Thứ 4 | 25/03/2020
Đặng Đình Thuận
                                                        Hội Văn nghệ dân gian Phú Thọ
 
Những căn cứ khoa học, những tư liệu liên quan để bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội tưởng niệm vua Lý Nam Đế:
 
1- Những kết quả nghiên cứu và công bố trên các tài liệu thông sử chính thống của Việt Nam đều khẳng định triều vua Lý Nam Đế là một triều vua có thật, được thành lập sớm nhất ở nước ta ( lập ra nhà tiền Lý). Ông là người đã có công lập nên nước Vạn Xuân và có công khẳng định độc lập, chủ quyền lãnh thổ đối với các triều đại phong kiến đương đại lúc bấy giờ ( mặc dù chỉ tồn tại có 5 năm). Vì vậy, phục dựng tổ chức lễ hội tưởng niệm vua Lý Nam Đế có ý nghĩa nhân văn sâu sắc thể hiện lòng biết ơn và tình cảm tri ân công đức của vị vua có công lập quốc của dân tộc ta thể hiện đạo lý truyền thống " Uống nước nhớ nguồn; Ăn quả nhớ người trồng cây" của dân tộc Việt Nam nói chung và của nhân dân địa phương nói riêng.
2- Địa điểm Gò Cổ Bồng động Khuất Lão xã Văn Lương và làng Danh Hựu xã Cổ Tiết ( trước kia) nay thuộc xã Vạn Xuân huyện Tam Nông là những địa điểm vua Lý Nam Đế lâm bệnh mất tại đó và liên quan đến việc thờ tự Vua Lý Nam Đế. Theo các cụ cao niên kể lại, từ xưa, nhân dân đã dựng ngôi Đình và Đền thờ trên động Khuất Lão để thờ Lý Nam Đế, Lý Thiên Bảo (anh ruột của Lý Bí), Lý Phật Tử (người trong dòng họ), những người cùng Lý Bí khởi nghiệp và hai thủy thần là Long Hải Vương và Lân Hải Vương đã có công giúp ông và tướng sỹ vượt sông Thao (theo truyền thuyết, khi Lý Nam Đế chạy đến tả ngạn sông Thao gặp nước lớn, không có thuyền mảng vượt sông, phía sau là quân Lương truy đuổi, tình thế vô cùng nguy khốn. Giữa lúc nguy hiểm đó, thủy thần xuất hiện và giúp Lý Nam Đế cùng tướng sỹ vượt qua sông lớn, thoát khỏi sự truy đuổi của quân giặc).
Phía bên phải Đền, khi xưa có Lăng vua dưới gốc cây xương rồng, lăng vua xây gạch như mộ thường. Trước đây mọi nghi lễ cầu cúng đều được tiến hành ở Đình, Đền và Lăng trên gò Cổ Bồng, sau đó rước về đình làng Danh Hựu (còn có tên Diên Hựu hay Danh Viên) xã Cổ Tiết để tổ chức đình đám, hội hè. Tuy “ngọc phả” bị giặc Pháp lấy mất, nhưng nhân dân vẫn còn ghi nhớ hai câu đối và vẫn còn truyền tụng:
- Thiên khải thánh minh phù thế đạo
Địa lưu thần tích hộ phương dân.
(Tạm dịch: Trời lập bậc Thánh Vương để mở đường lớn
     Đất vẫn còn lưu dấu tích bảo hộ và an dân)
- Lý Triều Thánh Đế lưu linh tích
Nam quốc sơn hà kiến đại công.
(Tạm dịch: Triều vua Lý như bậc Thánh vương vẫn còn lưu dấu tích
Sông núi nước Nam được lập nên nhờ công lớn
Do đi lại thờ cúng khó khăn trở ngại, mỗi lần làm lễ phải qua cánh đồng chiêm trũng (phải đi bằng thuyền) nên nhân dân Danh Hựu làm lễ dỡ đền đem về dựng đấu với đình Danh Hựu, rồi rước nồi hương, bài vị về đình (vào khoảng những năm 1934 - 1935). Sau đó, do tác động của chiến tranh, giặc dã đình Danh Hựu cũng bị tàn phá và lễ hội cũng bị mai một cho đến ngày nay.
Hiện nay, tại địa điểm động Khuất Lão chỉ còn dấu tích của ngôi Đình, qua khảo sát thì hướng của ngôi Đình quay về hướng chính Đông, với chiều dài là 8,2m, chiều rộng là 4,2m, chiều rộng của móng đình là 0,8m. Vật liệu để xây dựng là gạch chỉ với kích thước là 0,24m x 0,11m x 0,05m ( đặc trưng gạch thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX). Bên cạnh móng Đình, Đền, năm 2006, nhân dân Văn Lương ( trước đây) xây dựng bệ thờ tương truyền là mộ Vua Lý Nam đế để tưởng niệm có viết hai chữ Hán “Thiên Đức” (niên hiệu triều vua Lý Nam Đế) để hương khói thờ cúng Vua Lý Nam Đế. Tuy còn đơn sơ, song việc làm đó đã nói lên tấm lòng và nguyện vọng của nhân dân địa phương đối với vị anh hùng dân tộc. Được sự đồng ý của UBND tỉnh Phú Thọ, huyện Tam Nông đã khôi phục đền thờ vua Lý Nam Đế trên nền đất cũ gần mộ Vua và trên gò Cổ Bồng và đã lập quy hoạch khu di tích bao gồm các thiết chế di tích của ngôi đền thờ danh nhân truyền thống. Còn ngôi đình trên gò Cổ Bồng và đình làng Danh Hựu thuộc xã Cổ Tiết đã bị mất vẫn còn dấu tích của ngôi đình liên quan đến thờ tự Vua Lý Nam Đế. Đó là những di tích văn hoá vật thể rất quan trọng là điều kiện cơ sở vật chất để làm căn cứ khôi phục di tích và phục dựng các hoạt động lễ tưởng niệm vua Lý Nam Đế và tổ chức các hoạt động hội theo nghi thức truyền thống của dân tộc.
3- Các cụ cao niên kể lại, tục hèm thờ cúng tại đền thờ Lý Nam Đế ở động Khuất Lão cũng rất phong phú. Một năm có 4 kỳ cầu:
- Từ mùng 2 đến mùng 7 tháng Giêng: Tục truyền kỉ niệm ngày khởi nghĩa của Lý Bí ( ngày lễ xuất quân).
- Ngày 12 - 3: Kỷ niệm ngày Vua lên ngôi.
- Ngày 6 - 8: Kỷ niệm ngày Vua hóa ( ngày mất).
- Ngày 12 - 9: Kỷ niệm ngày Vua sinh.
Tại Đình Danh Hựu xã Cổ Tiết tương truyền nơi đây xưa kia là vị trí các tướng sỹ tổ chức đón Vua nên gọi là Bến Nghinh ( nghênh), nhân dân đã dựng ngôi đình để tưởng nhớ công lao của Vua Lý Nam Đế. Năm 1971 do nước sông lên cao những đồ thờ tự trong đình đã bị nước cuốn trôi, hiện nay nhân dân còn giữ lại được 02 bức đại tự có nội dung: “Thái bình linh huống” tạm dịch “Ban cho nền thái bình linh thiêng ”; “Nam thiên chính khí” tạm dịch “Chính khí trời Nam”.
Hàng năm tổ chức các ngày lễ và ngày cầu như sau: một năm có 04 ngày cầu
          -Từ 04 đến 07 tháng Giêng tổ chức lễ hội kỷ niệm ngày Vua ra quân
          - Ngày 12/3 Âm lịch kỷ niệm ngày Vua lên ngôi.
          - Ngày 20/3 Âm lịch kỷ niệm ngày Vua mất ( Vua hoá).
          - Ngày 12/9 kỷ niệm ngày Vua sinh.
Trong các kỳ cầu, lễ tháng Giêng là lớn nhất, đông vui nhất và có nhiều trò chơi vui khỏe, khéo léo mang tính chất hội làng vào dịp đầu xuân. Các nghi lễ và trò chơi trong dịp đầu xuân để ghi nhớ, mô phỏng các chiến công của các bậc tiền bối trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước.
Để chuẩn bị cho lễ hội, ngay từ trong năm, nhân dân đã phải chuẩn bị trâu, lợn đen, bột bánh, hoa quả, giặt tán, lọng, áo mũ, sơn lại kiệu, chỉnh trang, bao sái các đồ thờ, tế lễ…Trai tráng phân chia nhau lo chuẩn bị sân đấu vật, lo cắt cử người đi mời dân nước nghĩa ở Phiên Quận ? (Cẩm Khê) sang năm mới về dự hội xuân. Đến dịp tổ chức, mọi người tập trung ở đình làng, lựa chọn một số người khiêng kiệu đi trước, dân làng theo sau, đến đình, đền Diên Hựu tại động Khuất Lão rồi làm lễ cầu vua và hai vị Thiên Bảo, Phật Tử lên kiệu rước về đình làng dự lễ hội. Đồng thời mọi người cũng đem kiệu ra bờ sông Thao mời hai vị thuỷ thần Long Hải Vương và Lân Hải Vương lên kiệu, rước từ bờ sông về dự hội xuân với dân làng. Sau khi đã rước đủ năm vị, lễ cúng tại đình mới bắt đầu. Trước tiên là cúng vua Lý Nam Đế theo nghi lễ rất trang nghiêm:
Trên năm chéo lọng vàng cờ đỏ
Dưới hai hàng văn võ chầu sang
 
Tiếp đến là khấn cầu bốn vị công thần, sau cùng mới đến các tướng sỹ của nhà vua. Vật phẩm cầu cúng gồm: bánh giày, bánh rán, bánh mật, chè lam, chè kho, hoa quả… Cỗ bàn cầu cúng được chia làm 3 nơi: Thượng cung xếp 5 mâm cho vua và 4 vị phối thưởng; hạ đàn đặt 7 mâm cho các tướng; ngoài sân đặt 9 đến 10 mâm cho quân sỹ. Thế rồi các trò chơi tung nõ - nường, cướp vĩ, đấu vật, ném cầu được tiến hành, kéo dài từ mồng 5 đến mồng 7 tháng Giêng, đặc biệt lễ cầu mồng 7 tháng Giêng luôn có đại biểu nước nghĩa đến dự.
 
Tổ chức lễ hội tưởng niệm vua Lý Nam Đế:
 
1- Thời gian và địa điểm:
 1.1- Thời gian: Từ 01 đến 03 ngày ( Tuỳ theo năm tròn, năm chẵn) lấy ngày 20/3 Âm lịch kỷ niệm ngày Vua mất để tổ chức lễ hội tưởng niệm Vua Lý Nam Đế là phù hợp theo tư liệu trong chính sử Việt Nam và phong tục, tập quán truyền thống của người Việt ( đó là cúng giỗ vào ngày mất), hơn nữa tổ chức trong những tháng tổ chức lễ hội mùa xuân trên quê hương Đất Tổ sẽ thu hút được đông đảo quần chúng nhân dân trong và ngoài tỉnh về tham dự lễ hội. ( Các ngày cầu khác vẫn được duy trì theo các ngày âm lịch trong năm).
1.2- Địa điểm: Tại di tích đền thờ và lăng mộ Vua Lý Nam Đế trên Gò Cổ Bồng xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông tỉnh Phú Thọ.
2- Nội dung:
2.1- Phần Lễ:
- Tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm tại lăng mộ Vua Lý Nam Đế với nghi thức truyền thống do UBND huyện Tam Nông làm chủ lễ: Có vòng hoa; hương; cử nhạc truyền thống. Sau đó hành lễ vào đền thờ Vua Lý Nam đế để tiến hành nghi thức tế truyền thống.
- Lễ vật: Lễ vật chia thành lễ mặn và lễ chay. Lễ mặn là lợn đen và rượu (không mổ trâu để thực hành tiết kiệm và bảo vệ sức kéo cho nông nghiệp). Lễ chay gồm: Bánh giày, bánh rán, bánh mật, chè lam, chè kho…
Bố trí cỗ bàn cầu cúng được chia làm 3 nơi: thượng cung xếp 5 mâm cho vua và 4 vị phối thờ; hạ đàn đặt 7 mâm cho các tướng; ngoài sân đặt 9 đến 10 mâm cho quân sỹ.
- Tổ chức rước kiệu từ đền thờ Lý Nam Đế (Diên Hựu) tại động Khuất Lão gò Cổ Bồng rồi làm lễ cầu vua và hai vị Thiên Bảo, Phật Tử lên kiệu rước ra bờ sông Thao mời hai vị thần Long Hải Vương và Lân Hải Vương lên kiệu, rước từ bờ sông về dự lễ hội xuân với dân làng tại Gò Cổ Bồng. Sau khi đã rước đủ năm vị, lễ tế Vua Lý Nam Đế mới bắt đầu ( tế 3 tuần). Văn tế phải soạn riêng cho phù hợp với tư liệu dân gian: Trước tiên là cúng vua Lý Nam Đế theo nghi lễ rất trang nghiêm. Tiếp đến là khấn cầu bốn vị công thần, sau cùng mới đến các tướng sỹ của nhà Vua Lý Nam Đế. Theo sách "Việt Nam văn minh sử" của Lê Văn Siêu dẫn một số nguồn tài liệu cổ, Lý Nam Đế ở lâu ngày trong động, vì nhiễm lam chướng nên bị mù hai mắt. Vì vậy đời sau đến ngày giỗ thường phải xướng tên các đồ lễ để vua nghe thấy. Đây có thể coi như tục hèm đặc trưng phần lễ của Lễ hội tưởng niệm Vua Lý Nam Đế. Vì vậy, trong phần văn tế cần xướng tên các lễ vật dâng cúng Vua Lý Nam Đế rõ ràng, mạch lạc.
2.2- Phần Hội:
Tổ chức đấu vật dân tộc. Tổ chức các trò chơi các hoạt động hội mang đậm tính chất dân gian và mang đậm tính thượng võ như: Tung nõ - nường, cướp vĩ, đấu vật, ném cầu, thi đấu cờ tướng và một số hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao hiện đại như Liên hoan, hội diễn văn nghệ, thi đấu bóng đá, bóng chuyền... tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho lễ hội nhằm thu hút đông đảo quần chúng nhân dân về tham dự lễ hội.
Lễ hội tưởng niệm Vua Lý Nam Đế tại xã Vạn Xuân huyện Tam Nông là hoạt động văn hóa truyền thống được tổ chức mang tính cộng đồng và có ý nghĩa nhân văn sâu sắc nhằm tưởng nhớ và tri ân công đức Vua Lý Nam Đế với công lao lập nước Vạn Xuân của dân tộc Việt Nam. Thể hiện đạo lý và truyền thống " Uống nước nhớ nguồn; Ăn quả nhớ người trồng cây" của dân tộc Việt Nam.
Tổ chức lễ hội tưởng niệm Vua Lý Nam Đế nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá tín ngưỡng truyền thống trên quê hương Đất Tổ, tăng cường tinh thần tự cường dân tộc, tinh thần chống giặc ngoại xâm và đạo lý nhân văn "uống nước nhớ nguồn"; " Ăn quả nhớ người trồng cây", đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế- văn hoá- xã hội trên địa bàn huyện Tam Nông nói riêng và trên địa bàn tỉnh Phú Thọ nói chung vì mục tiêu: "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" ./.
Các tin khác

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com