Thứ 4 | 03/08/2016
Kim Đức là một xã nằm ở vùng ven của Khu di tích lịch sử Đền Hùng,  thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Lịch sử hình thành và thờ tự của hệ thống di tích nơi đây gắn liền với thời đại của các Vua Hùng và Kinh đô Văn Lang xưa. Cùng với đình Thét, miếu Lãi Lèn, đình Kim Đái là một di tích tiêu biểu gắn liền với di sản văn hoá hát Xoan Phú Thọ - một di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của Phú Thọ, đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại.
Đình Kim Đái thờ 3 vị: Vua Hùng Mỹ Vương(1) (Viễn sơn đại vương) cùng  Ất Sơn đại vương, Cao Sơn đại vương. Ba vị có công dạy dân trồng cấy, chăn nuôi, giữ gìn che chở cho dân có được cuộc sống yên bình.
Theo tuyền thuyết kể lại, xa xưa trước khi Lân Lang - người con cả của Lạc Long Quân và Âu Cơ định đô tại đất Phong Châu, dựng nên nhà nước Văn Lang ở vùng đất đó đã có người dân sinh sống, được gọi là kẻ Đơi (làng Kim Đái, xã Kim Đức, thành phố Việt Trì).
Khi Lân Lang định đô tại đất Phong Châu, dựng nên nhà nước Văn Lang, hiệu là Hùng Quốc Vương. Hùng Quốc Vương ổn định triều đình, cử các em và các con đi trấn giữ các nơi. Miền Đông Bắc kinh đô Phong Châu, sát với kinh đô, lại là nơi rừng núi trùng điệp, hiểm trở, Hùng Quốc Vương giao cho người con cả là Viễn Lang vừa tài văn võ, lại là người tin cậy nhất trấn giữ. Phụ giúp cho Viễn lang, Hùng Quốc Vương cử thêm hai người con nữa là Ất Lang và Cao Lang đi cùng. Ba anh em Viễn Lang đi đến Kẻ Đơi, thấy nơi đây rừng núi trùng điệp, hiểm yếu, có 3 vòng thủy bao bọc như ba bức thủy thành, thế đất rất có lợi cho quân sự nên 3 anh em đã chọn kẻ Đơi để đặt bản doanh của mình. Ba anh em Viễn Lang ổn định căn cứ trấn giữ, thu thập thêm dân cư quanh vùng, lập nên làng xóm. Ba ông còn dạy dân khai phá đất hoang để trồng trọt, cấy lúa, dạy dân bắt thú hoang về thuần hóa để chăn nuôi…Cuộc sống của dân làng ngày càng no đủ, người dân yên vui. Hùng Quốc Vương già yếu qua đời, truyền ngôi cho Viễn Lang, Viễn Lang kế ngôi lấy hiệu là Hùng Mỹ Vương. Khi Hùng Mỹ Vương và Ất Lang, Cao Lang băng hà nhân dân vô cùng thương tiếc, để tưởng nhớ công ơn đã cho làm nhà để thờ phụng. Nhà thờ ấy được làm tại khuôn viên ngôi đình Kim Đái hiện nay. Duệ hiệu của 3 vị được tôn thờ là Viễn Sơn đại vương, Ất Sơn đại vương và Cao Sơn đại vương, lưu truyền đến ngày nay đình Kim Đái vẫn phụng thờ.
Các ngày tế lễ của đình làng Kim Đái trong năm:
Tết Nguyên đán: Mùng 1 Tết, cụ từ thắp nhang tại đình; mùng 2 tổ chức vui chơi tại đình có hát Xoan, cờ tướng, chọi gà …; mùng 3 lễ tạ.
Ngày mùng 7 tháng Giêng: lễ cầu Đinh, cầu bình an cho dân làng.
Ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch: Ngày giỗ Tổ Hùng Vương, dân làng rước kiệu từ đình lên khu bãi bằng phẳng ở Bồ Hòn làm lễ tế vọng sang Đền Hùng, sau về tế tại đình, có tổ chức hát Xoan.
Ngày 25 tháng 5, ngày 25 tháng 10: Lễ xuống đồng (Hạ điền, tế Thần Nông).
Ngày 12 tháng 9: Ngày hội làng, tưởng nhớ tri ân tam vị địa vương có công lao to lớn với dân làng và mừng tam vị được tấn phong thánh, phong thần. ngày này tổ chức rước kiệu, tế lễ, rước từ đình về miếu trên đỉnh núi chùa Cả. Các trò chơi có kéo co, cờ tướng, chọi gà, đánh đu, bịt mắt bắt dê, … có hát Xoan, hát chèo.
Ngày 15 tháng Chạp: Lễ tất niên
Gắn với đình Kim Đái là tục hát Xoan, hàng năm trong tiệc đình dân làng đều tổ chức hát Xoan để dâng lên vua Hùng và cầu cho nhân khang vật thịnh, cuộc sống no đủ. Tục lệ, hát Xoan đầu năm xã Kim Đức được tổ chức đầu tiên tại Miếu Lãi Lèn, sau đó lần lượt sẽ được tổ chức tại đình Thét và Đình làng Kim Đái. Phường Xoan Kim Đái hiện nay đã có 4 thế hệ hát Xoan, thế hệ thứ nhất còn 2 nghệ nhân tuổi trên 100 tuổi, thế hệ thứ hai có 6 đào tuổi 75 trở lên và lớp trung niên, thanh thiếu nhi gồm 21 người. Hiện nay làng Xoan tiếp tục vận động mọi người nhất là thế hệ trẻ tham gia để tiếp tục gìn giữ và phát huy hát Xoan của địa phương.
Đình Kim Đái có lịch sử rất lâu đời. Theo truyền thuyết lưu lại, đình Kim Đái vốn là nhà thờ ba anh em Viễn Lang (tức vua Hùng Mỹ Vương) sau khi tam vị băng hà. Về sau đời đời được thờ phụng tại đình. Trải qua thời gian dài biến thiên của lịch sử, nhiều lần giặc giã, đình Kim Đái bị phá hoại lần nào thì sau đó cũng được nhân dân dựng lại nơi nền đình cũ làm nơi thờ phụng. Năm 1949, dưới thời kháng chiến chống Pháp, đình bị đốt cháy. Năm 1955 - 1956, dân làng dựng lại ngôi đình để thờ phụng. Đình còn lưu giữ được nhiều cổ vật có giá trị như: cỗ ngai thờ, bát hương, đẳng thờ, chiêng đồng, bảng chúc, …
Năm 2014, nhằm phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, trong chương trình hành động đưa Hát Xoan Phú Thọ ra khỏi tình trạng khẩn cấp và trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định duyệt Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình: Tu bổ, tôn tạo và phục hồi di tích đình làng Kim Đái. Thời gian thực hiện từ 2015 - 2017 với nội dung tu bổ, tôn tạo ngôi đình chính, nhà Tả vu, Hữu vu, lầu hóa vàng, nghi môn và các hạng mục phụ trợ: sân, tường rào, nhà vệ sinh trên tổng diện tích 2.150m2. Đình được tôn tạo với kiến trúc cổ truyền thống kiểu chữ Đinh gồm hai tòa đại bái và hậu cung, mái lợp ngói mũi hài mầu đỏ, trên đắp bờ nóc và linh vật, các góc đuôi mái đắp phù điêu rồng đầu đao. Tường xây gạch tuynen, nền lát gạch bát, tường trát vữa xi măng, lăn sơn, hệ thống khung cột được bả  tit và lăn sơn giả vân gỗ; cửa đi, cửa sổ dùng cửa gỗ lim. Hiện nay, các hạng mục: Đình chính, nhà Tả vu, Hữu vu, lầu hóa vàng, nghi môn, tường rào, nhà vệ sinh đã thi công xong phần thô, đang khẩn trương hoàn thiện. Ngôi đình khi được tu bổ, tôn tạo hoàn thành sẽ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của dân làng, tiếp tục thờ phụng tam vị đại vương, là nơi thực hành các nghi lễ, tập tục của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và là nơi trình diễn, truyền dạy Hát Xoan Phú Thọ cho lớp trẻ tại cộng đồng.
 
Đình Kim Đái - nơi phường Xoan Kim Đái tổ chức hát Xoan vào ngày hội làng mùng 4 tháng Giêng.
Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn
Trải bao dâu bể mấy nghìn năm, làn điệu dân ca đất Tổ - Hát Xoan đã có lúc đứng trước nguy cơ mai một nếu không có những nỗ lực kịp thời để giữ gìn. Đó là một trong những lý do để Tổ chức Văn hóa, giáo dục của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đưa Hát Xoan Phú Thọ vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Trên hành trình đưa Hát Xoan sớm ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại, việc phục hồi các di tích liên quan được chú trọng, ngôi đình Kim Đái được tu bổ tôn tạo đã đáp ứng mong mỏi của nhân dân Kim Đức nói chung, của phường Xoan Kim Đái nói riêng, là cơ sở khôi phục đầy đủ nghi thức lễ hội truyền thống của làng, gắn với tục hát Xoan từ lâu đã trở thành một nét văn hóa tinh thần đặc sắc của quê hương Phú Thọ./.

([1]) Hùng Mỹ Vương: Viễn Lang, là con cả của vua Hùng Quốc Vương Lân Lang. Theo sách “Truyền thuyết Hùng Vương và bình minh lịch sử” của tác giả Nguyễn Khắc Xương, xuất bản năm 2012: trang 140, 141 bàn về 18 đời Hùng Vương: theo bản ngọc phả Thiên phúc nguyên niên triều vua Lê Đại Hành (980) chép về 18 đời Hùng Vương, chép tên đời vua này là Hùng Quốc Vương Tân Lang; theo bản ngọc phả Hồng Đức được sao lại năm Hoàng Định nguyên niên (1600) chép tên đời vua này là Diệp Vương;
Theo sách “Đền Hùng và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương”của tác giả Phạm Bá Khiêm, xuất bản năm 2013: trang 127 về Thế chí 18 chi đời Hùng Vương dựng nước: tên chi đời vua là Hùng Hoa Vương, tên húy là Bửu Lang.
 
Nguyễn Thị Tất Thắng
Các tin khác
Thông báo mới
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com