Thứ 6 | 07/02/2025

Vũ Trường Thành 

     Kinh tế du lịch là ngành kinh tế dịch vụ, ngành kinh doanh hoạt động lĩnh vực cung ứng sản phẩm du lịch, thỏa mãn nhu cầu vật chất và tinh thần của du khách, nhằm đem lại lợi ích kinh tế, chính trị, xã hội thiết thực cho nước làm du lịch và bản thân doanh nghiệp du lịch. Kinh tế du lịch là ngành công nghiệp không khói, ngành sản xuất phi vật chất nhưng mang lại những giá trị vật chất và tinh thần rất cao. Kinh tế du lịch còn là một loại hình kinh tế có tính đặc thù mang tính dịch vụ, nó phản ánh bước tiến mới của lực lượng sản xuất trong quá trình tổ chức khai thác các tài nguyên du lịch của đất nước thành sản phẩm du lịch nhằm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, tổ chức buôn bán, xuất nhập khẩu tại chỗ hàng hóa và dịch vụ cho khách du lịch, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần con người, thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển.
     Du lịch Việt Nam phát triển trên nền tảng là nền văn hóa hiện đại, tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Các hoạt động du lịch đều được hướng vào những nội dung nhằm bảo tồn, quảng bá và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống. Các di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật, làng nghề và sản phẩm nghề thủ công truyền thống, những tinh hoa văn hóa dân tộc được khai thác giới thiệu với du khách trong nước và quốc tế. Các lễ hội truyền thống, những môn nghệ thuật dân gian và những giá trị văn hóa phi vật thể khác luôn là những chủ đề nghiên cứu, xây dựng, để những tài nguyên văn hóa đó thực sự trở thành những sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc. Khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam đã có được những ấn tượng tốt đẹp về đất nước, con người và nền văn hóa Việt Nam. Việt Nam được nhìn nhận là một điểm đến “tiềm ẩn” thân thiện và an toàn cho du khách.
Nâng cao hiệu quả kinh tế du lịch di sản văn hoá sẽ làm tăng thu nhập quốc dân, tăng GDP. Phát triển du lịch di sản sẽ góp phần tạo nên thu nhập quốc dân, làm tăng nguồn thu cho nhà nước do các doanh nghiệp đóng góp từ các hoạt động như sản xuất đồ lưu niệm, chế biến lương thực thực phẩm, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật,…Khách du lịch cũng có nghĩa vụ phải nộp các loại thuế (trực tiếp và gián tiếp đối với hàng hoá dịch vụ).
     Mỗi di sản văn hoá (cả vật thể và phi vật thể) đều mang trong mình những nội dung riêng biệt, phản ánh những đặc trưng tiêu biểu, lưu giữ những nét đặc sắc trong phong tục tập quán gắn với mỗi tộc người ở mỗi cộng đồng dân cư. Xét trên toàn lãnh thổ Việt Nam với 54 dân tộc anh em, chúng ta có một bức tranh di sản văn hoá nhiều sắc màu, đa dạng và độc đáo. Ngày nay, khi nhu cầu về du lịch nhân văn tìm hiểu về di tích, lễ tục ngày càng tăng thì di sản văn hoá đương nhiên trở thành nguồn tài nguyên của du lịch. Đây là nguồn tài nguyên dồi dào giúp tạo nên những sản phẩm du lịch phong phú đáp ứng nhu cầu của con người, là cơ sở để đẩy mạnh phát triển kinh tế du lịch.
Di sản văn hoá khi được khai thác như một nguồn tài nguyên du lịch sẽ tạo ra những giá trị hữu hình cho du khách khi tham gia sử dụng sản phẩm du lịch, như: tắm nước khoáng chữa bệnh, du ngoạn cảnh chùa trên núi, xem một lễ hội cổ truyền,…Và cũng đồng thời tạo ra giá trị vô hình là sự thoải mái, sự bổ sung tri thức về cảnh quan, về phong tục… cho du khách khi thoả mãn được nhu cầu được khám phá, được thưởng thức trong hành trình du lịch của mình. Với những di sản văn hoá đặc sắc, nếu có chế độ khai thác hợp lý, chuyển tải được thành sản phẩm du lịch hấp dẫn còn có thể tạo ra cho du khách mong muốn được tìm hiểu sâu hơn, khám phá rộng hơn - đó không chỉ là thước đo cho sự thành công của sản phẩm du lịch, mà còn là cơ sở để xác định tiêu chí cho việc bảo vệ và tôn tạo di sản văn hoá, đồng thời xây dựng chiến lược phát triển kinh tế du lịch bền vững tại địa phương.
     Một số nước trên thế giới và địa phương trong nước có những chính sách và hoạt động bảo tồn, khai thác di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế du lịch rất hiệu quả:
     Đối với thế giới: Thông thường, những nước có nền văn hoá phát triển lâu đời với những nét văn hoá độc đáo là những quốc gia có sức thu hút lớn với khách du lịch. Nhưng ở một vài nước, các điểm du lịch, các di sản văn hóa có thể không nhiều, không có gì thật đặc sắc nhưng vẫn đạt được hiệu quả cao trong phát triển kinh tế du lịch vì họ đã biết khai thác sinh động các di sản đó, làm nổi bật được tính độc đáo của nó trong sự tiếp nhận của khách du lịch nên hiệu quả khai thác các di sản văn hóa, các điểm du lịch đó lại rất cao. Đây cũng là một bài học để du lịch Việt Nam quan tâm, tìm hiểu và học tập.
     Québec, một thành phố nằm bên dòng sông Saint Laurent (là một trong những di sản văn hóa thế giới của Canada), đến nơi đây, du khách sẽ bị quyến rũ bởi nét đặc trưng giao lưu văn hóa Pháp - Canada đã được phát hiện từ thuở xa xưa. Đến thành phố này, thú vị nhất là đi xe ngựa để thăm thành phố. Nhiều khu phố ở Québec vẫn còn nguyên dáng vẻ của thế kỷ XIX. Màu sắc cổ kính của những con đường, những khu phố chật hẹp gợi nhớ đến quá khứ, đồng thời chào mời giới thiệu một thế giới thanh lịch, duyên dáng hiện tại. Có thể nói, đó là một thành phố cổ xưa của nước Pháp với nhiều quán ăn, cửa hàng, cửa hiệu mang dáng dấp châu Âu ở xứ Bắc Mỹ. Đến với khu phố thương mại cổ - khu Petit Champlain du khách sẽ thấy hàng quán kéo dài từ bến cảng cũ cho đến khu hoàng gia. Du khách sẽ lạc vào một cảnh buôn bán của thế kỷ XV - XVII xa xưa được dựng lại. Nơi đây cũng có nhiều viện bảo tàng, nhiều khách sạn mini được phục vụ với phong cách "ngược dòng thời gian". Đặc biệt là di sản tôn giáo - nhà thờ thánh Anne. Nhà thờ này được lập ra trên núi cao từ năm 1658.
      Du khách từ mọi miền thế giới hành hương về đây ngày một nhiều, do ngành du lịch địa phương đã biết phát huy lợi thế biến nơi đây thành một bản sao của thành Jerusalem với con đường, thành quách, với đồi Thánh giá - nơi Chúa bị hành hình. Tất cả đã làm hài lòng những du khách Thiên Chúa giáo. Québec còn là quê hương của hội hè, mỗi năm có đến hàng triệu lượt khách đến Québec để du lịch, vui chơi tiêu xài và giao lưu hội ngộ.
     Thánh địa Borobudur của Indonesia toạ lạc giữa vùng đồng bằng bao la, cách thành phố Yogyakarta 42km về phía đông bắc, là một công trình Phật giáo lớn nhất thế giới. Ngôi đền được xây dựng vào khoảng từ năm 750 - 850. Nhìn từ trên cao, Thánh địa mang hình của một ngọn tháp đối xứng đồ sộ. Quy mô của ngôi đền cho thấy vai trò to lớn của Phật giáo lúc bấy giờ, thế là Borobudur với tư cách một khu đền tháp Phật giáo bị chôn vùi trong quên lãng hơn 800 năm. Hiện nay sau khi hồi sinh Borobudur đã trở thành một di sản thế giới, phục vụ tham quan, nghiên cứu và du lịch của du khách khắp nơi trên thế giới.
      Kyoto, một trong những thành phố lớn nhất Nhật Bản nằm cách Tokyo 360km về phía Tây được xây dựng vào năm 794 và được giữ làm thủ đô của Nhật Bản trong suốt 1.100 năm. Mãi tới năm 1868 chính phủ Minh Trị mới chọn Tokyo làm thủ phủ mới. Trong 1.100 năm ấy, Kyoto luôn có vai trò quan trọng đối với đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa Nhật Bản. Đây là cái nôi nuôi dưỡng nền mỹ thuật, học vấn và văn nghệ độc đáo của đất nước mặt trời mọc. Một trong những di tích lịch sử đã trở thành địa điểm hấp dẫn nhất phải kể đến là Kim Các tự (Kim - ka - ku - ji) tức chùa vàng. Ngôi chùa này nằm ở phía bắc Kyoto, chùa được mạ hoàn toàn bằng vàng, luôn luôn lấp lánh rực rỡ. Có thể nói thành phố Kyoto với chùa vàng nổi tiếng, thành phố Kawagoe với đô thị cổ Ichibangai đều là những điểm du lịch có sức thu hút mạnh mẽ với du khách và với những ai mong muốn được đặt chân tới đất nước mặt trời mọc.
     Kề cận gần sát chúng ta là đất nước Trung Hoa rộng lớn. Trong những năm tháng cải cách, mở cửa của Trung Quốc, có lẽ không có một ngành nào có tốc độ phát triển mạnh mẽ như ngành du lịch. Chuyện tự do đi ra nước ngoài du lịch đối với người dân Trung Quốc có thể nói mãi đến khoảng đầu những năm 80 của thế kỷ XX mới trở thành hiện thực, do bước đầu họ đã vượt qua sự khó khăn về kinh tế và những rào cản về quan niệm. Du lịch không chỉ là việc đi tìm thú vui chơi và tự do của người dân Trung Quốc, mà trên thực tế đã trở thành một trong những ngành kinh tế trụ cột. Về số lượng du khách nước ngoài, Trung Quốc đã được xếp vào top hàng đầu trong số các nước lớn về du lịch. Với một quốc gia có 5.000 năm lịch sử, với một nền văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, đồ sộ. Ngay từ những năm 1992, Trung Quốc đã tổ chức thành công "Năm du lịch Trung Quốc", và cho đến nay, mỗi năm Trung Quốc đều xác định một chủ đề du lịch, nhằm tuyên truyền với thế giới nguồn tài nguyên du lịch phong phú của mình, đặc biệt là nguồn tài nguyên du lịch văn hoá. Hiện nay Trung Quốc cũng là một trong số những quốc gia đứng đầu về danh sách có những di sản văn hóa nổi tiếng được UNESCO xếp vào danh mục di sản văn hóa thế giới...
      Đối với trong nước: Những năm qua, chính nhờ nguồn tài nguyên du lịch phong phú và đa dạng, mà ngành du lịch Việt Nam đã có được bước phát triển mạnh mẽ, đặc biệt từ trong những năm gần đây, đã tổ chức nhiều hoạt động cấp quốc gia, quốc tế, nhiều công trình, hàng loạt lễ hội, các tour du lịch văn hóa sinh thái, các tuần lễ văn hóa liên hoan du lịch, ẩm thực… được tổ chức khá chu đáo, công phu đã thu hút một lượng khách ngày càng lớn, cả khách nội địa và khách quốc tế. Trong các nguyên nhân tạo nên thành quả đó, cần phải nhấn mạnh đến việc khai thác ngày càng tốt hơn, hợp lý hơn các di sản văn hóa, các danh lam thắng cảnh để tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, đặc thù.
      Hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp lữ hành thường thiết kế các tour du lịch theo các hành trình có các điểm đến là những di sản văn hóa nổi danh. Ví dụ như tour du lịch đến Hà Nội là: Văn Miếu, Quốc Tử Giám, chùa Một Cột, Lăng và nơi ở của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chùa Trấn Quốc, bờ hồ, đền Ngọc Sơn, phố cổ, chùa Bà Đá, nhà thờ Lớn...Việc thiết kế các tour du lịch có các di sản văn hóa thực sự rất cần thiết, và là một trong những cơ sở quan trọng tạo nên sức hấp dẫn khách du lịch đến với Hà Nội, góp phần tích cực, có hiệu quả vào việc giới thiệu các giá trị văn hóa Hà Nội - Thăng Long, giá trị văn hóa Việt Nam với bạn bè thế giới. Hà Nội, với tư cách là một trung tâm quần cư của người Việt cổ, thông qua các kết quả có được từ công tác khảo cổ, lịch sử hình thành và phát triển các vùng quanh Hà Nội, ta thấy trên địa bàn Hà Nội hiện đang tồn tại hàng ngàn di tích lịch sử - văn hóa và di tích khảo cổ học, trong đó có nhiều di tích còn lưu giữ được những hiện vật cổ rất qúi giá, phản ánh lịch sử văn hóa từng vùng, từng địa phương và từng di tích. Trong chiều dài lịch sử hơn 1000 năm, Hà Nội gần như liên tục giữ vai trò kinh đô (trừ thời gian gián đoạn ngắn thời Tây Sơn và Nguyễn). Đây thực sự là một di sản văn hóa vô giá của dân tộc và khu Hoàng Thành Thăng Long đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới có ý nghĩa hết sức quan trọng là nâng cao vị thế của thủ đô Hà Nội, phát huy tác dụng sâu sắc trong giai đoạn truyền thống cũng như trong các hoạt động giao lưu văn hóa, phát triển du lịch.
       Ngoài ra tour du lịch đến Huế, một thành phố đã được Chính phủ Việt Nam quy hoạch là Thành phố du lịch Việt Nam, sau khi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa của nhân loại, thì khách du lịch trong và ngoài nước đến ngày càng nhiều, mở ra một tương lai tốt đẹp, nhất là qua các kỳ Festival Huế  từ 2000 đến nay ( tổ chức 2 năm một lần). Với phong cảnh tươi đẹp, địa hình hiểm trở, đã tạo cho Huế một vị trí đặc biệt trong lịch sử Việt Nam. Nơi đây đã được chúa Nguyễn Hoàng chọn làm kinh đô của xứ Đàng Trong (1558), vua Quang Trung chọn làm kinh đô của triều đại Tây Sơn (1788-1802), vua Gia Long chọn làm kinh đô của triều Nguyễn (1802-1945). Trong tiến trình lịch sử đó, Huế đã hình thành nên bề dày văn hóa vật thể và phi vật thể, cùng những quần thể kiến trúc đồ sộ, với những cung điện, lăng tẩm, thành quách, đền đài, miếu đường nguy nga, lộng lẫy, những phong tục tập quán, lễ hội, văn hóa nghệ thuật, làng nghề thủ công truyền thống... tất cả đã tạo cho Huế một giá trị văn hóa đặc trưng, một bản sắc riêng độc đáo, hấp dẫn để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách.
       Huế là một trong những trung tâm của du lịch Bắc Trung Bộ, nằm giữa khu vực có nhiều di sản nổi tiếng như Phong Nha - Kẻ Bàng, Quảng Trị, Hội An, Mỹ Sơn. Ngoài ra, Huế cũng nằm tại trọng điểm của tuyến du lịch quốc gia xuyên Việt, đồng thời nằm trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây nối liền Việt Nam với các quốc gia láng giềng: Lào, Thái Lan, Myanma. Như vậy, trong tương lai gần cùng với Đà Nẵng, Huế không chỉ là trung tâm kinh tế, văn hóa, du lịch quan trọng trong nước mà còn của cả khu vực.
       Nằm ở duyên hải miền Trung, cùng với Đà Nẵng, Quảng Nam là một vùng đất vốn có truyền thống văn hóa từ lâu đời, vừa giàu sức hội tụ, kết tinh, vừa giàu khát vọng giao tiếp hướng tới cái mới. Được mệnh danh là mảnh đất của “Ngũ phụng tề phi, Tứ linh nhân kiệt", Quảng Nam từng là nơi hội tụ, giao lưu văn hóa với thương cảng quốc tế Hội An nổi tiếng một thời. Do những đặc thù về địa lý - lịch sử, địa lý - nhân văn, vùng đất Quảng xưa và tỉnh Quảng Nam ngày nay đã trở thành một trong những trung tâm văn hóa và du lịch, với sự phong phú, đa dạng của các di sản văn hoá.
Một trong những điểm nổi trội nhất là trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có hai di sản văn hóa thế giới cùng được UNESCO công nhận vào thời điểm cuối năm 1999, đó là khu di tích Mỹ Sơn và khu phố cổ Hội An. Điều này đã góp phần không nhỏ vào việc tôn vinh vị thế của đất nước và dân tộc ta, làm rạng rỡ truyền thống văn hiến và văn minh Việt Nam nói chung, và những giá trị văn hóa đặc trưng của tỉnh Quảng Nam nói riêng.
        Đặc biệt, đến nay Hội An là di sản văn hóa thế giới duy nhất ở Việt Nam được UNESCO Châu Á - Thái Bình Dương trao tặng nhiều giải thưởng: Giải thưởng dự án kiệt xuất về hợp tác bảo tồn đô thị cổ của Hội An; Giải thưởng phát triển du lịch và bảo tồn di sản văn hoá; Giải thưởng bảo tồn làng mộc truyền thống Kiêu Bồng, mới đây, Giải thưởng World’s Best Awards 2024 của tạp chí du lịch nổi tiếng hàng đầu Travel+Leisure đã công bố danh sách 25 thành phố được yêu thích nhất thế giới và danh sách 25 thành phố được yêu thích nhất châu Á do độc giả bình chọn, trong đó Hội An vinh dự lần lượt đứng ở vị trí thứ 4 và thứ 3 trong hai hạng mục này...
        Chỉ tính riêng thành phố Hội An đã có một khối lượng di tích khá lớn, gồm chùa chiền, nhà cổ, hội quán, bảo tàng, nhà thờ họ, di tích lịch sử, danh thắng... Hầu hết các di tích này được xây dựng vào thế kỷ XIX. Nét trầm mặc, cổ kính của những mái nhà rêu phong, nét thanh bình của những con phố nhỏ, ánh đèn lồng lung linh, huyền ảo, những đêm rằm phố cổ đã và đang thu hút rất đông du khách đến chiêm ngưỡng. Bên cạnh phố cổ Hội An là khu di tích Mỹ Sơn, khu tháp cổ có giá trị và kiến trúc hết sức độc đáo, chứa đựng nhiều bí ẩn kỳ lạ.
       Bài học kinh nghiệm rút ra cho tỉnh Phú Thọ
       Phú Thọ là một địa phương có một nguồn tài nguyên du lịch nhân văn giàu giá trị cả về văn hóa vật thể và phi vật thể. Hệ thống di sản văn hóa có thể nói là có nhiều điểm hết sức đặc biệt, mang tính lâu đời và đại diện của dân tộc và đất nước. Đặc biệt có di tích lịch sử Đền Hùng thuộc hàng đầu trong các di tích đặc biệt quan trọng của quốc gia và “Hát Xoan Phú Thọ” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XIX  nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra nhiệm vụ và giải pháp: Chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử và các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể phục vụ giáo dục truyền thống và gắn với phát triển du lịch bền vững, do vậy muốn đạt được mục tiêu đề ra, với kinh nghiệm của các nước và các địa phương như đã nêu trên thì việc xác định sản phẩm, loại hình du lịch Phú Thọ đặc trưng và chất lượng cao trên cơ sở phát huy giá trị tài nguyên du lịch độc đáo, đặc sắc, có thế mạnh nổi trội là du lịch văn hóa cội nguồn, tham quan các di tích lịch sử, hay du lịch tâm linh là rất quan trọng.

Hát Xoan tại đình Hùng Lô, thành phố Việt Trì

     Muốn vậy, phải xây dựng các chương trình, quy hoạch, các đề án, dự án cụ thể để tạo được sản phẩm du lịch độc đáo, đặc trưng có chất lượng cao thực sự trên cơ sở trùng tu, tôn tạo, tu bổ các di tích lịch sử văn hóa bảo tồn được những giá trị nguyên gốc. Từ những kinh nghiệm của các địa phương nêu trên, Phú Thọ có thể nghiên cứu bảo tồn các di sản văn hóa gắn, chọn lọc các di tích tiểu biểu để quy hoạch đầu tư gắn với phát triển du lịch trên cơ sở nghiên cứu các dự án, phương án trùng tu, tôn tạo bảo tồn giá trị nguyên bản. Bên cạnh đó, trong công tác trùng tu cho phép có các hạng mục hiện đại như nơi ở, công trình vệ sinh, khu dịch vụ nhưng phải đảm bảo yếu tố thẩm mỹ và tôn trọng không gian tâm linh của di tích. Khách du lịch thường bị thu hút bởi các giá trị mang tính nguyên bản của di sản. Vì vậy, bất kể một sự can thiệp nào làm biến dạng, đổi khác về mặt vật thể hay làm sai lệch các giá trị phi vật thể cũng sẽ gây tâm lý phản cảm. Như thế, vô hình chung, hoạt động du lịch sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

     Hạng mục Bức tường di sản trong dự án ĐTXD bảo tồn, tôn tạo khu di tích Khảo cổ học Làng Cả, thành phố Việt Trì

      Quy hoạch hệ thống và kết hợp các điểm đến du lịch quốc gia và địa phương, hệ thống tuyến du lịch liên vùng, hình thành các cụm và trung tâm du lịch, đan xen du lịch tâm linh với các loại hình du lịch khác trong tour cũng sẽ là cơ hội tốt để phát triển thị trường du lịch của tỉnh. Cùng với các tỉnh vùng Tây Bắc và tỉnh lân cận, xây dựng tuyến du lịch tâm linh dọc sông Hồng – sông Chảy, kết nối hệ thống các đền, chùa dọc sông Hồng, sông Chảy thành tuyến du lịch tâm linh phục vụ du khách như tuyến Đền Hùng - Đền mẫu Âu Cơ (Phú Thọ) – Chùa Am - Đền Đông Cuông - Đền Nhược Sơn (Yên Bái) - Đền Bảo Hà - Đền Thượng - Đền Bắc Hà (Lào Cai) - Đền Đại Cại - Đền Thác Bà (Yên Bái)…
       Du lịch và văn hóa luôn có những mối liên hệ bền vững, tương tác lẫn nhau. Ngày nay du lịch văn hóa là một xu hướng mạnh mang tính toàn cầu, trong đó văn hóa trở thành nội hàm, động lực để phát triển du lịch bền vững; giá trị văn hóa khiến sản phẩm du lịch mang đậm nét độc đáo, nhân văn, được coi là nguồn tài nguyên du lịch đặc biệt hấp dẫn. Nếu như tài nguyên thiên nhiên thu hút du khách bởi sự hoang sơ, hùng vĩ, độc đáo và hiếm hoi của nó, thì tài nguyên du lịch nhân văn thu hút du khách bởi tính phong phú, đa dạng, độc đáo và tính truyền thống cũng như tính địa phương của nó. Các đối tượng văn hóa, tài nguyên du lịch nhân văn là cơ sở để tạo nên các loại hình du lịch văn hóa phong phú, nó đánh dấu sự khác nhau giữa nơi này với nơi khác, quốc gia này với quốc gia khác, dân tộc này với dân tộc khác và là yếu tố thúc đẩy động cơ du lịch của du khách, kích thích quá trình lữ hành và phát triển kinh tế du lịch./.

                                                                                                           Phú Thọ, 10/2024

Các tin khác
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com