Thứ 2 | 20/04/2020
Duy trì thói quen đọc sách từ khi còn nhỏ giúp trẻ em có tư duy và nền tảng kiến thức tốt.
 
PTĐT - Đọc sách giúp cho con người tiếp thu được những kho tàng tri thức của nhân loại. Phát triển văn hóa đọc là nội dung quan trọng của sự nghiệp phát triển văn hóa, giáo dục của đất nước. Trong bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin, số lượng người tìm đến sách suy giảm thì rất cần phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc từ mọi tầng lớp nhân dân để phát triển, nâng cao văn hóa đọc trong cộng đồng. 
 
Sách có vai trò quan trọng trong sự phát triển của mỗi con người, ở mỗi lứa tuổi, lợi ích từ việc đọc sách mang lại có những điểm khác biệt. Ở lứa tuổi học sinh, hình thành thói quen đọc sách, làm bạn với những trang sách bổ ích, lý thú sẽ giúp phát triển tốt hơn về sự hiểu biết, vốn sống, cách ứng xử, chia sẻ với mọi người, trau dồi khả năng diễn đạt bằng ngôn ngữ nói và viết. Ở tuổi trưởng thành, mỗi người cần đọc sách để cập nhật kiến thức, thông tin để trau dồi kỹ năng, nghề nghiệp tránh bị lạc hậu trong thời đại hiện nay. Đặc biệt, đối với người cao tuổi, không chỉ là tìm hiểu tri thức và giải trí hàng ngày mà đọc sách thường xuyên còn là một cách để “tập thể dục” cho não, chống lại sự lão hóa do tuổi già mang lại.

Để văn hóa đọc phát triển bền vững, lan tỏa trong cộng đồng thì từ lứa tuổi nhỏ, các em phải được làm quen với sách, được cha mẹ, thầy cô giáo hướng dẫn cách chọn sách và phương pháp đọc sách hiệu quả. Các thư viện thân thiện, thư viện góc lớp tại các trường học giúp tiếp cận với sách, từ đó khuyến khích học sinh tích cực đọc sách, qua đó hỗ trợ học tập, trau dồi kiến thức, khơi dậy niềm đam mê đọc sách. 

Chị Bùi Thị Hạnh là giáo viên ở huyện Phù Ninh chia sẻ: Hai con gái của tôi rất thích đọc sách, truyện nên mỗi khi các cháu có thành tích tốt trong học tập hoặc vào các dịp đặc biệt, tôi thường mua sách, truyện để làm phần thưởng cho con, kích thích tình yêu đối với sách, đồng thời thông qua đó định hướng các con đọc những loại sách phù hợp với lứa tuổi. Là giáo viên, tôi cũng duy trì việc đọc sách hàng ngày để hoàn thiện vốn kiến thức cũng như xây dựng thói quen đọc sách cho các con và học sinh của mình.

Để phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, Thư viện tỉnh đã đổi mới hoạt động đẩy mạnh xã hội hoá, mở rộng liên kết với các nhà xuất bản, nhà sách, các tổ chức ủng hộ sách báo cho thư viện nâng cao số lượng, chất lượng sách, báo tạp chí. Thực hiện phương châm “Sách tìm bạn đọc”, Thư viện tỉnh đã phát triển và nhân rộng các trạm vệ tinh thực hiện luân chuyển sách, báo để người đọc ở các huyện, thành, thị được tiếp cận với nhiều cuốn sách hay. Thư viện tỉnh hiện có hơn 250.000 bản sách phục vụ bạn đọc với đầy đủ các thể loại: Văn học, lịch sử, khoa học, tự nhiên, xã hội, chính trị, luật, sách Tiếng Anh, báo, tạp chí… và các loại sách, truyện dành cho thiếu nhi phục vụ từ 350- 380 nghìn lượt bạn đọc/năm và các thư viện cấp huyện phục vụ khoảng 500 nghìn lượt bạn đọc/ năm, có hơn 13 nghìn bạn đọc trong tỉnh được cấp thẻ duy trì việc đọc, mượn sách thường xuyên. Trong năm 2019, Thư viện tỉnh đã luân chuyển gần 900 nghìn lượt sách, báo đến thư viện các huyện và các trạm sách để độc giả tiếp cận được nhiều ấn phẩm hơn, đồng thời phối hợp với các ngành, các đơn vị tổ chức nhiều cuộc thi tìm hiểu về sách như: Vẽ tranh theo sách Chủ đề: “Quê hương trong em”; Thiếu nhi Đất Tổ kể chuyện, tuyên truyền, giới thiệu sách; Hội thi “Viết cảm nhận về sách”; “Nhận diện tác giả, tác phẩm”; trưng bày tư liệu, xếp sách nghệ thuật nhân ngày Sách Việt Nam (21/4) và ngày Sách và bản quyền thế giới (23/4)... Thông qua đó tuyên truyền cho người dân hiểu hơn về các loại sách, lợi ích của việc đọc sách, góp phần nâng cao văn hóa đọc trong cộng đồng. Năm 2019 là năm đầu tiên Sở VH-TT&DL và Sở GD&ĐT tổ chức Cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc” thu hút 51.532 bài dự thi của học sinh 283 trường tiểu học, THCS, THPT tham gia với nội dung chia sẻ về một cuốn sách mà em yêu thích, một cuốn sách đã làm thay đổi nhận thức, cuộc sống của các em; hoặc sáng tác một tác phẩm, viết tiếp lời cho một câu chuyện… Từ các hoạt động đó đã góp phần lan tỏa tình yêu sách trong mỗi người, đặc biệt là giới trẻ. 

Hội sách Đất Tổ  năm 2018 thu hút đông đảo người yêu sách.
 
Trong thời đại công nghệ số, văn hóa đọc không chỉ là phương thức đọc sách in truyền thống mà rất nhiều độc giả đã chuyển sang phương thức hiện đại hơn, vì thế đọc sách trực tuyến đã trở nên phổ biến. Độc giả có thể đọc ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào chỉ cần có điện thoại, máy tính… kết nối internet. Nhiều độc giả, trong đó chủ yếu là các bạn trẻ đã sử dụng các ứng dụng đọc sách trực tuyến để duy trì tình yêu với sách.

Em Lê Diệu Thủy- sinh viên Trường ĐH Hùng Vương chia sẻ: Trước đây em là người khá nhút nhát, nhờ việc thường xuyên đọc sách, khả năng diễn đạt cũng tốt hơn nhiều, từ đó em đã mạnh dạn hơn trong giao tiếp. Hiện nay, trong những ngày ở nhà vì dịch COVID-19, thay vì đến thư viện đọc sách, em lựa chọn đọc sách trực tuyến để cập nhật kiến thức. Với kho dữ liệu lớn, dễ tìm kiếm, em có thể thoải mái chọn những cuốn sách muốn đọc.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai- Giám đốc Thư viện tỉnh cho biết: Để bắt kịp xu thế đọc sách hiện nay thì song song với việc đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của thư viện, thu hút bạn đọc thì chúng tôi đang tiếp tục xây dựng “Thư viện điện tử”. Hiện nay, chúng tôi đã số hóa được gần 7.000 trang tài liệu về 2 di sản Hát Xoan và Tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, các tài liệu về chính trị, địa lý, kinh tế… của tỉnh tạo thuận lợi cho độc giả khai thác thông tin, tra cứu tài liệu trực tuyến và sẽ tiếp tục thực hiện số hóa sách góp phần phát triển văn hóa đọc trong thời đại truyền thông số.

Để khuyến khích người dân nâng cao văn hóa đọc, Chính phủ ban hành Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và tỉnh ta đã ban hành Kế hoạch số 2441/KH-UBND ngày 14/6/2017 về Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh với mục tiêu chung là xây dựng và “Phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là trong thanh niên, thiếu niên, học sinh, sinh viên và chú trọng tới người dân ở vùng nông thôn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; cải thiện môi trường đọc; góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, hình thành lối sống lành mạnh, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập...
 
Thu Hà
(dẫn nguồn: http://baophutho.vn/)
 
Các tin khác
Thông báo mới
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com