Thứ 4 | 24/04/2024

baophutho.vnSáng 24/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì phiên họp lần thứ 8 về chuyển đổi số quốc gia.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận hội nghị. (Ảnh Cổng Thông tin điện tử Chính phủ)

Hội nghị được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới điểm cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tham dự phiên họp có Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; các đồng chí bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, ngành, thành viên Ủy ban; lãnh đạo các địa phương, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn về công nghệ thông tin.

Dự hội nghị tại điểm cầu Phú Thọ có đồng chí Bùi Văn Quang - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của tỉnh.

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Phú Thọ

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong quý I/2024, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản, chính sách để hoàn thiện hành lang pháp lý cho công tác ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số (CĐS). Bộ TT-TT tiếp tục tăng cường chỉ đạo các doanh nghiệp Viễn thông đẩy mạnh phát triển hạ tầng số phục vụ CĐS quốc gia. Các cơ quan Nhà nước tiếp tục khai thác, vận hành hiệu quả các Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia trong quản lý, điều hành kinh tế - xã hội (KTXH). Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu tiếp tục được các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai, khai thác tối đa giá trị của dữ liệu.

Các đại biểu dự tại điểm cầu Phú Thọ

CSDL quốc gia về dân cư đã kết nối với 18 bộ, ngành (tăng 2 bộ so với năm 2023), 63 tỉnh, thành phố và 4 doanh nghiệp, đồng bộ thành công trên 268 triệu thông tin người dân; tiếp nhận hơn 1,5 tỷ yêu cầu xác thực thông tin (tăng 213 triệu so với năm 2023). Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) đã kết nối với 388 hệ thống, CSDL của 95 cơ quan, đơn vị tham gia kết nối. Trung bình mỗi ngày khoảng 2,8 triệu giao dịch thực hiện qua nền tảng. Tổng số giao dịch từ khi đưa vào sử dụng đến nay khoảng 2 tỷ giao dịch.

Về phát triển hạ tầng số, hiện nay có 80,2% hộ gia đình sử dụng cáp quang internet băng rộng, 100% xã kết nối internet cáp quang. Di động băng rộng 4G được phủ sóng tới 99,8% dân số với chất lượng ổn định. Về phát triển kinh tế số, tỷ trọng kinh tế số trên GDP đạt 16,5 với tốc độ tăng 20%, gấp 3 lần tăng trưởng GDP. Về phát triển xã hội số, Bộ Công an đã cấp trên 86 triệu thẻ CCCD gắn chíp; tiếp nhận trên 74,85 triệu hồ sơ định danh điện tử (ĐDĐT), kích hoạt trên 53,62 triệu tài khoản ĐDĐT cho người dân (đạt 71,63% hồ sơ tiếp nhận). Công tác giám sát, cảnh báo an toàn thông tin tiếp tục được thực hiện; ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý 2.323 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam, giảm 32,6% so với cùng kỳ năm 2023.

Tại tỉnh Phú Thọ, nhiệm vụ CĐS, xây dựng chính quyền số, chính quyền điện tử tiếp tục được thực hiện nhanh, đồng bộ, kịp thời đảm bảo việc quản lý, điều hành giữa các cơ quan Nhà nước từ tỉnh đến xã trên môi trường số.

Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cung cấp 1.983 DVC trực tuyến, trong đó, cung cấp 815 DVC trực tuyến toàn tỉnh đạt 41,1%, 820 DVC trực tuyến một phần đạt 41,35%. Kết nối liên thông 1.121 TTHC với Cổng DVC Quốc gia. Tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận và giải quyết trực tuyến đạt 86,45% tăng 18,09% so với năm 2023. Hoàn thiện, đưa vào khai thác và sử dụng Kho dữ liệu và Cổng CĐS của tỉnh; CSDL về dân cư cấp trên 1,28 triệu thẻ CCCD, trong đó, đã kích hoạt kích hoạt trên 862 nghìn tài khoản ĐDĐT; CSDL hộ tịch: hoàn thành việc nhập dữ liệu hộ tịch trên nền CSDL Quốc gia về dân cư, với hơn 1,18 triệu dữ liệu. Tỷ lệ dân số có điện thoại thông minh đạt 81,94%; tỷ lệ hộ gia đình có đường Internet cáp qua băng rộng đạt 72,74%. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT, điện tử viễn thông xuất khẩu các sản phẩm điện tử, máy tính và linh kiện tổng giá trị ước đạt 2,8 tỷ USD (từ tháng 1 đến tháng 4/2024).

Xác định năm 2024 là năm “Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp CNTT, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững”, Bộ TT-TT chỉ ra tốc độ tăng trưởng kinh tế số hàng năm phải gấp 3-4 lần tốc độ tăng trưởng GDP, tức là từ 20-25% một năm để đạt được mục tiêu tỷ trọng kinh tế số trong GDP năm 2025 tối thiểu 20%, năm 2030 tối thiểu 30%. Đây là nhiệm vụ khó khăn, thách thức, cần có giải pháp đột phá. Vì vậy, tại hội nghị, Bộ cũng tập trung phân tích hiện trạng, mục tiêu, những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc và đưa ra nhiều giải pháp cho cả chính quyền và doanh nghiệp trong từng trụ cột.
Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung đánh giá tình hình triển khai công tác chuyển đổi số, làm rõ kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, rào cản, điểm nghẽn và nguyên nhân; chia sẻ những cách làm hay mang lại hiệu quả cao trong thực tiễn, bài học kinh nghiệm; các giải pháp trọng tâm để thực hiện cao nhất nhiệm vụ chuyển đổi số thời gian tới.

Sau khi nghe ý kiến tham luận của các bộ, ngành trung ương, các địa phương và đại diện doanh nghiệp viễn thông, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của các bộ, ngành, địa phương; sự chỉ đạo quyết liệt của các thành viên Ủy ban quốc gia về CĐS; sự đồng lòng, ủng hộ, tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp.

Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới Thủ tướng yêu cầu, lãnh đạo, thủ trưởng các bộ, ngành trung ương và các cấp địa phương phải quyết tâm cao hơn nữa, chỉ đạo quyết liệt trong triển khai CĐS quốc gia. Thủ tướng nêu rõ “3 tăng cường” và “5 đẩy mạnh”, trong đó chỉ rõ: “3 tăng cường” là tăng cường nhận thức về vai trò của CĐS đến từng người dân, doanh nghiệp, nhất nêu cao là vai trò của người đứng đầu; tăng cường tiềm lực cho CĐS, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm cần phải ưu tiên bố trí nguồn lực; tăng cường hợp tác công tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội cho CĐS. “5 đẩy mạnh” gồm: Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý đầy đủ thúc đẩy CĐS quốc gia, phát triển kinh tế số; đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, nền tảng số tạo tiền đề quan trọng cho phát triển kinh tế số; đẩy mạnh tạo lập dữ liệu số, phát triển dịch vụ số, bảo đảm kết nối, liên thông, chia sẻ liên tục, thông suốt, đồng bộ; đẩy mạnh phát triển nhân lực số, kỹ năng số đáp ứng yêu cầu phát triển KTXH; đẩy mạnh an ninh mạng, an toàn thông tin để bảo vệ chủ quyền không gian mạng quốc gia từ sớm, từ xa.

Mô hình phát triển kinh tế số Việt Nam theo 4 trụ cột

Thủ tướng nhấn mạnh ưu tiên các nguồn lực, bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại Chương trình CĐS quốc gia và 3 Chiến lược: Về phát triển Chính phủ số; Về phát triển kinh tế số và xã hội số; Về phát triển dữ liệu số. Trong đó, khẩn trương xử lý các nhiệm vụ quá hạn, tồn đọng trong giai đoạn 2022-2023. Triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp để chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc tăng ít nhất 5 bậc và chỉ số an toàn an ninh mạng thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu. Các địa phương phối hợp với chặt chẽ các doanh nghiệp viễn thông xóa bỏ các vùng lõm sóng di động tại các thôn, bản đã có điện lưới quốc gia, hoàn thành trước tháng 12/2024; tiếp tục nâng cao chất lượng mạng băng rộng di động. Tháo gỡ khó khăn vướng mắc, hoàn thành triển khai 12/53 dịch vụ công thiết yếu còn lại theo chỉ đạo của Chính phủ.

Phương Thuý
Dẫn nguồn: 
Thủ tướng yêu cầu “3 tăng cường” và “5 đẩy mạnh” trong chuyển đổi số (baophutho.vn)

 
Các tin khác
Thông báo mới
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com