Thứ 2 | 22/08/2016
Cứ mỗi độ tháng 8 về, tất cả người dân Phú Thọ lại không khỏi bồi hồi nhớ về Bác Hồ muôn vàn kính yêu của chúng ta - Người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, vị Cha già của dân tộc - Người đã hiến dâng trọn cả cuộc đời mình cho Tổ quốc, cho Dân tộc để toàn thể dân tộc Việt Nam được hưởng trọn vẹn nền độc lập, tự do, hạnh phúc. Tư tưởng của Người mãi mãi toả sáng, là hành trang, động lực để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân tiếp tục vững bước đi theo mục tiêu, lý tưởng và con đường cách mạng mà Người đã lựa chọn.
Lúc sinh thời, dù bận trăm công nghìn việc, nhưng Bác Hồ vẫn dành cho Đảng bộ và nhân dân Phú Thọ sự quan tâm đặc biệt. Người đã chín lần về thăm, ở và làm việc; viết nhiều bài báo, gửi nhiều thư khen, biểu dương phong trào cách mạng của địa phương. Trong đó, tỉnh ta có vinh dự được đón Bác Hồ dừng chân trên đường ra chiến dịch và cũng rất đỗi tự hào được đón Người sau chiến thắng Điện Biên trở về thăm Đền Hùng vào ngày 19 tháng 9 năm 1954 với lời căn dặn: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước".    
  Trong số 9 lần về Phú Thọ, lần thăm, làm việc vào 2 ngày 18 và 19 tháng 8 năm 1962 là lần thăm mang nhiều ý nghĩa khi Bác đã giành tối đa thời gian để thăm các nhà máy, xí nghiệp, công trường, hợp tác xã, đơn vị quân đội; dự, phát biểu tại cuộc gặp mặt lãnh đạo tỉnh và mít tinh của quần chúng nhân dân. Lần thăm này, càng có ý nghĩa hơn khi Phú Thọ giành được nhiều thành tích trên tất cả các mặt, nhất là về nông nghiệp; vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cờ thi đua khá nhất, Chính phủ tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng Nhất về thành tích “Tỉnh dẫn đầu miền Bắc”; đúng vào dịp kỷ niệm 17 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh mồng 2 tháng 9.
Sáng ngày 19/8/1962, hơn ba vạn cán bộ, bộ đội và đồng bào các dân tộc từ khắp nơi trong tỉnh đã có mặt đầy đủ để đón Bác. Trong cuộc mít tinh tại sân vận động thị xã Phú Thọ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thăm hỏi đồng bào các dân tộc, bộ đội, công an, dân quân, anh hùng lao động và chiến sỹ thi đua toàn tỉnh, Bác khen ngợi những thành tích của Đảng bộ và nhân dân Phú Thọ đã đạt được, đặc biệt là các điển hình tiên tiến trong nông nghiệp.
      Sau lễ mít tinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Thị xã Phú Thọ đến thăm HTX Nam Tiến (nay là thị trấn Lâm Thao – huyện Lâm Thao) - đơn vị điển hình tiên tiến về năng suất lúa cao của tỉnh. Tại hợp tác xã, Bác đã nói chuyện với nhân dân. Bác khen ngợi xã viên, cán bộ, đảng viên và nhắc nhở: "...Cán bộ phải làm đầy tớ phục vụ nhân dân, không phải như thời Tây làm quan đâu; phải đoàn kết cùng nhân dân xây dựng hợp tác xã...". Đồng thời Bác hỏi thăm tình hình sức khoẻ của các cụ già, chị em phụ nữ, rồi Bác nhắc nhở đến công tác thuỷ lợi, y tế, văn hoá - xã hội... Bác căn dặn bà con phải đoàn kết xây dựng HTX, đoàn kết với công nhân các nhà máy, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống và góp phần vào sự nghiệp xây dựng miền Bắc XHCN, đấu tranh giải phóng miền Nam tiến tới thống nhất đất nước.
 
 

Bác hỏi chuyện chị Nguyễn Thị Tứ - xã viên Hợp tác xã Nam Tiến
(nay là thị trấn Lâm Thao – huyện Lâm Thao).
 
     Sau khi thăm và nói chuyện với cán bộ, xã viên HTX Nam Tiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm nhà máy Supe Phốt phát Lâm Thao (Nay là Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hoá Chất Lâm Thao) - một trong những cơ sở công nghiệp đầu tiên của nền công nghiệp Việt Nam, của ngành hoá chất và phân bón Việt Nam. Bác đã gặp gỡ, nói chuyện với công nhân nhà máy và nhân dân, căn dặn cán bộ, công nhân nhà máy phải thấm nhuần tinh thần làm chủ, tích cực sản xuất, hoàn thành vượt mức kế hoạch; làm tốt công tác quản lý, tích cực học tập, phải sản xuất phân bón thật tốt phục vụ nông nghiệp và đoàn kết với nông dân, thực hiện công nông liên minh, chú trọng cải thiện đời sống.
     Chia tay cán bộ, công nhân nhà máy Supe Phốt phát Lâm Thao, Chủ tịch Hồ Chí Minh vào thăm Đền Hùng. Bác đã nhắc nhở các đồng chí lãnh đạo địa phương phải tu sửa và gìn giữ ngôi đền, gìn giữ di tích lịch sử, phải trồng cây phủ xanh đồi trọc, xây dựng công viên lịch sử đền Hùng, phải duy trì những giống cây quả quý của Phú Thọ... Tiếp đó, trên đường trở về thủ đô Hà Nội, Bác đã vào thăm cán bộ, chiến sỹ Lữ đoàn Pháo binh 374 đang đóng quân tại Thậm Thình xã Hy Cương, huyện Lâm Thao (Nay là cơ quan Bộ chỉ huy Quân khu II- Phường Vân Phú - TP Việt Trì). Bác đi thăm nơi ăn, chỗ ngủ của chiến sỹ, nói chuyện và động viên cán bộ, chiến sỹ.
Sau 54 năm, Đảng bộ, nhân dân Phú Thọ thực hiện lời dạy của Bác và 47 năm thực hiện di chúc của Người, cách mạng nước ta đã phải trải qua muôn vàn thử thách, cùng với những biến đổi của thế giới phức tạp khôn lường; song Đảng bộ và nhân dân Phú Thọ vẫn khắc sâu và quyết tâm thực hiện những lời căn dặn của Người khi về thăm tỉnh; luôn phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, năng động sáng tạo, đẩy mạnh phát triển KT - XH, xây dựng hệ thống chính trị, quyết "Mang lá cờ bách chiến, bách thắng của Hồ Chủ tịch tới đích cuối cùng".
Ghi nhớ và làm theo lời dạy của Người, toàn dân, toàn quân trong tỉnh đã nỗ lực trong cải tạo quan hệ sản xuất cũ, xây dựng quan hệ sản xuất mới, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, huy động sức người, sức của tiếp sức cho đồng bào, đồng chí ở tiền tuyến lớn; đồng thời, kề vai, sát cánh, chung sức, chung lòng cùng với đồng bào cả nước, phát huy cao độ truyền thống yêu nước nồng nàn, tinh thần đấu tranh anh dũng đánh bại các các cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ bằng không quân vào miền Bắc.  
Khi Đế quốc Mỹ điên cuồng mở rộng chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc, cùng với Hà Nội, Hải Phòng; Phú Thọ là một trọng điểm đánh phá của đế quốc Mỹ, với mục tiêu huỷ diệt khu công nghiệp non trẻ đầu tiên của miền Bắc Xã hội Chủ nghĩa. Phát huy truyền thống quật cường của dân tộc và Chủ nghĩa anh hùng Cách mạng của quê hương đất Tổ, quyết tâm "đánh cho Mỹ cút, đánh cho Nguỵ nhào", quân và dân Phú Thọ đã anh dũng chiến đấu, bắn rơi nhiều máy bay Mỹ, góp phần cùng cả nước đánh thắng cuộc chiến tranh bằng không quân của giặc Mỹ trên toàn miền Bắc.
Trong cuộc chiến tranh vệ quốc "giữ nước" vĩ đại đó, hàng trăm ngàn con em các dân tộc trong tỉnh đã tham gi các lực lượng vũ trang và chiến đấu dũng cảm, đóng góp máu xương cho độc lập, tự do của Tổ Quốc.
Nhân dân và lực lượng vũ trang tỉnh Phú Thọ đã vinh dự được Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, được phong tặng danh hiệu "Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân"; gần trăm đơn vị, địa phương trong tỉnh được phong tặng danh hiệu "Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân"; gần 450 bà mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" "; nhiều tập thể, cá nhân được phong tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân" và "Anh hùng lao động"... Những thành tích đó đã góp phần cùng dân tộc làm nên đại thắng mùa xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước tiến lên CNXH; đưa chân lý "Không có gì quý hơn độc lập, tự do" - ước nguyện cháy bỏng của Người thành hiện thực toàn vẹn trên đất nước Việt Nam.
          Thực hiện lời dặn dò ân cần của Người khi về thăm Phú Thọ: "...Bác tin rằng: Đảng bộ Phú Thọ sẽ cố gắng lãnh đạo nhân dân tỉnh ta tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, hoàn thành và hoàn thành vượt mức những nhiệm vụ Đảng đã giao phó, trở nên tỉnh tiên tiến để góp phần đắc lực vào công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc...”; ngay sau khi đất nước thống nhất, bằng hành động cụ thể, Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đã nỗ lực phấn đấu, ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh; đồng thời, dốc toàn lực để vượt qua những khó khăn, thử thách khắc nghiệt của thiên tai, dịch bệnh và chính sách bao vây, cấm vận kinh tế của các thế lực thù địch...
Những năm gần đây, Đảng bộ tỉnh Phú Thọ đã tiến hành nhiều cuộc tìm tòi, thử nghiệm, phát kiến ra những mô hình mới, biện pháp mới, cách làm mới để đổi mới quan hệ sản xuất, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Vì thế, đã dần tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc trong cơ chế và liên tục giành được những kết quả quan trọng; đã tạo được bước đột phá trong việc áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất, đa dạng các loại cây trồng, vật nuôi, nâng cao năng suất sản phẩm nông nghiệp, đảm bảo an toàn lương thực và là trung tâm sản xuất giấy của cả nước; hình thành được vùng sản xuất nguyên liệu giấy, sản xuất chè có quy mô lớn. Đến tháng 6/2016, toàn tỉnh có 26 xã và 01 huyện (huyện Lâm Thao) đạt chuẩn nông thôn mới. Sản xuất công nghiệp, mặc dù còn kém lợi thế cạnh tranh, song vận dụng sáng tạo các quan điểm của Đảng và Nhà nước vào hoàn cảnh đặc điểm của địa phương nên đã liên tục phát triển. Các ngành dịch vụ phát triển khá toàn diện, từng bước khai thác được lợi thế, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân, từng bước đưa Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Đặc biệt, đã huy động được nhiều nguồn lực cho đầu tư kết cấu hạ tầng, làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn, đô thị và rút ngắn được khoảng cách giữa các vùng, miền. Cơ cấu giá trị tăng thêm của 6 tháng đầu năm 2016 cũng cho thấy dấu hiệu chuyển dịch tích cực của nền kinh tế; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 29,93%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 37,08% và khu vực dịch vụ chiếm 32,99%.
Thực hiện lời căn dặn của Bác "... Ngày nay, nhiệm vụ của Đảng ta là lãnh đạo quần chúng đánh thắng tình trạng nghèo nàn lạc hậu, xây dựng đời sống ấm no, sung sướng cho nhân dân. Như thế là xây dựng CNXH..."  cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế; Đảng bộ tỉnh đã quan tâm chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo. Quy mô, mạng lưới trường học được củng cố, cơ sở vật chất được đầu tư phù hợp; chất lượng các ngành học, cấp học có nhiều tiến bộ. Công tác quản lý giáo dục được tăng cường; tỷ lệ giáo viên có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn ở các cấp học ngày càng tăng; giữ vững và nâng cao chất lượng giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục THCS;... Phong trào khuyến học, khuyến tài xây dựng xã hội học tập được chú trọng; khen thưởng kịp thời cho giáo viên dạy giỏi, học sinh có thành tích cao và học sinh nghèo vượt khó. Chương trình kiên cố hóa trường lớp học và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được đẩy mạnh, 6 tháng đầu năm 2016 có thêm 39 trường học được công nhận trường chuẩn quốc gia. Đến nay, Toàn tỉnh hiện có 166/314 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, đạt 52,8%; cấp tiểu học có 259/299 trường đạt chuẩn Quốc gia, đạt 86,6 %; THCS có 135/259 trường đạt 52,1 % và THPT có 20/45 trường đạt 44,4%...
Mạng lưới y tế từ tỉnh đến cơ sở được củng cố; các bệnh viện tuyến tỉnh và huyện được đầu tư mới về cơ sở vật chất và trang thiết bị. Các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều đã có bác sỹ. Hệ thống các thiết chế văn hoá ở cơ sở không ngừng được đầu tư theo hướng xã hội hoá. Văn hoá truyền thống đất Tổ được vinh danh: Hát Xoan và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ được công nhận là di sản văn hoá thế giới; khu di tích lịch sử Đền Hùng trở thành di tích lịch sử đặc biệt quốc gia; thái miếu Tổ tiên được giữ gìn, trùng tu, tôn tạo. Đặc biệt, chương trình xóa đói, giảm nghèo đạt kết quả rất đáng khích lệ; đến nay, đã hoàn thành mục tiêu xoá nhà tạm cho các hộ nghèo; giảm nhanh và vững chắc số hộ nghèo, tăng nhanh được số hộ giàu.
        Quán triệt di huấn của Người: "...Đảng ta là Đảng cách mạng. Ngoài lợi ích của nhân dân, Đảng ta không có lợi ích gì khác. Vì vậy, mà Đảng ta được dân tin, dân phục, dân yêu"; "...Cán bộ phải làm đầy tớ phục vụ nhân dân, không phải như thời Tây làm quan đâu..."; Đảng bộ tỉnh đã luôn bám sát những nguyên lý cơ bản của Học thuyết Mác - Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng để định hướng lãnh đạo công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong từng giai đoạn. Trong đó, tập trung xây dựng Đảng trên cả ba mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức, đảm bảo sự đoàn kết, thống nhất cao trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị. Đã đổi mới việc quán triệt, triển khai và tổ chức thực hiện các nghị quyết của Trung ương, gắn với xây dựng chương trình hành động phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương. Chú trọng công tác xây dựng, củng cố tổ chức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên. Tăng cường công tác tự phê bình và phê bình, thực hành dân chủ rộng rãi trong đảng "để củng cố và phát triển sự đoàn kết, thống nhất". Thực hiện có nền nếp việc hướng dẫn các cơ sở đảng đăng ký phấn đấu trong sạch, vững mạnh; thực hiện chặt chẽ quy trình rà soát, phân tích chất lượng, xếp loại tổ chức đảng và đảng viên. Xây dựng và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết về tăng cường phát triển đảng viên trong từng giai đoạn. Quan tâm củng cố, phát triển tổ chức đảng và đảng viên ở các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng công giáo và trong các doanh nghiệp.
          Đi đôi với việc phát triển tổ chức Đảng và đảng viên, Đảng bộ tỉnh thường xuyên chú trọng tới công tác quy hoạch cán bộ, gắn quy hoạch với luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, được Trung ương đánh giá cao. Đồng thời, đã tăng cường công tác kiểm tra, chú trọng kiểm tra việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kiểm tra cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng khi có dấu hiệu vi phạm Điều lệ Đảng, vi phạm chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, ngăn ngừa tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân đối với Đảng. 
Đặc biệt, từ năm 2007 đến nay, cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, Đảng bộ tỉnh Phú Thọ đã đẩy mạnh việc thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Việc triển khai thực hiện cuộc vận động đã mang lại những kết quả bước đầu, tạo được những chuyển biến quan trọng cả về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân. Qua học tập, nghiên cứu các chuyên đề, lấy ý kiến đóng góp của cán bộ, đảng viên và nhân dân, qua kiểm điểm tự phê bình và phê bình đã xây dựng được chuẩn mực đạo đức, chương trình hành động cụ thể, thiết thực gắn với việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của từng cá nhân, đơn vị, từng ngành, từng cấp; với việc triển khai Nghị quyết Trung ương 4 về "Một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay"; quá trình thực hiện cuộc vận động đã xuất hiện nhiều điển hình học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được tôn vinh và tạo sự lan toả rộng lớn trong xã hội.       
 
 
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh trao giải cho các tác giả có tác phẩm xuất sắc về chủ đề
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2013
 
Đã 54 năm trôi qua, kể từ mùa thu tháng 8 lịch sử Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm tỉnh Phú Thọ, những lời Người dạy luôn được khắc ghi trong tâm khảm của mỗi người dân, trở thành điểm tựa tinh thần, động lực mạnh mẽ để chúng ta luôn có Bác trong mình. Những người được gặp Hồ Chủ Tịch, được nghe Người nói và cả những người chưa một lần được gặp, được nghe Người nói, đều ghi nhớ, đều cảm nhận về Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng cả tình cảm, trí tuệ của mình. Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" đã tạo sự lan tỏa rộng lớn, sâu sắc trong xã hội, trở thành mục tiêu, một nhu cầu văn hóa ở trong Đảng và trong toàn dân. Chúng ta nguyện cùng nhau quyết tâm xây dựng tỉnh Phú Thọ trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, xứng đáng với “Muôn vàn tình thân yêu” của Bác dành cho Đảng bộ và nhân dân tỉnh Phú Thọ nói riêng và dành cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân nói chung để thoả nguyện lòng mong ước của Người.
 
Quách Thị Sinh
 
Tài liệu tham khảo:
1. Diễn văn kỷ niệm 50 năm Bác Hồ về thăm tỉnh Phú Thọ.
2. Báo cáo số 270/BC-CTK  ngày 22 tháng 6 năm 2016 của Cục Thống kê tỉnh phú Thọ về “Tình hình Kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2016”
 
Các tin khác
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com