Thứ 6 | 30/03/2018
Từ xa xưa, cồng chiêng là loại nhạc cụ không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người Mường. Dù già, trẻ, gái, trai đều có thể tham gia đánh cồng chiêng. Điều đặc biệt hơn cả là trong mỗi dịp lễ, tết, đám cưới, đám ma, hội đình làng... cồng chiêng xuất hiện với những ý nghĩa riêng sâu sắc, là âm thanh báo hiệu tết đến, xuân sang; mừng ngày thu hoạch; cũng là thay lời chúc tụng dân bản thịnh vượng, phồn vinh. Đồng bào Mường Phú Thọ nói chung và đồng bào Mường ở Thanh Sơn nói riêng rất quý cồng chiêng, văn hóa cồng chiêng và không gian văn hóa cồng chiêng đã ăn sâu, bám rễ vào mọi mặt đời sống của đồng bào dân tộc Mường, hơn hết chứa đựng trong đó là tình yêu cồng chiêng tha thiết và ý thức gìn giữ nét văn hóa đặc sắc này.
Dân tộc Mường trước kia không có khái niệm “cồng chiêng” như hiện nay mà chỉ gọi là “hát sắc bùa”. Hát sắc bùa là tên gọi chung cho cả hát “khóa rác” (chỉ giai điệu hát, lời ca) và nhạc “sắc bùa” (các bài nhạc tấu chiêng). Một giàn cồng chiêng của người Mường bao gồm 4,6,8 chiếc nhưng đầy đủ phải là 12 chiếc to nhỏ khác nhau. Nếu cồng, chiêng Tây Nguyên có sự phân định tương đối rõ ràng: những chiếc có núm là cồng, còn những chiếc mặt bằng gọi là chiêng, thì ở người Mường, cồng là từ dùng chỉ loại nhạc cụ không có núm, to chừng miệng thúng, còn gọi là “Lệnh”, chỉ dùng khi vua, quan truyền lệnh. Chiêng là loại nhạc cụ có núm, dùng trong các lễ hội, Tết… Chiêng đồng có hai loại: Chiêng đúc (mặt chiêng tròn trơn nhẵn bóng còn gọi là “chiêng hơ” có từ xưa); Chiêng gò (mặt chiêng có hình vảy tê tê còn gọi là “chiêng nay” ra đời sau chiêng đúc). Chiêng được làm bằng đồng nguyên chất mới chuẩn âm và bền đẹp và người dân vẫn gọi loại chiêng dùng trong lễ hội với tên chung là cồng chiêng.
Thời điểm khắp nơi trên địa bàn huyện Thanh Sơn đang nô nức chuẩn bị cho Lễ hội Đền Hùng năm Mậu Tuất 2018, chúng tôi tìm gặp nghệ nhân Đinh Văn Thành, xã Tất Thắng- người am hiểu sâu sắc về văn hóa Mường, đặc biệt là văn hóa cồng chiêng, được biết, nhiều năm nay, ông Thành cùng với đội cồng chiêng của xã do ông tập luyện thường xuyên đi biểu diễn tại các ngày hội lớn trong và ngoài huyện, trong đó có Lễ hội Đền Hùng. Ông chia sẻ: Lễ hội Đền Hùng năm nay có nhiều điểm mới hơn so với mọi năm vì đội cồng chiêng của Tất Thắng không chỉ diễn tấu tại Trại văn hóa mà còn tham gia vào chương trình lễ hội văn hóa dân gian đường phố Việt Trì. Nhờ sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, sau khi Đề án Kiểm kê, sưu tầm, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường giai đoạn 2017- 2020, định hướng đến năm 2025 được ban hành càng tạo động lực để các xã, thị trấn trên địa bàn huyện duy trì cũng như tiến hành thành lập mới các Câu lạc bộ cồng chiêng. Riêng xã Tất Thắng hiện có 6 CLB cồng chiêng. Việc khôi phục, phát huy nét văn hóa cồng chiêng của đồng bào người Mường có sự vào cuộc của các cấp, các ngành khiến bà con vô cùng phấn khởi.
Theo lời kể của ông Thành, cách tấu chiêng có 4 đom. Đom 1 chỉ đánh một chiêng giai điệu lên đom 2, dùng 2 chiêng đánh giai điệu đến đom 3, đom 4...; tiếng chiêng xưa kia mô phỏng theo từng tiếng chim rừng, phong cảnh hoa nở mùa xuân. Bắt chước đàn chim rừng đang ăn, nghe tiếng động, đồng loạt bay vù âm “cà rầm” đó là tiếng “khầm” của các cỡ chiêng to nhỏ. Khi nghe chiêng 1 đánh giai điệu, lần lượt các đom đánh đuổi theo nhau, hết lượt lại trở về chiêng đầu (chiêng cái). Mặc dù chiêng đầu có âm thấp hay cao, cũng chỉ đom 1 tiếng “bong” rồi tập thể đồng loạt đánh “khầm”, tiếp đến đánh “đom” hai tiếng “bong bong” rồi khầm.
Đến đom 2 được mô phỏng theo tiếng chim “đức cọc” và chim “lổng bổng- lảng bảng” ở các chiêng có âm thấp hơn đom 1 phỏng theo tiếng chim trống chim mái gọi nhau. Từ đó dùng các chiêng có cỡ lớn hơn âm trầm, âm cao để sắc bùa, người nghe cảm giác không gian rừng núi âm u, hoang vắng có tiếng tâm tình rủ rỉ trong đêm khuya rất tình tứ. Đom 3, không kể khi sắc bùa dạo 3 chiêng có âm khác nhau liền quãng hoặc chỉ cách một quãng âm, chiếc có âm thấp nhất “ đom” giữa hai chiêng kia đổi nhau. Bài sắc bùa này đánh điểm chấm phá vào nữa thành bài nhạc đi đường (còn gọi đom 3 rặp dùi lộn). Có nơi bài diễn tấu đi đường không lấy âm thấp nhất mà lại lấy âm cao nhất đánh giữa và thêm chiêng chót tô điểm cho nó uyển chuyển bằng cách đánh thong thả. Nghe bài sắc bùa này du khách cảm giác không khí thanh bình, vui tươi đầm ấm, hồ hởi quên hết mệt nhọc (chính nó là đom 4 diễn tấu đi đường vì 4 chiêng đánh giai điệu hay còn gọi đom 3 chọi và bóng ba). Từ bài đom 4 này chiêng chót được chấm phá nhiều hơn (cũng có nơi dùng 2 chiêng chót khác âm, đẩy tiết tấu âm nhạc lên nhanh hơn, chắc khỏe hơn). Lúc này du khách cảm nhận không khí rộn ràng của mùa xuân trăm hoa đua nở đang về.
Mỗi bài chiêng được diễn tả theo từng chủ đề và mang ý nghĩa khác nhau. Đánh chiêng theo giai điệu các bài:“Bông trắng bông vàng” (tạo nên tiếng “khầm”, nghe tưởng như có sức mạnh nhấc cả núi lên hoặc tiếng “khộ” tạo ra cho người nghe cảm giác như có làn gió mát thoảng qua hay đám mây lững lờ trôi nổi, bồng bềnh, lâng lâng, nâng bổng tâm hồn du khách). Ngoài chiêng “khầm” chiêng “khộ” hợp âm, còn có nơi dùng chiêng đom cũng được phối âm với nhau. Hay như bài “đùm đim” dùng đến 4 chiêng với âm cao nốt khác nhau đánh đồng âm, vừa là nhiệm vụ chấm phá, tô điểm, vừa làm nên giai điệu của những âm trầm để biểu đạt tình cảm thành kính, tôn nghiêm hợp quang cảnh lễ hội tâm linh văn hóa. Bài này mang ý nghĩa đi vui hội thể hiện lòng thành kính tri ân công đức các bậc tiền nhân nơi đình chung miếu cả phù quốc cứu dân, dựng nước, dựng làng...
            Bên cạnh đó còn có bài “rước đuốc”, người nghe cảm giác được cả đoàn người đang rầm rập tiến bước hòa cùng tiếng nổ lách tách của những bó đuốc cháy trong đêm tối xuyên qua rừng âm u, cảm giác như có cả tiếng vó ngựa “lóc bóc” tiến đi dũng mãnh của một đoàn quân chân cứng đá mềm. Bài “cà rồng”- “cà rồng leo đá” tạo cho ta có cảm giác những hình ảnh đang uốn lượn quanh co lên xuống, trùng trùng, điệp điệp như cảnh lội suối trèo đèo, bước vững chãi trên đường đá tai mèo, cheo leo vách núi. Dù mỗi bài được diễn đạt dưới những tham âm khác nhau song nhìn chung đều phản ánh tâm tư tình cảm của người dân xứ Mường trong cuộc sống, lao động, tình yêu và mang ý nghĩa nhân sinh tốt đẹp.
Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng của người Mường, huyện Thanh Sơn đã và đang tiếp tục tạo điều kiện mở các lớp tập huấn diễn xướng cồng chiêng, mời các nghệ nhân có khả năng tham gia truyền dạy và khuyến khích nhân dân theo học, nhân rộng. Tại thời điểm này, chuẩn bị cho Lễ hội Đền Hùng, ông Thành đang cùng một số nghệ nhân khác trên địa bàn biên soạn bài diễn tấu cồng chiêng và trực tiếp truyền dạy cho thành viên Đoàn diễn xướng tại lễ hội văn hóa dân gian đường phố Việt Trì. Tin tưởng rằng, huyện Thanh Sơn sẽ góp phần tôn vinh, quảng giá trị đặc sắc của văn hóa cồng chiêng khi du khách thập phương về Giỗ Tổ./. 
 

 Đội cồng chiêng tham gia tại Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc huyện Thanh Sơn
chào mừng kỷ niệm 70 năm thành lập huyện
 
Phùng Huyền Trang
(UBND huyện Thanh Sơn)
Các tin khác
Thông báo mới
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com