Chủ nhật | 16/04/2023
Quách Thị Sinh
Trung tâm Văn hoá – Điện ảnh
     Hát chầu văn còn có tên gọi khác là hát văn, hát bóng. Đây là một loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian độc đáo gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Trải qua hàng trăm năm biến cố thăng trầm, với giá trị nghệ thuật độc đáo, sức sống lâu bền trong đời sống văn hoá, năm 2012, Nghi lễ Chầu văn  được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nghi lễ Chầu văn còn là một trong những thành tố quan trọng góp phần đưa “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, được UNESCO ghi danh vào năm 2016.
 
Thanh đồng Trần Duy Lợi đang thực hiện nghi lễ hầu thánh tại Đền Tam Giang, Phường Bạch Hạc, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ
Ảnh: Duy Lợi
     Hát Chầu văn là loại hình nghệ thuật độc đáo và đặc sắc mang đậm tính truyền thống trong đời sống tâm linh, tín ngưỡng. Hát văn đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phụ trợ, kích thích sự thăng hoa, giao cảm giữa con nhang đệ tử với thế giới thần linh. Đây là mối quan hệ hữu cơ giữa một thể loại âm nhạc và một hình thức tín ngưỡng. Nghệ thuật âm nhạc dường như là một thứ phương tiện không thể thiếu khi con người muốn giao tiếp với thánh thần. Muốn tìm hiểu về tín ngưỡng thờ Mẫu thì tìm hiểu về Hát văn là điều hết sức cần thiết. Ngược lại, khi tìm hiểu Hát văn chúng ta cũng nên tìm hiểu về thần tích, thần phả các vị thánh. Nghe những bản văn, ta rất dễ nhận biết sự tích của các vị thánh cũng như những phong cảnh nơi các ngài giá ngự và hiển thánh. Vì thế không thể không có hát văn trong nghi lễ hầu thánh.
     Hát Chầu văn cần có người hát chầu văn và dàn nhạc phục vụ hát văn. Người hát văn được gọi là cung văn, thông thường là người vừa hát giỏi, vừa biết nhiều làn điệu, vừa biết chơi nhạc cụ. Dàn nhạc hầu bóng gồm có một đàn nguyệt, một đàn nhị, một trống nhỏ (gọi là trống con), một cảnh đôi, một phách. Người ta có thể thêm nhạc cụ khác tùy theo địa phương hoặc hoàn cảnh hành lễ và yêu cầu của người hành lễ. Trong các loại nhạc cụ kể trên, đàn nguyệt, trống nhỏ và cảnh đôi đóng vai trò nòng cốt. Đây là những nhạc khí cơ bản, không thể thiếu được vì chúng tạo nên tính cách riêng biệt và đặc thù của dàn nhạc hát văn. Những buổi hát thờ lớn thì có thêm một cỗ trống lớn, chiêng, sáo, tiêu, đàn thập lục…
 
Dàn nhạc hát văn phục vụ hầu thánh
Ảnh: Công Phú
     Hầu hết các giá văn cổ của nghệ thuật hát chầu văn được lưu truyền trong dân gian đều ở thể thơ lục bát, song thất lục bát, thất ngôn, bốn chữ với lời hát được trau chuốt, súc tích, trang nghiêm và mang nhiều ý nghĩa trong đời sống tâm linh người Việt. Nội dung các bài hát văn thường kể sự tích hình thành, ca ngợi công đức của các thánh, cảm ơn và mong muốn được ban ơn phù hộ từ những nhân thần có công với đất nước, các Thánh Mẫu, Quan lớn, Chầu bà, Ông Hoàng và các Cô, các Cậu trong tín ngưỡng Tứ Phủ. Đi liền với đó là những sự kiện lịch sử, những địa danh nổi tiếng cũng như những lời dạy bảo của các bậc thánh nhân với những người đang sống. Ví dụ như qua bản văn ông Hoàng Bảy, người nghe có thể biết Ông Hoàng Bảy là vị Thánh Hoàng thuộc Nhạc phủ. Tương truyền, tên húy của Ông là Nguyễn Hoàng Bảy, là vị quan triều đình trấn giữ vùng Lào Cao, Yên Bái dưới thời vua Lê. Bằng tài thao lược, ông đã có công dẹp giặc, hộ quốc, an dân. Sau khi hóa, lại hiển linh phù giúp nước nhà, được các triều đình phong kiến ban sắc phong Thượng đẳng thần, phong danh hiệu “Trấn An Hiển Liệt”, “Thần Vệ Quốc”…
“Gió nam thoảng đưa hương bay ngào ngạt
Bóng ác tà đã gác non tây
Trăng in mặt nước vơi đầy
Bảo Hà có tích xưa nay còn truyền.

Quan Hoàng Bảy trần miền Bắc địa
Hợp binh hùng lục thuỷ Thao Giang
Quân cơ mưu lược luận bàn
Doanh trung thường có hai hoàng vào ra”…

     Các bài văn hát thường được xắp xếp như một câu chuyện về xuất xứ của thánh và tôn vinh công đức, kỳ tích của ngài. Có một số đoạn, câu văn vần điệu, niêm luật không chặt chẽ như một bài thơ nhưng khi đọc lên mọi người đều cảm nhận được chất thơ của bài văn. Hát văn là một hình thức hát trong khi ngồi đồng nên các làn điệu và lối hát cũng như độ dài của câu ca, tiếng nhạc đều phụ thuộc vào diễn biến của cuộc hầu đồng. Giai điệu của hát văn khi thì mượt mà, hấp dẫn trên nền phách độc đáo, khi lại dồn dập, khoẻ khoắn, vui tươi. Lời văn đầy ắp chất thơ, có ý ngĩa nhân văn sâu sắc. Chất thơ của bài văn đó được nâng lên cao tuyệt đỉnh trong không khí tâm linh thành kính, khấn vái xuýt xoa, khói hương nghi ngút, có dàn nhạc với trống phách, thanh la rộn ràng, lời ca phụ hoạ, đưa đẩy và các điệu múa thiêng của Thánh thể hiện qua người hầu đồng. Với tính chất này hát văn ngày nay không chỉ bó hẹp trong phạm vi dùng trong nghi lễ mà hát văn cũng được coi như một hình thức ca nhạc dân gian vui tươi lành mạnh và có thể đưa ra công diễn trước đông đảo quần chúng.
     Trình tự thực hiện nghi lễ hát chầu văn phục vụ hầu bóng có thể chia thành bốn phần chính: Mở đầu buổi lên đồng, cung văn hát điệu văn thờ - văn công đồng “mời thánh nhập”, điệu này có tiết tấu nhanh; khi Thánh đã nhập đồng thì hát văn kể sự tích và ca ngợi công đức các thánh, sau đó chuyển hát dọc để kích thích khả năng thăng thoát của người ngồi đồng. Khi nhân vật đã nhập vai các thánh và “làm việc thánh” thì chuyển điệu còn là điệu thức cao hơn dọc một cung bậc. Tiếp đến là phần xin thánh phù hộ và đưa tiễn. Bài hát thường chấm dứt với câu: "Thánh giá hồi cung!". Hát văn không chỉ khó mà còn đòi hỏi người cung văn phải nhanh, linh hoạt để vừa có thể chuyển lời, giọng và nhạc cho ăn khớp mà vẫn hay, vẫn sát vai của người ngồi đồng; thậm chí phải hát lặp lại, luyến láy, kéo dài câu ca, tiếng nhạc trong thời gian chuyển tiếp giữa hai giá hầu. Vì thế mà chỉ trong một thể hát thì cũng có nhiều dạng khác nhau như: thể phú thì có phú dựng, phú chênh để diễn tả tâm trạng vui, phú rầu diễn tả tâm trạng buồn. Những khi thay đổi như vậy, âm nhạc đều chuyển điệu thức 5 âm để phụ họa theo. Đó là cách người cung văn thể hiện tài năng riêng của mình.
     Gắn liền với sắc màu tín ngưỡng của người Việt, hát văn đã xây dựng được nhiều kiểu gõ nhịp và một hệ thống làn điệu, bài bản phong phú với những quy ước về cách vận dụng cho từng hàng thánh và từng loại phủ. Nhịp điệu và bộ gõ có vai trò đặc biệt quan trọng trong sinh hoạt tín ngưỡng này. Chúng tạo nên một không khí hưng phấn cao, góp phần giúp người ngồi đồng có cảm giác thoát xác để nhập thân với các vị thánh, đồng thời kết hợp với yếu tố tâm linh, chúng góp phần tạo nên một trạng thái tinh thần đặc biệt khiến người ta có thể thực hiện những việc mà ở trạng thái bình thường khó có thể làm nổi.
Bên cạnh ba hệ thống làn điệu của riêng mình - Cờn, Dọc, Xá, Hát văn còn thu nạp nhiều bài bản, làn điệu từ các thể loại dân ca nhạc cổ khác, hình thành nhiều làn điệu mang tính chuyên dùng khá cao thể hiện những vai vế, tính cách và giới tính riêng biệt. Tựu trung, Hát văn có 14 điệu, hay còn gọi là lối hát gồm: Bỉ, Miễu, Thổng, Phú Bình, Phú Chênh, Phú Nói, Phú Rầu, Đưa Thơ, Vãn, Dọc, Cờn, Hãm, Xá và Dồn. Đó chính là một phần quan trọng biểu hiện mối quan hệ hữu cơ giữa âm nhạc và tín ngưỡng. Ngoài ra hát chầu văn còn có thể mượn các làn điệu nhạc cổ truyền khác như: ca trù, quan họ, hò Huế và kể cả những điệu hát của các dân tộc thiểu số. Xen kẽ những đoạn hát là đoạn nhạc không lời, gọi là lưu không. Tuỳ theo khu vực mà tên gọi các điệu văn cũng có khác nhau.
     Với sự đề cao những mô hình nhịp điệu có chu kỳ, âm nhạc Hát văn giống như những vũ điệu của thánh thần, dìu dặt và mê hoặc lòng người. Bên cạnh việc diễn tấu những khúc nhạc không lời với vai trò độc lập, đàn nguyệt có nhiệm vụ dẫn dụ giọng điệu và nâng đỡ cho lời ca tiếng hát. Giai điệu tiếng đàn, giọng hát Chầu văn có một sức quyến rũ đặc biệt. Dập dìu trên nền nhịp phách lúc ẩn lúc hiện, nhiều làn điệu mang đậm tính trữ tình, như dáng vẻ của những gì ngọt ngào, mềm mại, thân thương, rất nữ tính của Thánh Mẫu trong hệ thống thần điện Tứ phủ.
     Nghe hát văn, dường như chúng ta có thể tìm thấy sự phát triển tột bậc cả về làn điệu âm nhạc cũng như hệ thống kỹ thuật biểu cảm của nhạc thanh; cảm nhận được rằng khó có một thể loại âm nhạc tôn giáo tín ngưỡng nào ở Việt Nam lại đạt được tầm cao về tính thẩm mỹ nghệ thuật như Hát văn. Hiện thực sống động đó khiến cho âm nhạc Hát văn nhiều khi mang dáng vẻ của một thể loại âm nhạc sân khấu biểu diễn hơn là âm nhạc của tín ngưỡng. Sức quyến rũ của Hát văn chính là một lực hấp dẫn đặc biệt quan trọng, thu hút công chúng đến với tín ngưỡng Tứ phủ. Sức hấp dẫn, quyến rũ của nó đã được minh chứng trong nhiều giai thoại lịch sử. Bên cạnh việc đáp ứng các nhu cầu chung của con người khi tìm đến với cõi tâm linh thì sự thỏa mãn nhu cầu thưởng thức, thụ cảm nghệ thuật âm nhạc được đẩy vọt lên tầm cao nhất khi thưởng thức hát văn trong khung cảnh hầu bóng. Nói cách khác, nếu như các hình thức tôn giáo, tín ngưỡng nói chung thường lấy hệ thống giáo lý, kinh kệ làm phương tiện chủ đạo để xoa dịu nỗi đau của con người thì tín ngưỡng Tứ phủ lại sử dụng nghệ thuật âm nhạc hát văn làm công cụ đắc lực. Âm điệu, nhịp điệu, giai điệu cũng như lời hát trong chầu văn chính là điểm đặc trưng khiến chúng khác biệt hoàn toàn so với những loại hình nghệ thuật dân gian khác. Tất cả những điều này lý giải tại sao âm nhạc Hát Văn lại đạt tới tầm cao về sự phát triển, tính thẩm mỹ của một thể loại nghệ thuật biểu diễn.
 
Không khí vui tươi, nhộn nhịp của các con nhang, đệ tử trong buổi hầu thánh
Ảnh: Ngọc Lan
     Trong nhịp sống đương đại, nhu cầu thưởng thức nghệ thuật truyền thống của người dân ngày một nâng cao thì hát chầu văn đã khẳng định được chỗ đứng của mình. Để giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp của hát chầu văn, hàng năm, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và nhiều tỉnh, thành đã tổ chức Liên hoan hát Văn, hát Chầu Văn, qua đó thu hút các cung văn ở địa phương và nhiều nơi khác về tham dự. Hát văn đã và đang trở thành môn nghệ thuật độc đáo, một món ăn tinh thần của công chúng yêu nghệ thuật dân tộc.
Q.T.S
 
Các tin khác
Thông báo mới
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com