Thứ 4 | 03/07/2019
Nguyễn Quang Bích (1832 -1890) vốn dòng giõi họ Ngô, hiệu Ngư Phong, người làng Trình Phố xã An Ninh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình ( khi còn nhỏ ông được một nhà họ Nguyễn nuôi cho ăn học nên mang họ Nguyễn). Năm 1861 ông đỗ cử nhân nhưng không ra làm quan, ông ở nhà mở trường dạy học. Năm 1869 ông đỗ Đình Nguyên Hoàng Giáp và lần lượt giữ các chức vụ quan trọng trong triều đình. Suốt thời gian làm quan ông là vị quan thanh liêm chính trực, ân đức, một văn thân yêu nước quên mình vì nghĩa lớn. Ông là vị tướng đầy lòng nhân ái, đồng cam cộng khổ, yêu thương tướng sĩ, trọng kẻ có công, kính người có đức. Nhân dân địa phương vẫn gọi ông bằng hai từ “Hoạt phật” (Phật sống). Ông là linh hồn của cuộc khởi nghĩa Tiên Động xã Tiên Lương, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ.
          Sau khi Tôn Thất Thuyết nhân danh vua Hàm Nghi ra chiếu Cần Vương kêu gọi văn thân và nhân dân đứng lên giúp vua cứu nước, một phong trào yêu nước chống giặc ngoại xâm đã bùng lên mạnh mẽ mà lịch sử gọi là phong trào Cần Vương. Cùng với các cuộc khởi nghĩa Ba Đình (1886 - 1887) của Phạm Bành và Đinh Công Tráng, khởi nghĩa Bãi Sậy (1883 - 1892) của Nguyễn Thiện Thuật, khởi nghĩa Hương Khê (1885 - 1895) của Phan Đình Phùng thì cuộc khởi nghĩa Tiên Động (1884 -1886) của Nguyễn Quang Bích là một trong những cuộc khởi nghĩa tiêu biểu của phong trào Cần Vương ở Việt Nam nói chung và trên đất Phú Thọ nói riêng, đã góp phần tô thắm thêm trang sử vẻ vang của dân tộc trong công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược những năm cuối thế kỷ XIX.
          Căn cứ Tiên Động, nơi ghi dấu về hoạt động của người lãnh tụ Nguyễn Quang Bích. Một văn thân "trung quân, ái quốc" quên thân vì nghĩa lớn, chấp nhận thiếu thốn, không sợ hiểm nguy - việc ông khước từ địa vị triều đình để cùng với nghĩa quân xây dựng căn cứ kháng chiến lâu dài ở một vùng rừng núi hiểm trở là một bằng chứng sâu sắc về bản lĩnh của Nguyễn Quang Bích.
          Căn cứ Tiên Động nay thuộc xã Tiên Lương huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ là cánh đồng chiêm trũng sình lầy có diện tích khoảng 11km2, phía Đông xa xa nhìn ra sông Hồng, phía Tây là dãy núi Lưỡi Hái chắn dài như bức trường thành, ở phía Tây Bắc là cả một vòng cung dài đồi núi lô nhô xen kẽ những rạch, ngòi dài hiểm trở. Với vốn kiến thức quân sự khá phong phú và dày dặn kinh nghiệm trận mạc, lại biết tận dụng địa hình hiểm trở ông đã cho xây dựng ở đây một hệ thống phòng thủ khá vững chắc và biến nơi đây thành căn cứ địa kháng chiến chống lại những đợt tấn công của quân Pháp. Đây chính là nơi ghi dấu tài năng quân sự của vị tướng Nguyễn Quang Bích.
          Sau khi thành Hưng Hoá thất thủ, Nguyễn Quang Bích cho quân rút về Tiên Động. Nhận thấy sự tương quan lực lượng không có lợi cho ta: Quân ta yếu (vũ khí thô sơ, quân số không đông), thế ta đuối (liên tục bị thua và thất thủ ở nhiều nơi) nên ông đã xác định phải xây dựng một căn cứ để kháng chiến lâu dài với lối đánh du kích, đánh trường kỳ. Qua đó thể hiện một tầm nhìn chiến lược và một sách lược quân sự cực kỳ đúng đắn. Sách lược ấy sau này đã được chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng học tập, ứng dụng để đề ra đường lối tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ để chọn thời cơ thuận lợi, chuyển thế từ bị động sang chủ động, từ phòng ngự, cầm cự sang phản công; từ yếu sang mạnh để làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 " Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", kết thúc 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta.
          Trong những ngày tháng cam go của cuộc kháng chiến, mặc dù nhận được sự giúp đỡ của nhà Thanh ( Trung Quốc), nhưng ông không coi sự giúp đỡ này là chỗ dựa chủ yếu mà xác định rằng sự giúp đỡ ấy rất quan trọng nhưng không phải là cái quyết định trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Điều này khiến chúng ta liên hệ đến cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ với phương châm "tự lực cánh sinh" dựa vào sức mình là chính của dân tộc ta do Đảng và Bác Hồ lãnh đạo.
Nguyễn Quang Bích là vị tướng chiếm được tuyệt đại đa số lòng tin của đồng bào các dân tộc thiểu số, quân sĩ gần xa để xây dựng căn cứ, củng cố lực lượng. Đây là sách lược đúng đắn vì muốn tiến hành cuộc kháng chiến lâu dài giành thắng lợi phải dựa vào sức dân được dân tin yêu, che chở đùm bọc. Nếu không được dân chi viện sức người sức của thì ông không thể xây dựng được căn cứ và hoạt động trong thời gian dài trước những chênh lệch vì tương quan lực lượng cùng những khó khăn mà nghĩa quân đối mặt. Đường lối ấy lại được Đảng ta áp dụng một cách sáng tạo trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ với đường lối chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện kháng chiến. Căn cứ Tiên Động là nơi đã ra đời bức thư trả lời quân Pháp. Với lời lẽ rứt khoát và kiên định, sắc bén như những mũi lê đâm vào kẻ thù, đó cũng chính là biểu hiện của khí phách hiên ngang, tinh thần bất khuất và hành động xả thân cho đất nước của ông. Đúng như câu “Nay ở trong thơ nên có thép, nhà thơ cũng phải biết xung phong” của Bác Hồ, hay câu “Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà” của Nguyễn Đình Chiểu. Chất thép trong từng câu là vũ khí sắc bén của muôn dân, âm hưởng của nó còn vang vọng mãi trên văn đàn, có giá trị giáo dục sâu sắc cho các thế hệ mai sau.
          Căn cứ Tiên Động đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia tại quyết định số 05/ QĐ- BVHTT ngày 12/02/1999 (Nay là Bộ VH,TT & DL). Để phát huy tốt giá trị của di tích trong công tác giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, đặc biệt là truyền thống anh hùng bất khuất trong sự nghiệp giữ nước, chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam đối với các thế hệ người Việt Nam nói chung và thế hệ trẻ Việt Nam nói riêng:
Cần tăng cường công tác phổ biến tuyên truyền giá trị lịch sử của di tích nói chung và thân thế, sự nghiệp của danh nhân Nguyễn Quang Bích nói riêng nhằm nâng cao hiểu biết của nhân dân đối với di tích để từ đó xác định được trách nhiệm đối với di tích để nâng cao ý thức, nhận thức về nhiệm vụ bảo vệ, bảo tồn, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích trong công tác giáo dục truyền thống chống giặc ngoại xâm cho đông đảo quần chúng nhân dân, đặc biệt đối với thế hệ trẻ thông qua hình thức tổ chức những buổi sinh hoạt ôn lại truyền thống và lịch sử của di tích của quê hương Tiên Động do các đoàn thể quần chúng tổ chức nghi lễ và trao quà lưu niệm tiễn con em lên đường nhập ngũ làm nghĩa vụ quân sự hàng năm.
          Thường xuyên tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh của xã và đài phát thanh của huyện về lịch sử của di tích và thân thế sự nghiệp của danh nhân Nguyễn Quang Bích lãnh tụ của phong trào Cần Vương trên đất Phú Thọ để nâng cao hiểu biết, kiến thức của các tần lớp nhân dân địa phương.
Tổ chức những buổi học ngoại khoá cho học sinh các cấp - Những chủ nhân tương lai của đất nước về ý nghĩa lịch sử của phong trào Cần Vương và danh nhân Nguyễn Quang Bích tại di tích căn cứ Tiên Động để nâng cao kiến thức, hiểu biết cho học sinh về truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm của cha ông nói chung và của địa phương mình, nơi mình đã sinh ra và lớn lên. Từ đó, nâng cao ý thức và niềm tự hào về truyền thống chống giặc ngoại xâm của các thế hệ cha ông. Từ đó có những hành động cụ thể, thiết thực góp phần vào công tác bảo vệ, chăm sóc di tích, thực hiện tốt phong trào "Trường học thân thiện, học sinh tích cực" do Bộ GD & ĐT; Bộ VH,TT & DL; TW Đoàn TNCS HCM phối hợp tổ chức.
          Tiếp tục sưu tầm những hiện vật có liên quan đến cuộc khởi nghĩa Tiên Động và danh nhân Nguyễn Quang Bích thông qua phát động trong các tầng lớp nhân dân trên địa bàn địa phương.
Lập quy hoạch tổng thể khu di tích căn cứ Tiên Động để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt làm có căn cứ đề nghị nhà nước quan tâm đầu tư kinh phí tu bổ, tôn tạo và thực hiện chủ trương xã hội hoá công tác tu bổ, tôn tạo để có nguồn tài lực, vật lực của tập thể và các cá nhân trong và ngoài tỉnh công đức để tu bổ, tôn tạo di tích và các hạng mục theo quy hoạch đã phê duyệt.
          Di tích LSVH Căn cứ Tiên Động là một di tích có ý nghĩa quan trọng trong việc nghiên cứu tìm hiểu về phong trào Cần Vương trên địa bàn tỉnh Phú Thọ và là một địa điểm tham quan du lịch có tác dụng giáo dục truyền thống về một thời kỳ lịch sử chống giặc ngoại xâm oanh liệt của dân tộc ta: Đó là phong trào Cần Vương, trong đó danh nhân Nguyễn Quang Bích là một lãnh tụ tiêu biểu đã có nhiều chiến công góp phần làm thất bại âm mưu xâm lược của thực dân Pháp cuối thế kỷ XIX, tạo nên ảnh hưởng to lớn cho phong trào chống Pháp sau này. Tinh thần yêu nước, thương nòi, ý trí bất khuất kiên trung, tài thao lược về nghệ thuật quân sự, khả năng uyên bác về văn hoá của danh nhân Nguyễn Quang Bích sẽ trường tồn cùng non sông đất nước, dân tộc Việt Nam nói chung và với đồng bào các dân tộc tỉnh Phú Thọ- Quê hương Đất Tổ Vua Hùng nói riêng.
 
Đặng Đình Thuận - PCT Hội Văn nghệ dân gian Phú Thọ
Các tin khác
Thông báo mới
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com