Sáng mùng 7 Tết Đinh Dậu (03/02/2017), thôn Vĩnh Tề, xã Cao Xá, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ đã long trọng tổ chức Lễ hội vật Đuổi giải truyền thống. Đây là một trong các lễ hội nằm trong chương trình “Về miền Lễ hội cội nguồn dân tộc Vịêt Nam” năm 2017 được UBND xã Cao Xá tổ chức nhằm phát huy nét đẹp văn hoá truyền thống.
Đình Vĩnh Mộ thuộc thôn Vĩnh Mộ (nay đổi tên là thôn Vĩnh Tề) - xã Cao Xá - huyện Lâm Thao - tỉnh Phú Thọ. Đình thờ vị Thành Hoàng là Tướng Quốc dưới thời Hùng Duệ Vương. Tên huý của Ngài là Nguyễn Văn Kỳ. Đương thời Ngài giữ chức Dũng Lược Phụ Thiên Tướng Quân. Khi cáo lão, Ngài về đây chiêu dân, lập nên ấp Bình Mạc Sách - tức Thôn Vĩnh Tề ngày nay. Do có công lớn phò Vua hộ quốc và lập nên làng Bình Mạc nên Ngài được phong là Đại Vương Đương Cảnh Thành Hoàng Dũng Lược Phụ Thiên Tướng Quân.
Tương truyền rằng, đương thời Ngài kết giao đời đời là bằng hữu với Ngài Nguyễn Tuấn - Chúa động Ba Vì, sau này là con rể Vua Hùng Vương thứ 18, lấy hiệu là Tản Viên Sơn Thánh, hay còn gọi là Sơn Tinh.
Trong cuộc giao tranh giữa Sơn Tinh với Thuỷ Tinh và trong cuộc chiến tranh Hùng - Thục, quân dân Ngài Kỳ đã cùng với quân của Sơn Tinh chiến đấu rất dũng cảm, đã chiến thắng được Thuỷ Tặc và 3 lần dẹp tan được giặc Thục, mang lại bình yên cho đất nước Văn Lang. Những trận chiến vang dội xưa vẫn còn để lại những dấu ấn lịch sử cho tới tận ngày nay trên đồng đất Vĩnh Tề như: Đồng Trận, Đồng Gà, Gò Ván Xôi, Gò Con Ngựa… là những nơi mà Thuỷ Tinh bị đánh tơi bời, phải bỏ cả các lễ vật như ván xôi, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao… để chạy thoát thân.
Để đất nước được bình yên, dân tình không bị rơi vào cảnh binh đao, Sơn Tinh đã trình với Vua Hùng truyền ngôi lại cho người cháu họ là Thục Phán. Sơn Tinh rút về Tản Viên Sơn. Còn ngài Kỳ về xứ này chiêu dân lập ấp, gây dựng nên làng Bình mạc. Do có công phò vua hộ quốc nên ngài được Vua Hùng ban thưởng trên 100 mẫu công điền. Ngài đã cùng với dân binh của mình cày cấy và chài lưới mưu sinh.
Tuy sống trong cảnh bình yên dân dã, nhưng ngài Kỳ vẫn điều hành dân binh vừa lao động sản xuất, vừa rèn luyện binh mã như thời còn chiến trận. Hàng năm cứ vào mùng 7 tháng giêng là mở hội Vật Đuổi giải. Hội vật diễn ra suốt 5 ngày, từ ngày 7 đến hết ngày 11 tháng giêng. Cả khi ngài Kỳ hóa thần núi Tản, dân Bình Mạc vẫn duy trì lễ hội như ngày ngài Kỳ còn sống. Lễ hội được duy trì hết thế hệ này sang thế hệ khác như để diễn lại các trận chiến của quân dân ngài Kỳ và để tri ân người đã có công khai dân lập ấp, chống giặc ngoại xâm bảo vệ tổ quốc.
Hội Vật Đuổi giải Vĩnh Mộ xưa kia nổi tiếng khắp vùng. Đến ngày hội là dân các vùng nô nức trẩy hội về Vĩnh Mộ, vừa để xem vật, vừa để dự hát Xoan, Ghẹo. Các đô vật ở các lò vật Tứ Xã, Sơn Vi, Tràng Đông, Tràng Nam, Việt Trì, Chính Công - Thanh Lạng - Sơn Tây đều về Vĩnh Mộ đua tài...
Hội vật Đuổi giải thu hút đông đảo du khách tham dự
Năm 2017, hội Vật đuổi giải đình Vĩnh Tề được tổ chức một ngày vào mùng 7 Tết. Ngay từ sáng sớm, mọi người già trẻ, gái trai đã tụ tập đông đúc tại đình làng để dự hội. Sau khi làng làm lễ tế Thành Hoàng là khai mạc hội Vật Đuổi giải. Dân của tất cả các xóm đều tề chỉnh trong trang phục lễ hội tập trung tại đình Lớn. Các đô vật cũng tập trung đầy đủ. Không khí vô cùng náo nhiệt, tiếng trống, tiếng chiêng rộn rã. Cờ xí rợp sân đình.
Tuy nhiên hội Vật đuổi giải ở Vĩnh Tề có nét đặc biệt khác với tất cả các hội vật trên cả nước. Đuổi giải chính là đặc trưng độc nhất vô nhị của hội vật Vĩnh Mộ. Hội Vật ở các nơi thường kết thúc ở trận trung kết, nhưng ở Vĩnh Tề, sau trận trung kết còn có phần đuổi giải. Đây cũng là lý do mà hội vật Vĩnh Tề lại có tên là “Hội Vật Đuổi giải”. Đuổi giải sẽ diễn ra khi đô vật đã thắng tuyệt đối, không còn ai dám vào vật nữa. Giải vật được treo ở trên cột cờ. Người thắng cuộc trèo lên giật lấy giải rồi cắm đầu cắm cổ chạy ra khỏi làng. Đằng sau là dân làng cầm gậy gộc, dáo mác hò reo đuổi theo. Đến khi người đoạt giải chạy ra khỏi làng, nhảy xuống nước thì dân làng mới không đuổi nữa. Khi chạy ra khỏi làng, nếu quay mặt lại sẽ bị dân làng đánh đòn vì quay mặt lại là năm ấy dân làng mất dông. Đuổi giải xong là kết thúc hội vật. Nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ thì dân làng rất phấn khởi, nhà nhà ăn mừng như ăn tết vì tin rằng năm đó sẽ mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt. Việc rượt đuổi người đoạt giải ra khỏi làng, đến khi người ấy phải nhảy xuống nước mới thôi đuổi và dân làng reo hò mừng rỡ trở về - hàm ý ca ngợi chiến thắng Thuỷ tặc của quân dân ngài Kỳ, ngoài ra nó còn mang một hàm ý như một cái “hèm” đầu năm.
Hội vật đầu xuân của Vĩnh Tề có ý nghĩa rất lớn. Đó là lễ hội truyền thống - một di sản văn hoá phi vật thể rất quý báu của địa phương để tưởng nhớ tới những trận chiến của quân dân ngài Kỳ trong 2 cuộc kháng chiến, đồng thời để thể hiện tinh thần thượng võ của người dân Vĩnh Mộ. Lễ hội được khai mạc đúng vào ngày Tết Nguyên Tiêu (khai hạ) còn có ý nghĩa cầu mong cho dân làng sang năm mới được nhân khang, vật thịnh, mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu.
Lễ hội vật Đuổi giải thôn Vĩnh Tề đã thu hút khá nhiều khách thập phương đến dự hội. Sau những ngày vất vả kiếm sống, ngày hội làng là cơ hội để người dân trong làng cũng như du khách được thảnh thơi, vui chơi.
Quách Thị Sinh