Thứ 4 | 25/03/2020
Đặng Đình Thuận
                                                          Hội Văn nghệ dân gian Phú Thọ.
 
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan Phú Thọ đã được UNESCO chính thức ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (năm 2012 và 2017). Đây là hai di sản văn hóa phi vật thể truyền thống độc đáo, đặc sắc tiêu biểu của tỉnh Phú Thọ biểu trưng cho triết lý nhân văn “con người có tổ có tông” “Uống nước nhớ nguồn”; “Ăn quả nhớ người trồng cây” của văn hóa dân tộc Việt Nam.
Trong quá trình hình thành và tồn tại qua suốt chiều dài lịch sử hơn 4000 năm dựng nước và giữ nước, Tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng và dân ca nghi lễ Hát Xoan Phú Thọ đã có một sức sống trường tồn cùng lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc Việt Nam. Sự tồn tại và cùng được bảo tồn theo thời gian biểu hiện qua mối liên quan mật thiết giữa hai di sản với một số nội dung đặc trung cơ bản sau đây:
1- Đều là di sản văn hóa tinh thần (phi vật thể) phản ánh tín ngưỡng dân gian cùng chung nguồn gốc hình thành và phát triển, cùng chung địa bàn ra đời và nguồn gốc chủ nhân sáng tạo ra Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan Phú Thọ, đó là cư dân nông nghiệp trồng lúa nước với ý thức tôn vinh các Vua Hùng đã có công dựng nước như là một tín ngưỡng tâm linh cội nguồn cho cả dân tộc vượt qua mọi rào cản, khác biệt tôn giáo và các chế độ xã hội. Trong mỗi gia đình người Việt, việc thờ cúng tổ tiên và các Vua Hùng đã là một tín ngưỡng vô cùng thân thiết và không thể thiếu được trong bàn thờ của mỗi gia đình. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương chính là sự minh triết từ tâm thức tín ngưỡng linh thiêng, là ý thức hệ cơ bản của dân tộc được tạo nên bởi các hoạt động văn hóa tâm linh, là nền tảng cho các hoạt động văn nghệ mang đậm yếu tố tín ngưỡng dân gian làm cầu nối chuyển tải giá trị tâm linh giữa con người và thế giới tâm linh tạo nên nét đặc trưng của văn hóa truyền thống của cư dân vùng Đất Tổ. Chủ nhân của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương cũng đồng thời là chủ nhân của nghệ thuật Hát Xoan thể hiện nghi thức diễn xướng dân gian thờ cúng tổ tiên, ông bà và các bậc tiền nhân đã có công với nước như các bậc Vua quan, Thần linh, Thành hoàng làng thông qua lời ca, hình thức diễn xướng và không gian thiêng là các ngôi đền, đình để thể hiện lòng tôn kính, sự biết ơn với các bậc tiền nhân...
2- Nhiều di tích thờ cúng Hùng Vương trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có nghi lễ Hát Xoan hoặc liên quan đến nghi lễ Hát Xoan thông qua tục hát nước nghĩa ở các đền, đình trên địa bàn Phú Thọ, vì Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có một vị trí rất quan trọng trong đời sống tâm linh và tình cảm của các thế hệ người dân Việt Nam, thể hiện lòng tôn kính của các hậu duệ đối với tổ tiên, khẳng định lòng tự tôn dân tộc, ý trí độc lập tự chủ trong văn hóa tín ngưỡng, làm tăng thêm lòng tự hào và sự cố kết cộng đồng. Trên toàn lãnh thổ Việt Nam hiện có 1.417 địa điểm có di tích thờ cúng các Vua Hùng và các nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vương; riêng ở Phú Thọ có 345 di tích, đặc biệt có 30 di tích tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc có Hát Xoan đều có nghi lễ thờ cúng Hùng Vương, dưới thời vua Khải Định (1917), tuần phủ Phú Thọ là Lê Trung Ngọc đã trình bộ lễ định ngày 10/3 âm lịch là ngày Quốc Tế (tổ chức tế lễ cấp nhà nước). Hàng năm cứ đến tháng 3 âm lịch người người lại trẩy hội về Đền Hùng dâng hương tưởng nhớ ơn đức, tôn vinh công lao dựng nước của các Vua Hùng và mang Hát Xoan về hát trong ngày lễ hội. Các làng có đình, đền thờ Vua Hùng mỗi năm đều cử ra một Ban khánh tiết để chủ trì và điều hành nghi lễ thờ cúng Vua Hùng và tổ chức nghi lễ Hát Xoan với ý nghĩa rước vua, nghinh đón Vua Hùng về với con dân. Cũng từ đó cho đến nay, theo lệ chung ấy cứ vào dịp mùng 10/3 âm lịch và một số dịp lễ trong dịp mùa xuân nhân dân các địa phương có di tích thờ cúng Hùng Vương đều tổ chức lễ tế trang trọng, linh đình để tưởng nhớ công lao các vua Hùng và tổ chức Hát Xoan nghinh Vua đón Vua Hùng.  Nghi thức cúng tế gồm có lễ dâng hương, dâng lễ vật, đọc chúc văn, cầu cúng, trình diễn các diễn xướng truyền thống như đánh trống đồng, Hát Xoan, rước nước, lễ cầu đảo... Các làng cổ Hát Xoan như: Phượng Lâu, Kim Đức, Thuỵ Vân, Nông trang, Dữu Lâu, Trưng Vương, Thanh Đình, Kinh Kệ, Cao Mại, An Đạo, Tử Đà, Tiên Du, Phù Ninh, Hương Nộn, Tây Cốc (Phú Thọ), Kim Xá, Đức Bác, Tử Du (Vĩnh Phúc) đều tổ chức nghi lễ Hát Xoan và hát nước nghĩa giữa các làng có tín gưỡng thờ cúng Vua Hùng vào mùa xuân, tháng giêng, tháng hai, tháng ba âm lịch và trong dịp lễ hội Đền Hùng ngày mùng 10 tháng ba, cả ba phường Xoan làng Kim Đái đều vào đền Hùng để hát Xoan nghinh đón các Vua Hùng theo tục giữ cửa đình, hát vào các ngày nhất định không thay đổi. Lịch hát và các địa phương Xoan hát giữ cửa đình là tục lệ chung cho các họ Xoan. Hát Xoan đã hát ở đình miếu của 18 xã trong 7 huyện thuộc hai tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc:
Làng An Thái (xã Phượng Lâu, thành phố Việt Trì) sáng mồng 1 tết hát ở miều Cấm, tối ở đình Cả (đình An Thái).
Xã Kim Đức (nay thuộc thành phố Việt Trì), sáng mồng 1 tết hát ở đình Cả và miếu Lãi Lèn, buổi chiều, một nửa phường sang làng An Thái, một nửa phường hát ở đình xóm Hội của xã, chiều mồng 2 tết hát ở miếu Kim Đái, chiều mồng 3 hát ở miếu Lãi Lèn và chiều mồng 4 hát ở miếu Thét, đều hát qua đêm tới sáng hôm sau mới nghỉ.
Ngày 5 tháng giêng, các phường Xoan hát ở các xã: An Đạo, Tiên Du, Tử Đà, Phù Ninh (huyện Phù Ninh) và ở xã Thụy Vân (nay thuộc thành phố Việt Trì) hát từ chiều mồng 4 tết.
Các ngày 6 và 7 tháng giêng, Xoan hát ở các xã: Dữu Lâu, Nông Trang (thành phố Việt Trì), Cao Mại (huyện Lâm Thao).
Ngày mồng 7 đến mồng 9 tháng giêng, hát ở xã Kim Xá (huyện Vĩnh Tường – tỉnh Vĩnh Phúc).
Xã Tây Cốc (huyện Đoan Hùng) hát từ ngày mùng 9 và ngày 11 tháng giêng.
Xã Phù Ninh (huyện Phù Ninh), ngày 10 và 13 tháng giêng.
Xã Hữu Bổ (huyện Lâm Thao) ngày 15 tháng giêng.
Trong tháng 2 âm lịch hát ở các cửa đình: Đức Bác (huyện Lập Thạch - Vĩnh Phúc) ngày 1, 2 và 3; Hương Nộn (huyện Tam Nông ) ngày 10 và 11; Thanh Đình (nay thuộc thành phố Việt Trì) ngày 22 đến 24, rồi cả ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch theo ngày giỗ Tổ ở Đền Hùng, điểm hát cuối cùng kết thúc là phường Xoan xã Tử Du (huyện Lập Thạch - Vĩnh Phúc) hát vào ngày 10 - 5 âm lịch .
 
Hát Xoan Thờ Vua là một nghi thức quan trọng trong
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của xã Kim Đức, thành phố Việt Trì  - Ảnh:  Quách Sinh

 
3- Các di tích thờ cúng Hùng Vương và các làn điệu Hát Xoan cổ đều được khởi dựng và bắt nguồn từ những làng cổ nằm ở vùng bán sơn địa thuộc địa bàn trung tâm bộ Văn Lang thời các Vua Hùng dựng nước. Hát Xoan là tiếng hát cửa đình thể hiện những lễ tục diễn xướng tế thần linh và được tổ chức hát vào mùa Xuân và đều có truyền thuyết phản ánh sự ra đời liên quan đến Vợ vua Hùng và các Vua Hùng (Phải gọi là hát Xoan chính là cách gọi kiêng tên huý của bà công chúa Xuân Nương con gái Vua Hùng. Đã có biết bao truyền thuyết phản ánh vai trò của hát Xoan trong đời sống của cư dân thời Hùng Vương như: Vợ vua Hùng đau đẻ dữ dội chỉ có thể hết đau khi được nghe hát Xoan; rồi đến nàng Nguyệt Cư công chúa mắc cái bệnh khóc lâu cũng lại nghe hát Xoan thì khỏi khóc...)
Hát Xoan là lối hát nghi thức mang tính chất nghi lễ tối cao và có niêm luật chặt chẽ, rõ nét của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước vùng trung du Phú Thọ và chỉ được tổ chức hát ở các ngôi đình thờ Vua Hùng, Thần linh và Thành hoàng làng. Chính vì vậy mà Hát Xoan còn được gọi là: "Hát cửa đình"; "Khúc môn đình"; "Ca môn đình". Hiện nay, số "cửa đình" để tổ chức hát Xoan được nhà nước quan tâm đầu tư kinh phí tu bổ và khôi phục, nhất là từ khi Hát Xoan được tổ chức UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp (2011) để đến nay, Hát Xoan Phú Thọ đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (tháng 12/2017). Hiện nay, khi thực hành nghi lễ thờ cúng Hùng Vương không thể tách rời với Hát Xoan Phú Thọ bởi Hát Xoan là hình thức chuyển tải ý nguyện tâm linh cổ truyền nhất, mang yếu tố dân gian đặc trưng nhất, các di tích đình, đền, miếu là không gian linh thiêng nhất để diễn xướng của Hát Xoan được đến với các bậc Thần linh, Vua Hùng, Thành hoàng làng một cách thiêng liêng nhất.
Các di tích khác liên quan đến Hát Xoan như đình của xã Phù Ninh, xã Tử Đà, xã An Đạo - huyện Phù Ninh), đình Hương Nộn (xã Hương Nộn - huyện Tam Nông), đình Hội Sở (xã Tây Cốc - huyện Đoan Hùng), đình Hạ Chuế (xã Kim Xá -huyện Vĩnh Tường - tỉnh Vĩnh Phúc), đình Tử Du (xã Tử Du - huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Phúc) v...v. là các di tích đã một thời gắn liền với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và nghi thức hát cửa đình trong lễ hội Hát Xoan.
Có thể khẳng định, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan Phú Thọ có mối liên hệ hữu cơ và mật thiết với nhau từ khi hình thành và trong quá trình tồn tại, phát triển và có vị trí vô cùng quan trọng trong đời sống văn hóa dân gian của vùng trung du Phú Thọ; Vĩnh Phúc nói riêng và trong đời sống tâm thức của cộng đồng dân tộc Việt Nam nói chung. Việc cả hai di sản đều được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã xác minh điều đó. Hiện nay, cần phát huy giá trị tinh thần to lớn của hai di sản đã có mối liên quan khăng khít với nhau trong lịch sử, trong hiện tại và cả trong tương lai nhằm bảo tồn và phát huy giá trị nhân văn của hai di sản là nhiệm vụ cần phải tiếp tục được phục hồi tại các di tích liên quan để trả lại giá trị của di tích đối với văn hoá truyền thống như nó vốn tồn tại trước kia trong lịch sử. Đó chính là bảo tồn và phát huy những giá trị nhân văn của hai di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại là Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan Phú Thọ thể hiện tính độc đáo mang bản sắc văn hoá riêng của vùng quê Đất Tổ Vua Hùng nói riêng và của dân tộc Việt Nam nói chung, cũng chính là góp phần vào việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại./.
Các tin khác
Thông báo mới
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com