Thứ 3 | 29/11/2022
Phạm Nga Việt - Phòng Quản lý Di sản Văn hóa
 
     Theo sách cúng và lời kể của một số già làng, trưởng bản thì người Dao ở ba huyện Thanh Sơn, Tân Sơn và Yên lập đều có chung nguồn gốc di cư từ miền Nam Trung Quốc sang. Người Dao có tục ăn tết Tất niên vào tháng Chạp (tháng 12 Âm lịch). Nghi lễ văn hóa Tết của người Dao Quần Chẹt từ rất lâu đời đã có một số phong tục chung.

1. Tục treo tranh thờ

     Đồng bào Dao quan niệm tranh chính là cái hồn, cái cốt làm nên phong tục, tập quán văn hóa của mình. Nếu thiếu đi những bức tranh thờ cũng đồng nghĩa là không thể thực hiện được những nghi thức trong lễ, tết như Cấp sắc, Tết nhảy, tạ mả, đám ma tươi, đám ma khô…
 
Treo tranh thờ Tết tại nhà ông Triệu Như Thịnh, xã Nga Hoàng, huyện Yên Lập
 
     Mỗi gia đình người Dao đều có ít nhất một bộ tranh thờ. Người Dao chỉ thờ tranh vẽ, không thờ tranh in và phải là người có uy tín, được thầy truyền dạy trực tiếp vẽ ra thì bộ tranh mới có giá trị về mặt văn hóa tâm linh. Tranh được vẽ theo kiểu tranh dân gian với nét vẽ tả thực, các vị thần có vẻ mặt khác nhau nhưng đều có nét oai nghiêm, quyền lực. Theo phong tục, từ đầu tháng 12 Âm lịch trở đi, đồng bào người Dao trong làng phải gặp thầy cúng (thầy mo) để xin được ngày tổ chức lễ tết.

     Tranh thờ Tết tồn tại trong nghi lễ người Dao có từ rất lâu đời. Khi tranh thờ được vẽ xong phải làm lễ khai quang, rồi cất đi bao giờ gia đình có việc, mới đem ra treo. Mâm lễ cúng treo tranh mới hay còn gọi là lễ khai quang gồm: một chén nước lã, một bát hương, 5 chén rượu trắng, 2 con lợn đã mổ và làm sạch. Đến thời khắc nửa đêm về sáng, vào giữa giờ Tý, thầy mo bắt đầu làm lễ cúng báo với các thần linh, tổ tiên, thần rừng, thần núi..., cầu mong phù hộ cho con cháu một năm mới có sức khỏe, có cơm no áo ấm, thóc lúa đầy nhà, lợn gà đầy chuồng…

     Tất cả thủ tục, từ mổ lợn đến cúng bái và treo tranh đều được diễn ra trong đêm, khi trời sáng thì mọi việc phải hoàn tất. Đến lúc mặt trời lên, gia đình hạ cỗ và nấu nướng cho bữa tiệc mừng tranh mới. Lúc này bạn bè và bà con lối xóm đến chúc mừng và chúc phúc cho gia chủ.

2. Tục gói bánh chưng đen


     Bánh trưng đen là một nét văn hóa ẩm thực đặc trưng không thể thiếu trong những ngày xuân của đồng bào dân tộc Dao. Bánh chưng đen vừa thể hiện tấm lòng biết ơn của người đang sống tới ông bà, tổ tiên, vừa để cầu cho một năm mới an lành, hạnh phúc, gặp nhiều may mắn.

     Người Dao lấy màu đen làm bánh từ tro của than rơm nếp sau khi đốt. Màu đen của bánh là thể hiện sự hòa hợp giữa đất, trời với lòng người đồng thời là biểu hiện mùa màng bội thu, đời sống của con người ngày càng no ấm… Tuy nguyên liệu chế biến khá đơn giản, song để đảm bảo cho bánh có hương vị, màu sắc đẹp thì công đoạn chuẩn bị nguyên liệu lại tốn rất nhiều thời gian. Những bông lúa nếp chắc hạt sau khi thu hoạch từ nương về sẽ được giã thủ công lấy gạo, phần rơm được xếp riêng, chọn lựa kỹ càng để tìm ra những cọng rơm to, vàng ươm rồi mang đi rửa sạch, phơi khô, bó cẩn thận chờ đến ngày gần tết sẽ đem ra đốt để lấy tro nhuộm gạo làm bánh. Công đoạn “nhuộm” gạo nếp khá cầu kỳ, rơm nếp được đốt cháy để lấy tro, sau đó đem tro hòa với nước lạnh để lấy nước màu đen. Thứ nước màu đen này sau khi lọc sạch sạn được trộn với gạo nếp dùng để gói bánh chưng đen. Trộn gạo phải thật đều tay sao cho màu đen của nước tro ngấm đều vào từng hạt gạo. Số lượng tro dùng hòa với nước để trộn với số lượng gạo làm bánh phải có tỷ lệ tương xứng, hài hòa, nếu nhiều tro quá bánh sẽ bị đắng, còn ít quá thì sẽ không nổi được màu đen đặc trưng của bánh.

     Lá dong, lá chuối được rửa sạch, lau thật khô, cắt vừa khuôn. Công đoạn gói bánh được xếp vào công đoạn kỳ công nhất vì nếu gói không khéo sẽ làm bánh không chặt, rơi gạo ra ngoài và không có hình dạng đẹp; thịt lợn làm nhân bánh cũng phải được dàn đều sao cho khi ăn, bánh cắt đến đâu cũng phải có thịt trong từng miếng đến đấy. Bánh chưng khi gói xong sẽ được xếp vào nồi đun khoảng 10 - 12 giờ đồng hồ để bánh nhừ, sau đó vớt ra, rửa sạch bằng nước giếng khơi rồi treo lên gác bếp chờ ráo nước, sử dụng dần trong ngày tết.

3. Tổ chức Tết nhảy

     Tết nhảy là hoạt động thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc của người Dao Quần Chẹt xã Nga Hoàng, huyện Yên Lập nói riêng và của dân tộc Dao ở Việt Nam nói chung. Từ xa xưa, Tết nhảy đã gắn bó chặt chẽ với đời sống tinh thần, nó nắm giữ phần hồn của người Dao. Thông qua Tết nhảy truyền thống lịch sử của dân tộc được khơi dậy, tinh thần dân tộc được nâng cao, ý thức đoàn kết được tiếp tục xác lập. Tết nhảy của người Dao Nga Hoàng vừa có giá trị văn hóa xã hội lại vừa có giá trị lịch sử.
 
Các chàng trai, cô gái người Dao chuẩn bị lễ Tết nhảy ở xã Nga Hoàng, huyện Yên Lập
 
     Lễ Tết nhảy là việc riêng của một họ tộc do nhà cái đứng ra tổ chức nhưng thực ra là của cả bản người Dao tham gia thực hiện trong suốt 3 ngày 3 đêm, từ công tác chuẩn bị cho đến khi kết thúc. Thông qua việc tổ chức lễ Tết nhảy, những người dân trong bản có điều kiện gần gũi nhau hơn. Nhờ vậy mọi mối bất hòa vốn xuất hiện trong cuộc sống thường ngày bị xóa bỏ, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng được nhân lên. Mối liên kết giữa các thành viên trong cộng đồng làng, bản càng được thắt chặt. Sự cố kết của cộng đồng do vậy được củng cố bền vững hơn.

     Đặc biệt khi nghi lễ chính của Tết nhảy diễn ra từ đêm thứ nhất, lúc mà những âm thanh của tiếng trống, cồng chiêng, thanh la, lão bạt nổi lên dồn dập thì không khí làng, bản thực sự sống động. Cảnh tượng đồng bào, nam nữ thanh niên, trẻ con nô nức kéo nhau đến xem, chen nhau đứng ngồi, vừa cười nói, vừa bình luận cổ vũ cho người nhảy; những người hát, múa, nhảy được động viên cũng nhiệt tình và phấn khích hơn khi trực tiếp tham gia trình diễn các điệu múa truyền thống của dân tộc mình như: múa chạy rùa, múa cờ, múa kiếm, múa đao...

     Đến với Tết nhảy, người Dao được mặc đúng trang phục theo nghi thức lễ hội, được chứng kiến việc treo tranh thờ, thổi kèn, đánh trống và hát cúng theo diễn xướng nghi thức truyền thống của dân tộc mình.

     Lễ Tết nhảy của người Dao Quần Chẹt xã Nga Hoàng, huyện Yên Lập, thực sự là một hoạt động văn hóa tín ngưỡng, đồng thời là một trong những sinh hoạt văn hóa dân gian phong phú và đặc sắc. Bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên, con người không bao giờ quên cội nguồn, trọng tình nghĩa. Tết nhảy đã hướng con người ta vào ý nghĩa nhân văn, nêu cao truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, rèn luyện thể chất đạo đức thông qua các bài múa và hát cúng, đồng thời qua đó cũng thỏa mãn nhu cầu vui chơi, giải trí, đoàn kết cộng đồng.

4. Tổ chức Tết năm cùng

     Tết năm cùng được xem là một nét văn hóa có từ lâu đời thể hiện tình cảm gắn bó anh em trong dòng họ và t
ình đoàn kết
 của cộng đồng người Dao.
 
Thầy cúng người Dao ở xã Xuân Thủy, huyện Yên Lập
 
     Theo phong tục, từ tháng 9 Âm lịch, trưởng họ phải chuẩn bị gạo nếp ngon, nuôi lợn, nuôi gà để cuối năm khao cả họ. Từ đầu tháng 12 Âm lịch trở đi, đồng bào người Dao sẽ mổ lợn, giết gà, ngan để ăn Tết năm cùng. Đây là dịp để anh em họ hàng tập trung nhau lại góp cỗ làm Tết, nhà ai có gì góp nấy, nhưng quan trọng nhất là nhà trưởng họ. Trong lễ Tết năm cùng, có 3 món ăn không thể thiếu trong mâm cơm là thịt lợn, gà và bánh giày. Đầu, đuôi và mỡ chài lợn được dùng để làm lễ cúng, phần còn lại được chế biến thành các món ăn. Bánh giày được làm từ gạo nếp nương đồ thành xôi chín, sau đó cho vào cối đá giã nhuyễn rồi nặn thành từng chiếc bánh tròn vừa ăn. Tùy vào điều kiện và vị thế (chức sắc) của gia đình, dòng họ để làm Tết to hay nhỏ, vì người càng có chức sắc trong làng thì ngoài mời anh em dòng họ đến ăn Tết còn phải mời cả làng tới chung vui cùng gia đình. Nếu năm nào họ hàng và bạn bè đến đông thì Tết được xem là đầm ấm, vui vẻ. Để làm Tết phải xin ngày, khi thầy cúng đồng ý ngày nào thì gia đình làm Tết phải chuẩn bị sẵn mọi thứ cần thiết theo phong tục chung. Tết này bắt buộc phải có 3 thầy cúng. Khi lễ vật được bày trước bàn thờ gia tiên, 3 thầy cúng sẽ ngồi vào 3 bàn thờ để cúng. Bài cúng chủ yếu thông báo cho gia tiên, ông Tam đại và ông bà ông vải biết được 1 năm qua làm ăn thế nào và cầu cho năm mới làm ăn được thuận lợi, bình an. Lễ vật sau khi cúng xong sẽ được chia đều rồi bày lên lá chuối tươi để cả dòng họ, làng xóm cùng ăn Tết. Khi mâm cỗ được bày ra, người lớn tuổi, người có chức sắc cao nhất trong họ, trong làng sẽ ngồi mâm trên và được phép ăn trước.

5. Tổ chức lễ Trời biết, Đất biết

     Nghi lễ Trời biết Đất biết được tổ chức trang trọng vào giờ Tý (nửa đêm)  ngày mồng 3 Tết Nguyên Đán hàng năm. 

     Buổi lễ như một hình thức báo công với trời đất, tổ tiên, ông bà thành quả một năm lao động của gia đình. Đối với người Dao Quần Chẹt, “mâm cao cỗ đầy” không quan trọng, nếu năm nào họ hàng và bạn bè đến đông thì tết ấy được xem là to và đầm ấm, đông vui nhất. Hình thức leo thang dao là bước cuối cùng ghi nhận sự thành công của người được tổ tiên cho nhập đồng. Người được cấp sắc ra làm thầy nhập đồng phải đi trên thang dao 18 bậc, và 18 bậc này được gọi là 18 bậc thang mây để lên báo công với Trời Đất, Ngọc hoàng, Tổ tiên. Sau buổi lễ thì thầy nhập đồng có được 120 quân binh. Khi lên đài thang dao thành công thì sẽ vào nhà làm lễ hiến sinh (cắt tiết gà, mổ lợn) và cuối cùng là múa Rùa để chúc mừng cho buổi lễ thành công. 

     Văn hóa Tết níu trọn tâm hồn đồng bào Dao. Các giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu được ôn lại, giúp đồng bào lựa chọn những yếu tố tiến bộ, phù hợp để bảo tồn phát huy, nâng cao mức hưởng thụ trong đời sống tinh thần, góp phần thực hiện thắng lợi phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, một trong những tiêu chí cơ bản để xây dựng nông thôn mới hiện nay./.
Các tin khác
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com