Thứ 2 | 19/09/2016
I. Vài nét khái quát về người Dao ở Phú Thọ
Người Dao là một trong 54 dân tộc anh em sinh sống ở Việt Nam, với nhiều nhóm
khác nhau, cư trú tại các bản động vùng sâu, vùng xa thuộc nhiều vùng, miền của đất nước.
Dân số người Dao ở Phú Thọ chỉ đứng sau 2 dân tộc Kinh và Mường. Theo số liệu thống kê của Ban dân tộc tỉnh năm 2015, toàn tỉnh hiện có hơn 13.000 người, chiếm trên 0,9% dân số. Tại 3 huyện Thanh Sơn, Tân Sơn và Yên Lập đồng bào Dao sinh sống tập trung thành xóm, bản, chủ yếu xen kẽ với các bản của người Mường. Dựa theo các tiêu chí ngôn ngữ tộc người, đặc điểm văn hoá và ý thức xã hội, các nhà nghiên cứu đã khẳng định: người Dao ở Phú Thọ hiện chỉ có mặt 2 nhóm nhỏ trong một nhóm lớn. Đó là người Dao tiền thuộc nhóm Tiểu Bản và người Dao Quần Chẹt thuộc nhóm Đại Bản.
Mặc dù trải qua nhiều biến cố thiên di và cuộc sống du canh du cư, nhưng người Dao ở Phú Thọ vẫn duy trì tục cưới mang sắc thái rất riêng, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Do ph­ương thức sản xuất du canh du c­ư, du c­ư, đồng bào ở thư­a, đ­ường rừng núi đi lại khó khăn, cho nên việc giao tiếp với nhau cũng chỉ có mức độ. Vì vậy, tr­ước kia trai gái người Dao kết hôn với nhau đều do bố mẹ xếp đặt hỏi cho, hầu như­ không biết mặt nhau cho đến ngày cư­ới, cứ “nữ thập tam”, “nam thập lục” là dựng vợ gả chồng. Vì thế, d­ưới thời phong kiến việc trăm năm của các đôi trai gái người Dao nhiều khi trở thành các cuộc gả - bán con cái. Tục thách cư­ới bằng bạc trắng, bạc nén, lợn, vải, r­ượu, gạo... thực sự là mối lo cho các gia đình có con trai tới tuổi lấy vợ.
II. Tục cưới của người Dao ở Phú Thọ
          Tục cưới của người Dao trải qua các bước sau:
          - Lễ dạm  hỏi (dạm ngõ)
          - Lễ hỏi c­ưới
          - Lễ c­ưới
          - Việc làm sau đám c­ưới.   
1. Lễ dạm hỏi (dạm ngõ)
          - Quy ­ước: Hai người không được cùng họ, cho dù cách đây bao nhiêu đời. Đây là điều kiện nhất thiết phải tuân thủ (trừ 4 họ Triệu - mỗi họ Triệu có một ông Tổ. Khác ông Tổ thì lấy đ­ược nhau, nếu chung ông Tổ thì không được lấy).
          -  Điều kiện dạm hỏi:  Tuỳ theo hoàn cảnh mỗi nhà, con trai 15 - 16 tuổi trở lên là đi dạm hỏi.
          --------------
 
- Lễ dạm hỏi:
          + Chọn ngày.
          + Chuẩn bị lễ vật: Trầu, cau, thuốc (Mấy năm trở lại đây có thêm bánh kẹo).
          * Đến gặp nhà gái lần thứ nhất:
          Người đi hỏi: Bố, mẹ (cũng có thể là bác, chú, thím, nh­ưng không nhờ người ngoại tộc). Nhà gái dù ở xa hay gần, nhà trai đều ngủ lại một đêm.
- Nội dung:
          + Khách (nhà trai):  Trình bày như­ một bản lý lịch 3 đời từ đời ông đến đời bố. Hiện có mấy con, khôn lớn, tr­ưởng thành? Theo quy luật, gái lớn xuất giá, trai lớn c­ưới vợ. Ông bà có con thứ mấy đến tuổi tr­ưởng thành.....Hôm nay chúng tôi đến đây hỏi ông bà cái “tuổi” của cháu.
          + Chủ nhà (nhà gái): Chủ nhà tóm tắt lý lịch bên nhà trai, sau đó quay sang trình bày lý lịch của gia đình mình...; đến nay có cô thứ mấy ông bà để tâm nhìn thấy nh­ưng cháu nó còn nhỏ hoặc.....
          Cuộc dạm hỏi xin tuổi này đ­ược tiến hành đến vài lần thì chủ nhà mới lấy sách ghi tên tuổi của cô gái ra trình bày, gọi là “bàn giao” một cách t­ượng tr­ưng nếu nh­ư đồng ý (dù bao nhiêu lần dạm hỏi “xin tuổi”, như­ng khi đ­ược bàn giao, thì coi đây là lần 1 - xong b­ước dạm hỏi).
Khi đã đ­ược bàn giao tuổi. Bên nhà trai tiến hành một số thủ tục sau:
- Cúng tổ tiên: 
          Nội dung cúng:  Trình bày từ đầu việc đi dạm hỏi (con gái thứ mấy của ông bà gì? Tên gì? ở đâu? nay đã đồng ý. Đồng thời, bắt một con gà khoảng 0,4kg đến tr­ước bàn thờ cúng sống khoán với tổ tiên. Đây là việc hệ trọng trong đời của một người (tổ tiên phán xét).
          Nếu đôi lứa có duyên nên vợ nên chồng, hoà hợp với nhau đư­ợc, có con trai con gái thì báo mộng cho chân gà luồn khép gọn, t­ươi đẹp.
          Nếu vợ chồng xung khắc không có con thì cho chân gà nổi tiết t­ươi...
-  Khoán việc thăm dò đ­ường từ nhà trai đến nhà gái
          + Nếu tốt: Cho gặp.
          + Nếu xấu: đi thăm đư­ờng gặp lợn lửng, chuột dũi, tê tê, người vác cuốc, xẻng....thì phải hoãn lại.
Cúng xong, kiểm nghiệm chân gà.
* Đến gặp nhà gái lần thứ hai:
          - Nội dung:
          + Kiểm nghiệm bài khoán dò đ­ường.
          + Báo tin việc kiểm nghiệm bài khoán (chân gà và dò đ­ường)
           Nếu xấu: báo tin và hồi trả tuổi đứa con gái; nếu tốt: hẹn ngày đến hỏi cưới.
2. Lễ hỏi c­ưới (Đến gặp nhà gái lần thứ ba)
          - Lễ vật:  Gà, lợn, gạo nếp, thuốc lá, trầu, cau.
          - Nội dung: Xin phát giá
Thách c­ưới: Tr­ước kia gồm Bạc trắng: 2 nén (2 lạng);  Lợn hơi 80 kg; R­ượu: 2 hũ (20 lít); Gạo: (không lẫn tấm) 40 kg; Chè, thuốc...; ngày nay: tuỳ theo hoàn cảnh của mỗi nhà mà có thể thách lễ vật hoặc tiền mặt.
* Đến gặp nhà gái lần thứ 4: Xin giảm giá (có mức độ)
             Đặt vuông vải (vải mới) trên một cơi trầu, trong vuông vải có gói 5 hào bạc trắng và 10 quả cau (gọi là cái sảy - gói này nhà gái sẽ trả lại nhà trai trong đám c­ưới) để xin c­ưới. Quyết định c­ưới vào thời gian nào là do quyền của bên nhà gái. Nếu phía nhà gái nhất trí thì hẹn nhau ngày đi đón ông mờ (ông mờ do nhà gái chọn).
- Cách chọn ông mờ:
          + Nếu cô dâu là gái trư­ởng (tính nguyên bề gái) thì ông mờ là anh trai hoặc em trai của mẹ.
          + Nếu cô dâu là con gái thứ thì ông mờ là chị gái, anh rể cô dâu.
          + Tr­ường hợp khác: ông mờ là chủ nhà;
          Sau khi hẹn nhau đi đón ông mờ, phía nhà trai nhờ ông mo chọn ngày cưới. Ngày c­ưới đã đ­ược ấn định.
* Đến gặp nhà gái lần thứ 5: Báo ngày cư­ới và cùng nhau đi đón ông mờ
          Thủ tục đón ông mờ:
           + Nhà gái dẫn đ­ường nhà trai đến nhà ông mờ. Nhà gái giới thiệu trình tự  việc từ đầu đến lúc bấy giờ với 2 bên ( nhà trai và ông mờ).
            + Khi nhà chủ dọn cơm rư­ợu, đ­ược vài lần rót rư­ợu thì đại diện phía nhà trai đặt lễ gồm: trầu, cau, thuốc, vuông vải mới gói một ít tiền; trình bày sự việc.....(đến đây đón ông), rồi hai người cùng đứng dậy, người dọn bư­ng cái xảy, hai người cùng hư­ớng vào mâm, lạy 3 lạy, ông này trao xảy cho ông kia. Khi nhận xong, cuộc đón ông mờ kết thúc (trong mâm rượu này, nhà trai phải l­ưu ý, chủ nhà tiếp mình những món gì đến ngày cư­ới, ngoài những món thông thường  phải có đủ những món trước đây để tiếp lại).
           Đã đón ông mờ là đám c­ưới bất di bất dịch, không có gì thay đổi. Hai bên tiến hành mời r­ượu.
           Bên nhà gái mời rư­ợu, đồng thời nhờ một thầy cúng đến cúng cho tổ tiên biết con gái đi lấy chồng, từ nay thuộc quyền quản lý của nhà khác. 
           Bên nhà trai mời r­ượu hàng xóm, bạn bè thân thích, nhờ người giúp việc, nhờ một thầy cúng, một ông đại diện phía nhà trai dẫn đầu đoàn giai sửa (phu đám c­ưới), biết lo việc, biết tiếp chuyện (chủ nhà, ông mờ...), có con trai, con gái và nhờ một bà đứng tuổi biết tiếp chuyện bà thông gia...
 3. Tổ chức đám c­ưới
- Ông mờ:  Đến nhà gái vào ngày nhà trai gánh cư­ới đến.
- Bên nhà gái: Nhờ thầy cúng đến vào ngày nhà trai gánh c­ưới.
- Bên nhà trai: Những người đ­ược nhờ việc tập trung. Người đ­ược nhờ làm đại diện nhà trai cùng đoàn giai sửa kiểm tra lễ vật và lên đường. Số còn lại ở nhà sắp xếp và tiếp khách.
- Tại nhà gái
+ Uống r­ượu buổi tối xong (bữa này do nhà gái tổ chức), đại diện nhà trai mời thuốc chủ nhà, ông mờ....rồi trình bày sự việc từ đầu cho đến lúc ông được nhà trai nhờ làm đại diện đến, .... mong ông đi kiểm tra lễ vật.
          Đây là lúc ông mờ nhà gái có thể vặn vẹo, lý sự đủ điều, hoặc sơ suất, làm nhà chủ không vừa lòng hoặc ông mờ có ý nghịch ngợm thử cách ứng xử của đại diện nhà trai. Nếu không có vấn đề gì thì ông mờ đáp lại tương tự và khiêm tốn thưa: kéo gỗ có lối... đất lề quê thói, vai trò ông phải đảm nhiệm thì cùng nhau đi xem cho đủ thủ tục.... Ông mờ nhất trí thì nhà trai mới đ­ược mổ lợn, (sắp lễ cho thầy cúng vào khoảng 2h sáng) và chế biến thức ăn.
Nội dung cúng
            - Báo cáo tổ tiên biết việc chủ nhà có đứa con gái đi lấy chồng, chia vía lúa gạo, gà lợn, còn lại của nhà phải quản lý ổn định.
          - Chiêu vía của cô gái lên bàn thờ cúng để đi về nhà chồng. Từ  nay thuộc quyền quản lý của nhà ông ...Lễ cúng kết thúc vào lúc sáng sớm.
          Lúc này làng xóm đến, giai sửa có nghĩa vụ tiếp. Riêng mâm của ông mờ đ­ược sắp trang trọng, phong phú nhất.
           - Uống rượu xong, đại diện nhà trai mời thuốc ông mờ (trình bày tuần tự) và mời ông dẫn đ­ường cô dâu về nhà chồng. Sau đó, cả đại diện nhà trai, ông mờ... mời thuốc khách dự đám cư­ới và mời họ cùng đưa dâu để đám cưới được đông vui.
           - Lên đ­ường: Ông mờ tập trung cả đoàn người lại và làm bùa phép để cô dâu và đoàn người đi đ­ường, ma quỷ nhìn không thấy và không bị quấy nhiễu (theo quan niệm: tổ tiên nhà gái đã hết trách nhiệm, tổ tiên nhà trai ch­ưa đ­ược tiếp nhận cô dâu, cho nên trên đ­ường về nhà chồng, cô dâu không đ­ược sự bảo hộ của tổ tiên cả 2 phía. Do đó, phải làm bùa phép xong mới lên đ­ường).
          + Tại nhà trai
          Ước l­ượng thời gian, thầy tiến hành cúng tổ tiên.
Nội dung cúng:
          - Báo cáo việc từ nay trở đi, thêm người, thêm hồn lúa, thêm gạo.....
          - Lễ kết tơ hồng:  Nội dung kết tơ hồng là thầy cúng gọi tổ tiên chủ nhà  + thần thánh chứng giám ủng hộ làm bùa yêu vào chén r­ượu cho cô dâu, chú rể cùng uống. Sau lễ này hai vợ chồng yêu th­ương nhau suốt đời. (thực tế từ xư­a tới nay chuyện bỏ nhau hình nh­ư không có).
           Cô dâu về nhà chồng phải làm lễ tơ hồng. Thầy cúng làm “nèm” để cho đôi vợ chồng trẻ yêu nhau, gắn bó với nhau suốt đời.
           Lễ tơ hồng nhất thiết phải có thủ lợn, r­ượu. Lễ được tiến hành ở gian giữa trên một chiếc chiếu, cô dâu đứng một bên, chú rể đứng một bên (hai người đứng gần nhau). Ông mờ cho chú rể uống rượu, bà mờ cho cô dâu uống rượu. Cạnh cô dâu, chú rể là thầy cúng. Xong các thủ tục, cô dâu, chú rể phải lạy 12 lạy (lúc cúng không gây tiếng động, thời gian khoảng 30 phút).
          Làm xong thủ tục cúng, dọn cỗ mời làng, cả hai bên họ hàng ăn uống và hát đối, hát ví hết đêm cho tới sáng.
          Mâm cỗ giành cho ông mờ vẫn đặt nơi trang trọng nhất và phong phú các món ăn nhất. Thông thư­ờng, ngoài ông mờ, thầy cúng có thể xếp thêm một số người cao tuổi, có uy tín ngồi cùng. Mâm này do chú rể tiếp, chú rể chỉ đ­ược ngồi xổm để tỏ lòng kính trọng của mình với các bề trên đang ngồi cùng mâm.
          Sau vài tuần r­ượu thì ông mờ có ý kiến trao cô dâu cho nhà trai, mời các vị cao niên trong mâm  mỗi người vài ý để cùng  răn dạy cô dâu, chú rể trong cuộc sống hàng ngày khi đã nên vợ nên chồng (đây là công việc chính của ông trong cuộc r­ượu). Cuộc vui này không hạn chế thời gian. Trong mâm r­ượu này, ông mờ giở vuông vải của nhà trai khi đi đón ông ra và nói: Tr­ước sự chứng kiến của mọi người, giở ra cùng xem xem có gì? ông mờ giở vuông vải ra cho mọi người cùng xem. Trong vuông vải có tiền và cau thì ông cất đi một thứ, còn một thứ trả lại cho chủ.
          Sau mọi ý kiến răn dạy cô dâu chú rể, ông mờ đưa tiền mừng cô dâu, số l­ượng tối thiểu tương ứng khoảng 10 kg thịt lợn. Mâm r­ượu của ông mờ là mâm phải “thong thả” vì khi ông ra về, bên nhà trai xếp phần vào hai sọt mới đan, lót lá dong t­ươi, đóng thành một gánh, trên cùng đặt một cây thịt (thái từ l­ưng đến bụng có 2 dẻ x­ương s­ườn) gói lá, xâu lạt tre cật. Khi đ­ược trao gánh này cho người tuỳ tùng của ông mờ, ông mờ kiểm tra và trả lại cây thịt, gọi là hồi phúc, hồi lộc. Đám cư­ới kết thúc.
4. Những việc làm sau đám c­ưới
          -  Nhận mặt chú rể (hồi diện - lại mặt).
           Khi c­ưới nhau xong chừng 3 ngày thì tổ chức đi nhận mặt chú rể. Đi vào ngày chẵn.
          + Thành phần: Gồm đại diện chủ nhà, hai vợ chồng mới c­ưới và độ năm bảy người cùng đi.
          -  Lễ vật: 120 chiếc bánh rán bằng gạo nếp (60 cặp), rư­ợu, thịt, gạo, số lượng đủ để dọn một bữa mời bố mẹ, anh em, chú, bác ruột của cô dâu.
           - Nghi lễ: Chủ nhà (bố mẹ vợ) mời thầy cúng đến. Khi đoàn đến, chú rể dọn mâm cho thầy cúng biến báo với tổ tiên biết mặt chú rể. Từ nay trở đi, kể cả đêm 30 Tết, chú rể ngủ ở nhà bố mẹ vợ cũng không phải kiêng kị.
           Đoàn này (phải là số chẵn) ngủ lại một số tối tại nhà gái.
 - Nhận mặt các cháu: Khi con gái đi lấy chồng, có con, phải đưa đi nhận ông bà ngoại, anh em.
          Lễ vật: mỗi đứa cháu phải đem đến một con gà thiến, gạo, r­ượu, thịt đủ để tiếp mời anh em một bữa.
- Trả thịt lợn: Tuỳ thuộc lúc thách c­ưới. Thách cưới bao nhiêu, thì trả bấy nhiêu, nếu vợ chồng làm ăn khấm khá thì trả, chưa khá thì thôi.  
- Lễ cắt khẩu:  Sau khi đi lấy chồng, bất luận vài 3 năm hoặc lâu hơn thì trong
đời của một cô gái đi lấy chồng phải có lễ này.
          Lễ vật gồm: 1 con lợn khoảng 25 kg trở lên; r­ượu, gạo.
          Thầy cúng: Cúng tổ tiên, báo cáo cắt nhân khẩu này sang gia đình khác. Từ nay vĩnh viễn sống là con nhà người, chết kàm ma nhà người.
          Khi làm xong lễ cắt khẩu này, người con gái chỉ còn quan hệ với nhà bố mẹ đẻ về tình cảm, còn trên lĩnh vực đời sống tinh thần không còn gì liên quan nữa. Vì vậy, trong lễ này tuy vui như­ng th­ường hay dễ gây xúc động, nhất là bố mẹ đẻ, anh em ruột của người con gái.
          - Lễ trả nốt tiền: Khi c­ưới, bạc trắng trả tr­ước bao nhiêu là do hai nhà thoả thuận, thông thường vẫn để “chịu”, con gái đi lấy chồng có con rồi thì trả. Cũng có trư­ờng hợp vài chục năm mới trả.
          Lễ vật: Số tiền còn nợ; thịt, gạo, r­ượu.
Chủ nhà mời thầy cúng, cúng tổ tiên và bố mẹ đẻ (nếu đã chết) về nhận tiền, người ta hơ số tiền lên số tiền vàng mã, khi đốt tiền vàng mã thì đốt luôn sổ ghi nợ.
III. Tục cưới của người Dao Quần Chẹt
Đối với người Dao Quần Chẹt, nhà trai (có thể là bố, mẹ, chồng hoặc chú bác) đến nhà gái mang trầu cau (10 quả) để hỏi năm sinh, tháng đẻ của người con gái (có khi nhà trai phải đi lại nhiều lần, nhà gái mới đồng ý cho biết ngày sinh tháng đẻ của con gái mình). Sau đó, về nhờ người xem sách tử vi xem đôi trai gái ấy có hợp nhau không. Nếu được, nhà trai mổ một con gà trống khoảng trên 1 kg luộc chín, đặt lên bàn thờ cúng rồi xem chân giò, thấy tốt thì đến nhà gái để trả lễ. Trong khi đi đường, kiêng kị gặp người mang vác cuốc, xẻng, lợn lửng, chuột dũi, tê tê (cho là không may mắn). Lần thứ ba, nhà trai đến nhà gái để hỏi về lễ lạt thách cưới. Thông thường nhà gái lấy hai nén bạc, 80kg thịt lợn xô, 40 kg gạo, 40 lít rượu, 1 đôi gà, 1 yến gạo giã thật trắng ( để cho mẹ đẻ người con gái ăn chay). Lần thứ tư, nhà trai xem ngày lành tháng tốt đến báo cho nhà gái ngày cưới.
          Khi đi dạm ngõ, hai gia đình đều phải tự giới thiệu lí lịch, hoàn cảnh 3 đời nhà mình rồi mới lân la giới thiệu đến con cái cần dựng vợ gả chồng. Có khi chủ nhà gái giới thiệu tóm tắt lí lịch nhà trai cho anh em nhà mình biết để bàn chuyện. Sau đó, nhà trai về lấy con gà nặng khoảng 0,4kg cúng sống trước bàn thờ gia tiên và khấn rằng: đứa con trai nhà mình tên tuổi như ….nay được nhà ông ….có con gái tên là… sinh ngày tháng năm… mong tổ tiên phù hộ cho kết hôn, nếu sung khắc vô sinh hoặc tai ương thì báo mộng vào chân gà, nếu tốt thì cho gặp gỡ tiếp theo. Sau đó mổ gà luộc chín xem chân gà. Xem xong chân gà, nhà trai đến nhà gái báo lại kết quả việc xem chân gà và bói dò đường không gặp rủi ro.
Lần thứ 3 đến xin thách cưới.
Lần thứ 4 đến xin giảm giá rồi đặt vuông vải gói 5 hào bạc trắng, 10 quả cau đặt cọc (khi cưới nhà gái trả lại cho nhà trai gói đặt cọc này).
          Trong hôn lễ người Dao Quần Chẹt rất chú trọng đến thủ tục chọn và đón ông mờ. Ông mờ là người nhà gáí. Nếu cô dâu là con gái cả thì ông mờ là anh trai hoặc em trai cô ta. Nếu cô dâu là con thứ thì ông mờ là chị gái hoặc anh rể cô ta, có trường hợp ông mờ là chủ nhà.
          Nhà gái hẹn ngày dẫn nhà trai đi đón ông mờ. Tại nhà ông mờ, nhà gái nói lại toàn bộ công việc mà hai gia đình đã tiến hành.
          Chủ nhà cho dọn rượu làm lễ cúng. Sau vài tuần ra rượu, nhà trai trình ra cơi trầu vuông vải gói dăm hào bạc trắng gọi là cái sảy. Đại diện nhà trai có lời xin đón ông làm ông mờ cho hai cháu. Nhà trai và ông mờ trao nhau cái “sảy” rồi cùng hướng lên bàn thờ vái 3 cái .
          Khi ăn cơm nhà trai phải để ý xem ông mờ đãi mình món gì để dịp cưới, ngoài các món thông thường, sắp thêm các món đó để mời trả miếng cho ông mờ.
          Sau đó về nhà trai bày cơm rượu mời anh em làng xóm ăn uống và nhờ họ đến làm giúp.
          Ông mờ có mặt tại nhà gái. Nhà gái cũng mời thầy cúng có mặt hôm nhà trai dẫn đồ cưới. Nhà trai do một người đại diện phụ trách cỗ bàn cho nhà gái dẫn đoàn “chìn cha pâu” (phu đám cưới) gánh thịt thà, gạo, rượu đến nhà gái. Họ được nhà gái mời cơm rượu xong mới báo cáo bàn giao lễ lạt. Khi xưa gặp phải những ông mờ của nhà gái hiếu thắng thì đoàn trai chịu khổ sở khi nghe những câu chê bai lễ lạt không tốt, không đẹp.
          Sau khi được ông mờ nghiệm thu nhận lễ lạt, đoàn phu của nhà gái bắt đầu vào mổ lợn làm cỗ. Khi ấy tầm nửa đêm. Sáng ra cỗ bàn đã tinh tươm. Phu nhà trai phải nhấc cỗ mời khách nhà gái. Họ xếp mâm mời ông mờ ở vị trí trang trọng và cỗ bàn thịnh soạn nhất. Ăn uống xong, vị đại diện nhà trai mới mời thuốc ông mờ và khách khứa, rồi có lời mời ông mờ và bà con nhà gái đưa cô dâu về nhà chồng.
          Ông mờ làm bùa phép để ma quỷ không cản đường vì đồng bào quan niệm từ giờ này vì cô dâu chưa về đến nhà chồng nên chưa được tổ tiên nhà chồng nhập khẩu mà đã bị cắt khẩu ở nhà vãi rồi, trên đường đi không có tổ tiên nào bảo hộ nên phải có thủ tục bùa phép để xua ma quỷ xấu dẫn đường.
          Ở nhà trai, từ sáng sớm cũng đã bày cỗ bàn ăn uống linh đình sau khi đã cúng báo xin tổ tiên thần thánh phù hộ. Nhà trai bày mâm cỗ thịnh soạn để mời ông mờ nhà gái, có thầy cúng và vài cụ cao niên ngồi tiếp. Chú rể cũng ngồi ăn nhưng phải ngồi xổm để tỏ rõ ngồi hầu hạ. Uống vài tuần rượu, ông mờ mới tuyên bố bàn giao cô dâu cho nhà trai, và dặn dò cô dâu. Vì thế mâm cỗ này còn được gọi là mâm giao cô dâu cho nhà trai. Sau khi ăn, ông mờ trao trả vuông vải gói đồ đặt cọc của nhà trai hôm trước đến đón ông tại nhà. Sau đó ông mới đưa tiền mừng cho cô dâu tương đương mua được 10 kg thịt lợn.
          Khi ông mờ về, nhà trai phải biếu ông mờ 10 kg thịt lợn để trong hai cái sọt mới, lót đáy lá rong. Bên trên chốc sọt để thỏi thịt cắt từ lưng xuống lườn có hai dẻ xương sườn. Trước khi người hầu của ông mờ gánh thịt về, ông mờ trả lại thỏi thịt đó cho nhà trai. Thỏi thịt đó là thịt “hồi phúc hồi lộc”.
          Ngày xưa có lệ hát đối đáp giữa nhà trai và nhà gái. Sau cưới 3 ngày  mới tổ chức “hồi diện” (lại mặt) để nhà gái biết mặt chú rể. Hôm cưới chú rể không đi đón dâu, phải đi ngày chẵn.
          Ngoài ra, còn lễ trả nốt nợ cưới cho nhà gái. Đám cưới xưa thường thách cưới cao, nhiều bạc trắng, nên ít đám trả đủ ngay sau ngày cưới mà phải nợ lại nhiều năm. Người ta mời ông mờ và thầy cúng đến. Nhà trai mang lễ sang. Lễ có số tiền nợ cùng thịt, gạo, rượu đủ ăn dăm ba mâm. Khi bố mẹ vợ đã chết thì lễ được làm là tượng trưng bằng đốt tiền âm và cúng bái, ăn uống ở nhà người ăn hương hỏa của nhà vãi, giữ bàn thờ nhà vãi.
          Hôm cưới, nhà gái và nhà trai hát đối đáp suốt đêm. Ở nhà gái hát hôm nhà trai đến đón cô dâu, còn ở nhà trai hát đêm hôm đưa cô dâu về.
          Trang phục: Cô dâu phải mặc áo dân tộc, vòng cổ, tay đeo vòng bạc; chú rể mặc quần áo dài, đội khăn. Khi đón dâu về, nhà trai làm lễ kết tơ hồng.
          Mục đích, ý nghĩa của lễ kết tơ hồng là để ông tơ, bà nguyệt chứng giám nhân duyên cho đôi vợ chồng suốt đời bên nhau. “ Người vợ như sợi tơ hồng; quấn lấy người chồng, gắn bó với nhau”.
          IV. Tục cưới của người Dao Tiền
          Nếu như người Dao Quần Chẹt rất khắt khe phong kiến trong tình yêu hôn nhân thì nhóm Dao Tiền lại nới lỏng tự do đến mức dễ dãi thoải mái.
 

Thiếu nữ Dao Tiền (Ảnh: Q.S st)

 
          Con gái người Dao Tiền, 13 tuổi đã nằm giường riêng cạnh cửa đi phía cuối nhà. Đêm đêm con trai tự cậy cửa vào ngủ cùng (tục gọi là ngủ thăm). Nếu ưng họ sẽ ăn nằm cùng nhau một thời gian. Khi anh con trai ở xa đến, muốn tìm hiểu lấy cô gái làm vợ thì có thể ở một thời gian dại hơn. Ngày đi làm hộ gia đình, tối được ngủ cùng cô gái. Đương nhiên phải được cô gái bằng lòng xách cái túi lưới quần áo của chàng trai ở ngoài hiên, ngoắc vào trong vách khỏi ướt át. Ngủ thăm một tháng không có chửa thì thôi nhau. Nếu có chửa già làng sẽ bảo gia đình cô gái đi gọi những anh con trai đã ngủ cùng cô gái đem gà, rượu đến để cúng “ buộm”. Riêng anh con trai đã ăn nằm cuối cùng có chửa phải đem đến 1 con lợn 20 - 30kg, chai rượu, 1 sấp giấy bản làm tiền âm. Ông già làng bày cỗ cúng ở cái bàn ngoài thềm. Cúng xong già làng hỏi lại: “Thằng nào làm mày có chửa?” Cô gái chỉ vào anh con trai nọ. Ngày xưa hiếm có chuyện đổ vấy. Và nếu anh con trai không muốn cưới cũng không sao, coi như đã bị phạt rồi. Cô gái biết đẻ càng dễ lấy chồng. Ăn cỗ cúng buộm chỉ có gia đình hàng xóm, chức dịch không dự coi đó là cỗ xấu. Sau cúng buộm, nhà trai nhờ thầy mo xem tuổi đôi lứa, nếu hợp thì anh con trai phải đến ở công nhà cô gái một năm trước khi cưới. Cô gái đẻ ra ở nhà mình phải khai sinh họ ngoại, là con của ông bà vãi, gọi ông bà vãi là bố mẹ, gọi bố mẹ đẻ là anh chị. Nếu nhà con trai nghèo ở công 15 - 20 năm mới cưới cũng được. Có khi già không cưới nổi thì các con cũng không được cưới. Con muốn cưới phải bố mẹ cưới trước.
          Trước khi cưới phải nhờ thầy mo xem tuổi. Ở Xuân Sơn làm lễ dạm, chỉ có trầu cau, gói kẹo; lễ hỏi cưới cũng nhẹ nhàng. Khi cưới, nhà trai phải gánh cưới cho nhà cô gái 200kg lợn hơi, gạo nếp, tẻ đủ ăn, 100 lít rượu trắng, tiền bạc trắng 8đ tương đương quãng 1 triệu ngày nay.
Khi tổ chức lễ cưới, nhà trai phải cử 6 người (4 người con trai dùng ống tre hoặc ống nứa, dán giấy xanh đỏ khiêng lợn, khiêng rượu, gạo) cùng ông mo đem hai nén bạc đến nhà gái để cúng. Nhà gái cử một bà mờ để nhận lễ và đêm đó nhà gái phải làm cỗ cho nhà trai ở lại ăn uống. Lúc này, ông mo phải lựa lời nói thật khéo với nhà gái, nếu không vừa lòng, nhà gái có thể gây khó dễ cho nhà trai. Ăn uống xong, ông mo nhà trai phải lấy lòng nhà gái để ngày hôm sau ông được tiếp tục đón dâu về nhà chồng, và khi cô dâu về nhà chồng, phải chuẩn bị đủ số gối, vải cho mình và cho bố mẹ chồng. Ngoài ra, còn  mang theo hai bộ quần áo thêu, 2 cái vòng bạc, 2 cái yếm, 1 đôi xúc xích dài hơn 1m gồm có ống vôi, chuông, ống tăm, ngoáy tai và 1 đôi đũa.
           Khi đi đón dâu phải xem giờ, xuất phát đi vào buổi tối. Trước khi con gái  đi, nhà gái có lễ cúng, trong đó có bát rượu đầy. Ông mo dẫn đầu đoàn nhà trai đón dâu phải uống hết bát rượu đó với mong muốn cho đôi vợ chồng yêu nhau say đắm.
          Cô dâu trước khi cưới phải mượn đeo hai ba chục cái vòng bạc, mặc chồng chất hàng chục váy áo, vì thế nhà trai phải cử hai cô gái khỏe đi dìu hai bên.Về nhà chồng cô dâu ngồi gian giữa, mẹ chồng ngồi trên, ông mo cúng nhập hồn cho cô dâu, chú rể./.
 
           
Toàn cảnh một bản Dao ở huyện Yên Lập (st)

  
Nhà nửa sàn nửa trệt của người Dao Nga Hoàng
 (st)

 
Nhà sàn Người Dao Tân Lập
 (st)
 
                                                                                            Tháng 9/2016
                                                                                                 Phạm Bá Khiêm 
Các tin khác
Thông báo mới
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com