Thứ 3 | 22/11/2022
     Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa truyền thống trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, trong những năm qua Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp cùng các huyện, thị, thành triển khai xây dựng hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu tỉnh Phú Thọ, đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là hoạt động nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, tầng lớp nhân dân trong việc gìn giữ, phát huy giá trị của di sản cũng như đề ra những giải pháp quản lý, bảo vệ phù hợp, bảo đảm sức sống của di sản trên vùng quê Đất Tổ. Giai đoạn 2016 - 2021, tỉnh Phú Thọ đã có 12 di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: Lễ hội Trò Trám (huyện Lâm Thao); Lễ hội đình Đào Xá (huyện Thanh Thủy); Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ tại đền Mẫu Âu Cơ (huyện Hạ Hòa); Lễ hội đền Lăng Sương (huyện Thanh Thủy); Lễ cấp sắc của người Dao Quần Chẹt (huyện Yên Lập); Lễ hội Bạch Hạc, đền Tam Giang (thành phố Việt Trì); Lễ hội đền Chu Hưng (huyện Hạ Hòa); Nghi lễ cấp sắc của người Dao Tiền (huyện Tân Sơn); Tết nhảy của người Dao quần Chẹt (huyện Yên Lập); Nghề làm nón lá Sai Nga (huyện Cẩm Khê); Lễ hội đền Vân Luông và Lễ hội đình Hùng Lô (thành phố Việt Trì).
 
1. Lễ hội Trò Trám, xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao
 
     Lễ hội Trò Trám được bảo tồn, thực hành tại xóm Trám, xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao. Tương truyền, người lập ra xóm Trám là ông Ngô Quang Điện và con gái là Ngô Thị Thanh. người có công lao to lớn trong việc dạy dân làm ăn và ổn định cuộc sống.
Lễ hội Trò Trám từ xa xưa được định kỳ tổ chức vào 2 ngày, ngày 11 và 12 tháng Giêng ở miếu Trám, điếm Trám và khu vực xóm Trám. Diễn trình Lễ hội Trò Trám bao gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ có lễ Mật, còn gọi là lễ “Linh tinh, tình phộc” diễn ra vào lúc nửa đêm (giờ Tý) là lễ hội phồn thực cầu sinh thực khí, cầu mong sự sinh sôi nảy nở cho con người và vạn vật. Phần hội với nghi lễ rước Lúa thần, trình diễn trò “Tứ dân chi nghiệp” còn gọi là “bách nghệ khôi hài”.
 
 
       
     Lễ hội Trò Trám, xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 4036/QĐ- BVHTTDL ngày 21 tháng 11 năm 2016./.
 
2. Lễ hội đình Đào Xá, xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy
 
     Lễ hội đình Đào Xá được bảo tồn và thực hành tại làng Đào Xá, xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy. Lễ hội đình Đào Xá diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 27 đến ngày 29 tháng Giêng, chính tiệc là ngày 28 bao gồm các hoạt động thực hành các nghi lễ thờ phụng vị thần Hùng Hải Công, các vị Tam Công là các nhân vật lịch sử huyền thoại thời kỳ Hùng Vương dựng nước. Phần hội có tổ chức các trò chơi dân gian như: Kéo co, chọi gà, kéo lửa thổi cơm thi.
 

 
     Lễ hội đình Đào Xá, xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 4036/QĐ-BVHTTDL ngày 21 tháng 11 năm 2016.
 
3. Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ tại đền Mẫu Âu Cơ, xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa
 
     Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ tại đền Mẫu Âu Cơ ở Hiền Lương, Hạ Hòa được biểu hiện và thực hành qua nhiều hình thức, trong đó, tập trung nhất vào việc tổ chức thờ cúng Mẫu Âu Cơ và các con, cháu của Mẫu trong một số dịp chính sau đây: từ ngày mùng 7 đến mồng 9 tháng Giêng là nghi lễ lớn nhất được nhân dân nơi đây gọi là lễ hội đền Mẫu Âu Cơ; ngày 10, 11 tháng Hai (ngày sinh của Đức Thánh Cả - ngài Đột Ngột Cao Sơn); Ngày 12 tháng Ba (ngày hóa của Đức Thánh Đột Ngột Cao Sơn); Ngày 12, 13 tháng 8 (ngày hóa của hai người con của ngài Đột Ngột Cao Sơn tên là Hùng Trấn Quý Minh và Hùng Trấn Bảo Quốc) và ngày 25 tháng Chạp (ngày Mẫu Âu Cơ hóa về trời).
 

 
     Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ tại đền Mẫu Âu Cơ, xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 217/QĐ-BVHTTDL ngày 23/01/2017.
 
4. Lễ hội đền Lăng Sương, xã Trung Nghĩa (nay là xã Đồng Trung), huyện Thanh Thủy
 
     Đền Lăng Sương thờ Đức Thánh Tản Viên Sơn, đền còn thờ công chúa Ngọc Hoa, hai vị: Cao Sơn, Quý Minh, song thân phụ mẫu và dưỡng mẫu của Ngài. Hàng năm, đền Lăng Sương có hai kỳ lễ chính: Ngày 15 tháng Giêng (âm lịch): tương truyền là ngày sinh Đức Thánh Tản, nhân dân trong vùng sẽ tổ chức lễ hội trong khoảng thời gian từ ngày 14-16 tháng Giêng (âm lịch); Ngày 25 tháng Mười (âm lịch): ngày hóa của Thánh Mẫu (bà Đinh Thị Đen) và lễ tiễn mẹ nuôi của Đức Thánh Tản (bà Ma Thị Cao Sơn Thần) về núi Ba Vì, diễn ra trong khoảng thời gian từ ngày 24-25 tháng Mười (âm lịch).
 
 
 
      Lễ hội đền Lăng Sương đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 3325/QĐ-BVHTTDL ngày 04/9/2018.
 
5. Lễ cấp Sắc của người Dao Quần Chẹt, xã Xuân Thủy, huyện Yên Lập
 
     Lễ cấp sắc của người Dao Quần Chẹt là một hình thức sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng tâm linh của cộng đồng, ở đó có sự đan xen giữa các loại hình tín ngưỡng dân gian truyền thống với các loại hình tín ngưỡng khác được du nhập từ bên ngoài vào, đó là Đạo giáo.

     Thời gian tổ chức lễ cấp sắc thường diễn ra từ tháng 10 âm lịch đến tháng 2 âm lịch của năm sau. Lễ cấp sắc của người Dao Quần Chẹt gồm những nghi lễ chính sau: Lễ mời tổ tiên, lễ khai đàn, lễ nhập đồng, lễ đặt tên, lễ dâng đèn, lễ lên đồng hương hỏa, lễ thỉnh Ngọc Hoàng, lễ cúng trừ các loại sâu bệnh cho cây trồng, lễ khao quân.
 
 
 
     Lễ cấp sắc của người Dao Quần Chẹt xã Xuân Thủy, huyện Yên Lập đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 446/QĐ-BVHTTDL ngày 29 tháng 01 năm 2019.
 
6. Lễ hội Bạch Hạc, đền Tam Giang, phường Bạch Hạc, thành phố Việt Trì

     Lễ hội Bạch Hạc có xuất xứ từ hội làng, gắn với tín ngưỡng thờ Thần hoàng làng Thổ Lệnh, anh hùng dân tộc Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật và Thánh Mẫu Quách A Nương là những người có nhiều công lao đóng góp cho dân tộc và nhân dân vùng Bạch Hạc xưa.

     Hàng năm nhân dân Bạch Hạc tổ chức 3 kỳ tiệc lệ: Kỳ tiệc thứ nhất được tổ chức vào dịp đầu xuân từ ngày 3 đến hết ngày 5 tháng Giêng; kỳ tiệc thứ hai tổ chức vào ngày 30 tháng Ba âm lịch (ngày thánh sinh) và kỳ thứ ba tổ chức vào ngày 25 tháng Chín âm lịch (ngày thánh hóa). Các nghi lễ chính bao gồm lễ rước nước và lễ tế thần chủ bản đền. Phần hội bao gồm các hoạt động: Hội thi bơi chải, kéo co, đẩy gậy…
 
 
 
     Lễ hội Bạch Hạc, đền Tam Giang, thành phố Việt Trì được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 2967/QĐ-BVHTTDL ngày 27/8/2019.
 
7. Lễ hội đền Chu Hưng, xã Ấm Hạ, huyện Hạ Hòa
 
     Lễ hội Đền Chu Hưng là lễ hội truyền thống gắn liền với quá trình hình thành, tồn tại và phát triển của di tích đền đền Chu Hưng, là nơi thờ Côn Nhạc Đại Vương - người có công đánh giặc bảo vệ giang sơn bờ cõi Chu Hưng thủa xưa.

     Đền Chu Hưng diễn ra ba kỳ lễ: Ngày mồng 7 tháng Giêng gắn liền với lễ rước dâng lễ vật cúng Thánh, ngày mồng 8 tháng 2 là ngày Giỗ của Côn Nhạc Đại Vương và ngày 15 tháng 8 là ngày hội khao quân. Nhưng kỳ lễ trọng và lớn nhất là ngày lễ hội của đền vào ngày Mùng 7 tháng Giêng hàng năm.
 
 
 
     Lễ hội đền Chu Hưng, xã Ấm Hạ, huyện Hạ Hòa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 4603/QĐ-BVHTTDL ngày 20/12/2019.
 
8. Lễ cấp Sắc của người Dao Tiền, xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn
 
     Lễ cấp sắc của người Dao nói chung là nghi lễ trưởng thành, rất phổ biến với nhiều tên gọi khác nhau như: “Quả tăng”, “Lập tịch”, “Tẩu say”, người Dao Tiền gọi là “Cấp sắc”, hay còn gọi là “Lập tĩnh” có nghĩa là đặt tên âm hay đặt tên cúng cơm dành cho đối tượng là nam giới, đánh dấu sự trưởng thành của họ về mặt sinh lý cũng như về mặt xã hội, họ được cộng đồng thừa nhận, được hưởng quyền lợi của mình trong xã hội.

     Lễ cấp sắc của người Dao gồm những nghi lễ chính sau: Lễ giặm hẹn, lễ đón thầy, lễ khai đàn treo tranh, lễ mời tổ tiên chứng dám và lễ cúng sư phụ (tổ sư thầy cúng) để làm lễ đặt tên âm cho học trò, lễ đặt tên, lễ đưa ma đồi, lễ cúng bàn cổ, lễ cúng tạ lễ tổ tiên.
 
 
 
     Lễ cấp Sắc của người Dao Tiền, xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 258/QĐ-BVHTTDL ngày 22/01/2020.
 
9. Lễ Tết nhảy của người Dao Quần Chẹt,  huyện Yên Lập
 
     Tết nhảy của đồng bào Dao Quần Chẹt ở huyện Yên Lập còn được gọi là Nhiàng chậm đáo là nghi lễ cúng tạ ơn Bàn Vương. Người Dao Quần Chẹt tổ chức Tết nhảy vào tháng 12 âm lịch, bao gồm cúng Tết Nguyên đán, cúng chuyển tiếp (từ Tết Nguyên đán sang Tết nhảy), khai lễ, lễ chính và lễ tiễn đưa.

     Nghi lễ Tết nhảy bao gồm: Cúng tất niên; Cúng Tết dài; Khai đàn lễ; Xuất âm binh; Nhảy múa mừng đón thần thánh về dự lễ; Các thầy xuất âm binh; Múa bắt ba ba; Cúng báo cáo thiên binh thiên tướng trên trời cùng Ngọc Hoàng thượng 
đế việc tổ chức Nhiàng chậm đáo của gia đình; Cúng cầu mùa, cầu hồn cây lúa; Cúng thu âm binh sau khi được Ngọc Hoàng chứng giám nghi lễ; Cúng rước hồn lúa vào nhà; Cúng cảm tạ thần linh; Báo cáo với vị thần cai quản vùng đất mà chủ nhà đang sinh sống việc gia đình, dòng họ đã làm Nhiàng chậm đáo.
 
 
 
     Lễ Tết nhảy của người Dao Quần Chẹt, huyện Yên Lập được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 2732/QĐ-BVHTTDL ngày 30 tháng 9 năm 2020.
 
10. Nghề làm nón lá Sai Nga, thị trấn Cẩm Khê, huyện Cẩm Khê
 
     Nghề làm nón lá truyền thống được thực hành tại làng Sai Nga, thị trấn Cẩm Khê, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ. Theo các cụ cao niên ở Sai Nga, nghề nón của làng có từ bao đời nay, cha truyền con nối, cả làng chỉ có một nghề duy nhất là làm nón.

     Công cụ để làm nón gồm: Khuôn nón tạo ra dáng nón; dao các loại để pha nứa, làm khuôn, vót vành nón; kéo dùng để cắt sợi móc; sợi len để luồn nhôi, cắt lá nón, mo nang; kim khâu nhiều kích thước khác nhau; bàn là làm bằng lưỡi cày gang để là phẳng lá; lò hun lá nón để lá nón có màu trắng đẹp, bền; lò sấy lá khi không có nắng hoặc khi trời mưa. Quy trình làm nón gồm: Bứt vòng để tạo thành một vòng tròn theo kích cỡ đã định, quay nón, khâu nón, nức nón, luồn nhôi. Năm 2004, UBND tỉnh Phú Thọ đã công nhận làng nghề nón lá Sai Nga là làng nghề truyền thống.

 
 
     Nghề làm nón lá Sai Nga, thị trấn Cẩm Khê, huyện Cẩm Khê được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 2733/QĐ-BVHTTDL ngày 30 tháng 9 năm 2020.

11. Lễ hội đình Hùng Lô, xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì

     Đình Hùng Lô còn gọi là đình Xốm được dựng vào khoảng năm 1697 dưới thời vua Lê Hy Tông để thờ các vị Vua Hùng. Lễ hội đình Hùng Lô được tổ chức vào ngày mồng 9, mồng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm. Phần lễ có: tế lễ, rước kiệu, dâng hương tưởng niệm; phần hội có các trò chơi truyền thống: Kéo co, cờ tướng, thi gói bánh chưng...

 
 
     Lễ hội đình Hùng Lô, xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số số 70/QĐ- BVHTTDL ngày 12/01/2022.

12. Lễ hội đền Vân Luông, phường Vân Phú, thành phố Việt Trì.

     Lễ hội đền Vân Luông, phường Vân Phú, thành phố Việt Trì tổ chức hàng năm tại di tích quốc gia đền Vân Luông. Đền Vân Luông thờ các vị thần là Cao Sơn Đại Vương, Ất Sơn Đại Vương, Viễn Sơn Đại Vương và Tản Viên Sơn Thánh cùng phối thờ 2 vị thành hoàng bản thổ là Phúc Long thần và Hảo Long thần. Hàng năm đền Vân Luông có hai kỳ tiệc lệ: Kỳ chính vào ngày mồng 3 tháng Giêng là hội Cướp bông ném chài diễn lại cuộc đi săn đầu xuân của các Vua Hùng và kỳ tiệc vào ngày mồng 4 tháng 9 âm lịch là lễ hội mừng mùa bội thu của người Việt.
 


     Lễ hội đền Vân Luông, phường Vân Phú, thành phố Việt Trì được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số số 72/QĐ- BVHTTDL ngày 12/01/2022.
 
                                            Bài và ảnh: Thanh Thủy - Phòng Quản lý Di sản văn hóa
Các tin khác
Thông báo mới
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com