Chủ nhật | 08/09/2024
 

     Vừa qua, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Phú Thọ đã ban hành văn bản số 709/SVHTTDL-QLDSVH về việc tăng cường quản lý hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh gửi các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị, thành và Khu Di tích lịch sử Đền Hùng.
     
Theo đó, tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm chỉnh các chủ trương của Đảng và quy định của pháp luật về di sản văn hóa; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về các quy định hiện hành của pháp luật về di sản văn hóa; kịp thời đề xuất với cấp có thẩm quyền các nội dung liên quan đến tu bổ, tôn tạo di tích đã xếp hạng tại địa phương và công tác quản lý nhà nước về thu, chi tiền công đức, tiền tài trợ cho các di tích lịch sử - văn hóa.
     
Văn bản cũng nêu rõ, đối với các di tích đã được Nhà nước xếp hạng, cần giữ nguyên trạng, không tự ý thay đổi, xây mới, bổ sung công năng hoặc sử dụng sai mục đích. Việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích cần dựa trên tư liệu lịch sử, khoa học và tuân thủ chặt chẽ các quy định hiện hành. Tăng cường rà soát, kiện toàn các Ban Quản lý di tích, xây dựng quy chế, phân công nhiệm vụ và trách nhiệm cụ thể của từng thành viên, tránh tình trạng “khoán trắng” trách nhiệm bảo vệ di tích cho nhân dân địa phương hoặc người được giao trông coi di tích. Tăng cường phối hợp tuyên truyền sâu rộng trong Nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác quản lý di tích, bảo vệ cổ vật, di vật, hiện vật tại di tích; đưa nội dung quản lý di tích, bảo vệ các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia tại di tích vào Quy ước khu dân cư.
     
Bên cạnh đó, chỉ đạo các Ban Quản lý di tích triển khai các biện pháp bảo vệ, phòng chống việc xâm phạm, phá hoại di tích và lấy cắp cổ vật tại các di tích như: gia cố, thay thế các cánh cổng, cửa chính, cửa phụ, khóa không đảm bảo an toàn, xây dựng tường rào bảo vệ, khuyến khích lắp đặt hệ thống camera giám sát … Không đưa tài liệu, hiện vật mới vào di tích khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép; không tổ chức kinh doanh dịch vụ trong khu vực bảo vệ của di tích, sắp xếp hoạt động kinh doanh dịch vụ tại các di tích ở những vị trí phù hợp, kỷ cương, nền nếp. Nghiêm cấm việc kinh doanh trong khu vực nội tự, mỗi nơi thờ tự (đình, đền, chùa, miếu ...), di tích lịch sử - văn hóa không đặt quá 3 hòm công đức; nghiêm cấm sử dụng tiền âm phủ nhái tiền polyme trong các di tích; hướng dẫn, nhắc nhở du khách đặt tiền “giọt dầu” đúng nơi quy định và cử người thu gom tiền “giọt dầu” kịp thời. 
   
Thường xuyên kiểm tra việc chấp hành các quy định về bảo vệ an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, công tác phòng, chống cháy nổ trong di tích. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc triển khai các dự án tu bổ, tôn tạo di tích đúng quy trình, nội dung theo quy định của pháp luật, kiên quyết xử lý nghiêm và dứt điểm các sai phạm, vi phạm làm ảnh hưởng tới giá trị di tích (nếu có). 
     
Đặc biệt, tăng cường thực hiện quản lý nhà nước đối với tiền công đức, tiền tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn; đảm bảo tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội được sử dụng công khai, minh bạch, hiệu quả, đúng mục đích, đúng quy định.
   
Riêng Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án tu bổ, tôn tạo hạ tầng cảnh quan thuộc danh mục được hỗ trợ tại Quyết định số 1230/QĐ-TTg ngày 15/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ, đã được HĐND tỉnh Quyết định chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 18/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 và được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn giai đoạn 2021 - 2025 tại Quyết định số 888/QĐ-TTg ngày 24/7/2023.

Các tin khác
Thông báo mới
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com