Đình Đào Xá - ngôi đình cổ được xây dựng từ Vua Lê Gia Tông (1674 - 1675). Vị thần được tôn thờ là Hùng Hải Công, em thứ 19 của Vua Hùng thứ 3 (Hùng Quốc Vương). Thời Vua Hùng dựng nước, ông được cử đến cai trị vùng Tam Giang, nơi hợp lưu của ba con sông lớn: Sông Đà, sông Hồng và sông Bứa. Do có công lớn dạy dân trị thủy, trồng cấy, chăn nuôi, xây dựng xóm làng trù phú, Vua Hùng ban cho ông hai thớt Voi. Trước khi chia tay về xuôi, Hùng Hải Công giao lại trọng trách cai quản vùng Tam Giang cho ba con trai đã trưởng thành và dẫn đôi Voi về Đào Xá làm lễ tạ 3 lần rồi từ biệt. Tri ân công đức của ông, dân làng lập đình thờ và tôn ông làm Thành hoàng. Hằng năm cứ mỗi độ xuân về, làng Đào Xá lại mở hội rước voi trong ba ngày từ 27 đến 29 tháng Giêng với các tập tục, nghi lễ, diễn xướng dân gian, tri thức dân gian nhằm tưởng nhớ, tri ân công đức của Đức thánh phụ Hùng Hải Công, trở thành một lễ hội lớn trong vùng, một điểm nhấn trong “Chương trình về miền lễ hội cội nguồn dân tộc Việt Nam” của tỉnh Phú Thọ nói chung và của huyện Thanh Thủy nói riêng.
Lễ hội Đào Xá gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ tiến hành rước voi, hương án, long báu, bài vị, hòm sắc và tế Thành hoàng. Phần hội tổ chức nhiều trò chơi dân gian như đánh vật, cướp gà, lấy nước, giã gạo, kéo lửa nấu cơm thi… Toàn bộ lễ hội là hướng về cội nguồn, ca ngợi công đức các vị thần, những người có công với dân với nước và cầu cho “Quốc thái dân an”, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Rước Voi và rước kiệu tại lễ hội
Hội thi kéo lửa thổi cơm thi diễn ra tại lễ hội
Trao đổi với ông Lê Anh Đoàn - Chủ tịch UBND xã Đào Xá được biết: “Lễ hội Đào Xá phản ánh những giá trị lịch sử, những sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng nông nghiệp lúa nước, tín ngưỡng thờ thủy thần của cư dân vùng đất Tổ gắn với không gian văn hóa Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Những tín ngưỡng đó được thể hiện rõ nét qua việc chuẩn bị các lễ vật, các nghi lễ, các trò chơi trong lễ hội. Vì lẽ đó, năm 1974 đình Đào Xá được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Và đến mùa xuân này, niềm vui của người dân Đào Xá như được nhân lên khi lễ hội Đào Xá được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia vào tháng 11/2016. Đây là niềm vinh dự, tự hào, đồng thời cũng là trách nhiệm của người dân Đào Xá trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị lễ hội của địa phương”.
Các đại biểu thắp hương tại đình Đào Xá
Cũng theo ông Đoàn, để giữ gìn và phát huy những giá trị tinh thần đã đạt được, Đảng bộ và chính quyền xã Đào Xá tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động bảo tồn, quản lý, tổ chức Lễ hội Đào Xá, giới thiệu và quảng bá di sản phục vụ du khách, du lịch ngay chính trên quê hương mình. Phát huy nội lực, tăng cường những biện pháp tích cực để quản lý, bảo vệ, tuyên truyền huy động mọi nguồn lực để tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị của di sản văn hóa theo Nghị quyết của Đảng bộ huyện Thanh Thủy đã đề ra. Đồng thời chú trọng tới việc giáo dục truyền thống, phát huy bản sắc văn hóa dân gian, tạo điều kiện để người dân được tham gia sáng tạo và hưởng thụ các sản phẩm văn hóa, đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng và nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần cho nhân dân. Bên cạnh đó, chính quyền xã Đào Xá phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường quản lý không để các trò chơi mang tính chất cá cược diễn ra trong lễ hội để đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương, góp phần xây dựng một lễ hội văn minh, lành mạnh, vui tươi, an toàn và tiết kiệm.
Đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao Chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Lễ hội Đào Xá
cho xã Đào xá
Nhân dịp này, UBND xã Đào Xá đã trang trọng tổ chức lễ đón nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Dự buổi lễ có đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, lãnh đạo huyện Thanh Thủy cùng đông đảo nhân dân và du khách thập phương. Ngay sau lễ đón nhận, các đại biểu, nhân dân và du khách thập phương đã dâng hương và cùng tham dự tục rước kiệu, rước voi truyền thống, kéo lửa nấu cơm thi, kéo co…
Nguồn: phutho.gov.vn