Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng chỉ ra rằng : “ Nghề dạy học là nghề cao quý vào bậc nhất trong các nghề cao quý...nghề dạy học là một nghề sáng tạo vào bậc nhất trong các nghề sáng tạo...Vì nó tạo ra những con người sáng tạo”. Người thầy với tâm hồn trong sáng, với lý tưởng cao cả “ tất cả vì học sinh thân yêu”.
Trường Trung cấp Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch tiền thân là Trường Trung học Văn hóa, Nghệ thuật được UBND tỉnh Phú Thọ quyết định thành lập ngày 3/6/1999. Để phù hợp với xu thế phát triển chung, ngày 23/4/2012, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ đã ban hành Quyết định số 1073/QĐ- UBND vể việc đổi tên và bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Trường Trung học Văn hóa, Nghệ thuật tỉnh Phú Thọ thành trường Trung cấp Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch tỉnh Phú Thọ. Năm 2019 đánh dấu 20 năm xây dựng và phát triển của Nhà trường. Hai mươi năm không nhiều nhưng đủ dài để biết bao nhiêu thế hệ học sinh biết tôn vinh những nỗ lực của mọi thế hệ giáo viên, để các thế hệ học sinh hiểu được có một ngôi trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch như hôm nay là một chặng đường dài, trải qua bao thăng trầm, khó khăn.
Ông Hồ Đại Dũng - Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tặng hoa chúc mừng Nhà Trường
Từ buổi ban đầu mới thành lập với vô vàn khó khăn về vật chất và đội ngũ, cái tên Trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật đã trở thành cả một ký ức lịch sử không thể phai nhòa với bao lớp cán bộ, giáo viên Nhà trường. Sự phát triển của Nhà trường đã khẳng định sức sống, khát vọng vươn lên bền bỉ và kiên trì suốt chặng đường 20 năm qua. Lịch sử xây dựng và phát triển của Nhà trường đã, đang và sẽ là nguồn cổ vũ, động viên, khích lệ to lớn đối với các thế hệ cán bộ, giáo viên và học sinh Nhà trường, với mong muốn trở thành một địa chỉ uy tín, tin cậy trong đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và du lịch cho địa phương và khu vực.
Hiện tại, Nhà trường có 5 khoa chuyên môn (Khoa Quản lý Văn hóa và Gia Đình, Khoa Du lịch, Khoa Sân Khấu- Điện Ảnh, Khoa Sư phạm nghệ thuật, Khoa Lý luận cơ bản) và 4 phòng chức năng ( Phòng Tổ chức – Hành chính, Phòng Kế hoạch- Tài vụ, Phòng Đào tạo, Phòng Công tác học sinh sinh viên) với đội ngũ 34 cán bộ, giáo viên trong đó 04 cán bộ, giáo viên có trình độ thạc sỹ, 28 có trình độ cử nhân, 01 trình độ cao đẳng, 01 trình độ trung cấp. Số chuyên ngành đang đào tạo là 12 ( 04 âm nhạc, 01 hướng dẫn du lịch, 02 quản lý văn hóa, 01 múa, 02 sân khấu, 01 mỹ thuật, 01 thư viện).
Trong 20 năm xây dựng và phát triển đã có hơn 70 cán bộ, giáo viên từng giảng dạy và làm việc tại Nhà trường. Hơn 3000 học sinh tốt nghiệp từ Nhà trường đã trở thành các cán bộ quản lý, diễn viên, nhạc công, giáo viên dạy âm nhạc, mỹ thuật, những hạt nhân cán bộ quản lý văn hóa, nghệ thuật trong các cơ quan, doanh nghiệp, các trường học, các địa bàn cơ sở trong và ngoài tỉnh.
Trong những năm qua, Nhà trường luôn tích cực tham gia các cuộc thi trong đó nhiều thầy, cô giáo đã đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, hơn 10 lượt học sinh đạt giải cao trong các cuộc thi tiếng hát học sinh sinh viên các trường Trung cấp chuyên nghiệp toàn quốc; gần 30 lượt học sinh đạt giải cao trong các cuộc liên hoan âm nhạc, triển lãm mỹ thuật và sân khấu kịch hát dân tộc toàn quốc do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Với thành tích đã đạt được, Nhà trường 03 lần được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng bằng khen, 01 lần được chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tặng bằng khen và nhiều năm liên tục được công nhận là tập thể lao động tiên tiến.
Ông Lê Anh Tuấn - Phó vụ trưởng vụ Đào tạo- Bộ VHTT&DL phát biểu tại lễ kỷ niệm
Hiện nay theo thống kê tỉ lệ học sinh có việc làm đúng chuyên ngành đào tạo sau khi tốt nghiệp của Nhà trường là trên 80 %. Tính riêng ở thành phố Việt Trì có hơn 80 trường ( mầm non, tiểu học, trung học cơ sở) trong đó số giáo viên dạy âm nhạc, mĩ thuật chiếm 70% là học sinh đã tốt nghiệp tại Nhà trường. Tại các đoàn Nghệ thuật và Trung tâm Văn hóa Thông tin, số lượng các em học tại Nhà trường chiếm 90% tổng số diễn viên, nhạc công. Các em tốt nghiệp chuyên ngành quản lý văn hóa chiếm tỉ lệ 82% có việc làm đúng chuyên ngành đào tạo. Các đoàn nghệ thuật của các tỉnh lân cận như Vĩnh Phúc, Tuyên Quang đã tiếp nhận một số em được đào tạo các chuyên ngành: diễn viên chèo, nhạc công chèo, thanh nhạc...
Bắt đầu từ tháng 1/2017 Nhà trường thực hiện việc chuyển đổi từ giáo dục chuyên nghiệp sang giáo dục nghề nghiệp là một cơ hội tốt để mở thêm các lớp dạy nghề ngắn hạn ( các lớp sơ cấp nghề và cấp chứng chỉ ) như: du lịch, múa, âm nhạc...đồng thời mở rộng đào tạo nhiều nghề mới như: thiết kế thời trang, làm đẹp, thủ công mỹ nghệ...
Ông Nguyễn Bá Khuyến - Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tặng hoa chúc mừng Nhà trường
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Nhà trường đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Để có định hướng phát triển thích ứng được với yêu cầu đào tạo nghề nghiệp hiện nay, Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch cần chú trọng công tác đào tạo toàn diện ở một số lĩnh vực như sau:
- Chú trọng đào tạo thực hành kỹ năng các nghề.Tổ chức cho học sinh thực hành đối với các môn chuyên ngành và thực tập tại các doanh nghiệp. Gia tăng tối đa tỉ lệ giờ thực hành trong xây dựng khung chương trình và chương trình đào tạo đối với từng môn cơ sở ngành và chuyên ngành.
- Xây dựng và hoàn thiện hệ thống phòng thực hành.
- Đào tạo các lớp chứng chỉ, sơ cấp nghề trong thời gian tới.
- Xây dựng chương trình đào tạo, bài giảng khoa học, hợp lý.
- Coi trọng mối quan hệ đào tạo - tuyển chọn - sử dụng. Chú trọng nội dung giới thiệu việc làm sau đào tạo trong Nhà trường. Chú trọng sự liên minh, gắn kết đồng bộ giữa cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và trường đào tạo.
- Xây dựng bộ chuẩn đầu ra, kiểm soát chất lượng giờ dạy, tự đánh giá chất lượng đào tạo.
Bằng những bước đi và biện pháp thích hợp với từng thời đoạn, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực văn hóa, nghệ thuật và du lịch ở Việt Nam nói chung và Phú Thọ nói riêng đang từng bước được hoàn thiện và nâng cao.
Xuân Giang