Thứ 5 | 23/06/2022
Nguyễn Thị Bạch Tuyết
Phòng Quản lý Văn hóa - Gia đình
 
     Gia đình có vai trò quyết định đối với sự hình thành và phát triển của xã hội. Những chuẩn mực giá trị tốt đẹp của gia đình được tiếp nhận, phát triển góp phần xây dựng, tô thắm, làm rạng rỡ thêm bản sắc văn hóa dân tộc.  Ngày nay xã hội chuyển động ngày một nhanh hơn, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế tạo ra nhiều cơ hội nhưng đồng thời đặt gia đình trước nhiều khó khăn, thách thức. Các giá trị truyền thống gia đình có nguy cơ xuống cấp; tình trạng ly thân, ly hôn ngày một gia tăng; sự xung đột giữa các thế hệ về lối sống và chăm sóc, các kỹ năng ứng xử của các thành viên trong gia đình có chiều hướng bị xem nhẹ; các loại văn hóa phẩm độc hại, ngoại lai không phù hợp, lối sống thực dụng đang len lỏi vào trong các gia đình... Vì vậy, vấn đề giáo dục truyền thống, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình luôn cần được quan tâm, chú trọng triển khai thực hiện.
 
 
Gia đình hạnh phúc, đoàn viên
 
     Hướng đến mục tiêu chung “Xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội”, trong những năm qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tích cực tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án “Tuyên truyền, giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, giai đoạn 2010-2020”; Chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đến năm 2030, qua đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các tầng lớp nhân dân trong việc giữ gìn, phát huy các giá trị đạo đức, lối sống tốt đẹp của gia đình; xây dựng hành vi ứng xử văn hoá, văn minh, tuân theo pháp luật, tôn trọng quy định quy ước; cung cấp kiến thức, kỹ năng nuôi dạy con tốt, kỹ năng, kiến thức giữ gìn hạnh phúc gia đình.

     Công tác tuyên truyền được triển khai bằng nhiều hình thức phong phú, thiết thực. Công tác giáo dục đời sống gia đình được các cấp uỷ đảng, chính quyền chú trọng, coi đây là nhiệm vụ quan trọng đối với công tác gia đình và được thực hiện lồng ghép vào các kế hoạch, chương trình liên quan về công tác gia đình, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”; phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc”, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Nhiều hoạt động đã được tổ chức cho gia đình, thành viên cùng tham dự để gắn chặt hơn các mối quan hệ gia đình nhân các ngày kỷ niệm: Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình, các hoạt động góp phần tôn vinh giá trị gia đình và giáo dục thế hệ trẻ về tầm quan trọng của gia đình trong việc chăm sóc, nuôi dạy con cái để hoàn thiện và trưởng thành về nhân cách. Vận động các gia đình tích cực tham gia thực hiện nếp sống văn minh, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dòng họ và dân tộc; xây dựng tình làng, nghĩa xóm, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, nhắc nhở nhau thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Vận động, xây dựng các phong trào, mô hình với mục tiêu xây dựng Gia đình văn hóa, tiến bộ. Qua phong trào đã tạo cho người dân ý thức tự quản, gắn kết cộng đồng, đoàn kết tình làng, nghĩa xóm.

     Một số mô hình mới, cách làm hay về công tác gia đình đã được quan tâm triển khai và nhân rộng. Tính đến hết năm 2021, trên địa bàn tỉnh có 225/225 xã đã thành lập mô hình phòng chống bạo lực gia đình; 204 Mô hình phòng, chống bạo lực gia đình (theo chuẩn của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch); 821 Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững (Câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình); 1.036 Nhóm phòng, chống bạo lực gia đình; 1.404 Địa chỉ tin cậy ở cộng đồng.

     Ngoài ra, các sở, ngành, đoàn thể chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện có hiệu quả các phong trào, mô hình, câu lạc bộ từ cơ sở đã đem lại hiệu quả thiết thực, nêu gương sáng, nhân rộng những tấm gương điển hình tiên tiến trong làm ăn kinh tế giỏi, vươn lên xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng. Tiêu biểu như: mô hình nhóm nhỏ cặp vợ chồng thực hiện kế hoạch hóa gia đình; mô hình Tổ phụ nữ không sinh con thứ 3; mô hình Góc tư vấn về giáo dục đời sống gia đình, giáo dục trước hôn nhân, tư vấn tiền hôn nhân (câu lạc bộ tiền hôn nhân tại thị xã Phú Thọ); mô hình Giáo dục tâm sinh lý tuổi dậy thì” tại Thanh Thủy; mô hình “5 trong 1” (Giúp hộ nghèo có địa chỉ, trẻ em suy dinh dưỡng, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội; thực hiện chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình, phòng chống bạo lực gia đình tại Việt Trì); mô hình câu lạc bộ “Mẹ chồng mẫu mực, con dâu thảo hiền” (Tại Thanh Thủy); Câu lạc bộ “Nuôi con thành đạt” (tại Lâm Thao), mô hình “Mẹ và con gái” (tại Nông Trang,Việt Trì)... Một số phong trào tiêu biểu như: “Xây dựng gia đình nông dân văn hoá” của Hội Nông dân tỉnh; “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” và chương trình xây dựng gia đình theo 4 chuẩn mực “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh. Tỉnh Đoàn Phú Thọ đẩy mạnh thực hiện chương trình Đông- Xuân tình nguyện, phong trào thi đua “Tình nguyện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, phong trào “5 xung kích phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ Tổ quốc”, “4 đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp” gắn với phong trào xây dựng “Nếp sống đẹp” trong đoàn viên thanh niên; Toạ đàm thanh niên với xây dựng nếp sống lành mạnh trong việc cưới; giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc trong việc cưới, tổ chức sinh hoạt chuyên đề “Thanh niên với lễ cưới tiết kiệm”… Hội Cựu chiến binh tỉnh gắn phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” với phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Sở Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh phong trào “Thi đua dạy tốt- học tốt”, phong trào xây dựng “Gia đình hiếu học” phát triển rộng khắp ở tất cả các ngành học, cấp học; cuộc vận động "Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo" đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.  Sở Y tế tập trung đẩy mạnh phong trào “Thực hiện 12 điều y đức”, “Lương y như từ mẫu”  trong toàn ngành.

     Các mô hình Gia đình hạnh phúc tiếp tục được củng cố nâng cao chất lượng sinh hoạt, tập trung tuyên truyền, giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình, nuôi dạy con tốt, giữ gìn hạnh phúc gia đình, phát triển kinh tế, phòng, chống bạo lực gia đình. Số lượng gia đình văn hóa qua hằng năm đạt tỷ lệ cao:  năm 2018 đạt 88%; năm 2019 đạt 88,5%; năm 2020 đạt 88,5%; năm 2021 đạt 88,52%.
Tình trạng tảo hôn, bạo lực gia đình giảm qua các năm. Việc xoá bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình; phòng chống các tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình; đấu tranh chống lối sống thực dụng, vị kỷ, đồi truỵ… đã đạt được những kết quả tích cực. Công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được quan tâm, tăng cường.

     Có thể khẳng định, công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình đã có tác động rất lớn vào kết quả xây dựng gia đình văn minh, tiến bộ, hạnh phúc trên địa bàn tỉnh, góp phần thúc đẩy kinh tế, văn hóa - xã hội phát triển. Để phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống truyền thống tốt đẹp trong gia đình Việt Nam lồng ghép với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, du lịch từ tỉnh đến cơ sở. Tăng cường công tác phối hợp với các sở, ban, ngành, các địa phương đẩy mạnh, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình theo từng chủ đề trong năm bằng các hoạt động cụ thể, thiết thực, phong phú, đa dạng, tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người dân, sức lan tỏa trong xã hội. Thường xuyên nêu gương người tốt, việc tốt, phê phán những biểu hiện cách sống không lành mạnh ảnh hưởng đến cuộc sống, hạnh phúc gia đình. Tiếp tục đưa nội dung tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình trở thành một trong những tiêu chí quan trọng của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” để bình xét, công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Làng, thôn, xóm, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”./.
                                                                                      N.T.B.T
Các tin khác

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com