Ông Trịnh Thế Truyền - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư đã thẳng thắn thừa nhận hoạt động đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh trong thời gian vừa qua chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, tổng thu ngân sách còn thấp. Nguyên nhân được chỉ ra là do điều kiện hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu hiện tại. Những năm trước, thu hút đầu tư với mong muốn lấp đầy các khu, cụm công nghiệp mà chưa quan tâm đến sàng lọc các dự án có chất lượng, nên còn nhiều dự án FDI quy mô nhỏ dẫn đến hiệu quả đóng góp cho ngân sách chưa nhiều. So với trước kia, mức vốn FDI bình quân hằng năm hiện đã có sự thay đổi, nguồn thu ngân sách tăng ổn định, năm sau cao hơn năm trước, tạo việc làm cho khoảng gần 60.000 lao động với mức thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng, tuy nhiên vẫn còn thấp hơn so với một số tỉnh trong khu vực, quy mô các dự án FDI nhỏ.
Về giải pháp để thu hút các dự án FDI thực sự có quy mô, chất lượng trong thời gian tới, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trịnh Thế Truyền cho biết: Sở sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh làm tốt công tác định hướng xúc tiến, trong đó lựa chọn các dự án sản xuất đồng bộ, phát triển thị trường trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, đặc biệt quan tâm đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để tạo quỹ đất sạch thu hút các nhà đầu tư.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Xuân Tường - Tổ đại biểu Lâm Thao về vấn đề một số dự án đã có trong danh mục Nghị quyết được HĐND tỉnh thông qua với diện tích lớn, nhưng việc triển khai còn chậm tiến độ. Đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết nguyên nhân và giải pháp trong thời gian tới?
Ông Truyền cho biết: Hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có 1047/1302 dự án đã được triển khai, đạt hơn 80%. Những dự án đang chậm tiến độ chủ yếu là do vướng mắc trong công tác GPMB và khó khăn trong thu hồi đất. Sở đang rà soát và tham mưu cho UBND tỉnh kiên quyết thu hồi tất cả các dự án có năng lực kém.
Kết luận nội dung này, Chủ tọa nhấn mạnh, chúng ta đã có những bài học kinh nghiệm trong việc thu hút đầu tư cả trong và ngoài nước trong những năm trước đây, vì vậy cần phải nghiêm túc rút kinh nghiệm, tập trung chỉ đạo tốt hơn hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài theo hướng có chọn lọc, đầu tư đồng bộ và bài bản hơn.
Liên quan đến vấn đề việc triển khai các dự án còn chậm tiến độ, chủ toạ kỳ họp đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan nghiên cứu, rà soát lại các dự án đã được cấp phép trong thời gian qua để xem xét các dự án nào cần thu hồi hay những dự án nào đang gặp khó khăn để tháo gỡ khó khăn.
“Cần sớm đền bù giải phóng mặt bằng cho người dân Tân Sơn”
Đó là ý kiến chỉ đạo của Chủ tọa kỳ họp trong phiên chất vấn của Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch.
Đại biểu Hà Thị Huệ - Tổ đại biểu Tân Sơn đặt câu hỏi chất vấn: Theo Quyết định số 1538/QĐ-UBND ngày 19/3/2013 của Chủ tịch UBND huyện Tân Sơn về việc cấp kinh phí trả tiền bồi thường giải phóng mặt bằng cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân dự án Hạ tầng kỹ thuật tuyến du lịch xóm Lấp, các hang Thổ Thần, hang Na và thác Lưng trời tại Vườn Quốc gia Xuân Sơn thì số tiến chi trả là 3.818.851.245 đồng. Tuy nhiên, đến nay các hộ dân chưa nhận được. Để đảm bảo quyền lợi cho người dân, đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo làm rõ bao giờ người dân được chi trả số tiền này?
Ông Nguyễn Đắc Thủy – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Đây là dự án có tổng diện tích là 104.437m2 với tổng mức đầu tư trên 84,5 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác do Sở làm chủ đầu tư và giao cho Công ty Xuân Trường làm đơn vị thi công nhưng phải tạm dừng do thiếu kinh phí. Để tiếp tục giải quyết những vướng mắc của dự án, cũng như đảm bảo quyền, lợi ích của tổ chức và cá nhân có liên quan, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính tổ chức kiểm đếm, rà soát và đề nghị được ứng vốn trước từ ngân sách tỉnh với số kinh phí là 3.818.851.245 đồng. Trong đó, kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án theo Quyết định số 1538/QĐ-UBND ngày 19/3/2013 của Chủ tịch UBND huyện Tân Sơn là: 1.827.296.000 đồng; kinh phí hỗ trợ tiền chậm chi trả là: 1.940.000.445 đồng; kinh phí thưởng tiến độ bàn giao mặt bằng nhanh là: 51.554.800 đồng.
Chủ tọa yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch – chủ đầu tư cần nghiêm túc rút kinh nghiệm và đề nghị Sở Tài chính trình Chủ tịch UBND tỉnh ứng tiền ngân sách chi trả ngay trong ngay trong năm 2020.
Chất vấn lãnh đạo Công an tỉnh
Đại biểu Nguyễn Thanh Loan - Tổ đại biểu Việt Trì chất vấn về việc thời gian gần đây xuất hiện một số thanh, thiếu niên tụ tập thành nhóm điều khiển xe máy phóng nhanh, lạng lách, đánh võng gây mất an ninh trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến đường, tuyến phố chính trên địa bàn thành phố Việt Trì như đường Hùng Vương, Nguyễn Tất Thành gây tâm lý bất an đối với người tham gia giao thông. Trong thời gian tới, lực lượng Công an có biện pháp gì để ngăn chặn các hành vi nêu trên?
Trả lời vấn đề này, Phó Giám đốc Công an tỉnh Lưu Đức Tỉnh cho biết: Đảng ủy Ban Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm những đối tượng và những vi phạm trực tiếp gây ra TNGT. Những đối tượng mà đại biểu Loan đã nêu sau khi nắm bắt thông tin, điều tra làm rõ, Công an tỉnh xác định đây là nhóm đối tượng chủ yếu trong độ tuổi học sinh trên địa bàn huyện Ba Vì (di chuyển sang qua đường cầu Văn Lang). Công an tỉnh đã đã đưa ra nhiều giải pháp xử lý, chủ yếu là phạt nguội, đến trường học và gia đình từng đối tượng để ký cam kết không vi phạm. Ngoài ra, tăng cường tổ tuần tra vũ trang kết hợp cảnh sát hình sự mặc thường phục để bắt giữ, bởi những đối tượng này chủ yếu còn nhỏ tuổi, manh động, dễ gây ra thương tích cho người đi đường và lực lượng chức năng.
Về câu hỏi thứ 2 của đại biểu Loan về việc sử dụng những hình ảnh từ hệ thống camera giám sát trên các trục đường của thành phố để xử lý vi phạm giao thông, ông Lưu Đức Tỉnh cho biết thành phố lắp đặt camera nhằm giám sát an ninh - đô thị - môi trường chứ không riêng việc xử lý vi phạm giao thông. Bên cạnh đó, Công an tỉnh đã chỉ đạo lực lượng CSGT tăng cường kiểm tra, giám sát thực tế trên các tuyến đường. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm Luật Giao thông đường bộ vẫn xảy ra ở một bộ phận nhỏ người dân. Vì vậy, cần tập trung nâng cao ý thức người tham gia giao thông trên địa bàn.
Đại biểu Hán Trung Kết - Tổ đại biểu Phù Ninh cho biết thời gian qua xuất hiện một số đối tượng mạo danh là cán bộ của Trung tâm đào tạo, Trung tâm huấn luyện - Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ, Phòng cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh gọi điện thoại tới các cơ sở, doanh nghiệp để lừa đảo, chuộc lợi, Công an tỉnh Phú Thọ đã xử lý như thế nào và có khuyến cáo gì đến các tổ chức và người dân?
Trả lời vấn đề này, Phó Giám đốc Công an tỉnh mong muốn người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác, thấy những dấu hiệu khả nghi cần báo cáo lại cơ quan chức năng để có những biện pháp ngăn chặn, điều tra và giải quyết.
Kết luận nội dung này, Chủ tọa nhấn mạnh: Người dân cần nâng cao ý thức hơn nữa trong chấp hành luật giao thông, trang bị kiến thức về pháp luật để nâng cao cảnh giác, tránh bị lợi dụng gây thiệt hại về tài sản.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Văn Quang trả lời chất vấn
Đại biểu Hoàng Văn Tuyển - Tổ đại biểu Yên Lập đặt câu hỏi chất vấn thời gian từ nay đến hết năm 2020 liệu có thể hoàn thành kế hoạch đóng cửa 11 dự án khai thác khoáng sản do UBND tỉnh cấp giấy phép đã hết hạn không? Nguyên nhân, trách nhiệm liên quan? Các giải pháp để quản lý các mỏ sắp hết hạn trong thời gian tới như thế nào?
Trả lời vấn đề này, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết đến nay đã thực hiện xong đóng cửa 2 mỏ, 3 mỏ đang thực hiện đóng cửa, đã lập đề án và đang thi công để nghiệm thu, 3 mỏ còn lại còn trữ lượng nên tỉnh đã đồng ý lập đề án thăm dò. Một trong những nguyên nhân các doanh nghiệp không thực hiện việc đóng cửa đúng hạn được cho là trữ lượng tiềm năng vẫn còn nên doanh nghiệp mong muốn Bộ Tài nguyên và Môi trường cho phép nâng cấp trữ lượng để tiếp tục khai thác. Đối với các mỏ sắp hết hạn đóng cửa, Sở Tài nguyên và Môi trường đưa ra giải pháp tăng cường công tác thanh tra, giám sát toàn bộ quá trình hoạt động, khai thác và đánh giá trữ lượng mỏ còn lại, đôn đốc nghĩa vụ tài chính với các chủ mỏ và thực hiện hướng dẫn đóng cửa mỏ theo đúng quy định.
Đại biểu Nguyễn Thị Như Hoa - Tổ đại biểu Thanh Thủy nêu lên tình trạng khai thác nguồn nước khoáng nóng ở Thanh Thủy không có giấy phép, vi phạm các quy định của pháp luật vẫn diễn ra khá phổ biến nhiều năm nay, dẫn đến suy giảm và nguy cơ gây ô nhiễm ngược, làm cạn kiệt nguồn nước khoáng nóng. Đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường cho giải pháp để quản lý có hiệu quả hơn nguồn tài nguyên này trên địa bàn huyện Thanh Thủy?
Trả lời vấn đề này, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Trên địa bàn huyện Thanh Thủy hiện còn 22 tổ chức, cá nhân sử dụng nước khoáng, trong đó có 1 doanh nghiệp được cấp phép khai thác, 3 doanh nghiệp được cấp phép thăm dò, còn lại 4 doanh nghiệp và 15 hộ gia đình không có giấy phép. Trong thời gian tới Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tăng cường biện pháp rà soát, phối hợp chính quyền huyện, xã kiểm tra thường xuyên, xử lý kịp thời các cá nhân, tổ chức vi phạm, chấm dứt kinh doanh của các hộ nhỏ lẻ; hướng dẫn, giúp đỡ trong việc hoàn thiện các thủ tục thăm dò, khai thác. Kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương trong lập quy hoạch khai thác nước khoáng nóng và kiến nghị ủy quyền cho tỉnh cấp phép khai thác với quy mô nhỏ.
Đối với câu hỏi của đại biểu Hán Trung Kết - Tổ đại biểu Phù Ninh về việc đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết kết quả việc hướng dẫn, đôn đốc, yêu cầu các doanh nghiệp thuộc đối tượng phải lắp đặt hệ thống quan trắc trong thời gian qua? Thực trạng chấp hành của các doanh nghiệp, việc xử lý đối với các đơn vị cố ý không tuân thủ, ông Phạm Văn Quang cho biết: Theo lộ trình của Nghị định 40, đến hết ngày 31/12/2020 tất cả doanh nghiệp phải hoàn thành, tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tại kỳ họp tháng 8/2020 Chính phủ đã ra Nghị quyết ra hạn lại thời gian đến 31/12/2021. Vì vậy, các doanh nghiệp có thêm thời gian chuẩn bị. Hiện có 13/24 đơn vị doanh nghiệp đã lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, liên tục. Qua theo dõi, các số liệu truyền về Sở Tài nguyên và Môi trường về cơ bản đều ổn định, đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường. Sở tiếp tục đôn đốc 11 đơn vị còn lại và yêu cầu các đơn vị mới thuộc diện này phải lắp đặt ngay trước khi vận hành thử nghiệm.
Đại biểu Phạm Thu Hạnh - Tổ đại biểu Việt Trì phản ánh về vấn đề ô nhiễm môi trường tại khu công nghiệp, các nhà máy như: Công ty Nhôm Sông Hồng, nhà máy gạch CMC, Công ty Cổ phần Giấy Việt Trì,... Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các cơ quan liên quan cho biết giải pháp xử lý kịp thời trong thời gian tới.
Về vấn đề này, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Để phòng tránh những sự cố đáng tiếc xảy ra ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, ngành Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền thành phố và Công an tỉnh tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các đơn vị vi phạm nếu không tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp bảo vệ môi trường; cương quyết cho xử phạt mức cao nhất và thậm chí là đóng cửa nhà máy; tiếp tục đôn đốc các đơn vị lắp đặt quan trắc tự động, đảm bảo trước thời hạn 31/12/2021; đề xuất UBND tỉnh sớm di dời các nhà máy ra khỏi vùng đô thị Việt Trì.
Đại biểu Đào Thanh Hằng - Tổ đại biểu thị xã Phú Thọ đặt câu hỏi về những dự án đã thực hiện xong việc giải phóng mặt bằng nhưng không thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất, trong đó có các công trình giao thông, thủy lợi, điện năng,... gây khó khăn cho công tác quản lý đất đai. Đề nghị cho biết nguyên nhân và giải pháp trong thời gian tới để khắc phục tình trạng trên?
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết vướng mắc của những dự án trên chủ yếu ở thủ tục giấy tờ thu hồi chuyển mục đích sử dụng đất; đề nghị chủ đầu tư: Sở Giao thông – Vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Công ty Điện lực Phú Thọ thực hiện nghiêm túc quy định của Luật đất đai về lập hồ sơ giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất để làm cơ sở chỉnh lý biến động đất đai.
Đại biểu Phùng Thanh Sơn – Tổ đại biểu huyện Thanh Sơn đặt câu hỏi về việc thu gom, tập kết rác thải xây dựng, đề nghị cho biết về công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra cũng như giải pháp trong thời gian tới.
Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Phùng Thanh Sơn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Văn Quang cho biết đây sau khi tham khảo một số địa phương về vấn đề này, Sở sẽ tham mưu với UBND tỉnh, có đề án căn cơ để xử lý vấn đề này.
Kết luận các nội dung này, Chủ tọa kỳ họp đồng ý với việc cần có đề án căn cơ về vấn đề thu gom rác thải xây dựng trong thời gian sớm nhất (trong năm 2021). Trước mắt, tất cả các công trình trên địa bàn tỉnh phải có đề án thu gom xử lý rác thải xây dựng và được thông qua trước khi cấp phép xây dựng. Về vấn đề khai thác nước khoáng Thanh Thủy, do cơ chế chính sách chưa đủ điều kiện để cấp phép thăm dò và khai thác khoáng sản tại Thanh Thủy cho các doanh nghiệp nên cần có phương án sớm nhất không để ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội của huyện cũng như của tỉnh. Về ô nhiễm môi trường của các nhà máy ở thành phố Việt Trì, trước mắt, cần xử lý nghiêm các nhà máy vi phạm ô nhiễm môi trường trong thành phố Việt Trì, về lâu dài, tỉnh sẽ có kế hoạch di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi thành phố.
Chất vấn Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo nhiều vấn đề “nóng”
Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai - Tổ đại biểu thị xã Phú Thọ chất vấn: Chất lượng dạy và học Trung học phổ thông tại các Trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện còn nhiều bất cập, khó khăn; tỷ lệ tốt nghiệp THPT trong các trung tâm thấp so với bình quân chung của tỉnh. Đề nghị cho biết trách nhiệm của ngành và nguyên nhân, giải pháp trong thời gian tới để nâng cao chất lượng dạy học phổ thông trong các trung tâm GDNN-GDTX.
Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Mạnh – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết, kết quả thi tốt nghiệp tại các trung tâm luôn đứng top đầu trong 63 tỉnh thành: tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2018 đạt 95,4% (toàn quốc: 88,37%), năm 2019 đạt 88,8% (toàn quốc: 82,92%) và năm 2020 đạt 98,1% (toàn quốc: 92,54%). Như vậy, tỷ lệ tốt nghiệp GDTX cấp THPT của tỉnh cao hơn nhiều so với tỷ lệ tốt nghiệp bình quân chung của cả nước đối với khối GDTX, chỉ thấp hơn so với kết quả học sinh THPT của tỉnh.
Nguyên nhân là do đội ngũ giáo viên các trung tâm còn thiếu, chưa đồng bộ, chất lượng đầu vào còn thấp... Để nâng cao chất lượng dạy và học, Sở GD&ĐT đã kiến nghị với Bộ GD&ĐT để các trường nghề được phép dạy văn hóa cho các học sinh học nghề. Năm học 2021-2022, sẽ xem xét cụ thể về điều kiện thực tế tại các trung tâm để giao kế hoạch cho phù hợp; đồng thời thường xuyên kiểm tra việc giảng dạy tại các trung tâm GDNN-GDTX và các trường cao đẳng, trung cấp khi thực hiện phối hợp giảng dạy chương trình GDTX cấp THPT.
Đại biểu Nguyễn Thị Như Hoa - Tổ đại biểu Thanh Thủy đặt câu hỏi chất vấn: Năm học này trên địa bàn tỉnh đã có 100% các trường chọn bộ SGK lớp 1 Cánh Diều để giảng dạy. Tuy nhiên, qua phản ánh của báo chí, giáo viên, phụ huynh học sinh và cả trên diễn đàn Quốc hội, trong sách Tiếng Việt của bộ sách còn có nhiều nội dung hạn chế, bất cập (như dùng phương ngữ, từ ngữ xa lạ, ngữ liệu và một số bài đọc chưa phù hợp, có nội dung gây phản cảm...). Bộ GD&ĐT cũng đã tiếp thu và chỉ đạo chỉnh sửa. Sở GD&ĐT có những giải pháp gì trong thời gian tới để nâng công tác lựa chọn SGK đảm bảo chất lượng, tính giáo dục, phù hợp nhận thức, tâm lý lứa tuổi học sinh?
Giám đốc Sở GD&ĐT trả lời: Việc lựa chọn SGK lớp 1 năm học 2020-2021 đã được Sở GD&ĐT tham mưu UBND tỉnh thực hiện theo đúng quy trình tại Thông tư số 01/2020/TT BGDĐT ngày 30/01/2020 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Các cơ sở giáo dục tiểu học trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã chọn 4 môn: Toán, Tiếng Việt, Giáo dục thể chất, Tự nhiên và Xã hội của Bộ sách Cánh Diều. Tuy nhiên, theo ý kiến của cử tri trong sách Tiếng Việt của bộ sách còn có nhiều nội dung hạn chế, bất cập, Bộ GD&ĐT cũng đã tiếp thu và chỉ đạo chỉnh sửa. Sở GD&ĐT đã chủ động có những kế hoạch, giải pháp đó là:
Thứ nhất: Ngay từ đầu năm học, Sở đã thành lập tổ công tác nắm bắt tình hình giảng dạy thực tế của các cơ sở giáo dục trên địa bàn và các ý kiến của giáo viên trực tiếp đứng lớp để chỉ đạo tư vấn, hỗ trợ giáo viên căn cứ vào yêu cầu chương trình GDPT mới.
Thứ hai: Tăng cường nắm bắt thông tin, tiếp tục yêu cầu GV rà soát nội dung SGK, góp ý về việc thực hiện chương trình, SGK mới để báo cáo Bộ điều chỉnh cho phù hợp tình hình thực tế tại địa phương.
Thứ ba: Bám sát tinh thần chỉ đạo và triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
Liên quan đến các đầu sách giáo khoa, Chủ tọa đề nghị ngành GD&ĐT, các trường cần chủ động lựa chọn đầu sách để phục vụ công tác giảng dạy. Về chất lượng GDNN-GDTX, Chủ tọa yêu cầu cần phải xem xét, kiểm tra thực chất giáo dục để có đánh giá cho phù hợp; ngành Giáo dục và Sở LĐ&TBXH không chạy theo nhu cầu của học sinh mà bỏ qua chất lượng GD&ĐT.
Bàn giao những đơn vị kinh doanh không đảm bảo về cho ngành Điện
Chất vấn tại hội trường, đại biểu Hoàng Quang Trung - Tổ đại biểu huyện Lâm Thao đặt câu hỏi: Vấn đề bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn cho ngành Điện quản lý đã được đưa ra tại nhiều kỳ họp HĐND tỉnh. Nhưng thực tế đến nay, trên địa bàn tỉnh vẫn còn 24 đơn vị kinh doanh bán lẻ điện nông thôn, nhiều đơn vị không đáp ứng tốt được yêu cầu, ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng điện.
Trả lời vấn đề này, Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Trước đây toàn tỉnh có 253 đơn vị, kinh doanh bán lẻ điện. Thực hiện chủ trương bàn giao lưới điện hạ áp cho ngành Điện quản lý, đến nay còn 24 hợp tác xã vẫn chưa thực hiện bàn giao. Quá trình bàn giao gặp nhiều khó khăn là do vướng mắc trong cơ chế chính sách, việc xác định giá trị tài sản, nguồn vốn đầu tư...
Về giải pháp, Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Mạnh Hùng nêu quan điểm: Đối với các hợp tác xã đảm bảo chất lượng cung ứng điện thì vẫn cần tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để hoạt động. Đối với các đơn vị không đảm bảo chất lượng, Sở Công thương đang tiếp tục phối hợp với Thanh tra tỉnh rà soát, kiểm tra, xử lý các đơn vị theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời tiếp tục để xuất Tập đoàn Điện lực miền Bắc để tháo gỡ dứt điểm những khó khăn về cơ chế bàn giao hiện nay.
Chỉ đạo nội dung này, Chủ tọa kỳ họp nhấn mạnh: Việc kinh doanh bán lẻ điện không phải chỉ riêng ngành Điện độc quyền, nếu các đơn vị trên đủ điều kiện, người dân không có ý kiến thì cho tiếp tục kinh doanh; nếu kiểm tra không đảm bảo đủ điều kiện thì phải bàn giao cho ngành Điện quản lý, hoặc ngành Điện cùng đầu tư, kinh doanh nhằm đảm bảo quyền lợi của khách hàng, người dân.
Ngày mai, 9/12, HĐND tiếp tục tiến hành chất vấn, trả lời chất vấn, thông qua các Nghị quyết và bế mạc kỳ họp.
Nhóm PV phòng Điện tử
Dẫn nguồn: http://baophutho.vn/