Thứ 2 | 19/02/2024

baophutho.vn Xưa nay, mọi người thường gọi mùa Xuân là mùa lễ hội bởi khi đất trời chuyển dịch, vạn vật đổi thay, tiết Xuân đong đầy bên khung cửa cũng là thời điểm nhiều lễ hội được tổ chức trên khắp ba miền đất nước. Từ lâu, vui Xuân, trẩy hội là nét đẹp văn hóa truyền thống nhưng trong bối cảnh nhịp sống hiện đại hiện nay cũng rất dễ nảy sinh những yếu tố lai căng, thậm chí hành vi phản cảm, không đảm bảo an toàn, văn minh, làm mất đi giá trị tốt đẹp vốn có của lễ hội... nếu công tác quản lý không được tăng cường. Vì vậy, làm sao để lễ hội đi đúng “quỹ đạo” của nó, vừa tạo không khí phấn khởi, vui tươi, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống vừa thực sự văn minh, an toàn, tiết kiệm, tôn vinh nét đặc sắc của từng lễ hội địa phương... là nhiệm vụ không của riêng các cấp chính quyền, nhà quản lý mà còn của cộng đồng xã hội.

Nghi thức tế nữ quan trong Lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ - Lễ hội Xuân độc đáo ở xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa.

Phong phú lễ hội Xuân truyền thống

Cùng với nhịp vào Xuân của đất nước, các lễ hội mùa Xuân thường rộn ràng khai hội sau dịp Tết cổ truyền của dân tộc. Vui Xuân, trẩy hội, du khách không chỉ được đắm mình vào cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, cảm nhận hơi thở ấm áp của mùa Xuân và đong đầy cảm xúc bởi không khí linh thiêng, nhớ về công đức Tổ tiên, nguồn cội, nhân lên những mĩ tục tốt đẹp của dân tộc mà còn hòa vào không gian náo nhiệt, tưng bừng của các hoạt động văn hóa, thể thao, các trò chơi dân gian truyền thống, các trải nghiệm du lịch thú vị cùng nhiều hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân, nhiều sự kiện chính trị giàu ý nghĩa, đồng thời chiêm ngưỡng nét tinh hoa, độc đáo, đặc sắc của từng lễ hội, mang đậm dấu ấn riêng có của mỗi địa phương, vùng, miền trong sắc Xuân hiện hữu.

Nhìn vào bức tranh tổng thể lễ hội Xuân truyền thống, không khó để nhận ra những lễ hội tiêu biểu, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách. Tùy vào thời gian, quy mô, cấp độ, hình thức, nội dung tổ chức nhưng nhìn chung các lễ hội đều hàm chứa những giá trị nhân văn, những điều tốt đẹp, có ý nghĩa trao truyền, tiếp nối mạch nguồn lịch sử. Xét về khía cạnh không gian, những lễ hội như thế có thể diễn ra theo chiều dài đất nước.

Điển hình như lễ hội Xuân miền Bắc có Lễ hội Chùa Hương (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội); Lễ hội Gò Đống Đa (quận Đống Đa, Hà Nội); Lễ hội khai ấn Đền Trần (phường Lộc Vượng, TP Nam Định, tỉnh Nam Định); Lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh); Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn (Hà Nam); Lễ hội chợ Viềng (Nam Định).

Lễ hội Xuân miền Trung có Lễ hội Đền Vua Mai (Nam Đàn, Nghệ An); Lễ hội vật làng Sình mang đậm nét văn hóa của cố đô Huế; Lễ hội Cầu Ngư (còn gọi là lễ hội Cá Ông, lễ hội văn hóa đặc trưng của các ngư dân làng chài ven biển Nam Trung bộ).

Lễ hội mùa Xuân ở miền Nam có Lễ hội núi Bà Đen (Tây Ninh), Lễ hội Chùa Bà Thiên Hậu (Bình Dương), Lễ hội Đức Thánh Trần (TP Hồ Chí Minh).

Trình diễn “Tứ dân chi nghiệp” trong Lễ hội Trò Trám, xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao.

Nói đến lễ hội Xuân Đất Tổ không thể không kể đến Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng, một trong những lễ hội lớn nhất, mẫu mực nhất của cả nước nhằm tri ân công đức các Vua Hùng và những bậc tiền nhân có công dựng nước. Với hơn 300 lễ hội gắn với di tích, di sản, Phú Thọ thực sự là miền lễ hội, trong đó Việt Trì nỗ lực trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.

Sự phong phú, đa dạng của lễ hội Xuân Phú Thọ còn được tiếp nối bởi những lễ hội tiêu biểu như Lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ (huyện Hạ Hòa), Lễ hội Trò Trám (xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao), hội Phết Hiền Quan (huyện Tam Nông), Lễ hội Đền Tam Giang, Mộ Chu Hạ, hội làng Hùng Lô (TP Việt Trì), Lễ hội Đền Lăng Sương, Đình Đào Xá (huyện Thanh Thủy)...

Theo thông tin từ báo chí, nhiều lễ hội Xuân năm nay sẽ được cải tiến về công tác tổ chức như việc phát ấn tại Lễ hội khai ấn Đền Trần chỉ bắt đầu từ 5h sáng ngày rằm tháng Giêng; Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn có thêm phần thi cày ruộng cho nhân dân và du khách; hội Xuân Tam Chúc (Hà Nam) có thêm nghi thức rước nước từ hồ Tam Chúc đến Điện Tam thế, Chùa Ngọc và Chùa cổ Ba Sao; Lễ hội Đền Hai Bà Trưng (Hà Nội) được tổ chức buổi tối và lần đầu tiên trình diễn công nghệ 3D Mapping khai mạc...

Quản lý lễ hội đa chiều, đa phương diện

Cuối tháng 1 năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện chỉ đạo tổng hòa các biện pháp đảm bảo các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và lễ hội Xuân 2024 theo đúng quy định của pháp luật, văn minh, an toàn, lành mạnh, tiết kiệm, phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc. Dưới góc độ của nhà quản lý, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) cũng đã có những động thái tích cực nhằm tăng cường quản lý lễ hội đa chiều, đa phương diện.

Theo Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Văn Hùng, Bộ đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương chỉ đạo thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động lễ hội trên địa bàn; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội theo phân cấp quản lý; chỉ đạo phương án bảo đảm ANTT, an toàn xã hội, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, ATGT, an toàn sông nước đối với hoạt động lễ hội, thể thao, du lịch. Đảm bảo hoạt động lễ hội được tổ chức trang trọng, đúng nghi lễ truyền thống, loại bỏ hoặc thay thế những tập tục không còn phù hợp...

 

Chàm đuống của đồng bào dân tộc Mường tại Lễ hội xuống đồng, xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn.

Hướng dẫn cụ thể về công tác quản lý, tổ chức lễ hội ở tỉnh ta, Sở VH,TT&DL sớm có văn bản đề nghị các cấp chính quyền, ngành chức năng chỉ đạo tổ chức lễ hội an toàn, văn minh, đúng quy định, trong đó kiên quyết không tổ chức các lễ hội có hành vi phản cảm, các nghi lễ có tính bạo lực, mê tín dị đoan, không cấp phép tổ chức lễ hội có mục đích thương mại, trục lợi. Chỉ đạo các Ban quản lý di tích, Ban tổ chức lễ hội không bán vé, thu tiền tham dự lễ hội, quản lý và sử dụng nguồn thu từ hoạt động lễ hội hiệu quả, công khai, minh bạch, đúng mục đích. “Chúng tôi phối hợp chặt chẽ, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội nhằm kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là hành vi lợi dụng di tích, lễ hội, tín ngưỡng để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc, tổ chức lễ hội tràn lan, gây tốn kém, lãng phí...”, đồng chí Nguyễn Đắc Thủy - TUV, Giám đốc Sở VH,TT&DL khẳng định.

Theo khoản 2, Điều 6, Nghị định 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội, người tham gia lễ hội phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội... Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngoài chấp hành nghiêm quy định trên còn thực hiện không đi lễ hội trong giờ hành chính, không dùng xe công và các phương tiện công tham gia lễ hội, trừ trường hợp thuộc thành phần tham gia tổ chức lễ hội hoặc được giao thực thi nhiệm vụ.

Tiến Dũng
Dẫn nguồn: 
An toàn, văn minh, tôn vinh lễ hội (baophutho.vn)

 

Các tin khác
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com