Thứ 3 | 09/04/2019
Hưởng ứng Ngày sách Việt Nam - Ngày tôn vinh văn hóa đọc trong cộng đồng. Hội sách Đất Tổ 2019 sẽ là một sự kiện văn hóa giá trị, là lần thứ 4, Hội sách Đất Tổ được tổ chức phục vụ đồng bào nhân, đưa văn hóa đọc đi vào cuộc sống, đời sống của mọi người, là hoạt động thiết thực nhằm tôn vinh, xây dựng một truyền thống đẹp về văn hóa đọc của cộng đồng miền quê Đất Tổ nói riêng và của cả một dân tộc có hàng nghìn năm văn hiến nói chung.
Khi đọc một cuốn sách nào đó con người lưu lại vào sách những suy nghĩ tâm tư, tình cảm của mình về những vấn đề trong cuộc sống: khoa học, nghệ thuật, đời sống,… Sách được phân loại chảng những theo thể loại, lĩnh vực mà còn theo độ tuổi, sở thích của từng đối tượng. Sách được in với nhiều thứ tiếng, nhiều ngôn ngữ khác nhau và có thể mang đến bất kì đâu trên thế giới.
Tác giả Gustavơ Lebon nói:   "Một cuốn sách hay cho ta một điều tốt, một người bạn tốt cho ta một điều hay".
Hay tác giả Phêđôrôp viết: "Thư viện không nên chỉ là nơi giữ sách, cũng không nên chỉ là nơi đọc sách giải trí nhẹ nhàng. Nó phải là một trung tâm nghiên cứu - sự nghiên cứu mà bất kỳ một con người có lý trí nào cũng cần phải có”.
 Chỉ cần đọc câu nói của hai độc giả nổi tiếng ấy đã đủ để cho ta thấy rằng sách có giá trị như thế nào đối với nhân loại. Thư viện lại là nơi lưu trữ các ấn phẩm, tài liệu: sách, báo để phục vụ nhu cầu đọc, tìm hiểu của nhân dân. Thư viện cũng là cầu nối giữa sách và người đọc, tạo mối quan hệ gắn bó giữa người đọc với người đọc.
 
 
 
Ngày nay, trong điều kiện xã hội loài người phát triển, các phương tiện truyền thông hiện đại như đài, ti vi, internet,..rất phát triển. Song sách vẫn là phương tiện truyền thông phổ biến và cần thiết đối với nhân loại. Đặc biệt đối với lứa tuổi thanh niên Việt Nam hiện nay thì những cuốn sách như: "Mãi mãi tuổi 20", "Nhật kí Đặng Thuỳ Trâm"… trở nên có ý nghĩa hơn bao giờ hết. Tôi chắc hẳn bất cứ ai khi đọc những trang sách ấy cũng đều phải nghẹn ngào xúc động. Để rồi từ đó trong mỗi người chúng ta đều phải sống có trách nhiệm với mình và với xã hội. Như vậy sách còn có vai trò hoàn thiện nhân cách con người và đưa con người đạt tới đỉnh cao của cái chân – thiện – mĩ.    
Sách còn là chiếc cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai của nhân loại nói chung và của từng dân tộc nói riêng. Nhờ sách mà chúng ta hiểu được lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước của tổ tiên, hiểu được nguyên nhân nào đem lại sức mạnh chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược của một dân tộc nhỏ bé như dân tộc ta. Có thể nói, mọi tinh hoa của đời sống vật chất, đời sống tinh thần của dân tộc Việt đều được phản ánh trong từng trang sách. Từ những hiểu biết do sách đem lại, chúng ta thêm tự hào và có ý thức sống sao cho xứng đáng với truyền thống tốt đẹp của ông cha ta. 
 Sách không chỉ dùng để lưu trữ những giá trị đời sống mà còn cung cấp tri thức cho con người. Nhà văn M. Gorki đã nói: “Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới”. Nhờ có sách mà con người thật sự người hơn. Khi viết sách, người viết đã gửi gắm những kinh nghiệm, tâm tư, tình cảm,... của mình vào những trang giấy. Một quyển sách dù mỏng hay dày đều chất chứa bao nỗi lòng của tác giả. Không chỉ thế, khi đọc sách người đọc cũng bộc lộ những cảm xúc, suy nghĩ của mình. Đó chính là những vui, buồn, hờn giận hay căm ghét, bực bội... mà cảm xúc của ta hướng đến khi đọc những câu chuyện, những trang thơ.
Đặc biệt, sách có tác dụng lớn đối với việc giáo dục, đó là giáo dục tình cảm, đạo đức, giáo dục ý thức thẩm mĩ,... Sách văn chương cho ta những tình cảm yêu thương con người, cho ta những kiến thức về thẩm mĩ,... như những bài ca dao, những tác phẩm văn học (“Truyện Kiều” của Nguyễn Du, “Chinh phụ ngâm” của Đặng Trần Côn - Đoàn Thị Điểm,...). Sách đời sống lại cho ta những bài học đạo đức giá trị như câu chuyện “Cô bé bán diêm”,“Chiếc lá cuối cùng” của O. Hen-ri,..
      Khi đọc sách, chúng ta cần chú ý lựa chọn loại sách phù hợp với bản thân, đó là sự phù hợp về lứa tuổi, về nhu cầu phát triển, thẩm mĩ. Trong quá trình đọc, cần có sự chuyên tâm và tập trung để đạt hiệu quả lớn nhất. Với biết bao ích lợi từ việc đọc sách, mỗi người chúng ta đặc biệt là những người trẻ tuổi cần biết chăm chỉ, chuyên tâm vào việc đọc sách.
Nếu như sách là nguồn tri thức, tài sản vô giá của nhân loại thì thư viện là nơi lưu trữ và bảo vệ nguồn tài sản vô giá ấy. Trong thời đại của các phương tiện kỹ thuật số, các nhà lý thuyết "cực đoan" đã vội sớm đưa ra kết luận về sự cáo chung của hệ thống thư viện. Nhưng trên thực tế mọi việc đã không diễn ra như vậy. Ngay cả tại những quốc gia văn minh, giàu có như Hoa Kỳ với lượng lớn máy tính cá nhân - gia đình dễ dàng truy cập vào các trang web điện tử trực tuyến từ các thư viện, hoặc cho dù chính Thư viện quốc hội Hoa Kỳ là nơi chủ xướng cho ý tưởng thư viện điện tử toàn cầu và được nhiều quốc gia hưởng ứng, thì lượng độc giả tới thư viện vẫn gia tăng thông qua lượng thẻ phát hành hằng năm.
Trước thời đại công nghệ 4.0  là sự kết hợp các công nghệ lại với nhau. Nghĩa là: mọi loại thông tin, số liệu âm thanh, hình ảnh có thể được đưa về dạng kỹ thuật số để bất kỳ máy tính nào cũng có thể lưu trữ, xử lý và chuyển tiếp cho nhiều người. Những công cụ và sự kết nối của thời đại kỹ thuật số cho phép chúng ta dễ dàng thu thập, chia sẻ thông tin và hành động trên cơ sở những thông tin này theo phương thức hoàn toàn mới, kéo theo hàng loạt sự thay đổi về các quan niệm, các tập tục, các thói quen truyền thống, và thậm chí cả cách nhìn các giá trị trong cuộc sống làm thay đổi cái nhìn về thư viện theo những thói quen truyền thống lâu nay. Từ gốc của "thư viện" theo ngôn ngữ Hy Lạp và Trung Hoa xưa đều có nghĩa là nơi cất giữ và bảo quản sách. Và lâu nay theo cái nhìn thông thường ở Việt Nam, thư viện chỉ là nơi cho mượn sách để đọc (tại chỗ, hoặc mang về nhà). Thư viện ngày này, đang thay đổi để tồn tại và vươn lên phục vụ cho tiện ích của cộng đồng và xã hội, đó không chỉ là một "kho sách" mà còn được khẳng định là nguồn tài nguyên lớn. Nếu được khai thác đúng mức, nguồn tài nguyên này sẽ cung cấp năng lượng thiết yếu làm tăng trưởng tri thức cho mọi người, góp phần phát triển xã hội một cách toàn diện. Do vậy, một chuyên gia trong ngành thư viện nhận định: "Trước sự bùng nổ thông tin toàn cầu như hiện nay, các thủ thư có các kỹ năng tìm kiếm đánh giá nguồn tài nguyên và liên kết các nguồn đóng một vai trò quan trọng hơn bao giờ hết".
Khi độc giả của thư viện truyền thống trước kia tới thư viện sử dụng sách, người thủ thư chỉ việc kiểm trong danh mục nếu có sẽ tiến hành thủ tục cho, mượn. Nhưng với thư viện hiện nay, độc giả không tới hỏi về cuốn sách nào đó mà chỉ cần độc giả nhớ một từ khóa rồi tới hỏi người thủ thư về một đề tài... thì người thủ thư phải là người hướng dẫn cho độc giả nên đọc những cuốn sách nào hoặc truy cập vào trang web nào để tra cứu và đăng tải thông tin. Như vậy, người thủ thư trong vai trò của người "cho mượn sách" đã không còn, thay vào đó sẽ là người hướng dẫn, tiếp sức cho bạn đọc tìm đến với môn loại tri thức mình cần.
     Đó chính là thư viện tỉnh Phú Thọ. Theo thời gian Thư viện ngày càng có những bước chuyển mình rõ rệt, đáp ứng tốt hơn nhu cầu nghiên cứu, học tập và giải trí của nhân dân trên địa bàn .Thư viện luôn có sự đổi mới cả về kho tàng tri thức và cơ sở hạ tầng, đội ngũ cán bộ thân thiện, cởi mở hướng dẫn tận tình. Họ là những người được đào tạo chuyên môn chuyên nghiệp vụ, có năng lực và kinh nghiệm. Họ luôn sẵn sàng hướng dẫn và giúp đỡ độc giả, là người biết xây dựng hình ảnh tốt đẹp và thân thiện của thư viện đối với cộng đồng xã hội.
      

Phòng đọc sách Thiếu nhi tại Thư viện tỉnh

Thư viện tỉnh Phú Thọ có vốn tài liệu phong phú và đa dạng: Hiện tại có khoảng 300.000 bản sách và 260 đầu báo, tạp chí gồm các loại sách về khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật công nghệ, khoa học xã hội, sách thiếu nhi và các loại sách tra cứu như: Bách khoa toàn thư, các loại từ điển, các bộ sưu tập chuyên đề, niên giám, nguồn tài liệu địa chí, tài liệu thống kê, sổ tay, cẩm nang và sách địa chí,…và cơ sở dữ liệu điện tử được tra cứu theo địa chỉ  http://thuvienphutho.gov.vn/tracuu .  Ngoài ra, Thư viện còn có hệ thống trang thiết bị tương đối hiện đại và đồng bộ nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu xã hội. Hiện hạ tầng cơ sở đang được khai thác khá hiệu quả. Mỗi phòng dành cho độc giả đều có không gian riêng phù hợp với từng lứa tuổi.
Với cách bày trí hấp dẫn, sinh động, phòng đọc thiếu nhi là không gian lý tưởng cho các em đến học tập và giải trí sau những giờ lên lớp mệt mỏi. Phòng đọc sách thiếu nhi được sắp xếp theo môn loại. Đến đây các em như được cùng sống với một thế giới tuổi thơ hồn nhiên,thơ mộng, vừa đọc những cuốn sách vui nhộn, ngộ nghĩnh để giải trí vừa bổ sung thêm nhiều kiến thức hữu ích. Hơn nữa, Thư viện còn có phòng Truy cập internet miễn phí riêng để phục vụ nhu cầu giải trí cùng nhiều hoạt động khác theo nhu cầu của độc giả. Đây là nơi sinh hoạt lành mạnh, bổ ích, là ngôi trường thứ hai cho các em.
 
 Phòng Mượn sách tổng hợp được tổ chức phục vụ bạn đọc dưới hình thức tự chọn. Kho sách được sắp xếp theo môn loại: Lịch sử - địa lý, kinh tế, giáo dục, y học, tâm lý..., bạn đọc có thể tự vào kho lựa chọn hoặc tra cứu thông qua hệ thống Opac.  Đây là không gian vô cùng quan trọng trong việc tiếp nhận nguồn tri thức của sách đối với người đọc.
          Phòng đọc tổng hợp đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, học tập và sử dụng tại chỗ vốn tài liệu cho các đối tượng bạn đọc. Đây là nơi có chức năng lưu trữ, bảo quản lâu dài và cung cấp thông tin trên nhiều lĩnh vực tri thức.
          Một cuốn sách có giá trị, muốn được đông đảo bạn đọc biết đến thì cầu nối giữa sách với người đọc giữ vai trò vô cùng quan trọng, thư viện chính là cầu nối ấy. Thư viện tỉnh Phú Thọ luôn là một cánh cửa tri thức rộng mở chào đón tất cả các bạn đọc./.

Quang Dầu (Thư viện tỉnh Phú Thọ)
 
Thông báo mới
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com