Thứ 2 | 14/11/2022
Bài và ảnh: Hương Giang
Phòng Văn hoá- Thông tin huyện Thanh Sơn
     
     
Nằm trong tổng thể “bức tranh” văn hóa dân tộc thiểu số của tỉnh Phú Thọ, đồng bào các dân tộc huyện Thanh Sơn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc.

     Thanh Sơn là huyện miền núi của tỉnh Phú Thọ diện tích tự nhiên toàn huyện là 62.110,4 ha, gồm 23 xã, thị trấn; dân số trên 13 vạn người với 32 dân tộc cùng sinh sống trong đó có trên 60% đồng bào dân tộc thiểu số. Trong những năm qua, huyện tiếp tục huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các thành phần kinh tế và tầng lớp nhân dân; khai thác, phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng, an ninh, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, tạo nền tảng vững chắc nâng cao đời sống của nhân dân các dân tộc trên địa bàn.
 

     Với những giá trị văn hóa cần được bảo tồn, phát huy phát huy bền vững trong đời sống cộng đồng, năm 2017, huyện Thanh Sơn đã triển khai “Đề án kiểm kê, sưu tầm, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025”.  Đến năm 2021, huyện tiếp tục ban hành Nghị quyết về tiếp tục bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường và các dân tộc thiểu số khác trên địa bàn huyện Thanh Sơn giai đoạn 2021- 2025, đã nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng của mọi tầng lớp nhân dân và đã thu hút đông đảo các địa phương, các ngành triển khai thực hiện. Thành lập 127 CLB văn hóa dân tộc tại các xã, khu dân cư và trường học; bảo tồn được 634 chiếc chiêng; 123 bộ nhạc cụ khác; trên 1000 bộ trang phục; 115 nhà sàn truyền thống trong cộng đồng; 8 nhà sàn truyền thống tại các xã và nhiều đồ dùng công cụ, lao động, sản xuất, sinh hoạt của đồng bào các dân tộc. Đã bước đầu khôi phục trang phục dân tộc để cán bộ và nhân dân có thói quen mặc trang phục dân tộc trong các dịp lễ, hội.

     Cùng với đó, đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện còn có những lễ hội đặc sắc, hàng năm tại 11 di tích lịch sử văn hoá đều tổ chức lễ hội truyền thống với nhiều hoạt động khơi dậy sự tham gia của cộng đồng. Ngoài ra còn có một số lễ hội gắn với các lễ tết khác trong năm như: Tết cổ truyền, tết Hàn thực mùng 3 tháng Ba, tết hạ điền, tết mùng 7 tháng 7 Tết Cầu lá lúa, tết cơm mới mùng 10 tháng Mười…của người Mường; lễ hội cầu mùa, lễ hội nhảy lửa, lễ hội tết nhảy…của đồng bào dân tộc Dao. Đặc biệt, đồng bào dân tộc Mường còn tổ chức nhiều lễ hội gắn với tiếng cồng, tiếng chiêng vang vọng, đánh thức núi rừng. Tiếng cồng, tiếng chiêng có mặt trong mọi mặt của đời sống, vang lên khi một đứa trẻ người Mường sinh ra, khi có người Mường mất... Văn hóa cồng chiêng đã được sáng tạo, lưu truyền trong đời sống cộng đồng người Mường hàng nghìn năm, góp phần quan trọng làm nên bản sắc văn hóa của dân tộc Mường.

     Trong số lễ hội tiêu biểu của dân tộc Mường Thanh Sơn, phải nhắc đến lễ hội Tết  cơm mới. Tết cơm mới hay còn gọi là lễ mừng cơm gạo mới được tổ chức vào ngày 10.10 âm lịch hằng năm. Trước lễ vài ngày, các thanh niên chưa lập gia đình tập trung gặt lúa tại ruộng hương hỏa của nhà Mường, ông Lang (Mường) làm mâm cúng tạ ơn trời đất tại đình. Sau lễ cúng, các hộ mới được gặt lúa tại ruộng nhà mình, xay giã, nấu cơm mới, làm lễ cúng tổ tiên với ý nghĩa mời và cầu mong tổ tiên phù hộ mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. 

     Năm 2022, thực hiện Quyết định số 2072/QĐ-BVHTTDL ngày 31/8/2022 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc tổ chức bảo tồn lễ hội truyền thống tiêu biểu các dân tộc thiểu số năm 2022, huyện Thanh Sơn tổ chức bảo tồn, phát huy Tết cơm mới tại khu Di tích lịch sử Đình Khoang, xã Hương Cần với đầy đủ các nghi lễ và các hình thức diễn xướng, trò chơi dân gian như diễn tấu cồng chiêng, múa sênh tiền, trống đất, hát ví, kéo co, bắn nỏ.

     Việc phục dựng, bảo tồn Tết cơm mới của đồng bào dân tộc Mường nói riêng và bảo tồn, phát huy lễ hội truyền thống nói chung là hoạt động nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và ý thức bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc của các chủ thể văn hóa và các tổ chức, cá nhân có liên quan; khơi dậy niềm tự hào, tinh thần đoàn kết trong cộng đồng dân tộc. Đồng thời giữ gìn bản sắc văn hóa, bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể; xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch tại địa phương; phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của nhà nước, xã hội và cộng đồng vào công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.

     Thời gian tới, để bảo tồn giá trị văn hoá truyền thống tiêu biểu các dân tộc thiểu số gắn với phát huy hiệu quả các mô hình du lịch cộng đồng, huyện sẽ tăng cường tuyên truyền, quảng bá xúc tiến du lịch các vùng dân tộc thiểu số, nghiên cứu, khảo sát tiềm năng du lịch, lựa chọn xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chú trọng ưu tiên hỗ trợ các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn phát triển nguồn nhân lực du lịch tại khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tham mưu về việc xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, vận động bà con giữ gìn những giá trị văn hóa đặc sắc để du lịch trở thành nguồn sinh kế bền vững.

 
Một số hình ảnh tại Tết cơm mới năm 2022 tại khu Di tích lịch sử Đình Khoang, xã Hương Cần
  
Tạ ơn Thần linh cho buổi lễ Tết cơm mới được thành công
   


Diễn tấu cồng chiêng mừng ngày hội
   
Múa vui ngày hội của CLB văn hoá dân tộc Mường xã Hương Cần
  
Múa trống đất- nghệ thuật diễn xướng dân gian đặc sắc của người Mường
  
Náo nhiệt trò chơi kéo co tại lễ hội
 
Trò chơi dân gian đẩy gậy
Các tin khác
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com