Thứ 4 | 14/12/2016
Ngôi nhà ba tầng tọa lạc bên đường Trần Phú, phía dưới là hồ nước Công viên Văn Lang của thành phố Việt Trì được nhiều người gọi là "ngôi nhà tri thức"; vì nó được sơn màu trắng nên có người lại hóm hỉnh gọi đây là...nhà trắng. Dù là cách gọi nào thì đều là tình cảm thân thương của những người yêu sách trên quê hương đất Tổ dành cho Thư viện tỉnh Phú Thọ.
          Thư viện tỉnh Phú Thọ đã có quá trình 60 năm thành lập và hoạt động. Thế hệ đầu tiên xây dựng Thư viện tỉnh đến nay người còn, người mất; các thế hệ kế tiếp cũng đã mai một, chỉ còn hiện diện đội ngũ cán bộ làm thư viện tỉnh hôm nay luôn biết kế thừa truyền thống mà lớp cha anh đã trao gửi để phát huy, xây dựng đơn vị trở thành một trong những đơn vị luôn dẫn đầu của ngành Văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Phú Thọ.
          Trong 60 năm Thư viện Phú Thọ, tôi 38 năm làm độc giả. Trước đó 10 năm, tôi có Thẻ của Thư viện huyện lập Thạch và Thư viện thị xã Phú Thọ. Mấy chục năm nay, ký ức của tôi về ngôi nhà cấp 4 ở đồi Văn hóa, rồi ngôi nhà 3 tầng khang trang ở khu Lăng Cẩm cứ nối dài, như các cuộc làm việc giữa phóng viên văn hóa báo tỉnh với bà Nguyễn Thị Bích Hiển, bà Nguyễn Thị Minh Thư, ông Nguyễn Công Hoan, bà nguyễn Thị Tuyết Mai là giám đốc Thư viện tỉnh qua các thời kỳ. Không phải là người mượn nhiều sách nhưng từ lương duyên của người làm báo nên tôi có nhiều cơ hội đồng hành cùng các cán bộ Thư viện tỉnh trong công tác tuyên truyền, giới thiệu sách; trong các hoạt động phối hợp có tính chất truyền thông. Trong số gần bảy chục người đã từng công tác ở Thư viện Phú Thọ, với tôi, hai phần ba là các gương mặt thân quen.
          Ít ai biết rằng, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Xương - con trai trưởng cố thi sĩ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, một trong những đại thụ của văn học dân gian Việt Nam - lại là một trong số 4 chủ nhân đầu tiên của Phòng đọc sách thuộc Ty Văn hóa Thông tin Phú Thọ. "Giám đốc" đầu tiên của Thư viện tỉnh Phú Thọ giờ đã 95 tuổi, nhưng trong ông, ký ức về "nghề thư viện" 60 năm trước vẫn tươi rói. Một lần tiếp tôi tại nhà riêng, ông Nguyễn Khắc Xương kể: "Thư viện tỉnh" khi đó là ba gian nhà lợp ngói, vách trát tooc-xi. Gian đầu hồi được ngăn đôi bằng một vách cót, cán bộ vừa ở vừa làm việc. Gian giữa là phòng đọc, gian nữa là kho sách. Hồi đó chưa có thẻ độc giả, ai muốn mượn sách về đọc chỉ việc ghi tên. Ngày từ thời bấy giờ, nhiều đồng chí lãnh đạo tỉnh Phú Thọ như ông Hoàng Quy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, ông Phạm Dụ, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, ông Đoàn Văn, Trưởng ban Tuyên Giáo, ông Lê Đình Luyến, Trưởng ty Tài chính... là những bạn đọc thường xuyên, không chỉ sách tiếng Việt mà cả nhiều sách ngoại văn. Các đồng chí lãnh đạo ấy đã nêu gương cho cả phong trào đọc và làm theo sách báo của cán bộ và nhân dân trong tỉnh - cái thời mà: Thư viện xã xây giáp với sân kho/ Mùa gặt xong, sân phơi vàng những thóc/ Những nam nữ xã viên hợp tác/ Sau buổi làm đến mượn sách về xem.
          Nghe chuyện của ông "giám đốc" đầu tiên của Thư viện tỉnh, tôi thầm kính phục nhiều vị lãnh đạo thời ấy về tầm tri thức cũng như cách tích lũy tri thức để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Sau này, tôi được biết, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Điền cũng là người "mê sách". Ông tâm sự bằng thơ rằng với "nàng sách" rằng: Sau những giờ làm việc khẩn trương/ Anh lại đến em để thư giãn tâm hồn/ Và cập nhật những điều còn thiếu hụt/ Để mỗi ngày làm việc tốt hơn/ Năm tháng qua đi rồi thành thói quen/ Đã nghĩ hưu anh vẫn mê nàng sách/ Vì em là những gì quý nhất/ Mà loài người lưu giữ cho đời.
          Tôi lại thầm ước giá như ngày nay, tất cả các đồng chí lãnh đạo đều yêu sách, có niềm yêu thích đọc sách như thế!
          Cũng như ông Xương, tuy làm giám đốc nhưng bà Nguyễn Thị Bích Hiển luôn sâu sát các công việc cụ thể. Công việc tổ chức cấp thẻ bạn đọc thế nào, sắp sếp phòng đọc, phòng mượn ra sao, chỉ đạo hoạt động thư viện cấp huyện theo cách nào...đều được bà "tích hợp" trong đầu, đôi khi còn tranh thủ ý kiến của "ông xã" cũng là cán bộ kỳ cựu ngành văn hóa với chức danh Chủ nhiệm Quốc doanh nhiếp ảnh. Kế nghiệp mẹ, gái thứ Phan Thị Bích Hạnh cũng theo nghề, nay chị cũng đã nghĩ hưu từ cương vị Phó Giám đốc Thư viện tỉnh Phú Thọ.
          Kế nhiệm bà Hiển là chị Nguyễn Thị Minh Thư. Người giám đốc này là "dân thư viện" chính hiệu nên công việc quản lý cơ quan rất bài bản. Ngoài nghiệp vụ, chị chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ thư viện có tính chuyên nghiệp, có tinh thần đoàn kết và hợp tác cao. Mỗi khi có sách mới, chị đều ưu ái cho tôi một cuộc điện thoại để được là một trong những người đọc sách mới trước tiên. Vì thế, tôi có hạnh phúc của riêng mình là được "sống" với các nhân vật của "Đứng trước biển", "Cù lao Chàm", "Những người thích đùa", "Mãi mãi tuổi hai mươi", "Cánh đồng bất tận"... Chị Thư là một trong những người có công đầu đưa Thư viện Phú Thọ nhiều năm liền dẫn đầu Sở Văn hóa Phú Thọ, được nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động. Chị đã nghỉ hưu, và đã có tới hai giám đốc kế nhiệm nhưng 11 năm qua, nhưng những kỷ niệm về một nữ Giám đốc Thư viện tỉnh trong tôi vẫn sống động như ngày nào chị em còn công tác cùng nhau.
          Sau khi giám đốc Nguyễn Công Hoan - một cộng tác viên rất tích cực của nhiều cơ quan báo chí - nghỉ hưu, đương nhiệm giám đốc Thư viện tỉnh hiện giờ là Nguyễn Thị Tuyết Mai. Đó là một người phụ nữ có cái đẹp của tuổi trung niên, luôn cởi mở. Đúng như người xưa nói" Hậu sinh khả úy". Những năm gần đây, dưới sự quản lý, điều hành của giám đốc Tuyết Mai, công việc của thư viện có nhiều chuyển biến tích cực: trụ sở thư viện được cải tạo sửa chữa, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động dần được nâng cấp, công tác phục vụ bạn đọc và luân chuyển sách đến các cơ sở trong tỉnh ngày càng được trú trọng, dự án máy tính phục vụ cộng đồng miễn phí đã thu hút đông đảo người đọc đến sử dụng thư viện… Cán bộ, viên chức, người lao động luôn đoàn kết, thi đua hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, cả chuyên môn nghiệp vụ và xây dựng cơ quan vững mạnh. Chuỗi thành tích thành tích của đơn vị đông nữ cán bộ, viên chức này ngày càng nối dài. Thư viện tỉnh Phú Thọ liên tục được UBND tỉnh tặng danh hiệu: Tập thể lao động xuất sắc, năm 2014 được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tặng cờ đơn vị thi đua xuất sắc khối thư viện. Ngoài chuyện mượn sách để đọc, tổ chức "trạm sách vệ tinh" ở cơ quan Báo Phú Thọ, tôi và chị Mai còn phối hợp làm được một việc có ý nghĩa là xây dựng chuyên mục "Sách mới" trên Báo Phú Thọ mà bài vở do chính các nhân viên thư viện đảm nhiệm.
          Với tôi, hơn bốn mươi năm gắn bó với thư viện, nhiều lúc hài lòng và cả những lúc chưa vui; những sự cố như mất sách, trả sách không đúng hẹn đã từng xẩy ra nhưng đó chỉ là "chuyện nhỏ" trong bề dày ký ức tươi xanh của mình về ngôi nhà trắng bên con đường lớn ở Việt Trì được mang tên Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Nguyễn Sản
 
 

Đ/c Nguyễn Huy Hoàng – TUV, Tổng Biên tập Báo Phú Thọ

trao giấy khen của Hội Nhà báo cho Thư viện tỉnh tại Hội báo Xuân năm 2013
                                                                                      Ảnh: Trọng Bằng
Các tin khác

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com