PhuthoPortal - Phát huy truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, từ nhiều năm nay, cứ vào mùng 10/4 âm lịch hằng năm, hàng trăm đầu bếp đến từ mọi miền Tổ quốc lại hội tụ về đình Dữu Lâu (phường Dữu Lâu, thành phố Việt Trì) để cùng với chính quyền và Nhân dân địa phương tổ chức lễ giỗ Hoàng tử Lang Liêu - Hùng Chiêu Vương, người được giới đầu bếp cả nước suy tôn là ông Tổ nghề đầu bếp Việt Nam.
Hằng năm, vào mùng 10/4 âm lịch, hàng trăm đầu bếp trên cả nước đã trở về đình Dữu Lâu, thành kính dâng hương hoa, lễ vật tưởng nhớ công ơn của Hoàng tử Lang Liêu - Hùng Chiêu Vương
Theo lời kể của các bậc cao niên, phường Dữu Lâu còn có tên gọi là Làng Trầu, vốn là vùng đất thuộc kinh đô Văn Lang xưa. Hòa cùng dòng chảy lịch sử, Dữu Lâu chứa đựng cả bề dày và sự phong phú, độc đáo của vùng Đất Tổ khi có những tên đất, tên làng, tên di tích gắn liền với các sự tích thời đại Hùng Vương. Nổi bật là đình Dữu Lâu - ngôi đình thờ Hoàng tử Lang Liêu với sự tích “Bánh Chưng, bánh Giầy”.
Tương truyền rằng, Hoàng tử Lang Liêu sinh ra và lớn lên tại làng Dữu Lâu, là con trai của Vua Hùng thứ 6 - Hùng Hy Vương. Hoàng tử Lang Liêu vốn có phẩm chất thông minh, hiếu thuận và chăm chỉ làm lụng. Qua cuộc thi làm cỗ dâng vua cha nhân ngày mừng thọ, Hoàng tử Lang Liêu đã sáng tạo ra 2 loại bánh độc đáo tượng trưng cho “Trời tròn - Đất vuông” là bánh Chưng và bánh Giầy. Nhờ ý nghĩa sâu sắc của 2 loại bánh và sự khéo léo của mình, Hoàng tử Lang Liêu được vua cha chọn làm người kế vị, trở thành Vua Hùng thứ 7, hiệu là Hùng Chiêu Vương.
Từ khi lên ngôi, Hùng Chiêu Vương đã thể hiện mình là một vị vua hiền tài, đức độ. Ngài luôn sống giản dị, lấy nhân nghĩa làm gốc để trị vì thiên hạ với tâm niệm mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân và bảo vệ bờ cõi quốc gia. Với tấm lòng hiếu nghĩa với Tổ tiên và thương yêu dân lành nên khi Hùng Chiêu Vương băng hà, dân làng Dữu Lâu lập miếu thờ Ngài, gọi là “Dữu Lâu Vũ Miếu” và tôn vinh là Lang Liêu Đại Vương.
Quang cảnh đình Dữu Lâu - ngôi đình thờ Hoàng tử Lang Liêu - Hùng Chiêu Vương
Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, đến nay câu chuyện về Hoàng tử Lang Liêu và sự tích “Bánh Chưng, bánh Giầy” vẫn luôn được các thế hệ người dân Việt Nam nhắc đến với lòng tôn kính và niềm tự hào lớn lao. Đặc biệt, Hoàng tử Lang Liêu được đông đảo giới đầu bếp cả nước suy tôn là ông Tổ nghề đầu bếp - người sáng lập ra nền văn hóa ẩm thực của Việt Nam.
Lý giải về điều này, nhiều nhà nghiên cứu ẩm thực Việt Nam khẳng định, đồng hành cùng lịch sử đất nước, bánh Chưng và bánh Giầy không chỉ ngon mà còn thể hiện lòng hiếu thảo, đề cao công lao của cha mẹ như trời đất. Với ý nghĩa đó, Hoàng tử Lang Liêu - người sáng tạo ra 2 loại bánh Chưng và bánh Giầy xứng đáng trở thành ông Tổ của nghề đầu bếp và ngày giỗ của Ngài (mùng 10/4 âm lịch) cũng trở thành ngày giỗ của Tổ nghề đầu bếp Việt Nam.
Các lễ vật do những người đầu bếp giỏi tự tay chế biến để dâng lên Tổ nghề, cầu cho một năm mưa thuận, gió hòa, nhà nhà được bình an
Để tưởng nhớ và tri ân công đức của Tổ nghề, những năm gần đây, các đầu bếp nổi tiếng và những người yêu ẩm thực từ khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước đã mang theo những món ăn, đặc sản đặc trưng của địa phương để dâng lên Hoàng tử Lang Liêu - Hùng Chiêu Vương trong ngày giỗ của Ngài với tất cả sự thành tâm và tấm lòng biết ơn sâu sắc. Dự kiến năm nay sẽ có khoảng 500 nghệ nhân, đầu bếp đến từ các Hội, Chi hội, Hiệp hội Đầu bếp Việt Nam cùng chuẩn bị 100 mâm lễ công phu với bánh Chưng, bánh Giầy để dâng lên Tổ nghề. Bên cạnh đó, các đầu bếp, nghệ nhân còn giới thiệu ẩm thực đặc trưng đại diện cho các tỉnh, thành phố và trưng bày trên biểu tượng bản đồ ẩm thực Việt Nam.
Theo đại diện Liên chi hội đầu bếp Việt Nam, đây không chỉ là dịp để những người làm nghề cùng nhau ôn lại cội nguồn, thắt chặt tình đoàn kết, thể hiện tài năng mà còn là cơ hội quý giá để quảng bá, tôn vinh văn hóa ẩm thực Việt Nam. Tại đây, những món ăn truyền thống, đặc sản vùng miền được giới thiệu qua bàn tay tài hoa của các đầu bếp, góp phần làm nổi bật sự phong phú, tinh tế và đầy bản sắc của nền ẩm thực Việt.
“Cùng với hoạt động dâng hương hoa, lễ vật của chính quyền, Nhân dân địa phương và các đầu bếp, năm nay có thêm nhiều hoạt động đặc sắc như tổ chức chương trình nghệ thuật; trải nghiệm gói bánh Chưng, giã bánh Giầy… Thông qua các hoạt động này nhằm tưởng nhớ công lao Hoàng tử Lang Liêu và tái hiện nghi lễ làm các lễ vật dâng cúng Tổ tiên có từ thời đại Hùng Vương. Từ đó, góp phần tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Đây cũng là dịp để các du khách trong và ngoài nước trải nghiệm văn hóa ẩm thực truyền thống, giúp họ hiểu rõ hơn về lịch sử, văn hóa của Phú Thọ nói riêng và cả nước nói chung” - ông Phan Quốc Khánh - Chủ tịch UBND phường Dữu Lâu cho biết.
Trở về Dữu Lâu - nơi giữ hồn cho ẩm thực Việt Nam những ngày này, không khí rộn ràng lan tỏa khắp đường làng, ngõ xóm. Các nghệ nhân, đầu bếp nổi tiếng khắp 3 miền Bắc - Trung - Nam đã và đang tự tay sửa soạn những mâm lễ vật công phu để dâng lên Tiên tổ... Hành trình đưa hồn Việt qua từng món ăn đến với bạn bè năm châu đang được khởi nguồn từ vùng Đất Tổ, với sự chung tay góp sức của những con người đang ngày ngày nỗ lực lan tỏa bản sắc văn hóa dân tộc, mang theo khát vọng lớn lao đưa ẩm thực Việt vươn xa, khẳng định vị thế trên bản đồ ẩm thực thế giới.
Thanh Hòa
Dẫn nguồn: Về nơi giữ hồn cho ẩm thực Việt