Chủ nhật | 26/05/2024

 Phạm Thanh Hòa
Phòng Phát triển tài nguyên Du lịch

 
     Bảo tàng Hùng Vương là điểm đến du lịch có giá trị văn hóa, lịch sử quan trọng của Khu du lịch quốc gia Đền Hùng, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, nơi đây được ví như một “cuốn sử bằng hiện vật” thu hút đông đảo du khách thập phương đến tham quan, tìm hiểu và khám phá các giá trị độc đáo, riêng có về lịch sử - văn hóa của vùng đất Tổ cội nguồn dân tộc Việt Nam.
     
Bảo tàng Hùng Vương tỉnh Phú Thọ được khánh thành và đưa vào sử dụng năm 2010 nhằm phục vụ Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, với tổng diện tích 15.732 m2, bao gồm nhà trưng bày 3 tầng diện tích sàn 9.000m2; 02 nhà shop lưu niệm và Cafe và khu vực trưng bày ngoài trời. Đây là công trình văn hóa có ý nghĩa đặc biệt đối việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa vùng Đất Tổ, được đánh giá là một trong những bảo tàng đẹp và hiện đại nhất khu vực các tỉnh phía Bắc. Bảo tàng Hùng Vương hiện đang trưng bày bộ sưu tập Nha Chương bằng đá ngọc đã được công nhận Bảo vật quốc gia, cùng rất nhiều những hiện vật, bộ sưu tập hiện vật có ý nghĩa lịch sử, văn hóa phục vụ nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu của các nhà nghiên cứu, khách tham quan trong và ngoài nước.

Điểm đến du lịch văn hóa - lịch sử Bảo tàng Hùng Vương

     Triển khai Kế hoạch số 4971/KH-UBND ngày 27/10/2021 của UBND tỉnh Phú Thọ về phát triển du lịch tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021-2025; định hướng phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa – lịch sử của Khu du lịch quốc gia Đền Hùng, thành phố Việt Trì, ngành Du lịch tỉnh Phú Thọ đã đặt mục tiêu xây dựng Bảo tàng Hùng Vương trở thành điểm du lịch văn hóa, lịch sử cấp tỉnh với các sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo riêng có trên cơ sở khai thác, phát huy các giá trị văn hóa , lịch sử nổi bật của thiết chế Bảo tàng Hùng Vương.
     Để đạt được mục tiêu đề ra, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thực hiện  cải tạo cơ sở vật chất phục vụ đón tiếp khách du lịch như: chỉnh trang sân vườn, khu vực trưng bày ngoài trời, khu dịch vụ phục vụ khách du lịch, tạo cho Bảo tàng Hùng Vương cảnh quan, không gian văn hóa du lịch đặc sắc với những dấu ấn văn hóa – xã hội nổi bật, độc đáo của vùng đất Tổ; hình thành và đưa vào khai thác “Không gian văn hóa – du lịch Đất Tổ” tại Bảo tàng Hùng Vương nhằm cung cấp thông tin tooàn cảnh, giới thiệu sản phẩm tiêu biểu của tỉnh Phú Thọ, nâng cấp dịch vụ phục vụ khách du lịch tại điểm; xây dựng hoàn thiện phòng chiếu phim 3D, quầy thông tin du lịch, điểm checkin phục vụ khách du lịch; thực hiện nghiên cứu xây dựng phim 3D về hời đại Hùng Vương; mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng, đào tạo tại chỗ nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ lao động phục vụ hoạt động du lịch; xây dựng hệ thống mã QR thông tin hiện vật tại Bảo tàng phục vụ khách du lịch; tổ chức các chương trình kích cầu du lịch nhằm xúc tiến điểm đến, xây dựng bộ nhận diện thương hiệu điểm đến Bảo tàng Hùng Vương; tăng cường tuyên truyền, quảng bá điểm đến tại các hội chợ, sự kiện du lịch và trên các trang thông tin điện tử dulichphutho.com.vn, dulichtaybac.vn, fanpage Du lịch Phú Thọ... Việc số hóa di sản và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phục vụ đã tạo điều kiện thuận lợi cho du khách tìm hiểu, khai thác những giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc vùng Đất Tổ.

Không gian văn hóa du lịch Đất Tổ tại Bảo tàng Hùng Vương.

     Bên cạnh cải tạo cơ sở vật chất kỹ thuật, ngành du lịch tỉnh Phú Thọ cũng tích cực xây dựng và đưa vào khai thác các sản phẩm du lịch trải nghiệm – giáo dục học đường phù hợp với các giá trị văn hóa – lịch sử riêng có tại bảo tàng Hùng Vương, trong đó phải kể đến sản phẩm giáo dục di sản phục vụ hoạt động du lịch học đường “Giờ học lịch sử”; sản phẩm tìm hiểu lịch sử ứng dụng công nghệ “Truy tìm cổ vật” đã được đưa vào vận hành và khai thác từ cuối năm 2023 và đầu năm 2024. Hai sản phẩm này đã nhận được sự hưởng ứng, tham gia nhiệt tình từ phía các em học sinh, sự quan tâm đặc biệt từ các trường học cũng như các doanh nghiệp du lịch trong và ngoài tỉnh; mang đến cho các em những trải nghiệm sáng tạo, thú vị trong quá trình tìm hiểu lịch sử; góp phần quảng bá các giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc vùng Đất Tổ, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, trang bị cho các em những kiến thức về lịch sử, văn hóa, gìn giữ những giá trị truyền thống quý báu của dân tộc.

Trải nghiệm "Giờ học lịch sử" tại Bảo tàng Hùng Vương

     Sau 2 năm được đầu tư xây dựng, điểm đến du lịch văn hóa – lịch sử Bảo tàng Hùng Vương đến nay đã trở thành một điểm nhấn cảnh quan, văn hóa tại thành phố Việt Trì, thu hút được trên 10.000 lượt du khách, học sinh, sinh viên đến tham quan, trải nghiệm (Theo số liệu báo cáo năm 2023). Điểm đến lịch sử –văn hóa Bảo tàng Hùng Vương đang dần dần xây dựng và khẳng định thương hiệu với những sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử, tham quan, trải nghiệm, du lịch học đường độc đáo, hấp dẫn. Để từng bước nâng cao chất lượng hoạt động, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp của sản phẩm du lịch, quản lý, khai thác có hiệu quả các dịch vụ, từng bước đưa điểm đến văn hóa Bảo tàng Hùng Vương trở thành điểm du lịch cấp tỉnh, theo tôi, các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chủ quản, các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực du lịch tại địa phương, cùng tập thể lãnh đạo, nhân viên tại Bảo tàng Hùng Vương cần chung tay thực hiện một số giải pháp sau:

     Đối với cơ quan quản lý nhà nước về du lịch: Tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng hoàn thiện các cơ sở vật chất kĩ thuật du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch, dịch vụ tại bảo tàng Hùng Vương; tổ chức các hoạt động đào tạo, tập huấn cho lãnh đạo, nhân viên bảo tàng nghiệp vụ hướng dẫn, phục vụ du lịch, khai thác sản phẩm du lịch thế mạnh của mình; tăng cường các hoạt động xúc tiến, quảng bá, thu hút khách du lịch đến bảo tàng qua các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng điện tử về du lịch trong và ngoài nước.
     Đối với đội ngũ lãnh đạo, nhân viên, người lao động tại Bảo tàng Hùng Vương: Lãnh đạo bảo tàng Hùng Vương cần tăng cường học tập kinh nghiệm, nâng cao công tác quản lý, điều hành, xây dựng điểm đến theo định hướng dịch chuyển các thiết chế văn hóa bảo tàng, thư viện trở thành điểm tham quan phục vụ hoạt động du lịch; nhân viên, người lao động tại bảo tàng cần nâng cao năng lực chuyên môn về du lịch, tham gia các khóa đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ thuyết minh, hướng dẫn, công tác phục vụ du lịch…; Xây dựng hệ thống bài thuyết minh giới thiệu, cung cấp thông tin giới thiệu bằng chữ và lời, cung cấp hình ảnh 3D về hiện vật tích hợp trong mã QR-code. Xây dựng ki ốt thông tin bảo tàng Hùng Vương.
      Đối với các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh du lịch tại địa phương: xây dựng các chương trình tour du lịch có liên kết điểm đến Bảo tàng Hùng Vương; hỗ trợ các cơ sở tham gia tổ chức các dịch vụ tại Bảo tàng Hùng Vương nâng cao chất lượng và đa dạng hóa dịch vụ; tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền, quảng bá điểm đến văn hóa Bảo tàng Hùng Vương nâng cao chất lượng hoạt động cung cấp thông tin cho nhân dân và du khách./.
 

 

Các tin khác
Thông báo mới
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com