Thứ 5 | 23/04/2015
Phú Thọ - Đất tổ Hùng Vương, đất phát tích của dân tộc Việt Nam. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, vùng đất này hiện đang bảo tồn, phát huy giá trị 1372 di tích lịch sử gồm 161 di tích khảo cổ học, 262 chùa, còn lại là di tích kiến trúc nghệ thuật hoặc dấu vết kiến trúc và các di tích lịch sử cách mạng kháng chiến. Trong số đó (tính đến hết tháng 12 năm 2014) có di tích lịch sử Đền Hùng được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đặc biệt; 73 di tích được xếp hạng quốc gia, 12 di tích lịch sử; 207 di tích kiến trúc nghệ thuật đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Có 260 lễ hội, gồm 223 lễ hội dân gian, 5 lễ hội tôn giáo, 32 lễ hội cách mạng; hiện còn 97 lễ hội được duy trì hoạt động thường niên và mới khôi phục lại; 3 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận là di sản văn hóa của nhân loại là: Di sản văn hóa phi vật thể hát Ca Trù của người Việt năm 2009 (Phú Thọ là 1 trong 14 tỉnh được ghi danh); Hát Xoan Phú Thọ được công nhận tháng 11 năm 2011 là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp; Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, Việt Nam được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại tháng 12 năm 2012. Như vậy trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đang hiện hữu 3 di sản văn hóa thế giới.
          1. Ca Trù của người Việt.
          Ca Trù có nhiều tên gọi, theo từng địa phương. Có nơi gọi là hát cửa đình, hát ả đào, hát cửa quyền, hát cô đầu, hát nhà tơ, hát nhà trò và hát ca công. Ca Trù là loại hình nghệ thuật có từ lâu đời, độc đáo và có ý nghĩa đặc biệt trong kho tàng âm nhạc Việt Nam; gắn liền với lễ hội, phong tục, tín ngưỡng, văn chương, âm nhạc, tư tưởng, triết lý sống của người Việt.
          Theo đánh giá của UNESCO: “Ca Trù đã trải qua một quá trình phát triển ít nhất từ thế kỷ 15 đến nay; được biểu diễn trong không gian văn hóa đa dạng gắn liền, ở nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau. Ca Trù thể hiện ý thức về bản sắc và sự kế tục trong nghệ thuật biểu diễn, có tính sáng tạo, được chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác thông qua các tổ chức giáo phường. Những giáo phường này đã duy trì các cộng đồng có quan hệ mật thiết, tạo nên nét đặc trưng cho Ca Trù. Mặc dù trải qua nhiều biến động của lịch sử xã hội nhưng Ca Trù vẫn có một sức sống riêng bởi giá trị nghệ thuật đối với văn hóa Việt Nam”.
          Ca Trù độc đáo ở không gian nghệ thuật riêng, nhạc cụ và thể thơ riêng biệt. Hiện đã sưu tầm, khôi phục được 56 thể cách (gồm thể thức hoặc giai điệu khác nhau); kỹ thuật hát rất tinh tế, công phu như thể ca sỹ nắn nót, trau chuốt từng chữ; nhả chữ, nắn từ. Nhạc cụ được tinh giản với sự tương phản âm sắc đã  tôn vẻ đẹp của từng nhân vật (còn gọi là đào và kép) tham gia trình diễn.
          Đào ngồi giữa chiếu, vừa hát vừa gõ phách lấy nhịp; kép đệm đàn đáy cho người hát; quan viên ngồi cầm trống trầu (đánh trống).
          Theo thống kê của Viện Âm nhạc Việt Nam, Ca Trù hiện còn hoạt động trên địa bàn 14 tỉnh, thành phố là: Hà Nội, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thành phố Hồ Chí Minh. Tại Viện âm nhạc đang lưu giữ được 7 điệu múa và 42 bài bản Ca Trù.; 26 bản Hán Nôm; 25 cuốn sách về Ca Trù của người Việt.
          Tỉnh Phú Thọ hiện có 3 câu lạc bộ Ca Trù đang duy trì hoạt động là câu lạc bộ Ca Trù của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, câu lạc bộ Ca Trù thành phố Việt Trì và câu lạc bộ Ca Trù xã Bình Bộ (huyện Phù Ninh). Mỗi câu lạc bộ có trên 10 người tham gia. Cụ Phạm Thị Bang hơn 90 tuổi, có hộ khẩu thường trú tại  xã Bình Bộ, huyện Phù Ninh (đã mất 2013) là người duy nhất được công nhận là Nghệ nhân dân gian Việt Nam (do Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam công nhận năm 2005).
          2. Hát Xoan Phú Thọ.
          Hát Xoan còn được gọi là Khúc môn đình, Ca môn đình (hát cửa đình), là lối hát thờ thần; tương truyền có từ thời các Vua Hùng. Hát Xoan là loại hình dân ca nghi lễ phong tục, với hình thức nghệ thuật đa yếu tố: có nhạc, hát, múa; thường biểu diễn vào dịp đầu xuân, phổ biến ở vùng Đất Tổ Hùng Vương-Phú Thọ. Hát Xoan Phú Thọ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại ngày 24 tháng 11 năm 2011.

Hát Xoan đang được cộng đồng các phường Xoan gìn giữ và phát huy

          Theo đánh giá của các chuyên gia thẩm định, hồ sơ Hát Xoan Phú Thọ đã hội đủ các yêu cầu cần thiết của UNESCO để được công nhận là: tính giá trị, tính cộng đồng trong việc sáng tạo và truyền dạy từ đời này qua đời khác; sức sống mạnh mẽ của Hát Xoan cũng như cam kết bảo vệ nghệ thuật này không bị biến mất trong đời sống hiện đại.
Hồ sơ Hát Xoan Phú Thọ là một trong những hồ sơ nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của Hội đồng khoa học xét duyệt sơ khảo và được UNESCO đánh giá là hồ sơ tốt nhất trong quá trình xét duyệt.
Theo truyền ngôn thì Hát Xoan có từ thời các Vua Hùng dựng nước, diễn ra vào những ngày đầu xuân, khi có hội hè, đình đám các làng kết nghĩa mời nhau đến hát và chúc xuân.
          Hát Xoan có 3 chặng: Hát nghi lễ, hát quả cách và hát giao duyên (hát hội).
         - Hát nghi lễ: gồm các bài: Hát chào Vua / mời Vua, Giáo trống, Giáo pháo, Thơ nhang, Đóng đám.
         - Hát quả cách: gồm 14 bài (quả là bài; cách là hình thức hát, lối hát): Kiều giang cách; Nhàn ngâm cách; Tràng mai cách; Ngư tiều canh mục cách; Đối dẫy cách; Hồi liên cách; Xoan thời cách; Hạ thời cách; Thu thời cách; Đông thời cách; Tứ mùa cách; Thuyền chèo cách; Tứ dân cách; Chơi dâu cách.
         - Hát hội: gồm nhiều bài, hát tự do phóng khoáng, nội dung các bài hát mang tính trữ tình sâu sắc: Thết trầu (còn gọi là Bợm gái); Bỏ bộ; Xin huê - Đố huê; Đố chữ; Hát đúm; Cài huê; Mó cá; trống quân đón đào; Trèo lên cây bưởi hái hoa...
          Theo sử sách ghi lại thì Hát Xoan Phú Thọ đã ra đời từ thời các Vua Hùng dựng nước; tồn tại cho đến ngày nay là di sản văn hóa dân gian đặc sắc của cư dân nông nghiệp vùng Đất Tổ. Trên chặng đường dài của lịch sử, Hát Xoan đã được nhiều thế hệ nối tiếp trao truyền; nhiều người có chức sắc; các nhân sĩ trí thức đã nâng đỡ, tạo điều kiện duy trì, phát triển. Do nguồn gốc của Hát Xoan gắn với những câu chuyện truyền thuyết của thời đại Vua Hùng; các làng Xoan gốc đều là những ngôi làng cổ nằm trên địa bàn trung tâm nước Văn Lang như: Kim Đái, Phù Đức, Thét (xã Kim Đức), An Thái (xã Phượng Lâu), thành phố Việt Trì, nên Hát Xoan còn bảo lưu được nhiều yếu tố cổ thuộc tầng sâu của Văn hóa dân gian thời đại bình minh lịch sử dựng nước của dân tộc ta.
          Hát Xoan có tổ chức chặt chẽ: Hát Xoan phường, Hát Xoan đoàn và Hát Xoan lễ hội. Phường Xoan là tổ chức văn nghệ làng, phần lớn là những người có quan hệ anh em, họ hàng với nhau. Đứng đầu mỗi phường Xoan là ông Trùm, đồng thời là người dạy nghệ thuật hát múa Xoan và cũng là người quản lý, tổ chức biểu diễn; thành viên của phường là các đào Xoan (thôn nữ dưới 20 tuổi, chưa lấy chồng, xinh đẹp, múa dẻo, hát hay) và các kép Xoan. Trong hát Xoan múa và hát luôn đi cùng, kết hợp với nhau, dùng điệu múa minh họa cho lời ca.
          Hát Xoan vừa là sản phẩm văn hóa dân gian đặc sắc, vừa là hiện tượng văn hóa dân gian đặc trưng của vùng Đất Tổ Hùng Vương. Là một loại hình nghệ thuật dân gian cổ truyền phát triển theo phương thức truyền khẩu, truyền ngôn, truyền nghề; có lịch sử lâu đời và có vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa cộng đồng của cư dân nông nghiệp. Người dân Phú Thọ quan niệm rằng: đầu xuân năm mới, đi thắp hương Đền Hùng, thờ cúng tổ tiên; được nghe câu Hát Xoan sẽ mang lại sự nhân đôi những điều may mắn trong suốt cả năm.
          Hát Xoan đã vượt qua không gian văn hóa Phú Thọ để đến với cộng đồng các dân tộc Việt Nam và cả nhân loại trên toàn thế giới. Hát Xoan Phú Thọ qua ngàn đời vẫn tiềm tàng sức sống.
          3. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, Việt Nam.
          Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú thọ, Việt Nam đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là niềm tự hào vô hạn của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Đây là lần đầu tiên một di sản văn hóa của Việt Nam được vinh danh ở loại hình tín ngưỡng.
 

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ đang được phát huy giá trị trong đời sống cộng đồng

          Theo dánh giá của UNESCO: Hồ sơ tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, Việt Nam đã nêu rõ giá trị của di sản là sự thể hiện lòng tôn kính đối với tổ tiên theo tinh thần “uống nước nhớ nguồn” “ăn quả nhớ người trồng cây”. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã đáp ứng được 5 tiêu chí theo yêu cầu của công ước quốc tế 2003 về di sản văn hóa phi vật thể; trong đó tiêu chí quan trọng nhất là: di sản có giá trị nổi bật mang tính toàn cầu, kích lệ ý thức chung của mọi dân tộc trong việc thúc đẩy giá trị đó. Mặt khác hồ sơ tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú thọ, Việt Nam còn được đánh giá cao về mặt “thực hành tốt nhất trong đời sống xã hội” thể hiện qua việc thực hành nhuần nhuyễn, trang trọng và bền vững trong cộng đồng dân tộc Việt Nam, nhất là nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ. Ngoài ra tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương còn thể hiện sự liên kết chặt chẽ giữa giá trị văn hóa tâm linh của cả một dân tộc, có chung “đồng bào” từ học trứng mẹ Âu Cơ.
          Kết quả kiểm kê bước đầu năm 2005 của Cục Văn hóa Cơ sở thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Phú Thọ, cả nước có 1417 địa điểm có di tích thờ cúng các Vua Hùng, vợ con, tướng lĩnh và các nhân vật lịch sử liên quan đến thời đại Hùng Vương dựng nước.
          Qua đó có thể nhận diện được Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tồn tại và phát triển theo dọc chiều dài của lịch sử dân tộc Việt Nam. Dưới các triều đại phong kiến, thờ cúng Hùng Vương- Giỗ Tổ Hùng Vương-Hội Đền Hùng đã được tất cả các tầng lớp nhân dân đặc biệt quan tâm. Lễ hội Đền Hùng và lễ hội ở nhiều nơi trong cả nước, tại các di tích lịch sử có liên quan đến thờ cúng Hùng Vương đã được chính quyền Nhà nước Trung ương công nhận cấp “Quốc tế” (cấp quốc gia ) như:lễ hội Đền Hùng, lễ hội Đềm Mẫu Âu Cơ... Vì vậy Giỗ tổ Hùng Vương-Lễ hội Đền Hùng đã được nhà nước hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp đứng ra tổ chức.
Từ sau cách mạng tháng 8 năm 1945 đến nay, Đảng, nhà nước ta luôn quan tâm đến bảo tồn và phát huy giá trị tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.
          Theo dòng lịch sử, Giỗ tổ Hùng Vương dù được tổ chức dưới hình thức sơ khải nhất cũng được bắt đầu từ năm 258 trước Công Nguyên, với việc An Dương Vương dựng cột đá thề trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh: “Nguyện có đất trời lồng lộng chứng giám, nước Nam được trường tồn lưu ở miếu Tổ Hùng Vương, xin đời đời trông nom lăng miếu họ Hùng và gìn giữ giang sơn, đất nước mà Hùng Vương trao lại...”
          Triều Hồng Đức Hậu Lê năm thứ nhất (1470) cho soạn “Hùng đồ thập bát diệp Thánh Vương Ngọc phả cổ truyền/ Ngọc phả cổ truyền về 18 chi đời Thánh Vương triều Hùng” đã xác định vị trí độc tôn dựng nước, sinh dân thuộc về các Vua Hùng.
          Thời nhà Nguyễn, năm 1917 ngày Giỗ Tổ mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm được chính thức hóa bằng pháp luật nhà nước.
          Sau cách mạng tháng 8 năm 1945, ngày 18 tháng 2 năm 1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 22/SL-CTN cho công chức, viên chức nghỉ ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm để tham gia các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương, hướng về cội nguồn dân tộc.
          Năm 2001, Chính phủ ban hành Nghị định số 82/2001/NĐ-CP ngày 6 tháng 11 năm 2011 về Nghi lễ nhà nước, trong đó có quy định chi tiết nghi lễ tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm ( năm tròn, năm chẵn, năm thường ).
          Năm 2007, Quốc hội nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam thông qua Luật sửa đổi, bổ sung điều 73 của Bộ luật lao động cho phép người lao động được nghỉ làm việc hưởng nguyên lương trong ngày lễ Giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm.
          Ngày 6 tháng 12 năm 2012 tại phiên họp lần thứ 7 Uy ban liên Chính phủ của Công ước 2003 về bảo tồn văn hóa phi vật thể (gọi tắt là UNESCO) đã công nhận “ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, Việt Nam ”là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
          Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ hiện có 326 di tích thờ Vua Hùng và các nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vương ở Việt Nam. Trong đó, huyện Lâm Thao: 46 địa điểm; huyện Phù Ninh: 54 địa điểm; thành phố Việt Trì: 32 địa điểm; thị xã Phú thọ: 11 địa điểm; huyện Đoan Hùng: 20 địa điểm; huyện Hạ Hòa: 9 địa điểm; huyện Cẩm Khê: 38 địa điểm; huyện Tam Nông: 51 địa điểm; huyện Thanh Ba: 23 địa điểm, huyện Thanh Sơn: 27 địa điểm; huyện Yên lập: 15 địa điểm. Trong số các di tích ấy, Đền Hùng là Trung tâm thực hành nghi lễ tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương lớn nhất và lâu đời nhất ở Việt Nam.
          Hiện nay cả nước có gần 8.000 lễ hội dân gian đang tồn tại và được tổ chức hàng năm; riêng ở Phú thọ có 223 lễ hội dân gian ( trong đó có 97 lễ hội được tổ chức và phục dựng tổ chức hàng năm). Lễ hội Đền Hùng là lễ hội duy nhất được tổ chức quy mô cấp quốc gia.
          Biểu tượng Vua Hùng và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, Việt Nam là hình tượng của một ý thức dân tộc sâu sắc như sự minh triết văn hóa được ông cha ta để lại, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là sợi chỉ điều gắn kết người Việt ở khắp mọi miền đất nước, kể cả người Việt đang sống xa Tổ quốc lại với nhau; góp phần củng cố sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
          Trong thời đại ngày nay, đất nước đang từng bước phát triển và từng nhịp hội nhập quốc tế. Kinh tế phát triển; văn hóa tạo nguồn lực để củng cố an ninh, quốc phòng; giữ vững ổn định chính trị; đảm bảo an sinh xã hội... Chúng ta tự hào là 1 tỉnh vinh dự có 3 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Cùng với Đền Hùng là Khu di tích lịch sử văn hóa quốc gia đặc biệt, là trung tâm bảo tồn và thực hành Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; hàng trăm di tích lịch sử văn hóa trên hàng ngàn di tích đã được xếp hạng quốc gia và cấp tỉnh; hàng trăm lễ hội dân gian được cộng đồng bảo lưu tổ chức sẽ là nguồn lực vô cùng mạnh mẽ để đưa Phú Thọ trở thành 1 tỉnh ổn định về chính trị; phát triển về kinh tế, văn minh trong xã hội; có đời sống văn hóa phát triển; vững mạnh về quốc phòng an ninh; giàu lên từ hoạt động du lịch dịch vụ...
          Di sản văn hóa là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là một bộ phận của di sản văn hóa nhân loại, có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta./.
Phạm Bá Khiêm
Các tin khác
Thông báo mới
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com