Thứ 2 | 08/04/2019
Nghệ nhân Nguyễn Mạnh Hoạch (14/9/1952) sinh ra và lớn lên trong một gia đình dân tộc Mường, bố từng là một thầy mo Mường gốc ở Thanh Hóa nhưng theo tổ tiên dòng họ di cư sang Hòa Bình rồi tới định cư ở Yên Lập (Phú Thọ). Thủa bé, ông thường được bố đưa đi theo trong các buổi cúng lễ, từ đó, những âm thanh của các loại nhạc cụ như trống, mõ, xênh, phách đã ngấm sâu vào tâm hồn ông và ấn tượng nhất, đậm đà nhất vẫn là những nhịp Trống đu ăn sâu vào tiềm thức của ông cho đến bây giờ.
Thuở nhỏ, ông ở với bá ruột là bà Hà Thị Ngà ở khu Thống Nhất, xã Đồng Thịnh. Bản ông thời đó có cụ Nguyễn Văn Ly (mất năm 2006), là đội trưởng đội văn nghệ hợp tác xã Cao Trào, là người hiểu biết nhiều về phong tục, tập quán và các lễ hội của dân tộc Mường, trong đó có múa Trống đu. Thấy ông yêu thích và có năng khiếu cảm nhận, biểu diễn, cụ Ly chính là người đã truyền dạy múa trống đu cho ông từ năm 1968 - 1970.
Năm 1970, ông bắt đầu trình diễn múa trống đu. Lúc đầu, ông tham gia trình diễn tại các buổi biểu diễn của xã, sau đó phục vụ lễ hội ở xã, ở huyện Yên Lập. Từ năm 1972 - 1978, ông học Trung cấp Thủy lợi ở Phù Ninh và đi nghĩa vụ quân sự. Những năm tháng học tập trong trường và trong quân ngũ, ông đều trình diễn múa Trống đu mỗi khi nhà trường hoặc đơn vị tổ chức sinh hoạt văn hoá văn nghệ và được mọi người hưởng ứng rất nồng nhiệt. Năm 1978, ông giải ngũ về ở tại khu Hạ Bạc, xã Đồng Thịnh. Từ sự đam mê với tiếng trống, ông đã tập hợp được một Đội văn nghệ dân gian bao gồm 15 người cả nam lẫn nữ thường xuyên luyện tập, tham gia biểu diễn phục vụ nhân dân vào các ngày lễ, Tết, các nhiệm vụ chính trị của xã, huyện, đồng thời tổ chức giao lưu với các đội văn nghệ các xã vùng lân cận trong huyện và xã Tân Lập, huyện Thanh Sơn. 
 

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Mạnh Hoạch trình diễn NTDG múa trống đu
 
 
Ông đã trình diễn rất nhiều lần điệu múa Trống đu, ông thực hiện thành thạo, điêu luyện những phách đảo nhịp, cách xử lý dùi trống gõ vào mặt trống, tang trống và vờn trống. Đặc biệt là thực hiện được những kỹ năng xuất sắc như: Nằm ôm trống bằng hai chân, tung trống lên cao đón trống bằng chân, bồng trống, cặp trống vào hai chân rồi quay vòng tròn cùng trống giống như hình tượng người cha đang bế đứa con, đùa giỡn, nựng chiều. Ông còn thực hiện được động tác khó nhất trong múa Trống đu là động tác lộn trống từ tư thế đứng sang tư thế ngồi và chuyển sang tư thế nằm, chiếc trống luôn được giữ chắc bằng một tay, tay còn lại cầm dùi gõ mà vẫn giữ được thăng bằng cho cả người và trống, không để rơi trống, nhất là không để trống bị ngắt nhịp, sai nhịp hoặc mất nhịp.
Trong suốt những năm tháng mê mải với múa Trống đu, ông đã tìm tòi cách gõ trống để mang điệu múa đến gần hơn với công chúng. Trên cơ sở nhịp trống ban đầu là 3,4 ông đã sáng tạo và nâng lên thành 7,8 nhịp có cải biên tiết tấu để đẩy nghệ thuật gõ trống đến mức cao trào. Trong đội múa, ông giữ vai trò múa trống chính giữ nhịp cho toàn đội, người múa chính và người múa phụ họa vừa múa vừa đánh trống sao cho nhịp trống khớp với các động tác nhảy múa dưới sự chỉ huy của người gõ trống lớn.
Từ năm 1986 đến nay, ông đã tham gia hầu hết các đợt liên hoan, hội thi, hội diễn văn nghệ của xã và huyện tổ chức; tham gia trình diễn diễn xướng dân gian truyền thống của dân tộc Mường qua điệu múa Trống đu phục vụ Lễ hội Đền Hùng hằng năm và các kỳ tổ chức Ngày Hội văn hóa các dân tộc huyện Yên Lập. 
 

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Mạnh Hoạch truyền dạy nghệ thuật dân gian

múa trống đu tại nhà văn hóa khu 
 
Nhận thấy múa Trống đu là diễn xướng dân gian có tính nghệ thuật cao của dân tộc Mường cần được phổ biến rộng rãi, nên bắt đầu từ năm 1986 đến nay, ông đã dạy múa Trống đu ở tại gia đình cho những người muốn học và thích học. Hiện nay, ông đang cùng Đội văn nghệ truyền dạy cho mọi người, hàng tháng tổ chức 3 buổi luyện tập hoặc tại nhà hoặc ở nhà văn hóa khu mà không nhận thù lao. Đồng thời, ông đã tham gia truyền dạy cho các đội văn nghệ các khu hành chính trong xã như: Hạ Bạc, Tâm Bưởi, Đồng Bài, Đồng Dân, Dân Thanh, Lương Đẩu và đội văn nghệ của huyện Yên Lập. Số lượng học trò là ông đã truyền dạy khoảng 600 người. Các thế hệ học trò của ông nắm được cơ bản điệu múa Trống đu, trong đó có 2 học trò tiêu biểu đã nắm rất chắc về cách trình diễn múa Trống đu và còn thể hiện được những kỹ năng mà ông đã truyền lại, đó là ông Nguyễn Văn Mưu và anh Đinh Văn Tân.
Với mong muốn đưa điệu múa Trống đu vào trường học để truyền dạy cho lớp trẻ. Ông đã đề xuất UBND xã Đồng Thịnh, huyện Yên Lập thành lập đội múa Trống đu cho các em học sinh trường THCS Đồng Thịnh, tuần 2 buổi đến trường dạy các cháu cách gõ trống, múa trống, đặc biệt hướng dẫn các cháu về kỹ năng cảm thụ âm thanh, biết lắng nghe tiết tấu để phân biệt từng trường đoạn cụ thể, từ đó chuyển thành kỹ năng múa, bài múa hoàn hảo. Đến nay, nhiều cháu đã có thể tham gia biểu diễn tự tin trước công chúng trong và ngoài địa phương.
Để ghi nhận những hoạt động tích cực trong việc thực hành, trao truyền, gìn giữ nghệ thuật trình diễn dân gian múa trống đu, ngày 8/3/2019 tại Quyết định số 355/QĐ-CTN, ông Nguyễn Mạnh Hoạch đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu vinh dự nhà nước “Nghệ nhân ưu tú” loại hình di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật trình diễn dân gian. Đây là phần thưởng cao quý, rất có ý nghĩa và là nguồn động viên khích lệ để ông tiếp tục thực hiện mong muốn lớn nhất của mình đó là đưa điệu múa Trống đu - điệu múa cổ truyền của dân tộc Mường được lưu truyền, quảng bá rộng rãi hơn nữa tới mọi người, trên mọi miền quê hương, đất nước.
                               
                                             Phương Hà - Phòng Quản lý Di sản văn hóa
Các tin khác

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com