Chủ nhật | 25/06/2023

baophutho.vnNgày 21/6, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội khóa XV họp phiên toàn thể tại hội trường thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.
Tại Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội đã thảo luận tại tổ và hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Sau Kỳ họp, dự thảo Luật đã được tổ chức lấy ý kiến sâu rộng đối với mọi tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước; Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ động nhiều hoạt động đẩy nhanh tốc độ, nâng cao chất lượng việc lấy ý kiến nhân dân; tích cực tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Năm.

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thành Nam – TUV, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ cho rằng: Dự thảo Luật đã phân quyền nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đáp ứng đòi hỏi từ thực tiễn. Tuy nhiên, việc chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất phải tuân theo tiêu chí, điều kiện do Chính phủ quy định. Đại biểu cho rằng, để đảm bảo quản lý chặt chẽ, nghiêm ngặt việc chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, cần phải quy định cụ thể ngay trong dự thảo Luật các tiêu chí, điều kiện theo hướng việc chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất phải có phương án trồng rừng thay thế hoặc nộp tiền trồng rừng thay thế, việc chuyển mục đích sử dụng đất lúa phải nộp tiền bảo vệ phát triển đất trồng lúa, có dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, dự án đầu tư có trong danh mục sử dụng đất hằng năm của cấp huyện đã được phê duyệt, có đánh giá về tác động môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Về nguyên tắc xác định giá đất, đa số các đại biểu cho biết chưa đủ điều kiện để thực hiện xác định giá đất trong đời sống thực tế; cơ sở để xác định giá đất tiệm cận với giá thị trường vẫn là điều rất khó; xác định giá đất như thế nào để hài hòa được lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân cũng cần tính toán thận trọng. Vì vậy, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các phương pháp xác định giá đất theo giá thị trường, bảo đảm rõ ràng, thể chế hóa đầy đủ, toàn diện theo yêu cầu của Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 16/6/2022.

Về phương pháp xác định giá đất, dự thảo Luật quy định 4 phương pháp tính giá đất. Một số đại biểu cho rằng, càng quy định nhiều phương pháp xác định giá đất càng khó áp dụng, vì nếu áp dụng 4 phương pháp này cho cùng một thửa đất sẽ cho 4 kết quả khác nhau. Do đó, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu quy định cụ thể hơn về phương pháp tính giá đất, nguyên tắc xác định giá đất để Quốc hội tiếp tục cho ý kiến; nghiên cứu xây dựng một phương pháp thật đơn giản, để khi tính giá trị quyền sử dụng đất được nhanh chóng, tránh phải phân tích, lựa chọn nhiều phương pháp như dự thảo Luật.

Về sử dụng đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội thông qua việc thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất. Các đại biểu cho biết, khi công khai dự án và thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhà đầu tư thường phải đối diện với nhiều tình trạng dự án bị chậm tiến độ, dang dở, đình trệ do có một tỷ lệ đất rất nhỏ, không thỏa thuận được, bị một số ít chủ sử dụng đất thổi giá hoặc cố tình không hợp tác, làm cản trở thực hiện dự án, gây lãng phí nguồn lực đất đai và quyền lợi của số đông người dân đã đồng thuận với mục tiêu của dự án. Đồng tình với quan điểm, đại biểu Nguyễn Thành Nam đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu để có cơ chế, biện pháp can thiệp của nhà nước giải quyết vấn đề trên, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của số đông người có quyền sử dụng đất và của nhà đầu tư, đồng thời ngăn chặn một bộ phận nhỏ người sử dụng đất lợi dụng chính sách làm ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Khổng Thuỷ
Các tin khác
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com