Thứ 6 | 09/03/2018
Quán triệt Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) và Chương trình hành động số 27- CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”; những năm qua, hoạt động văn học, nghệ thuật của huyện miền núi Thanh Sơn đã có bước phát triển mới và sâu rộng, thu hút đông đảo các nghệ sĩ, nhân dân tham gia sáng tác. Nhờ đó việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật được triển khai tích cực, các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc ngày càng được chú trọng, bảo tồn và phát huy.
      Để Nghị quyết đi vào chiều sâu, huyện Thanh Sơn đã tập trung triển khai đến các cán bộ, đảng viên và nhân dân nhất là các văn nghệ sĩ, trí thức trong huyện các nội dung về phát triển sự nghiệp văn hóa, nghệ thuật phù hợp với thực tế từng địa phương, đơn vị. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Toàn dân xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; tuyên truyền dưới nhiều nội dung, hình thức phong phú, tạo mọi điều kiện cho cơ sở tham gia bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa.
Đóng góp quan trọng vào hoạt động văn học nghệ thuật, Hội Văn học Nghệ thuật huyện Thanh Sơn luôn tạo điều kiện cho hội viên sáng tác những tác phẩm mang nhiều chủ đề, nhiều lĩnh vực trong đời sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân. Trong 10 năm (từ năm 2008 đến nay), Hội Văn học Nghệ thuât huyện có nhiều hội viên đã xuất bản các tác phẩm đặc sắc như: Tập thơ "Kiến con" viết cho thiếu nhi của tác giả Tùng Minh; Tự truyện "Giọt thời gian" của NGUT Đinh Văn Sa; Tập truyện ngắn học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh "Đường mới mùa Xuân" của Nhà văn Vũ Quốc Khánh. Đây là những tác phẩm dày dặn, có giá trị Văn học và Chính trị, nhằm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, phục vụ bạn đọc mang tính nhân văn cao.
Bên cạnh đó, Tập san Văn nghệ Vân Sơn Hội của Hội đã xuất bản và phát hành được 21 số với 6.200 bản in, đăng tải 1.355 bài thơ, 77 truyện ngắn, 46 bài giới thiệu phê bình văn học, 32 bài giới thiệu văn hóa địa phương, 514 ảnh tư liệu và ảnh nghệ thuật, 44 ca khúc của các văn nghệ sỹ trong Hội. Nhiều hội viên tiêu biểu tham gia cuộc vận động viết làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh do Hội Liên hiệp VHNT tỉnh tổ chức; cuộc thi truyện ngắn năm 2017 chủ đề "Dấu ấn quê hương, con người Yên Bái, Phú Thọ, Lào Cai"; cuộc thi Liên hoan ảnh khu vực Miền núi phía Bắc lần thứ XVII đạt giải cao.
Cùng với việc duy trì hoạt động của Hội VHNT, huyện Thanh Sơn luôn khuyến khích, động viên mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thành lập các đoàn nghệ nhân dân gian các dân tộc tham gia sự kiện văn hóa của tỉnh tổ chức như: Chương trình về miền lễ hội cội nguồn dân tộc, Giỗ Tổ Hùng Vương- Lễ hội Đền Hùng; Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc… với các hoạt động: cồng chiêng, đâm đuống, các hoạt động hội trại văn hóa, thi đấu các môn thể thao truyền thống, các điệu hát ví, hát rang, múa truyền thống của đồng bào dân tộc. Định hướng các xã, thị trấn cũng thường xuyên tổ chức giao lưu văn nghệ quần chúng trong các ngày Tết cổ truyền dân tộc, đám cưới và các lễ hội truyền thống của đồng bào: thi hát ví, hát giang, múa mỡi, múa trống đu, múa sênh tiền; duy trì các CLB văn hóa, văn nghệ; các lớp dạy ngôn ngữ dân tộc ... Đặc biệt, CLB Hát Xoan và dân ca Phú Thọ thị trấn Thanh Sơn với hơn 50 thành viên đã tạo sức lan tỏa trong nhân dân. Trong các trường  học trên địa bàn huyện thành lập các CLB Hát Xoan truyền dạy cho thế hệ trẻ, nỗ lực góp phần đưa “Hát Xoan Phú Thọ” là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Mới đây, huyện ban hành "Đề án kiểm kê, sưu tầm, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường giai đoạn 2017- 2020, định hướng đến năm 2025 trên địa bàn huyện Thanh Sơn" càng tạo động lực cho sự phát triển văn hóa dân tộc trên địa bàn.
  
 
Lãnh đạo Hội VHNT tỉnh Phú Thọ trao giải thưởng sáng tác cho các cá nhân của Hội trong năm 2017
 
Tuy nhiên, vẫn còn một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa thực sự quan tâm đúng mức đến công tác văn học, nghệ thuật. Công tác quản lý nhà nước văn học, nghệ thuật có lúc, có nơi còn hạn chế. Việc phối hợp giữa các đơn vị, cơn quan chưa được thường xuyên và chủ động. Trên lĩnh vực sáng tác chưa có tác phẩm thật sự xuất sắc, xứng tầm với sự nghiệp cách mạng và công cuộc đổi mới của quê hương, đất nước. Hoạt động văn nghệ quần chúng phát triển đã phát triển bề rộng, nhưng thiếu tính chất chuyên sâu.
Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khoá X), Chương trình hành động số 18-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ trong cán bộ, đảng viên, và nhân dân, nhất là đội ngũ văn nghệ sĩ; tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng và công tác quản lý Nhà nước của chính quyền đối với hoạt động văn học, nghệ thuật; tổ chức nhiều hoạt động văn học, nghệ thuật phong phú, đa dạng. Đẩy mạnh hoạt động sáng tác trong lực lượng hội viên và Nhân dân; đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hoá của các dân tộc trên địa bàn; tăng cường hoạt động giới thiệu, quảng bá tác phẩm nhằm đưa văn học, nghệ thuật đến mọi vùng, mọi đối tượng trong nhân dân./.

Phùng Huyền Trang
(UBND huyện Thanh Sơn)
Các tin khác
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com