Thứ 5 | 23/04/2015
Lâm Thao là huyện đồng bằng - trung du của tỉnh Phú Thọ. Trung tâm Huyện là thị trấn Lâm Thao, cách thành phố Việt Trì khoảng 10 km về phía Tây, cách khu di tích lịch sử Đền Hùng 8 km, bên cạnh có đường quốc lộ 2 chạy qua sông Hồng, bao bọc đổ về Việt Trì hợp với sông Lô và sông Đà thành ngã 3 sông. Đây là huyện trọng điểm sản xuất lương thực và nằm trong vùng kinh tế động lực của tỉnh, có mạng lưới giao thông phong phú nối các tỉnh Tây Bắc với thủ đô Hà Nội. Trên địa bàn huyện có hàng trăm di tích lịch sử văn hóa với 50 di tích đã được xếp hạng, trong đó có 19 di tích xếp hạng quốc gia, 31 di tích xếp hạng cấp tỉnh, đặc biệt có 3 di tích khảo cổ là Gò Mun - xã Tứ Xã, Sơn Vi - xã Sơn Vi, Phùng Nguyên - xã Kinh Kệ và 18 di tích gắn với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.
Với truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, tri ân công đức tổ tiên, những năm gần đây, nhiều di tích, lễ hội ở Lâm Thao đã được khôi phục và tổ chức đa dạng phong phú, mang đậm nét văn hóa đặc sắc góp phần phát huy giá trị trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân như: lễ hội Trò Trám - xã Tứ Xã, Rước Chúa Gái - thị trấn Hùng Sơn, lễ hội Rước Vua về làng vui Xuân ở Tiên Kiên, lễ hội đầu xuân - Thị trấn Lâm Thao… Đây là những lợi thế đặc trưng, tạo thuận lợi cho Lâm Thao phát triển kinh tế - xã hội nói chung, phát triển du lịch nói riêng, nhất là du lịch văn hóa, tâm linh.
Thị trấn Lâm Thao trước kia còn có tên là xã Cao Mại, đây là nơi sầm uất gồm có 3 làng, phong tục thuần hậu nên dân gian còn truyền tụng câu thơ: "Phú Ân thì làng Suối trong/ Đa đình làng Giữa, văn phong làng Ngoài". Để có được những câu thơ truyền đời ghi nhận sự phát triển của địa phương Cao Mại trước kia, nay là thị trấn Lâm Thao là bởi nơi đây có các bậc hiền nhân đã che chở, khai hoang, lập ấp, truyền dạy nghề cho dân làng: Đó chính là gia đình Nguyệt Cư công chúa Đại Vương cùng 12 người con trai của ông bà. Công chúa Nguyệt Cư chính là con gái Vua Hùng vương thứ 17 (Hùng Nghị Vương).
Hàng năm cứ mỗi dịp tết đến xuân về, nhân dân thị trấn Lâm Thao lại vui mừng tổ chức lễ hội đầu xuân. Lễ hội được tổ chức từ ngày mùng 3 đến ngày mùng 7 tháng Giêng (âm lịch) nhằm ghi nhớ công lao của gia đình công chúa Nguyệt Cư và phò mã Lý Văn Lang cùng 12 người con của công chúa và phò mã. Đây là lễ hội mang nhiều nét đặc sắc gắn liền với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Ngoài ra nó còn thu hút du khách bởi có tục Hát Xoan nước nghĩa giữa hai làng An Thái (xã Phượng Lâu - thành phố Việt Trì) và xã Cao Mại (nay là Thị trấn Lâm Thao) mà ít nơi nào có được. Nhân dân 2 làng vẫn lưu truyền 4 câu thơ: "Dân anh mở tiệc thờ thần/ An Thái - Cao Mại 2 dân thọ trường/ Mỗi năm là một lần sang/ Giao lưu thọ trường kết nghĩa dài lâu".
 

Hát Xoan tại đình Đông Chấn


Lần ngược dòng lịch sử theo thần tích làng Cao Mại, Vua Hùng Vương thứ 17 phong cho phò mã Lý Văn Lang cùng vợ là công chúa Nguyệt Cư hưởng thang mộc ấp ở Cao Mại (nơi quê mẹ Lý Văn Lang). Vợ chồng ông Lý Văn Lang và bà nguyệt Cư công chúa cùng 12 người con đều là những người tài đức văn võ song toàn, đức độ khoan dung, thương dân, kính vua, giúp Vua Hùng dẹp loạn, đánh giặc giữ nước, hướng dẫn, giáo hóa dân làng làm ăn, mở mang nền văn hiến xây dựng quê hương ngày một trù phú. Để tưởng nhớ công đức gia đình công chúa Nguyệt Cư, nhân dân lập các đền và đình để thờ công chúa, phò mã và 12 người con.
Tương truyền, khi sinh ra được ba ngày, công chúa Nguyệt Cư mắc tật khóc lâu, suốt ngày đêm. Các danh y đều bó tay, sau nhờ nghe tiếng hát Xoan của con gái làng An Thái gần cung mà khỏi khóc. Từ đó có tục hát Xoan thờ vào ngày mùng 6 tháng giêng. Lại cũng có chuyện kể rằng: Sau này, lúc sắp sinh nở, công chúa vẫn theo chồng đi dẹp giặc. Thắng trận trở về, qua làng An Thái nghỉ chân, dân làng hát Xoan đón chào công chúa. Mải mê nghe hát, công chúa quên cả đau đẻ, đến khi chuyển dạ mới truyền kiệu về trang ấp Cao Mại, những người hầu phải chạy thật nhanh để nàng kịp sinh hạ Hoàng tử. Từ đó có tục kết nước nghĩa giữa hai làng An Thái - Cao Mại. Hiện nay tại địa phương còn lưu tục chạy Kiệu Vua Bà và tổ chức hát Xoan trong những ngày lễ hội để ghi dấu sự kiện này. 
Theo các cụ cao niên truyền lại, Lễ hội đầu xuân của Thị trấn Lâm Thao được tổ chức từ ngày mùng 3 đến ngày mùng 7 tháng giêng. Trong đó, ngày mùng 3 là ngày sinh của Đức vua bà Nguyệt Cư công chúa và cũng là ngày các con cùng với dân làng dâng lễ mẹ cha nhân dịp đầu xuân mới. Do đó, ngày mùng 3 Tết, chủ tế cùng đại diện quan viên, chức sắc và nhân dân trong làng tổ chức rước đồ lễ hay còn gọi là nghi lễ rước bánh ngũ sắc và mâm ngũ quả từ nhà ông chủ tế ra Đền Nhà Bà làm lễ tế. Sáng ngày mùng 4 tết, nhân dân tổ chức rước kiệu Đức vua bà Nguyệt Cư công chúa cùng chồng là phò mã Lý văn Lang vào đình Đông Chấn là đình thờ người con trai cả để thăm các con. Chiều ngày mùng 5, nhân dân trong làng sẽ tập trung tại nhà ông chủ tế để chuẩn bị đồ tế lễ cung tiến vợ chồng công chúa và người con trai cả. Đồ tế lễ bao gồm xôi ngũ sắc, trầu cau, hoa quả, rượu... Đồng thời chuẩn bị bàn nghế, chỗ nghỉ cho phường Xoan An Thái của xã Phượng Lâu sẽ sang hát vào tối mùng 6 tết.
Sáng ngày mùng 6, dân làng rước đồ tế lễ từ nhà ông chủ tế ra đình Đông Chấn để tế lễ. Theo quan niệm của dân làng, đây là ngày sinh của người con trai cả Lý Tràng và cũng là ngày các con của công chúa và phò mã dâng lễ mẹ cha. Chiều mùng 6, chủ tế cùng quan viên chức sắc và các kép nam sẽ ra đầu làng đón phường Xoan An Thái của xã Phượng Lâu - thành phố Việt trì gồm 2 họ Xoan tổng cộng 18 người trong đó có 02 cụ trùm của mỗi đoàn, 06 kép nam (mặc áo the, đầu đội khăn xếp) và 10 đào (mặc áo tứ thân, khăn vấn đầu). Phường Xoan An Thái chuẩn bị mâm lễ vật rồi buổi tối cùng với nhân dân địa phương ra đình Đông Chấn làm lễ và bắt đầu cuộc hát cùng các kép nam của thị trấn Lâm Thao với 3 chặng là hát thờ, hát quả cách và hát hội.
Nét chung của các bài hát thờ là âm nhạc mang tính khẩn nguyện, lời thơ bốn từ, giai điệu dùng thang ba, bốn âm, nhịp điệu đồng độ, đơn giản. Lối hát chuyển giọng của đào, kép cách nhau quãng 4. Phách dùng để dẫn nhịp cho hát, múa tạo sự ăn nhập, hài hòa giọng hát và nhạc cụ đệm ở một số bài bản Xoan. Trống con có vai trò chủ đạo giữ nhịp cho hát, múa. Âm sắc trống con kết hợp cùng trống cái nhằm tạo sự hài hòa âm thanh, âm trầm của nhạc cụ gõ.
Chặng thứ 2, là sự trình diễn các “quả cách”. Đây là những bài thơ dài được các nhà nho bình dân sáng tác bằng chữ Nôm được đóng thành quyển. Trong hát Xoan có 14 quả cách. Nội dung của các “quả cách” bao gồm nhiều mặt: Hoặc miêu tả sinh hoạt của các tầng lớp người đương thời ở nông thôn, hoặc ca ngợi thiên nhiên hoặc kể tích xưa. Mỗi quả cách thường được chia làm 3 phần: Giáo cách, đưa cách và kết cách.
Tiếp theo là phần hội với các bài như: "Xin huê - đố huê", "Bỏ bộ", "Mó cá"… "Xin huê - Đố huê" là điệu hát trao duyên giữa đào xoan với các trai làng sở tại. Họ thử tài ứng đối của nhau bằng những câu đố về các loài hoa. Còn hát - múa "Bỏ Bộ" là dùng điệu bộ minh hoạ nội dung lời ca. Nhìn các động tác múa, người xem có thể đoán được múa diễn tả công việc gì trong đời sống thường nhật của cư dân trồng lúa nước. Bài "Mó cá" với ý nghĩa dâng hoa, dâng cá lên Thành hoàng cầu phúc lộc. Để kết thúc cho cả 3 chặng diễn xướng của hát Xoan là bài "Hò chèo cách". Phường Xoan quay lại gian giữa hát bài hò chéo cách rồi tạ lễ và nghỉ. Khi điệu múa, câu hát khép lại cũng đúng lúc gà gáy năm canh, báo hiệu đêm đã tàn.
Sáng hôm sau tức mùng 7 Tết, chủ tế và quan viên chức sắc cùng với dân làng rước kiệu công chúa và phò mã từ đình Đông Chấn về Đền Nhà Bà và làm lễ yên vị. Đoàn rước có đủ chiêng, trống, mâm ngũ quả... Trên đường rước 4 cô đào hát Xoan của làng An Thái cùng chạy hát song song với kiệu Bà. Theo tích công chúa đau đẻ phải khiêng kiệu chạy vội. Khi kiệu về yên vị tại Đền Nhà Bà, ông chủ tế làm lễ tạ, kết thúc lễ hội. Các quan viên, chức sắc, các kép Xoan chia tay phường Xoan và có một khoản tiền thưởng cho phường Xoan ra về, hẹn gặp lại vào mùa lễ hội năm sau.
Hàng ngàn đời trôi qua, hát Xoan đã được bảo tồn, truyền dạy qua bao thế hệ, trở thành giá trị văn hoá phi vật thể nổi bật của nhân dân Phú Thọ nói riêng và của dân tộc Việt Nam nói chung. Thông qua tục hát Xoan nước nghĩa, đã góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại - Hát Xoan Phú Thọ, đưa Hát Xoan ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp năm 2016 và trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; đồng thời khơi dậy nét đẹp văn hóa truyền thống, sự gắn kết tình cảm giữa phường Xoan gốc An Thái với lệ giữ cửa đình tại đình Đông Chấn.
Lễ hội đầu xuân nói chung và tục hát Xoan nước nghĩa nói riêng đang được các thế hệ con cháu Thị trấn Lâm Thao - huyện Lâm Thao và phường Xoan An Thái - xã Phượng Lâu - thành phố Việt Trì duy trì nhằm gìn giữ các giá trị truyền thống ông cha tổ tiên để lại với đạo lý: “Uống nước nhớ nguồn, Ăn quả nhớ người trồng cây”...
 
Quách Thị Sinh
Các tin khác
Thông báo mới
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com