Thứ 2 | 02/11/2020
Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin thành phố Việt Trì cùng đại diện chính quyền địa phương, khu dân cư trao tiền ủng hộ xây dựng nhà ở cho hộ anh Lương Đức Hưởng - nạn nhân chất độc da cam thế hệ thứ hai ở xã Trưng Vương.
 
PTĐT - Chiến tranh đã lùi xa nhưng di chứng của chiến tranh vẫn còn để lại, trong đó di chứng nặng nề, ảnh hưởng tới nhiều thế hệ người Việt Nam chính là chất độc hóa học da cam (CĐDC/Dioxin). Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã lấy ngày 10/8 hàng năm (ngày đầu tiên quân đội Mỹ rải chất độc hóa học ở chiến trường miền Nam Việt Nam) là ngày “Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam”.

Để vơi bớt đi những mất mát, thiệt thòi cho nạn nhân CĐDC, thời gian qua, Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, các cấp chính quyền địa phương và cộng đồng xã hội đã chung tay góp sức với những hành động thiết thực, cụ thể nhằm hỗ trợ, chăm lo cho các nạn nhân da cam có cuộc sống ổn định, tốt đẹp hơn.

Trong thời gian chiến tranh tại Việt Nam (từ năm 1961- 1971), quân đội Mỹ và đồng minh đã sử dụng 44 triệu lít chất độc da cam/Dioxin để rải xuống miền Nam Việt Nam... Thứ chất độc đáng sợ đó đã ngấm trong đất, trong nước, trong chính cơ thể các chiến sỹ đã từng trực tiếp tham gia chiến đấu và cả những dân thường vô tội. Nó không chỉ gieo rắc cái chết mà còn để lại những di chứng nặng nề cho nhiều thế hệ sau này. Trên cả nước có khoảng 4,8 triệu người bị nhiễm CĐDC/Dioxin, trong đó Phú Thọ có trên 17.000 người bị nhiễm và nghi phơi nhiễm chất độc hóa học, 1.266 gia đình có từ 2- 4 nạn nhân, bao gồm cả thế hệ thứ hai, thứ ba.

Để nâng cao nhận thức của xã hội về tính chất nguy hiểm, hậu quả lâu dài của thảm họa da cam đối với môi trường và con người Việt Nam, hỗ trợ các nạn nhân da cam, từ năm 2015, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 43- CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, trong đó nêu rõ công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học vừa cấp bách, vừa lâu dài, là trách nhiệm của mỗi cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, Đảng viên và các tổ chức trong hệ thống chính trị. Hiện thực hóa sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 27- CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam”. Thông qua đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác hỗ trợ chăm sóc, động viên những nạn nhân trực tiếp, gián tiếp bị ảnh hưởng. Đặc biệt với vai trò là cầu nối giữa các nạn nhân với cộng đồng xã hội, Hội NNCĐDC/Dioxin các cấp đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cùng tham gia các hoạt động hỗ trợ thiết thực, giúp đỡ các nạn nhân da cam như thăm hỏi, tặng quà, chăm sóc khi ốm đau, hỗ trợ làm nhà ở, phát triển sản xuất...  

Vượt qua nỗi đau của di chứng CĐDC/Dioxin, ông Dương Sỹ Điều ở phường Bạch Hạc đầu tư phát triển kinh tế gia đình với hơn 3.000 m2 đất trồng rau sạch, trừ chi phí mỗi năm cho  thu nhập hơn 150 triệu đồng.
 
Trong ngôi nhà mới xây vừa đưa vào sử dụng dịp 27/7 năm nay,  anh Lương Đức Hưởng ở xã Trưng Vương, TP Việt Trì - nạn nhân da cam thế hệ thứ hai xúc động cho biết: “Nếu không có sự quan tâm giúp đỡ của Hội NNCĐDC/Dioxin và chính quyền địa phương thì gia đình tôi không biết đến khi nào mới có nhà cửa khang trang, cuộc sống ổn định”. Sinh ra sau chiến tranh, anh Hưởng bị di chứng CĐDC/Dioxin truyền từ bố vốn là bộ đội trong kháng chiến chống Mỹ. Ngay từ nhỏ anh Hưởng đã hay đau ốm, khi trưởng thành không lao động được như những thanh niên cùng trang lứa, cuộc sống gia đình hết sức khó khăn. Ngôi nhà gia đình anh Hưởng ở nhiều năm đã cũ nát, nguy cơ đổ sập có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Cảm thông với hoàn cảnh khó khăn của anh Hưởng, Hội NNCĐDC/Dioxin thành phố Việt Trì và xã Trưng Vương đã đứng ra vận động anh em dòng họ, các tổ chức đoàn thể, khu dân cư và trích quỹ hỗ trợ… để xây ngôi nhà mới cho anh Hưởng ổn định cuộc sống.

Không chỉ giúp đỡ về nhà ở, các cấp Hội NNCĐDC/Dioxin còn tạo điều kiện cho hội viên vay vốn phát  triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình. Ông Nguyễn Quý Thanh- Chủ tịch Hội NNCĐDC/Dioxin thành phố Việt Trì cho biết: Hiện Việt Trì có 681 nạn nhân CĐDC, trong đó có 452 nạn nhân trực tiếp, còn lại là gián tiếp. Để công tác chăm sóc nạn nhân CĐDC hiệu quả, bù đắp phần nào những thiệt thòi của các nạn nhân và gia đình nạn nhân, chúng tôi phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, gây quỹ hỗ trợ nạn nhân, bình quân mỗi năm Hội vận động ủng hộ, giúp đỡ các nạn nhân với số tiền trên 150 triệu đồng. Riêng 7 tháng đầu năm 2020, từ nhiều nguồn, Hội đã trao 1.847 lượt suất quà, trợ cấp khó khăn, hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho các  nạn nhân da cam nghèo… với tổng số tiền gần 400 triệu đồng. Bên cạnh đó, hội còn luôn quan tâm bảo vệ chăm lo quyền lợi cho nạn nhân nên mọi chế độ, chính sách đối với người bị nhiễm CĐDC được đảm bảo thực hiện đầy đủ, đúng quy định. 

Cùng với Việt Trì, hầu hết các địa phương trong tỉnh đều làm tốt công tác vận động nguồn lực chăm sóc nạn nhân, trong đó ưu tiên giúp đỡ những gia đình nạn nhân CĐDC là hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, suy giảm sức lao động với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Nhiều nạn nhân da cam đã vươn lên trong cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình, hỗ trợ chính các hội viên và con em trong hội, chi hội. Điển hình như nạn nhân da cam Dương Sỹ Điều ở phường Bạch Hạc xây dựng mô hình trồng rau an toàn cung cấp cho các tỉnh miền núi phía Bắc; Lê Văn Triển ở phường Gia Cẩm (TP Việt Trì) kinh doanh vật liệu xây dựng, tạo việc làm cho 10 - 15 lao động với thu nhập 4-5 triệu đồng/người/tháng; Nguyễn Bá Mỹ ở xã Tu Vũ (Thanh Thủy) đầu tư phát triển chăn nuôi cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm…

Ông Phạm Ngọc Quỳnh- Chủ tịch Hội nạn nhân CĐDC/Dioxin tỉnh khẳng định: Thời gian qua việc giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam được quan tâm đầy đủ hơn. Các cấp Hội đã chủ động xây dựng văn bản quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị 43- CT/TW nghiêm túc, kịp thời; cấp ủy, chính quyền các cấp luôn tạo điều kiện cho các cấp Hội hoạt động thuận lợi, tổ chức hội không ngừng được củng cố, phát triển, thực sự là tổ chức đại diện cho lợi ích và quyền lợi của nạn nhân CĐDC. Hàng năm 100% nạn nhân CĐDC trong tỉnh đều được thăm hỏi, tặng quà; 8/13 Hội cấp huyện vận động ủng hộ cho nạn nhân đạt trên 150% kế hoạch đề ra.  Trong 5 năm toàn tỉnh đã chi thăm hỏi, tặng quà cho nạn nhân CĐDC vào các dịp lễ Tết, ngày Vì nạn nhân chất độc da cam, tặng 220 xe lăn, hỗ trợ làm mới, sửa chữa nhà ở cho 19 nạn nhân hoàn cảnh khó khăn, khám bệnh cấp thuốc miễn phí cho 4.660 người bị nhiễm, phơi nhiễm CĐDC… với tổng số tiền trên 20 tỷ đồng.  Đặc biệt, Hội đã tạo nguồn vốn hơn 2 tỷ đồng cho gần 300 nạn nhân da cam vay ưu đãi để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Từ  những nguồn hỗ trợ, ủng hộ, giúp đỡ thiết thực trên đã giúp các nạn nhân CĐDC vượt qua nỗi đau thể xác, tinh thần và mặc cảm để vươn lên trong cuộc sống.

Mai Phương
(Dẫn nguồn: http://baophutho.vn/)

Các tin khác
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com