguyên nước, thiết lập quản lý chặt chẽ hành lang bảo vệ nguồn nước; quản lý các hoạt động khai thác, bảo vệ nguồn nước dưới đất; thanh tra, kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về tài nguyên nước”. Đến nay, nhiều tổ chức, cá nhân thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, hành nghề khoan nước dưới đất đã chủ động lập hồ sơ đề nghị cấp phép theo quy định; hầu hết các tổ chức, cá nhân xả nước thải vào nguồn nước đã thực hiện xây dựng hệ thống xử lý nước thải và vận hành xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, phù hợp với mục đích sử dụng nước của nguồn tiếp nhận trước khi xả thải, thiết thực góp phần bảo vệ tài nguyên nước, bảo vệ môi trường sống.
Cùng với nỗ lực của ngành, các địa phương cũng tăng cường công tác kiểm tra, có biện pháp kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi xâm lấn, làm thu hẹp, ô nhiễm nguồn nước. Trên thực tế, địa phương nào kiểm tra thường xuyên, quyết liệt xử lý các hành vi vi phạm an toàn, an ninh nguồn nước thì nguồn nước, công trình cấp nước được giữ gìn, phát huy hiệu quả và ngược lại địa phương nào thờ ơ, thiếu trách nhiệm thì việc xâm lấn công trình vẫn tồn tại, gia tăng, không những đe dọa an toàn, an ninh nguồn nước mà còn gây mất an ninh trật tự địa phương. Các gia đình, cá nhân cần nêu cao ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ, sử dụng tiết kiệm hiệu quả nguồn nước mặt, nước ngầm trong sản xuất, sinh hoạt. Có như vậy mới giữ vững được an ninh, an toàn nguồn nước đồng thời tránh được những sự cố ô nhiễm mà nhiều địa phương đang phải gánh chịu.
Thúy Hằng
Dẫn nguồn: 
Chung tay bảo vệ nguồn nước (baophutho.vn)

Các tin khác
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com