Thứ 3 | 21/12/2021
                                                                                     Phạm Bá Khiêm
 
      Con hổ được tôn thờ và kính trọng vì sức mạnh và những phẩm chất tự nhiên của mình. Hổ được mệnh danh là chúa sơn lâm, là vua của các loài vật. Ở Việt Nam, những năm Dần (năm Hổ) cũng là mốc thời gian về nhiều sự kiện trọng đại trong lịch sử dân tộc. 
1. Tục thờ Hổ
Hổ là động vật ăn thịt; đứng đầu của sự bảng hung hãn, dũng mãnh, can trường, hiên ngang. Từ những đặc hữu ấy mà hổ trở thành biểu tượng của sự hùng cường, có sức mạnh vô song.
Trong quan niệm dân gian Việt Nam, hổ là tượng trưng cho một sức mạnh thiêng liêng diệt trừ được ma quỷ, là biểu tượng quyền uy của kẻ anh hùng. Có hình hổ trấn giữ ở ngưỡng cửa là tà ma không dám xâm nhập. Hình tượng hổ được vẽ thành tranh để thờ cúng ở các đình, đền, coi như “thần tướng gác đền”, được khách đi lễ thắp hương, khấn vái. Dù là con vật hoang dại nhưng hổ đã có sự gắn bó chặt chẽ với cuộc sống của người dân, trong đời sống thường nhật và trong tín ngưỡng, tôn giáo.
Hổ còn là con vật thượng thủ ở trên cạn, đối ngịch lại với rồng chiếm vị trí tối cao ở thủy giới. Theo triết lý Âm - Dương, hổ đối lập với rồng góp phần kiềm chế rồng, sự tranh đấu giữa rồng và hổ biểu thị cho lời cầu mong âm dương giao hòa, điềm cát tường: mưa thuận gió hòa, mọi việc phát triển.
  Trong quan niệm của người phương Đông, hổ là một con vật linh thiêng, thuộc sứ giả của nhà trời xuống hạ giới ban phúc cho người lành, giáng họa cho kẻ ác, hướng con người đi đến chân, thiện, mỹ. Sự tích thờ thần hổ rất đa dạng, ở mỗi vùng, mỗi dân tộc có sự tích thần hổ khác nhau, nhưng chung quy lại đều thể hiện con hổ có chức năng trừ tà ma, biểu thị cho quyền uy và sức mạnh vô song. Nhiều dân tộc tôn sùng hổ, xem hổ là thần khai tổ của mình, nhiều cộng đồng dân cư thờ hổ như một vị thần cai quản, một số tôn giáo xem hổ như vị hộ pháp, võ sĩ đạo…
Trong Phật giáo, hổ tượng trưng cho sức mạnh đức tin, của nỗ lực tinh thần, vượt qua rừng rậm tội lỗi để hướng thiện. Hổ cùng với khỉ và hươu là ba linh vật tượng trưng cho sức mạnh của niềm tin, sự chiến thắng mọi trở ngại trên con đường tu chứng, diệt trừ được tham, sân, si và ác nghiệp, tu thành quả Phật của con người.
 Ở Việt Nam nói chung, Phú Thọ nói riêng còn có những câu chuyện về con hổ có tình nghĩa, giúp đỡ con người và khi chết được lập miếu thờ, hổ trả ơn khi người giúp đỡ hoặc tha mạng cho hổ, hổ nuôi con người, hổ cứu giúp con người khỏi ác thú, hổ là thầy dạy  cho con người …
Cùng với thời gian, sự phát triển của đời sống xã hội, con hổ đã hiện thân với tư cách là con vật thống lĩnh của tín ngưỡng và tôn giáo. Cho đến nay, vùng văn hóa Đông Á rất chuộng hổ, ngày Tết thích treo tranh hổ. Hình tượng hổ còn mang tính nhân đạo, quyền uy và đã trở thành linh vật của tôn giáo.
2. Những người tuổi Dần tiêu biểu ở Việt Nam
2.1 - Chủ tịch Hồ Chí Minh
Sinh ngày 19/5/1890 (năm Canh Dần). Mất ngày 2/9/1969 tại Hà Nội.
Năm 1911, Người ra nước ngoài, làm nhiều nghề, tham gia cuộc vận động cách mạng của nhân dân nhiều nước, đồng thời không ngừng đấu tranh cho độc lập, tự do của dân tộc mình.
Ngày 3/2/1930, Người chủ trì Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (sau đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương, rồi Đảng Lao động Việt Nam, nay là Đảng Cộng sản Việt Nam).
Cách mạng Tháng Tám (1945) thành công, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; tổ chức tổng tuyển cử tự do trong cả nước, bầu Quốc hội và thông qua Hiến pháp dân chủ đầu tiên của Việt Nam. Quốc hội khóa I (1946) đã bầu Người làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Tại Đại hội lần thứ II của Đảng (1951), Người được bầu làm Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược đã giành được thắng lợi to lớn, kết thúc bằng chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ (1954).
Đại hội lần thứ III của Đảng (1960) đã nhất trí bầu lại Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam. Quốc hội khóa II, khóa III đã bầu Người làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Cùng với Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo cuộc kháng chiến vĩ đại của nhân dân Việt Nam chống chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ; lãnh đạo sự nghiệp xây dựng CNXH ở miền Bắc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, lãnh tụ kính yêu của giai cấp công nhân và của cả dân tộc Việt Nam, một chiến sĩ xuất sắc, một nhà hoạt động lỗi lạc của phong trào cộng sản quốc tế và phong trào giải phóng dân tộc. Năm 1987, UNESCO đã tôn vinh Hồ Chí Minh là “Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam - Nhà văn hóa kiệt xuất”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà văn, nhà thơ, nhà báo có nhiều tác phẩm viết bằng cả tiếng Việt, tiếng Hán, tiếng Nga, tiếng Pháp và tiếng Anh. Tác phẩm tiêu biểu: Bản án chế độ thực dân Pháp, Tuyên ngôn độc lập, tập thơ Nhật ký trong tù...
2.2 - Vua Trần Thái Tông
Sinh năm 1218 (Mậu Dần ), mất năm 1277. Là vị vua đầu tiên của nhà Trần.
Quê quán ở hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường (nay là Mỹ Lộc, Nam Định). Làm vua từ năm 7 tuổi (năm 1225), ở ngôi 32 năm, làm Thái Thượng hoàng 19 năm, từ khi truyền ngôi cho con là Thái tử Trần Hoảng (sau là Vua Trần Thánh Tông).
Ông đã lãnh đạo nhân dân Đại Việt chống lại cuộc xâm lược lần thứ nhất của quân Nguyên Mông. Với thắng lợi vẻ vang lưu truyền sử sách, đức vua Trần Thái Tông trở thành một vị minh quân. Ông còn được sử sách Phật giáo tôn xưng như bậc Thiền sư. Trần Thái Tông để lại cho đời sau một số tác phẩm như: Khóa hư lục, Thiền tông chỉ nam, Lục thời sám hối khoa nghi...
2.3 - Nhà Sử học Lê Văn Hưu
Lê Văn Hưu sinh năm 1230 (Canh Dần ), tại làng Phủ Lý, huyện Đông Sơn, (nay là xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa). Thuở nhỏ, khôi ngô tuấn tú, tư chất thông minh. Năm 18 tuổi, đỗ Bảng Nhãn (sau Trạng Nguyên) khoa thi Đình năm Đinh Mùi (năm 1248).
Sau khi thi đỗ, ông được giữ chức Kiểm pháp quan (trông coi việc Hình luật), rồi Hàn lâm Viện học sĩ, kiêm Quốc Sử Việt giám tu. Năm 1272, ông đã hoàn thành việc biên soạn “Đại Việt Sử ký”, bộ quốc sử đầu tiên của nước ta ghi lại những việc cốt yếu trong một thời gian lịch sử dài gần 15 thế kỷ, từ thời Triệu Đà (từ năm 136 trước Công nguyên đến thời Lý Chiêu Hoàng năm 1225), tất cả gồm 30 quyển và được Trần Thánh Tông xuống chiếu ban khen).
2.4 - Ngô Thì Nhậm
Ngô Thì Nhậm sinh năm 174 6 (Bính Dần ), là danh sĩ và là nhà văn đờiTây Sơn, tự là Hy Doãn, hiệu Đạt Hiên, còn gọi là Ngô Thời Nhiệm, người có công lớn trong việc giúp triều Tây Sơn đánh lui quân Thanh xâm lược năm 1789.
Ông xuất thân gia đình vọng tộc chốn Bắc Hà, là con Ngô Thì Sĩ, quê ở Thanh Oai, Hà Tây (nay thuộc Thanh Trì, Hà Nội).
Thi đỗ giải Nguyên năm 1768, rồi Tiến sĩ Tam giáp năm 1775. Ngô Thì Nhậm được bổ nhiệm làm quan Bộ Hộ dưới triều Lê - Trịnh. Năm 1790, Vua Quang Trung mất, ông lui về nghiên cứu Phật học. Tác phẩm còn để lại: Hải Dương chí lược, Hy Doãn thi văn tập, Xuân Thu quản kiến...
2.5 - Phan Huy Chú
Phan Huy Chú sinh năm 1782 (Nhâm Dần), là nhà thơ, nhà bác học thế kỷ XIX, tự là Lâm Khanh hiệu Mai Phong, sinh tại làng Thụy Khê, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội). Ông là con của Phan Huy ích, nổi tiếng hay chữ từ nhỏ, thi đỗ Tú tài năm 1821. Minh Mạng biết tiếng, triệu ông vào kinh làm biên tu ở Viện Hàn lâm.
Năm 1824, ông được cử làm Phó sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc). Năm 1828, làm Phủ thừa phủ Thừa Thiên, Hiệp trấn Quảng Nam. Năm 1830, lại giữ chức Phó sứ sang nhà Thanh, trở về bị khiển trách vì tội lạm dụng quyền hành. Năm 1832, bị buộc sang Giang Lưu Ba (Indonesia).
Đời quan trường của Phan Huy Chú lúc thăng, lúc trầm, nên sinh chán nản, ông từ quan về làng dạy học, viết sách rồi mất vào năm 1840. Bộ sách Lịch triều Hiến chương loại chí, gồm 49 quyển sau 10 năm biên soạn là công trình biên khảo đồ sộ của ông. Ngoài ra, ông còn biên soạn các cuốn sách khác như: Hoàng Việt dư địa chí, Hoa thiều ngâm lục, và Hoa trình tục ngâm.
  
Tranh hổ của họa sĩ Đỗ Ngọc Dũng
 
 3. Những dấu ấn lịch sử tiêu biểu năm Dần ở Việt Nam
- Năm Giáp Dần (714): Khởi nghĩa của nghĩa quân Mai Thúc Loan (Mai Hắc Đế) thắng lợi, lật đổ chính quyền đô hộ nhà Đường, giải phóng đất nước.

- Năm Bính Dần (906): Khúc Thừa Dụ đứng ra lãnh đạo nhân dân nổi lên đánh đuổi bọn đô hộ nhà Đường, chiếm thành Đại La, dựng quyền tự chủ cho đất nước. Khúc Thừa Dụ tự xưng là Tiết độ sứ. Ngày 11 tháng Giêng (tức 7/2/906), trước hành động quyết liệt của nhân dân Giao Châu, nhà Đường buộc phải phong chức “Đồng bình chương sự” cho Tiết độ sứ Khúc Thừa Dụ, thừa nhận người Việt cai quản đất Việt, chấm dứt về cơ bản thời kỳ Bắc thuộc kéo dài hơn 1.000 năm.

- Năm Nhâm Dần (1002): Vua Lê Đại Hành thực hiện hàng loạt các biện pháp nhằm chấn chỉnh và cải cách chính trị - hành chính như ban hành pháp luật, đổi tên đơn vị hành chính lãnh thổ, chia tướng hiệu làm 2 ban (văn-võ), tổ chức và trang bị lại cho quân đội ...

- Năm Mậu Dần (1038): Vua Lý Thái Tôn đích thân ra cày ruộng (cày tịch điền) ở cửa Bố Hải để làm gương cho dân chúng. Tục lệ đẹp này được các triều đại sau đó duy trì và phát huy.

- Năm Mậu Dần (1158): Nguyễn Quốc khuyên vua Lý Anh Tôn nên đặt hòm kính ở triều đình để ai có điều gì cần tâu trình, đề nghị, khiếu tố... thì viết giấy bỏ vào. Vua nghe theo và chỉ trong vòng một tháng, đơn, thư, sớ đã đầy hòm. Đây là phương thức tiếp nhận ý kiến nhân dân rất hiệu quả, tiện lợi và tiến bộ.

- Năm Canh Dần (1230): Nhà Trần ban hành các bộ sách đồ sộ quy định cách thức tổ chức, hoạt động của chính quyền. Cũng năm này, mức hình phạt trong luật sửa đổi và kinh thành Thăng Long được đại tu về mọi mặt.

- Năm Nhâm Dần (1242): Nhà Trần tiến hành cải cách hành chính địa phương với quy mô lớn: chia lại đơn vị hành chính lãnh thổ, tổ chức lại hệ thống quan lại địa phương, làm sổ hộ khẩu, phân loại dân đinh, ấn định cặn kẽ mức tô thuế...

- Năm Giáp Dần (1374): Bắt đầu tổ chức thi Đình cho các tiến sĩ, lấy đỗ trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa, hoàng giáp, cập đề, đồng cập đề, gồm 50 người (lệ cũ: thi thái học sinh 7 năm một lần, lấy đỗ 30 người). Cũng năm này, nhà Trần áp dụng nhiều biện pháp để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc như cấm nhân dân mặc áo kiểu người phương Bắc, cấm bắt chước tiếng nói các nước Chiêm, Lào...

- Năm Mậu Dần (1398): Tể tướng Hồ Quý Ly tiến hành cải cách ruộng đất toàn diện.

- Năm Bính Dần (1506): Nhà Lê tổ chức cuộc thi quân dân rất lớn ở sân điện Giảng Võ với 2 môn: viết và toán. Hơn 3 vạn người dự thi, lấy đỗ 1519 người.

- Năm Giáp Dần (1614): Chữ quốc ngữ Việt Nam (do các giáo sĩ Bồ Đào Nha sáng tạo ra) bắt đầu hình thành và phát triển.

- Năm Canh Dần (1650): Lái buôn các tàu thuyền Pháp, Ý, Bồ Đào Nha, Hà Lan và Nhật Bản khi tới Kẻ Chợ (Hà Nội) được phép lưu trú tại làng Thanh Trì, Khuyến Lương (ngoại thành Hà Nội). Quan hệ ngoại thương của nước ta bắt đầu phát triển mạnh.

- Năm Mậu Dần (1698): Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lý miền Nam, quyết định lập phủ Gia Định để quản lý 2 huyện Phước Long (Biên Hòa) và Tân Bình (Sài Gòn, từ sông Sài Gòn đến sông Vàm Cỏ Đông). Sài Gòn coi như được thành lập từ đó.

- Năm Nhâm Dần (1782): Khởi nghĩa Tây Sơn do 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ lãnh đạo nhân dân tấn công mãnh liệt vào cả chính quyền chúa Nguyễn ở miền Nam lẫn chính quyền Lê - Trịnh ở miền Bắc, giành thế chủ động trên khắp đất nước. Chúa Nguyễn Ánh đại bại, phải chạy trốn và cầu viện  nước ngoài.

- Năm Bính Dần 1806: Nguyễn Ánh lên ngôi Hoàng Đế (Gia Long), trở thành vị vua đầu tiên của triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam.

- Năm Canh Dần (1830): Nhà Nguyễn cử nhiều đoàn sứ thần đến các nước trên thế giới để thiết lập và phát triển quan hệ ngoại giao.

- Năm Bính Dần (1866): Nghĩa quân Trương Quyền liên kết với nghĩa quân Pokum Pao chống Pháp xâm lược, làm nên nhiều chiến thắng vang dội ở Việt Nam và Campuchia.

- Năm Canh Dần (1950): Chiến dịch Biên giới thắng lợi, quân ta giải phóng dải biên cương Việt - Trung dài 750 km, phá tan hành lang chiến lược và thế bao vây của thực dân Pháp.

- Năm Bính Dần (1986): Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI khởi đầu đề ra công cuộc đổi mới và phát triển toàn diện đất nước.

- Năm Mậu Dần (1998): Kỷ niệm 300 năm thành lập Sài Gòn - Gia Định (thành phố Hồ Chí Minh), 30 năm chiến thắng Xuân Mậu Thân 1968, 25 năm ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình tại Việt Nam.

- Năm Canh Dần (2010): Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 35 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 65 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, 80 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam. Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XI của Đảng./.
                                                                            Tháng 12/2021
                                                                                 P.B.K
Các tin khác

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com