Thứ 2 | 28/11/2022
Phương Hà - Phòng Quản lý Di sản văn hóa
 
     Phú Thọ - vùng Đất Tổ, cái nôi của nền văn minh sông Hồng, trung tâm sinh tụ của người Việt cổ thời các Vua Hùng dựng nước Văn Lang. Miền đất thiêng liêng cội nguồn dân tộc Việt Nam trải qua hàng nghìn năm lịch sử còn lưu giữ rất nhiều giá trị di sản văn hóa vô cùng phong phú, đặc biệt là các di sản văn hóa gắn với thời đại Hùng Vương dựng nước. Với dòng chảy văn hóa cội nguồn, Phú Thọ còn lưu giữ và bảo tồn một khối lượng lớn các di sản văn hóa (vật thể và phi vật thể) đa dạng, phong phú và đặc trưng, phản ánh cuộc sống của cư dân nông nghiệp trong tiến trình lịch sử hình thành và phát triển của quốc gia, dân tộc. Với số lượng hiện đã kiểm kê quản lý có 967 di tích lịch sử - văn hóa. Trong đó có 324 di tích đã được Nhà nước xếp hạng (Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng, 73 di tích quốc gia; 250 di tích cấp tỉnh); 315 lễ hội (311 lễ hội truyền thống, 04 lễ hội văn hóa, thể thao và du lịch) là cơ sở để bảo tồn không gian văn hóa Hùng Vương, góp phần quan trọng trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.

     Từ khi Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan Phú Thọ được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, tỉnh Phú Thọ đặc biệt quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy giá trị của hai di sản này, trên cơ sở cam kết và triển khai thực hiện tốt Chương trình hành động quốc gia.

     * Đối với Di sản văn hóa Tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương:
     Đảng bộ chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ đã nỗ lực quảng bá, bảo vệ và phát huy giá trị di sản, phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương thực hiện đầy đủ cam kết của chính phủ Việt Nam với UNESCO về bảo vệ di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương theo tinh thần Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Phú Thọ đã tập trung thu hút các nguồn lực, nhất là nguồn lực trong xã hội để đầu tư tôn tạo, tu bổ hệ thống các di tích gắn với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trên địa bàn tỉnh; bảo đảm không làm biến đổi hiện vật, di tích gốc, không thay đổi cảnh quan, xây dựng các hạng mục nhận diện, đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng cơ sở phục vụ.

     Trong những năm qua, tỉnh Phú Thọ đã tích cực triển khai các hoạt động tuyên truyền quảng bá giới thiệu di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương nhằm nâng cao nhận thức và năng lực của cộng đồng, chủ thể văn hóa nhằm giữ gìn và phát huy giá trị to lớn, độc đáo của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tạo sức lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng trong nước và quốc tế.

     Hàng năm, tỉnh Phú Thọ tổ chức tốt giỗ Tổ Hùng Vương vào ngày 10 tháng 3 âm lịch tại Khu di tích lịch sử đền Hùng và các làng xã nơi có di tích thờ Hùng Vương trên địa bàn tỉnh đảm bảo trang nghiêm, thành kính, đúng nghi thức truyền thống góp phần bảo vệ các giá trị cốt lõi của di sản và tạo sức “lan tỏa” mạnh mẽ trong cộng đồng người Việt trong nước và kiều bào ở nước ngoài.

     Tỉnh Phú Thọ đã phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, kiểm kê khoa học các di tích thờ cúng Hùng Vương trên địa bàn tỉnh và cả nước. Hiện cả nước có 1.417 di tích thờ Hùng Vương và các tướng lĩnh thời Hùng Vương. Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ hiện có 345 di tích, phế tích gắn liền Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Trong đó, Khu di tích lịch sử Đền Hùng được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt, 37 di tích quốc gia, 135 di tích cấp tỉnh; 269 di tích đang thờ tự. Công tác sưu tầm, nghiên cứu các nghi thức, diễn xướng dân gian liên quan đến tín ngưỡng thờ Hùng Vương ở các làng, xã trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được triển khai thực hiện hiệu quả; sắc phong, ngọc phả, thần tích, văn bia... tại các di tích thờ Hùng Vương, danh tướng thời Hùng Vương trên địa bàn 10 tỉnh phía Bắc được nghiên cứu, sưu tầm, lập thư mục thống kê và phiên âm, dịch nghĩa.

     Phú Thọ chú trọng chăm lo công tác bảo vệ và tái tạo không gian văn hóa thực hành Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng và các làng có di tích thờ Hùng Vương trên địa bàn tỉnh. Tập trung thực hiện từng bước công tác đầu tư tu bổ, tôn tạo Khu di tích lịch sử đặc biệt quốc gia Đền Hùng theo đúng Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ đến năm 2025 theo các nội dung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Phú Thọ cũng thực hiện khôi phục, tu bổ các di tích tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thuộc các xã vùng ven Đền Hùng và trên địa bàn tỉnh nhằm đảm bảo không gian thiêng cho nhân dân thực hành, tổ chức các nghi lễ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đúng với nghi thức truyền thống. Nhiều địa phương, việc phục hồi các cơ sở tín ngưỡng đều do cộng đồng dân cư đóng góp và hợp sức xây dựng.
 
Lễ hội Vua Hùng dạy dân cấy lúa phường Minh Nông, thành phố Việt Trì
 
     Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Phú Thọ đã xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh cho 25 di tích thờ cúng Hùng Vương và các nhân vật thời Hùng Vương. Đồng thời, đã huy động nguồn lực đầu tư cho công tác phục hồi, tu bổ, tôn tạo các di tích thờ Hùng Vương trên địa bàn tỉnh với số kinh phí gần 1.200 tỷ đồng cho Khu di tích lịch sử đền Hùng và gần 60 di tích thờ Hùng Vương trên địa bàn tỉnh; trong đó vốn xã hội hóa đạt gần 400 tỷ đồng. Thực hiện xây dựng 07 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu liên quan đến Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

     Nhằm tiếp tục bảo tồn Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương một cách thiết thực, trong những năm qua, tỉnh Phú Thọ đã có nhiều giải pháp và tạo mọi điều kiện để hỗ trợ cộng đồng bảo tồn, phát huy di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tại địa phương như: Chú trọng việc truyền dạy cho thế hệ trẻ việc kết nối và thực hành di sản để sáng tạo, tiếp nối và duy trì bản sắc văn hóa truyền thống trong cuộc sống đương đại; đồng thời tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng - chủ thể văn hóa nhằm giữ gìn và phát huy các giá trị to lớn, độc đáo và  ý nghĩa  sâu sắc của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Tỉnh Phú Thọ đã và đang nỗ lực để đưa di sản trở về với cộng đồng, đồng thời khẳng định tầm quan trọng của cộng đồng cũng như giúp cộng đồng hiểu rõ vai trò của mình trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản vùng đất Tổ.

     * Đối với di sản văn hóa Hát Xoan Phú Thọ:
     Tỉnh Phú Thọ đã ban hành Đề án gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại Hát Xoan Phú Thọ, giai đoạn 2020-2025; ban hành Kế hoạch triển khai các nhiệm vụ trọng tâm về gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại Hát Xoan Phú Thọ hàng năm.

     Tỉnh cũng đã ban hành Quy chế xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Hát Xoan Phú Thọ. Việc công nhận danh hiệu cao quý cho các nghệ nhân nắm giữ vốn di sản Hát Xoan Phú Thọ chính là tôn vinh công lao những “Báu vật nhân văn sống”, đồng thời, đề cao nhận thức về vai trò, vị trí của các nghệ nhân trong việc gìn giữ và phát huy giá trị di sản (Tính đến hiện tại danh hiệu Nghệ nhân Hát Xoan Phú Thọ đã được UBND tỉnh Phú Thọ phong tặng cho 66 nghệ nhân).

     Trong những năm qua, tỉnh Phú Thọ đã phục hồi và tạo sức sống mãnh liệt, bền vững cho di sản Hát Xoan; tất cả 31 bài bản Xoan cổ được các nghệ nhân lão thành nắm giữ trao truyền cho lớn nghệ nhân kế cận và được tư liệu hóa và số hóa đầy đủ; đã xuất bản cuốn “Tổng tập nghiên cứu về hát Xoan Phú Thọ” làm tài liệu nghiên cứu, truyền dạy và phổ biến.
 
Trình diễn Hát Xoan tại đình Hùng Lô, xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì
 
     Các lễ hội truyền thống gắn với hát Xoan cũng được duy trì và phục hồi, tạo không gian văn hóa cho cộng đồng thực hành và trình diễn di sản. Công tác truyền thông, quảng bá giá trị Hát Xoan Phú Thọ được tổ chức với nhiều hoạt động tích cực để đưa di sản được bảo tồn và phát huy giá trị bền vững trong cộng đồng. Hoạt động thông tin quảng bá giúp cộng đồng nhận diện giá trị của di sản hát Xoan được các cơ quan truyền thông của tỉnh Phú Thọ và Trung ương quan tâm, phản ánh bằng nhiều hình thức, ngôn ngữ. Sản xuất nhiều ấn phẩm để tuyên truyền, giới thiệu di sản Hát Xoan trong và ngoài nước. Hoạt động truyền dạy di sản được tổ chức thường xuyên, hiệu quả tại các phường Xoan trong cộng đồng và trong các cấp học trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

     Các di tích đình, đền, miếu nơi có tục lệ Hát Xoan thờ thần vào dịp đầu xuân - Không gian văn hóa thực hành và bảo tồn di sản Hát Xoan được đầu tư tu bổ, tôn tạo đủ điều kiện cho cộng đồng trình diễn Hát Xoan thờ thần, tất cả các phường Xoan có đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất tốt nhất để thực hiện các nghi lễ, trình diễn hát Xoan gắn với việc thờ cúng các Vua Hùng cũng như tổ chức truyền dạy, thực hành di sản, phục vụ du lịch.

     Các biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị di sản hát Xoan được thực hiện bài bản, khoa học theo đúng quy định của UNESCO và pháp luật hiện hành của Việt Nam; được các cơ quan quản lý, các nhà khoa học, nghệ nhân và cộng đồng ghi nhận, đánh giá cao. Qua đó, đưa nghệ thuật Hát Xoan trở thành một sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế.

     * Hạn chế, khó khăn trong quá trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản:
     Một số di tích lịch sử văn hóa - Không gian văn hóa bảo tồn và thực hành Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan Phú Thọ đang bị xuống cấp và chưa đủ nguồn kinh phí để tu bổ, tôn tạo.

     Nguồn ngân sách nhà nước hàng năm hỗ trợ cho hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản liên quan đến Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan Phú Thọ so với nhu cầu vốn vẫn ở mức thấp.
Chính sách tôn vinh, đãi ngộ nghệ nhân, nhà nghiên cứu có công nắm giữ, truyền dạy và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể còn hạn chế.

     Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, nhằm lan tỏa Tín ngưỡng thờ cùng Hùng Vương và Hát Xoan Phú Thọ trong đời sống cộng đồng, trong giai đoạn tới, tỉnh Phú Thọ tiếp tục tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

Một là, Tăng cường công tác nghiên cứu, sưu tầm, tập hợp các truyền thuyết, nghi lễ, diễn xướng dân gian; khôi phục và bảo tồn các lễ hội liên quan  đến tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan Phú Thọ. 

Hai là, Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá di sản văn hóa phi vật thể Hát Xoan và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Tuyên truyền, vận động làm chuyển biến, nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân về di sản văn hóa phi vật thể "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương" và “Hát Xoan Phú Thọ” là tài sản quý giá của nhân loại và vai trò, trách nhiệm trong việc bảo vệ, phát huy các giá trị to lớn của di sản. Mỗi người dân vừa là người tham gia bảo vệ vừa là người thụ hưởng những giá trị của di sản văn hóa mang lại. Tuyên truyền, giới thiệu, phổ biến, quảng bá về Tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan Phú Thọ, các giá trị văn hóa vùng đất Tổ... đến tất cả các cấp, các ngành và nhân dân toàn tỉnh, du khách trong và ngoài nước, thông qua đó cộng đồng nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ, tu bổ, tôn tạo các di tích nơi thực hành Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan Phú Thọ. Triển khai chương trình giáo dục về di sản văn hóa phi vật thể Hát Xoan lồng ghép trong các chương trình chính thức và ngoại khóa trong các trường học trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

Ba là, Đào tạo lớp nghệ nhân kế cận tại các phường Xoan, trong đó tập trung ưu tiên đào tạo nâng cao chất lượng các nghệ nhân đã được đào tạo, phát hiện chọn lựa những học viên có năng khiếu ở các câu lạc bộ để đào tạo nghệ nhân mới có trình độ, kỹ năng biểu diễn xuất sắc.

Bốn là, Tập trung xây dựng, phê duyệt quy hoạch, đầu tư phục hồi, tu bổ, tôn tạo hệ thống các di tích liên quan đến thờ cúng Hùng Vương và tục lệ Hát Xoan đảm bảo chủ động, khoa học, hiệu quả. Quy hoạch là một giải pháp có ý nghĩa chiến lược đối với việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa.

Năm là, Ưu tiên đầu tư từ ngân sách tỉnh và nguồn hỗ trợ từ Trung ương; tích cực thu hút nguồn đóng góp tài trợ của doanh nghiệp, nhà hảo tâm, nhân dân tập trung tu bổ, tôn tạo xây dựng Khu di tích lịch sử Đền Hùng và các di tích đã xuống cấp để tạo lập không gian phục vụ người dân thực hành nghi lễ. Đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng dịch vụ các khu du lịch, điểm du lịch gắn với hai di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và mục tiêu xây dựng thành phố Việt Trì là thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam, Khu du lịch quốc gia Đền Hùng, điểm du lịch Hùng Lô, điểm du lịch miếu Lãi Lèn… Đẩy mạnh công tác xã hội hóa hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa, gắn bảo tồn phát huy di sản văn hóa với phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch tâm linh.

Sáu là, Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ văn hóa vừa có năng lực, trình độ, vừa có tâm huyết là cơ sở quan trọng, là nguồn lực bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cả trước mắt và lâu dài.

Bảy là, Hoạch định và thực hiện nhiều biện pháp, cơ chế, chính sách nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

     Với tâm huyết và trách nhiệm trước cộng đồng, tỉnh Phú Thọ sẽ tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan Phú Thọ, huy động sự quan tâm, ủng hộ của các tổ chức, cá nhân và xã hội đối với lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Tỉnh Phú Thọ tin tưởng rằng, với sự đồng thuận của các cấp, các ngành, đặc biệt là của cộng đồng, di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan Phú Thọ sẽ tiếp tục được thực hành và trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, trường tồn cùng với sự phát triển của dân tộc./.
Các tin khác
Thông báo mới
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com