Thứ 4 | 03/07/2024

baophutho.vnLuật Căn cước năm 2023 được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 6 ngày 27/11/2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024 giúp hoàn thiện pháp luật, đáp ứng thực tiễn về quản lý dân cư, cải cách hành chính, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số và phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp.

Tuy đã bắt đầu thi hành, nhưng vẫn còn nhiều băn khoăn, thắc mắc của người dân đối với các vấn đề liên quan đến Luật Căn cước. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Phú Thọ đã có cuộc trao đổi với Thượng tá Nguyễn Quang Minh - Phó trưởng phòng Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh.

Thượng tá Nguyễn Quang Minh - Phó trưởng phòng Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh.

Phóng viên: Thưa đồng chí, từ ngày 1/7/2024 Luật Căn cước chính thức có hiệu lực với rất nhiều điểm mới. Xin đồng chí cho biết những điểm mới căn bản của Luật này?
Thượng tá Nguyễn Quang Minh: Luật Căn cước 2023 thay thế cho Luật Căn cước công dân 2014 có nhiều điểm mới. Đầu tiên, có thể thấy thay đổi tên của Luật, từ Luật Căn cước công dân đổi tên thành Luật Căn cước,“thẻ căn cước công dân” đổi tên thành “thẻ căn cước”. Chứng minh nhân dân (CMND) sẽ có giá trị sử dụng đến ngày 31/12/2024, tức là ngày từ ngày 1/1/2025 CMND sẽ không còn giá trị sử dụng nữa. Ngoài ra, những thẻ CCCD được cấp trước ngày 1/7/2024 vẫn tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết thời hạn ghi trên thẻ.

Thứ hai, thông tin trên thẻ căn cước (TCC) có một số thay đổi: Bỏ thông tin quê quán, nơi thường trú, vân tay, đặc điểm nhận dạng, thay vào đó là thông tin nơi đăng ký khai sinh và nơi cư trú. Tên cơ quan cấp thẻ sẽ đổi từ Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an thành Bộ Công an. Bên cạnh đó, Luật bổ sung quy định thu thập thông tin sinh trắc học, quy định về việc tích hợp thông tin vào TCC; quy định cấp Căn cước điện tử.

Điểm mới nữa là Luật mở rộng đối tượng được thu nhận hồ sơ, cấp TCC cho công dân từ 0 đến dưới 6 tuổi, từ 6 đến dưới 14 tuổi; công dân Việt Nam không đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú nếu được cập nhật thông tin nơi ở hiện tại vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cấp Giấy chứng nhận Căn cước cho người Việt Nam, gốc Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch, đang sinh sống, làm việc trên đất nước Việt Nam từ 6 tháng trở lên tại đơn vị hành chính cấp xã hoặc đơn vị hành chính cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên người dưới 6 tuổi được cấp TCC.

Thượng tá Nguyễn Quang Minh giải đáp thắc mắc cho công dân trong quá trình thu nhận hồ sơ làm căn cước.

Phóng viên: Đồng chí vừa nhắc đến việc cấp TCC cho người dưới 14 tuổi. Xin đồng chí nói rõ hơn về điểm mới này?

Thượng tá Nguyễn Quang Minh: Theo Luật căn cước, việc cấp TCC không chỉ dành cho công dân từ đủ 14 tuổi mà còn mở rộng đối với công dân dưới 14 tuổi cũng sẽ được cấp TCC theo nhu cầu.

Cụ thể, đối với công dân dưới 6 tuổi, người đại diện hợp pháp sẽ thực hiện thủ tục cấp TCC thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc ứng dụng VNeID và lựa chọn đơn vị tiếp nhận hồ sơ là cơ quan quản lý Căn cước nơi công dân đang cư trú. Trường hợp người dưới 6 tuổi chưa khai sinh thì người đại diện làm thủ tục cấp TCC thông qua các thủ tục liên thông với đăng ký khai sinh trên cổng dịch vụ công, ứng dụng định danh điện tử hoặc đi làm trực tiếp và cơ quan quản lý Căn cước, không thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học đối với người dưới 6 tuổi.

Đối với công dân từ đủ 6 tới dưới 14 tuổi, người đại diện hợp pháp thực hiện việc đăng ký thời gian và cơ quan tiếp nhận hồ sơ cấp Căn cước thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, ứng dụng định danh quốc gia. Đồng thời, công dân từ đủ 6 tuổi đến dưới 14 tuổi cùng người đại diện hợp pháp đến cơ quan quản lý Căn cước theo thời gian, địa điểm đã đăng ký để thực hiện thủ tục cấp, đổi, cấp lại TCC.

Quy định cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi mang nhiều ý nghĩa quan trọng, góp phần bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của công dân; phát huy giá trị, tiện ích của thẻ căn cước trong hoạt động của Chính phủ số, xã hội số.

Cán bộ phòng Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh thu thập sinh trắc vân tay của công dân dưới 14 tuổi.

Phóng viên: Một trong những nội dung được quan tâm trong Luật Căn cước là việc cấp Giấy chứng nhận căn cước cho những người Việt Nam, gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch. Xin đồng chí nói rõ hơn về nội dung này?

Thượng tá Nguyễn Quang Minh: Luật Căn cước quy định người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam là người không có giấy tờ, tài liệu chứng minh có quốc tịch Việt Nam và nước khác, không có thông tin trong cơ sở dữ liệu dân cư, nhưng có cùng dòng máu về trực hệ với người đã từng có quốc tịch Việt Nam (cha mẹ, ông bà, con cái...) được xác định theo nguyên tắc huyết thống.

Qua khảo sát, đa số đối tượng này là những người yếu thế như người di cư, cư trú không ổn định, là người dân tộc thiểu số, trẻ em, người nghèo, người sinh sống trên địa bàn biên giới, vùng sâu, vùng xa... Đến nay, trải qua nhiều thế hệ gồm cả con, cháu, nhiều người đã được sinh ra nhưng chưa được pháp luật thừa nhận, bảo vệ đầy đủ. Chưa kể nhiều cơ quan quản lý nhà nước không có bất cứ thông tin, dữ liệu gì về người gốc Việt Nam. Việc này gây ra rất nhiều khó khăn trong quản lý, nhất là trong bảo đảm an ninh, trật tự khi họ vi phạm pháp luật. Đồng thời đây cũng là cơ hội cho một số tổ chức, cá nhân cố tình lợi dụng vấn đề về nhân quyền để gây rối, gây mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho người người Việt Nam, gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch theo Luật Căn cước giúp đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của họ, tạo điều kiện cho họ được sinh sống ổn định, lâu dài tại Việt Nam, thuận tiện trong thực hiện giao dịch thiết yếu phục vụ cuộc sống. Giấy chứng nhận căn cước có thời hạn sử dụng 2 năm kể từ ngày cấp.

Rất đông công dân đã đến bộ phận tiếp dân của Công an tỉnh và các huyện, thành, thị để nộp hồ sơ cấp căn cước.

Phóng viên: Điểm mới của Luật Căn cước 2023 là người từ 14 tuổi khi làm TCC sẽ bắt buộc thu thập dữ liệu mống mắt; riêng giọng nói, ADN sẽ được thu thập nếu người làm TCC có nhu cầu. Vậy lực lượng công an các cấp trong tỉnh đã chuẩn bị gì để triển khai nội dung này và những người đang sử dụng căn cước công dân (CCCD) có phải bổ sung dữ liệu mống mắt như Luật mới, thưa đồng chí?

Thượng tá Nguyễn Quang Minh: Nhằm triển khai hiệu quả Luật Căn cước ngay từ thời điểm có hiệu lực, thời gian qua, Công an tỉnh Phú Thọ đã chuẩn bị tốt các điều kiện từ kỹ thuật, trang thiết bị, hoàn thiện phần mềm, hệ thống cần thiết đến nâng cao nguồn nhân lực.

Thời gian qua, Công an tỉnh đã tổ chức tập huấn trực tuyến cho 1.032 cán bộ chiến sĩ về Luật Căn cước. Trong đó, chú trọng tập huấn nghiệp vụ về quy trình thu nhận hồ sơ căn cước cho công dân cho 63 cán bộ chiến sĩ trực tiếp thực hiện công tác cấp, quản lý căn cước.

Về thiết bị chuyên dụng, hiện toàn tỉnh có 14 thiết bị lấy quyét mống mắt đặt tại trụ sở công an của 13 huyện, thành, thị và bộ phận tiếp dân của Công an tỉnh. Hình thức thu nhận mống mắt sẽ tương tự như thu nhận vân tay. Quá trình thu nhận cũng rất đơn giản, công dân chỉ cần áp sát mắt vào thiết bị, hệ thống sẽ tự động chụp và lấy đặc điểm hệ thống sinh trắc của mống mắt đó. Người dân cần lưu ý không đeo kính trong quá trình thu nhận mống mắt.

Đối với những người đang sử dụng CCCD được cấp từ trước 1/7/2024 và có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ, chỉ bắt buộc phải thu thập mống mắt khi người dân có nhu cầu đổi sang TCC. Nếu không, người dân vẫn sử dụng bình thường, không bắt buộc phải thu thập mống mắt để bổ sung.

Phóng viên: Với rất nhiều điểm mới trong Luật Căn cước 2023, những người đang sử dụng CCCD hoặc CMND cũ có phải đi đổi lại TCC không, thưa đồng chí?

Thượng tá Nguyễn Quang Minh: Luật Căn cước 2023 quy định rất rõ không bắt buộc người dân phải đổi từ thẻ CCCD sang TCC. Người dân sử dụng thẻ đang còn thời hạn, nếu không có nhu cầu đổi thẻ thì vẫn tiếp tục sử dụng thẻ CCCD bình thường; khi đến hạn mới phải đổi thẻ. Tuy nhiên, như trên đã nói, CMND còn thời hạn sử dụng sẽ chỉ có giá trị sử dụng đến ngày 31/12/2024, tức là từ ngày 1/1/2025, CMND sẽ không còn giá trị sử dụng nữa. Vậy nên, với những công dân vẫn đang sử dụng CMND cần nhanh chóng làm TCC để phù hợp với quy định hiện hành.

Phóng viên: Cảm ơn đồng chí.
Phương Thúy (thực hiện)
Dẫn nguồn: 
Giải đáp một số thắc mắc về Luật Căn cước (baophutho.vn)

Các tin khác
Thông báo mới
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com