baophutho.vnChuyển đổi số đang là xu hướng phổ biến và là yêu cầu tất yếu, khách quan đối với sự phát triển trong mọi lĩnh vực. Với những giải pháp đồng bộ được tỉnh triển khai thời gian qua đã đẩy mạnh việc chuyển đổi số ở cả bề rộng lẫn chiều sâu trên ba trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Công ty Điện lực Phú Thọ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số nhằm tối ưu hóa công tác quản lý, kinh doanh, chăm sóc khách hàng.
Hiệu quả từ Nghị quyết số 55
Sau gần 3 năm thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TU, ngày 13/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Đề án phát triển chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, với sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ theo ba trục: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Đến nay, đã hoàn thành 4/6 mục tiêu đến năm 2025 là: 100% thủ tục hành chính (TTHC) đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình; 81,8% hồ sơ TTHC được tiếp nhận, giải quyết trực tuyến; 95% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, cấp huyện, 75% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng, trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật Nhà nước; 100% công tác báo cáo được thực hiện trên hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh, Quốc gia. Có 2 mục tiêu đảm bảo tiến độ Nghị quyết đề ra là: 80% các cơ quan Nhà nước triển khai hiệu quả hệ thống điện tử lãnh đạo, quản lý, điều hành, giám sát công việc; xây dựng, kết nối liên thông chia sẻ cơ sở dữ liệu (CSDL): Hoàn thành xây dựng kết nối liên thông CSDL Quốc gia về dân cư, đăng ký kinh doanh, bảo hiểm, tài chính, cán bộ, công chức, viên chức. Đang triển khai xây dựng, hoàn thiện CSDL đất đai, hộ tịch, giáo dục, văn hóa, thể thao và du lịch, thông tin và truyền thông, lao động việc làm.
Trong 6 tháng đầu năm, tỷ lệ hồ sơ TTHC tiếp nhận, giải quyết trực tuyến đạt 81,5%, trong đó tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình đạt 41,1%; 100% dịch vụ công trực tuyến toàn trình được tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia; 73,0% hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC được số hóa; tỷ lệ dân số có điện thoại thông minh đạt trên 86,5%; 100% xã, phường, thị trấn thành lập tổ công nghệ số cộng đồng với 2.356 tổ, 7.454 thành viên.
Hiện nay, tỉnh đã hoàn thành cung cấp 25/25 dịch vụ công theo quy định, việc xác thực, đồng bộ, chuẩn hóa thông tin người tham gia BHXH, BHYT, BHTN với CSDL Quốc gia về dân cư đạt 97,42%; đẩy mạnh thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt với 73,9% người dân, doanh nghiệp có tài khoản thanh toán điện tử; chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt đạt tỷ lệ 26,5%, chi trả lương hưu hàng tháng qua thẻ ATM tại khu vực đô thị đạt 27,1%...
Chị Đặng Thị Thúy Nga, phường Hùng Vương, thị xã Phú Thọ chia sẻ: “Hiện, tôi và nhiều đồng nghiệp đều thực hiện nộp hồ sơ TTHC bằng hình thức trực tuyến thay vì đến UBND các cấp, đặc biệt việc thanh toán tiền điện, nước, nộp tiền học cho con cũng đều chuyển khoản, các thao tác đơn giản, thuận tiện mà không mất thời gian đi lại, chờ đợi”.
Có thể thấy, các CSDL Quốc gia đã tạo nền tảng phát triển chính quyền số được xây dựng, hoàn thiện, đảm bảo kết nối liên thông, chia sẻ, thống nhất từ Trung ương tới địa phương. Kho dữ liệu và Cổng chuyển đổi số của tỉnh được triển khai xây dựng; các CSDL chuyên ngành được các cơ quan, đơn vị tích cực triển khai, từng bước đáp ứng yêu cầu khai thác, sử dụng trong các cơ quan Nhà nước. Đã cấp trên 1,3 triệu thẻ căn cước công dân, 949.371 tài khoản định danh điện tử, trong đó đã kích hoạt 871.351 tài khoản, hoàn thành việc nhập 1.183.176 dữ liệu hộ tịch trên nền CSDL Quốc gia về dân cư.
Hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng VssID của BHXH Việt Nam trên thiết bị di động.
Thúc đẩy kinh tế số phát triển
Cùng với xây dựng chính quyền số, xã hội số, phát triển kinh tế số là một trong những trục chính thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Việc sử dụng công nghệ số được áp dụng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế: Nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, sản xuất, phân phối hàng hóa... Bắt nhịp sự chuyển động chung của cả nước, ngành Nông nghiệp Phú Thọ đang đẩy mạnh chuyển đổi số, áp dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp từ sản xuất đến tiêu thụ. Đặc biệt, chuyển đổi số là giải pháp hiệu quả để kết nối cung cầu, giúp các sản phẩm nâng tầm giá trị, mở rộng thị trường, quảng bá rộng rãi hơn trên thị trường trong và ngoài nước.
Trang trại của anh Hà Quang Chung ở xã Minh Tân, huyện Cẩm Khê hiện nay không còn hình ảnh lao động thủ công cầm vòi đi dọc các luống dưa để tưới nước, bởi hơn 1.000m2 trồng dưa chuột Nhật Bản đã được đầu tư hệ thống nhà lưới cắt nắng, tưới phun mưa, công nghệ tưới nhỏ giọt hiện đại, áp dụng với bộ điều khiển tự động, tiết kiệm tối đa chi phí, nhân công. Anh Chung là một trong rất nhiều “nông dân 4.0” sớm nắm bắt cơ hội chuyển đổi số để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đẩy mạnh tiêu thụ trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, giúp thị trường tiêu thụ nông sản được mở rộng.
HTX Chè Cẩm Mỹ, xã Tất Thắng, huyện Thanh Sơn cũng dần thay đổi tư duy, bắt kịp xu thế chuyển đổi số trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên các nền tảng số. Bà Nguyễn Thị Cẩm Mỹ - Phó giám đốc HTX cho biết: HTX đang có hơn 15ha chè sản xuất đạt chứng nhận VietGAP. Cùng với nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm chè hữu cơ, HTX đã đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm qua các kênh thương mại điện tử, trên mạng xã hội, nhờ đó lượng khách ở các tỉnh, thành phố khác biết đến, đặt hàng chè xanh Cẩm Mỹ ngày càng tăng.
Không chỉ trong lĩnh vực nông nghiệp, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đẩy mạnh đổi mới mô hình, áp dụng chuyển đổi số vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tương tác với thị trường và khách hàng, đáp ứng yêu cầu phát triển, bắt kịp xu thế phát triển hiện nay.
Công ty CP gốm sứ CTH (thị xã Phú Thọ) đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để tạo sự khác biệt, đột phá trong điều hành ở cả 3 lĩnh vực quan trọng là: Nhân sự, chiến lược, quản trị của doanh nghiệp. Hiện tại, các sản phẩm gạch men cao cấp của Công ty đang xuất khẩu sang Mỹ, Úc, Đài Loan (Trung Quốc)... Từ quy trình quản lý chất lượng sản phẩm đến giải quyết các chế độ cho người lao động được Công ty số hóa để phân tích, làm cơ sở đưa ra những quyết định chính xác, kịp thời. Đặc biệt, dữ liệu được kiểm soát từ nguồn, các bước nghiệp vụ được thực hiện gần như tự động, tiết kiệm nhiều thời gian, chi phí, đáp ứng được yêu cầu khắt khe với khách hàng quốc tế vì họ rất quan tâm sự chuyên nghiệp, minh bạch của hệ thống quản trị, chế độ, chính sách đối với người lao động cũng như định hướng phát triển của Công ty.
Không chỉ ở Công ty CP gốm sứ CTH mà nhiều doanh nghiệp đã ứng dụng hệ thống phần mềm quản lý sản xuất, quản trị tổng thể doanh nghiệp. Hiện một số doanh nghiệp của tỉnh đã áp dụng hệ thống quản lý sản xuất thông minh để tối ưu hóa quy trình, giảm thiểu lãng phí. Các công nghệ theo dõi, phân tích dữ liệu từ các quy trình sản xuất giúp họ dễ dàng nhận biết, giải quyết sự cố phát sinh, đảm bảo chất lượng sản phẩm... Do đó, chuyển đổi số đang mang lại những thay đổi có tính chiến lược, là cơ sở, động lực giúp các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả quản trị, thúc đẩy tăng trưởng doanh thu, tạo được lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Phương Thanh
Dẫn nguồn: Chuyển đổi số để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển (baophutho.vn)