Thứ 3 | 30/08/2016
Nghiên cứu di sản của cha ông để lại, mỗi ngành có một góc nhìn riêng, phải có sự phối hợp với nhau mới hy vọng tiếp cận chân lý. Trong những hội nghị thông báo mà ngành khảo cổ, ngành Hán Nôm thông báo hàng năm, trên cùng một diễn đàn, các nhà khoa học thuộc nhiều chuyên ngành đã góp nhiều tiếng nói chuyên sâu, và đã được in thành sách thông báo. Trong sự nghiệp xây dựng một nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, bên cạnh việc nắm bắt nhu cầu thời đại, thì việc tìm hiểu ngày càng đầy đủ về di sản của cha ông là vô cùng cần thiết. Để hiểu cha ông thì phải nắm được di sản của cha ông để lại. Di sản ấy về mặt di vật, ngoài giá trị lịch sử, nhiều di vật còn có giá trị mỹ thuật và là đối tượng nghiên cứu của ngành mỹ thuật, cùng nhiều di vật, cổ vật khắc văn tự khối vuông là đối tượng nghiên cứu của ngành Hán Nôm, còn có thể từ nội dung văn tự mà các ngành khoa học đưa vào ô thư mục riêng để khai thác theo từng chuyên ngành. Ở đó có nhiều di vật vừa đẹp vừa có văn tự thì hai mặt bổ sung cho nhau, chẳng hạn một ngôi chùa, một văn bia thì có cả cái đẹp kiến trúc, điêu khắc, trang trí lại có cả một bài văn hay ít nhất là hoành phi, câu đối. Bài văn bia hoặc văn chuông cả nhiều hoành phi, câu đối ngoài nội dung mà nó gửi gắm cho thế hệ mai sau thì trên đó thường có những dòng lạc khoản cho biết tác giả và thời gian, đôi khi có cả tên người cung tiến. Như vậy chúng ta đã tìm được một sơ yếu lý lịch hay nói theo cách khác là một giấy khai sinh của nó. Một số di tích đình, đền, chùa lớn và  cá biệt có một số pho tượng quý cũng được ghi niên đại tuyệt đối. Đó là điều rất quý đối với người nghiên cứu mỹ thuật truyền thống, có thể lấy phong cách của những di tích, di vật này làm mẫu chuẩn để tính niên đại tương đối cho những di tích di vật khác không ghi niên đại nhưng cùng phong cách. Niên đại tuyệt đối chỉ có tư liệu Hán Nôm mới cho biết được, song đôi khi cũng phải đi qua đường vòng kết hợp với phong cách, tiến hành so sánh, đối chứng. Để làm được điều đó nhất thiết phải có sự hợp tác giữa hai ngành Hán Nôm và Mỹ thuật. Một ví dụ điển hình trong di tích kiến trúc đình Nội Lâu Thượng - xã Trưng Vương thành phố Việt Trì, nếu như chúng ta chỉ nhìn vào bức chạm cốn nóc, cốn nách của đình thì thấy trên đó rồng được chạm khắc theo phong cách đặc trưng của thời Nguyễn với đầu rồng dữ tợn, râu và bờm sắc nhọn tạo ra hình các tia lửa, hay rõ hơn là nanh, vuốt, móng sắc nhọn của rồng đã tạo nên đặc trưng riêng trong phong cách chạm khắc chạm trổ, tạo hình rồng thời Nguyễn. Nhưng qua khảo sát và bằng phương pháp nghiên cứu chuyên sâu kết hợp với di sản Hán Nôm được ghi trên câu đầu gian giữa bên trái ghi: “Minh Mệnh bát niên, lục nguyệt, thập lục nhật,  Tỵ thời thụ trụ lương vượng” Nghĩa là: Giờ tốt giờ Tỵ ngày 16 tháng 6 năm Minh Mệnh thứ 8 (1827) dựng cột cất nóc, như vậy là có căn cứ khẳng định niên đại xây dựng, trùng tu. Nhưng quay ngược lại vấn đề ta muốn tìm hiểu niên đại chính xác xây dựng ngôi đình thì thực sự đã gặp khó khăn, chỉ bằng cách căn cứ vào chạm khắc trên các xà, kẻ, bẩy và một số cổ vật trong di tích. Đình Nội Lâu Thượng có tổng số 17 bẩy còn chạm khắc; các bẩy hiên trước, hiên sau có kích thước dài khoảng 1,3m x rộng 0,60m tập trung vào đề tài tứ linh, một hình rồng hoặc ly cỡ lớn, thân có vẩy xếp như vẩy cá, đầu ngẩng cao hoặc quay lại, với cách điệu sừng nai, tai thú, trán lạc đà, chân và thân mình oằn xuống như đang cố gắng nâng đỡ sự nặng nề của mái đình. Các bức chạm bẩy đều sử dụng kỹ thuật đục bong, chạm nổi, đường nét phóng khoáng mang đậm phong cách  nghệ thuật chạm thế kỷ XVII. Cách thức chạm khắc rồng với phong cách đặc trưng của chạm trổ hậu Lê. Một trong số kẻ và bẩy trong đình được chạm khắc cầu kỳ với đề tài rồng ổ, cá chép vượt vũ môn, hay đề tài “quy càm chữ thọ” và đặc trưng nhất là hiện tượng cầu mùa với hình tượng rồng phun mưa, một tín ngưỡng cầu cho mưa thuận gió hòa mùa mang bội thu, nhân khang vật thịnh. Một chi tiết nữa trong phong cách đục chạm thời Lê là đối với các con bồn, đặc biệt là xà ngang, xà dọc, xà nách (xà đấm), nếu là vì câu đầu bao giờ các tổ thợ làm thót giữa, 2 đầu phình ra, hoặc xà ngang, xà dọc cũng vậy. Riêng xà nách (xà đấm) thể hiện rõ hơn cả kiểu thượng thu hạ thách, đầu lớn đầu bé, các chi tiết này không khác gì đình ngoại Lâu Thượng (đã được tu sửa thời hậu Lê). Như vậy ta dễ dàng nhận định niên đại xây dựng của đình mặc dù không có một dòng lạc khoản nào bằng chữ Hán, Nôm ghi niên đại tuyệt đối, nhưng ta có thể khẳng định ngôi đình Nội được xây dựng thời hậu Lê thế kỷ XVIII, và được trùng tu lớn vào năm 1827, niên hiệu vua Minh Mệnh năm thứ 8.
 
Trạm trổ cốn nóc đình Nội Lâu Thượng
 
Qua đây ta thấy trên phương diện góc nhìn của tư liệu Hán Nôm, nhìn sang biển học Mỹ Thuật mênh mông tôi cũng không dám bàn sâu, chỉ xin được đưa ra vài nhận định của một người làm quản lý di sản. Hy vọng sự kết hợp giữa hai ngành Hán Nôm và Mỹ Thuật sẽ giúp chúng ta nghiên cứu các di tích và di vật cổ vật của cha ông được chuẩn xác để làm bằng chứng lưu lại muôn đời cho thế hệ mai sau.                                                    
  Lê Công Luận
                                                          (Phòng Di sản Văn hóa)
Các tin khác

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com