Sáng ngày 8/12/2018 tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Phú Thọ tổ chức Hội thảo khoa học: Cơ sở khoa học và thực tiễn để khôi phục Đền Thờ Lang Liêu - Hùng Chiêu Vương tại thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
Đến dự Hội thảo có các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú Thọ, các chuyên gia nghiên cứu, đại diện Mặt trận Tổ quốc, lãnh đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Phú Thọ, Khu di tích lịch sử Đền Hùng, Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch, phường Dữu Lâu và đại diện một số nhà hàng, khách sạn.
Ông Hồ Đại Dũng Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ phát biểu tại Hội thảo
Tỉnh Phú Thọ được biết đến vừa là vùng Đất Tổ, vừa là vùng đất cổ, cái nôi của nền văn hoá Lạc Việt, kinh đô đầu tiên của Việt Nam. Phú Thọ hiện nay có 1.372 di tích lịch sử văn hoá, trong đó có 302 di tích lịch sử văn hoá được Nhà nước xếp hạng. Tại tỉnh Phú Thọ có rất nhiều di tích giá trị nhưng chưa được phục hồi, mà điển hình là đền thờ Lang Liêu - Hùng Chiêu Vương, vị vua Hùng thứ bảy với nhiều công lao to lớn.
Khôi phục xây dựng các cơ sở văn hoá phi vật thể đã mất nhưng có giá trị cao để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của nhân dân là rất quan trọng, cần thiết và đã được luật hoá. Năm 2013 Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ đã có chủ trương đồng ý cho phép UBND phường Dữu Lâu khôi phục miếu thờ Lang Liêu tại khu vực đồng Cả Ông, phường Dữu Lâu, thành phố Việt Trì. Việc khôi phục ngôi đền thờ Hùng Chiêu Vương sẽ tạo thành điểm đến hấp dẫn trong hành trình du lịch văn hoá tâm linh hướng về cội nguồn dân tộc, viếng thăm miền Đất Tổ Hùng Vương.
Ông Nguyễn Tiến Khôi - Chủ tích Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Phú Thọ phát biểutham luận
Cần sớm xây dựng đền thờ Lang Liêu - Hùng Chiêu Vương tại Phú Thọ
Tại Hội thảo, các đại biểu đưa ra tham luận về cơ sở khoa học và thực tiễn khôi phục Đền thờ Lang Liêu - Hùng Chiêu Vương là rất cần thiết. Miếu thờ Lang Liêu và đình Dữu Lâu là nơi bảo lưu nhiều giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể của dân tộc, là di sản văn hoá đặc trưng trong sắc thái quan trong của kinh đô Văn Lang xưa. Việc quan tâm xây dựng và khôi phục Miếu thờ Lang Liêu cùng việc khôi phục cánh đồng chuyên trồng giống lúa nếp thơm để làm bánh chưng bánh dày tại chỗ, vườn trồng trầu... nhằm xây dựng thương hiệu để trở thành đặc sản nổi tiếng của tỉnh. Nâng cấp con đường nối liền di tích từ Miếu sang Đình đến cánh đồng trồng lúa nếp, trồng trầu. Phục hồi sân và trò chơi đánh Lốc...Đền thờ Lang Liêu - Hùng Chiêu Vương sẽ là nơi con cháu khắp nơi về chiêm bái và tri ân công đức tổ tiên. Đồng thời sẽ là nơi trở thành một điểm du lịch của thành phố Lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.
Để có điều kiện phát triển du lịch bền vững, tăng sức hấp dẫn đối với du khách, Phú Thọ có nguồn tài nguyên về ẩm thực phong phú, đặc sắc: Cá Lăng Việt Trì, Gà đồi - gà 9 cựa, Dê, Bưởi Đoan Hùng, Hồng Gia Thanh, chè xanh... đặc biệt là bánh chưng bánh dày gắn với truyền thuyết về Hoàng tử Lang Liêu dâng thứ bánh tượng trưng cho trời tròn, đất vuông, được Vua cha chọn làm người kế vị trở thành Vua Hùng Vương thứ 7 - Hùng Chiêu Vương.
Kết thúc buổi Hội thảo Đồng chí Hồ Đại Dũng - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cũng đã nhất trí với những ý kiến tham luận của các chuyên gia về việc bảo tồn, tôn tạo đền thờ Lang Liêu. Từ những giá trị Văn hoá quý báu, đặc sắc còn lưu giữ trên vùng đất Dữu Lâu, thể theo nguyện vọng của nhân dân và nhu cầu bức thiết của ngành Du lịch, rất cần thiết phải xây dựng Ngôi Đền thờ Lang Liêu - Hùng Chiêu Vương ngay trên chính nơi ông đã sinh sống và cùng nhân dân sinh kế.
Ông Hoàng Văn Tuyển - CT Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú Thọ
phát biểu tổng kết và bế mạc hội thảo
Với những giá trị lịch sử của truyền thuyết phản ánh nhân vật Lang Liêu - Hùng Chiêu Vương thứ 7 thông qua truyền thuyết bánh chưng , bánh dày. Chúng ta có thể khẳng định việc tu bổ, tôn tạo đền thờ Lang Liêu - Hùng Chiêu Vương thứ 7 là một nhu cầu chính đáng thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn; Ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc Việt Nam. Đồng thời đây cũng là công việc cần làm để thực hiện bảo tồn và phát huy giá trị của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ đã được UNESCO công nhận di tích lịch sử đặc biệt quốc gia Đền Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh, chúng ta có thêm Đền thờ Vua Hùng Chiêu Vương tại phường Dữu Lâu, thành phố Việt Trì - Kinh đô Văn Lang xưa của thời kỳ Hùng Vương dựng nước để góp phần phát triển du lịch tâm linh trên quê hương Đất Tổ ngày càng đa dạng và phong phú./.
Bài và ảnh: Kiều Linh