Thứ 4 | 09/12/2020

       PTĐT - Sáng nay 8/12, kỳ họp thứ Mười một, HĐND tỉnh khóa XVIII bước sang ngày làm việc thứ hai, các đại biểu tiến hành phiên thảo luận tại hội trường và giải trình của các sở, ngành liên quan. Trong đó, nhiều vấn đề, nhóm lĩnh vực liên quan đến ngành tài chính, công thương, điện, tài nguyên môi trường, văn hóa xã hội... đã được các đại biểu đề cập.

Giải trình các vấn đề về kinh phí, chính sách 


 

       Giải trình về vấn đề hướng dẫn cụ thể việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí khoán hoạt động đối với các tổ chức chính trị - xã hội, Ủy ban MTTQ cấp xã, các chi hội thuộc tổ chức chính trị - xã hội, Ban công tác MTTQ, Chi hội Người cao tuổi ở khu dân cư, bà Vương Thị Bẩy - TUV, Giám đốc Sở Tài chính cho biết: Theo Nghị quyết số 17/2014/NQ-HĐND quy định khoán kinh phí hoạt động đối với tổ chức chính trị - xã hội, Ủy ban MTTQ ở cấp xã (theo lần mức lương cơ sở tổ chức/tháng) với xã loại 1 là 0,45, loại 2 là 0,25, loại 3 là 0,1. Khoán kinh phí hoạt động đối với các chi hội thuộc tổ chức chính trị - xã hội, Ban Công tác mặt trận, Chi hội Người có tuổi ở khu dân cư thì khu không thuộc khu đặc biệt khó khăn là 11,6 triệu đồng/khu/năm và 16,9 triệu đồng/khu/năm đối với khu thuộc xã đặc biệt khó khăn, xã ATK. Căn cứ vào nguồn kinh phí được khoán, Chủ tịch UBND các xã quyết định kinh phí hoạt động của các tổ chức này theo quy định, các khu dân cư thực hiện các hoạt động của các chi hội trực thuộc đảm bảo phù hợp với địa phương.

       Về tình trạng nguồn kinh phí Trung ương cấp để thực hiện Đề án hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở sau ngày 31/12/2019 chưa sử dụng hết phải chuyển về Trung ương, bà Vương Thị Bẩy cho biết: Tính đến ngày 31/12/2019, có 8.428/10.275 hộ được xây mới, sửa chữa, tương ứng 245.840 triệu/302.920 triệu đồng đã được cấp. Số kinh phí còn lại chưa thực hiện là 57.080 triệu đồng, tỉnh đã thu hồi và hoàn trả ngân sách Trung ương theo yêu cầu của Bộ Tài chính.

       Nguyên nhân của vấn đề này là do chương trình được thực hiện từ năm 2013 nhưng đến năm 2015 Trung ương mới bố trí cho tỉnh 55.651 triệu đồng (bằng 19,3%). Trong 2 năm 2018 - 2019, ngân sách Trung ương mới bố trí đủ kinh phí theo Đề án. Tuy nhiên thời gian giải ngân không được kéo dài chỉ khoảng 1,5 năm trong khi việc xây, sửa nhà liên quan đến yếu tố tâm linh nên một số hộ gia đình không triển khai được trong năm 2018, 2019; một số trường hợp trong quá trình chờ kinh phí hỗ trợ đã chuyển nhà đi nơi khác và không thuộc đối tượng theo chương trình nữa; quá trình triển khai thực hiện rà soát lại một số hộ không đủ điều kiện được hỗ trợ.

       Để khắc phục tình trạng này, Sở Tài chính đã tham mưu UBND tỉnh đề nghị Trung ương cho phép rà soát, điều chỉnh bổ sung Đề án; chỉ đạo các cấp, ngành tăng cường tuyên truyền, vận động, huy động nguồn ủng hộ của các tổ chức, cá nhân để hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho gia đình người có công với cách mạng còn khó khăn.

       Đối với công tác quản lý và sử dụng một số công trình như trụ sở làm việc, nhà văn hóa, trạm y tế ở các xã sau sáp nhập hiện đang có nhiều bất cập, bà Vương Thị Bẩy giải trình: UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND các huyện, thành, thị chủ động xây dựng phương án bố trí trụ sở làm việc của các đơn vị hành chính cấp xã mới sau sáp nhập, đề xuất phương án xử lý đối với những cơ sở dôi dư cho phù hợp nhằm sử dụng hiệu quả tài sản công và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên đến nay chỉ có thành phố Việt Trì và huyện Tam Nông đã hoàn thiện và trình phương án.

       Đối với mức hỗ trợ giáo viên mầm non ngoài biên chế, hiện nay từ ngân sách tỉnh còn rất hạn chế. Năm 2021, Sở Tài chính sẽ tham mưu UBND tỉnh xây dựng định mức phân bổ chi thường ngân sách địa phương giai đoạn ổn định tiếp theo (2022 - 2025), trong đó sẽ xem xét nâng mức hỗ trợ cho giáo viên mầm non ngoài biên chế hợp đồng huyện từ ngân sách tỉnh.

       Kết luận các vấn đề trên, Chủ tọa kỳ họp Bùi Minh Châu yêu cầu: Lãnh đạo các địa phương căn cứ vào các nguồn kinh phí được khoán và nguồn lực của địa phương hướng dẫn các xã xây dựng phương án chi tiêu nội bộ của các tổ chức chính trị - xã hội, chi hội ở khu dân cư.

       Đối với nhà văn hóa tại các đơn vị hành chính cấp xã sau sáp nhập, Chủ tọa yêu cầu, ở khu dân cư nào sau khi sáp nhập mà có 2 nhà văn hóa thì người dân tự quyết định và quản lý vì đây là tài sản của nhân dân. Đối với trụ sở làm việc, trạm y tế, trường học thuộc thẩm quyền của xã nào thì giao cho UBND xã đấy xây dựng phương án để trình huyện sắp xếp cho phù hợp nhất. 

       Đối với chính sách hỗ trợ cho hoạt động không chuyên tại các thôn bản và mức hỗ trợ cho giáo viên hợp đồng còn thấp, Chủ tọa kỳ họp yêu cầu Sở Tài chính nghiên cứu báo cáo lại UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét thay đổi cho phù hợp.

Về lĩnh vực Tài nguyên – Môi trường 


 

       Có 4 câu hỏi liên quan đến lĩnh vực tài nguyên - môi trường: Công tác quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp của các nông lâm trường; giải phóng mặt bằng ở một số dự án khu đô thị mới, dự án nhà ở; tình trạng tập kết rác thải, phế thải không đúng quy định... Ông Phạm Văn Quang – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời như sau: 

       Sở Tài nguyên và Môi trường đã đưa ra các giải pháp để quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp của các nông lâm trường: Tổ chức đo đạc lập hồ sơ thu hồi đối với diện tích đất sau khi phê duyệt phương án sử dụng đất của các công ty nông lâm nghiệp bàn giao cho địa phương; xây dựng phương án sử dụng đất để đưa vào sử dụng phục vụ cho các dự án phát triển kinh tế xã hộ; đôn đốc các Công ty nông lâm nghiệp hoàn chỉnh hồ sơ thuê đất để ký hợp đồng thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các công ty.

       Lý giải những vướng mắc trong giải phóng mặt bằng ở một số dự án khu đô thị mới, dự án nhà ở, ông Quang cho biết: Do Chính sách pháp luật về bồi thường giải phóng mặt bằng từ năm 2010 đến nay có nhiều thay đổi dẫn đến khó khăn trong việc tính toán, lập hồ sơ, xây dựng phương án bồi thường, một số dự án đất thương mại dịch vụ không thuộc diện nhà nước thu hồi phải thoả thuận nhận chuyển nhượng với giá cao hơn dẫn đến người dân so sánh. Giải pháp đưa ra là đẩy nhanh tiến độ lập hồ sơ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai để có cơ sở quy chủ, xác định nguồn gốc đất đai; cần chấm dứt tình trạng chủ đầu tư dự án tự ý thỏa thuận nhận chuyển nhượng hoặc hỗ trợ thêm cho người dân mà không có sự chỉ đạo, đồng ý của cơ quan có thẩm quyền.

       Đối với vấn đề quản lý, thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải: Sở tiếp tục phối hợp với lực lượng cảnh sát môi trường, Ban Quản lý các khu công nghiệp tăng cường kiểm tra, theo dõi, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về quản lý chất thải, nhất là đối với chất thải nguy hại từ các cơ sở sản xuất trong các Khu công nghiệp.

       Về Dự án “Xưởng sản xuất hầm biogas và bể phốt gia đình bằng nhựa composite” tại khu 10, xã Tiên Lương, huyện Cẩm Khê của Công ty Cổ phần Thành Lợi Composite gây ô nhiễm môi trường, Sở sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát việc vận hành thử nghiệm của dự án, trưng cầu đơn vị có chức năng giám định chất lượng nguồn thải. Nếu không đáp ứng yêu cầu sẽ dừng hoạt động.

       Kết luận phần trả lời chất vấn của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, chủ tọa kỳ họp yêu cầu Công an tỉnh phối hợp cùng Sở Tài nguyên và Môi trường xác định nguồn xả thải tại gốc với các chất độc hại nguy hiểm của các doanh nghiệp, cần quản lý chất độc hại nguy hiểm như một sản phẩm đặc biệt, không để tình trạng đổ thải ra môi trường; giải quyết dứt điểm vấn đề ô nhiễm môi trường ở Tiên Lương, huyện Cẩm Khê.

Sở Nội vụ giải trình những vấn đề cử tri quan tâm



       
Trả lời chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh về việc Thực hiện Nghị định số 06/2018/NĐ-CP ngày 05/01/2018 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ em mẫu giáo và chính sách đối với giáo viên mầm non, ông Ngô Đức Thịnh - Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Để triển khai thực hiện Nghị định, UBND tỉnh đã có Văn bản số 1127/UBND-KTTH ngày 28/3/2018 về việc triển khai thực hiện Nghị định số 06/2016/NĐ-CP ngày 05/01/2018 của Chính phủ, trong đó UBND tỉnh đã giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài chính và UBND các huyện, thành, thị và cơ quan có liên quan tổng hợp đối tượng được hưởng trình UBND tỉnh phê duyệt Sở Tài chính có trách nhiệm tổng hợp nhu cầu kinh phí, trình UBND tỉnh để báo cáo Bộ Tài chính theo quy định.

        Căn cứ hồ sơ đề nghị của UBND các huyện, thành, thị, Hội đồng đã tiến hành thẩm định danh sách, phương án chuyển xếp lương đối với giáo viên mầm non ngoài biên chế theo quy định. Đến nay đã hoàn thành việc thẩm định về đối tượng, kinh phí đề nghị thực hiện chuyển xếp lương với giáo viên mầm non ngoài biên chế gửi Sở Tài chính tổng hợp đối tượng. Kinh phí để trình UBND tỉnh báo cáo Bộ Tái chính đề xuất nguồn kinh phí chi trả chế độ cho giáo viên mầm non ngoài biên chế theo quy định tại Nghị định số 06/2018/NĐ CP ngày 05/01/2018 của Chính phủ.
 
       Giải trình về vấn đề đối với đơn vị trường học có nhiều điểm trường, trong đó có điểm trường đặt tại vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn thì Hiệu trưởng và Phó hiệu trưởng thực hiện nhiệm vụ điều hành chung tất cả các điểm trường (nhưng phòng làm việc đặt tại điểm trưởng chính, không thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội ĐBKK) và giáo viên được phân công đến dạy hoặc dạy một số buổi, một số tiết tại điểm trường thuộc vùng kinh tế - xã hội ĐBKK có được hưởng phụ cấp thu hút và trợ cấp lần đầu không? Nếu được thì mức chi như thế nào?

       Giám đốc Sở Nội vụ Ngô Đức Thịnh trả lời: Về phụ cấp thu hút Theo quy định tại Điều 4, Nghị định số 76/2019/NĐ-CP: Đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định này được hưởng phụ cấp thu hút bằng 70% mức lương hiện hưởng (theo bảng lương do cơ quan có thẩm quyền của Đảng và Nhà nước quy định) cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) áp dụng đối với thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn không quá 05 năm (60 tháng).

       Về trợ cấp lần đầu: Theo quy định tại Điều 6, Nghị định số 76/2015/NĐ-CP: Đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định này khi nhận công tác lần đầu ở cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng trợ cấp lần đầu.

       Như vậy, căn cứ vào các quy định trên Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng thực hiện nhiệm vụ điều hành chung tất cả các điểm trường (những phòng làm việc đặt tại điểm trường chính, không thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội ĐBKK) thì không được hưởng phụ cấp thu hút và trợ cấp lần đầu. Đối với giáo viên được phân công đến dạy hoặc dạy một số buổi, một số tiết tại điểm trường thuộc vùng kinh tế - xã hội ĐBKK thì được hưởng phụ cấp thu hút, cách tính phụ cấp thu hút theo Khoản 2, Điều 13, Nghị định 76/2019/NĐ-CP (không thuộc đối tượng hưởng mức trợ cấp lần đầu) nêu trên.

Về vấn đề thu thuế xuất nhập khẩu

       Về giải pháp nâng cao số thu thuế qua Chi cục Hải quan Phú Thọ và các giải pháp phối hợp, tạo điều kiện về cơ chế, chính sách để thu hút các doanh nghiệp xuất nhập khẩu kê khai, nộp thuế tại tỉnh Phú Thọ, ông Trần Đại Thắng – Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Phú Thọ cho biết số thu từ thuế XNK qua Chi cục Hải quan Phú Thọ ổn định hoặc tăng rất ít, trong khi việc thu hút các dự án FDI tăng, giá trị kim ngạch XNK tăng lớn (năm 2020 xuất khẩu tăng gấp 2 lần so với năm 2019) nhưng chủ yếu là các doanh nghiệp FDI chế xuất và chính sách của Nhà nước hiện nay ưu tiên về đầu tư cho nên hàng hóa và dịch vụ của các doanh nghiệp chế xuất đều thuộc đối tượng không chịu thuế. Vì vậy các doanh nghiệp này làm tăng giá trị kim ngạch XNK lên rất cao nhưng hàng hóa của các doanh nghiệp này được Nhà nước ưu đãi về thuế. Chi cục Hải quan đề nghị lựa chọn các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng trong nước nhiều hơn để tăng kim ngạch có thuế nhằm tăng thu cho ngân sách Nhà nước.

Nhóm PV phòng Điện tử
D
ẫn nguồn:http://baophutho.vn/

Các tin khác
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com