Thứ 5 | 28/03/2019
Đền thờ Quan bảng Nguyễn Mẫn Đốc được xây dựng tại xóm Chùa, thôn Xuân Hưng, xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ.
Nguyễn Mẫn Đốc sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống thi thư, lễ nghĩa thuộc họ Nguyễn Tam Sơn ở làng Dòng, xã Xuân Lũng, huyện Sơn Vi xưa. Phụ thân ông là Nguyễn Doãn Cung, đỗ Tiến sĩ năm Kỷ Sửu, niên hiệu Quang Thuận thứ 10 (1469), đời vua Lê Thánh Tông. Nguyễn Doãn Cung là một trong những quan đầu triều có tài trong lĩnh vực đối ngoại nên được triều đình đương thời cử đi sứ sang nhà Minh vào năm Kỷ Dậu (1489), mùa đông, tháng 10, ngày 19 cùng các bồi thần Bùi Xương Trạch, Nguyễn Hán Đình. Ông cũng là người được vua Lê Thánh Tông cử đi đón đoàn sứ thần của nhà Minh sang sắc phong vua nước ta làm An Nam Quốc vương năm Kỷ Mùi (1499).  
Nối nghiệp gia đình, ngay từ nhỏ, Nguyễn Mẫn Đốc đã nổi tiếng là người học rộng, lại luôn quan tâm đến vận mệnh của đất nước. Ông còn được thụ nghiệp Trạng nguyên Vũ Duệ, tức Trạng Trình, người làng Trình Xá cùng huyện, đỗ khoa Canh Tuất, niên hiệu Hồng Đức 21, đời Lê Thánh Tông. Sự thông minh khác thường của Nguyễn Mẫn Đốc còn được kiểm chứng qua một giai thoại ông về làng Trình Xá mượn thầy học Vũ Duệ bộ Bắc sử để luyện thi, không ngờ trên đường về nhà đã nhập tâm hết cả cuốn sách, quay lại trả thầy và được thầy hết lời khen là sáng dạ.
Năm Mậu Dần (1518), đời vua Lê Chiêu Tông, Nguyễn Mẫn Đốc tham dự kỳ thi Đình ở Kinh đô Thăng Long và  đậu Đệ nhất giáp tiến sĩ cập Đệ nhị danh (Bảng nhãn, dân gian thường gọi biệt danh là Bảng Dòng), khi ấy ông mới 27 tuổi.
Nguyễn Mẫn Đốc còn là gương sáng trung thần Tiết Nghĩa. Theo chính sử vào năm 1527, Mạc Đăng Dung đã tiếm ngôi nhà Lê, lập ra triều Mạc. Trước đó, vào năm 1522, trong biến cố triều chính, Lê Chiêu Tông phải tạm dời kinh thành Thăng Long vào Bảo Châu (xưa thuộc trấn Thanh Hoa; nay là tỉnh Thanh Hóa) lánh nạn. Tại đây, Vua Lê Chiêu Tông đã thảo tờ mật chiếu kêu gọi các bậc đại thần, công khanh phò tá giúp triều đình. Bảng nhãn Nguyễn Mẫn Đốc cùng thầy dạy học là Trạng nguyên Vũ Duệ và nhiều đại thần trung thành với vua Lê Chiêu Tông, quyết tâm ứng nghĩa. Chỉ trong thời gian ngắn, hàng ngàn nghĩa binh được chiêu mộ, đã cùng nhau vào Thanh Hóa. Vua tôi gặp nhau ở Lạc Thổ (Đời Lê thuộc phủ Thiên Quan, trấn Thanh Hoa, sau đó thuộc phủ Nho Quan, Ninh Bình). Mạc Đăng Dung biết tin đã cử tướng lĩnh đem binh mã vào tiến đánh và xảy ra trận giao chiến lớn ở Cẩm Thủy.
Nhờ mưu trí, lòng dũng cảm trung vua của tướng Lê Duy Hàn và thầy trò Nguyễn Mẫn Đốc, vua Lê Chiêu Tông đã thoát khỏi vòng vây và lui về vùng rừng núi châu Lang Chánh. Tuy nhiên, do lực lượng ít, lại gặp cường địch nên vua tôi mỗi người thất lạc một nơi. Khi chạy đến địa phận Lam Sơn, biết không thể thoát nạn nhưng để giữ trọn khí tiết, đã sửa soạn mũ áo chỉnh tề, cùng hướng về lăng vua Lê Thái Tổ bái lạy, rồi tự vẫn. Hôm đó là ngày 22 tháng 2 năm 1522, Nguyễn Mẫn Đốc khi đó mới 31 tuổi.
Hành động tuẫn tiết của Bảng nhãn Nguyễn Mẫn Đốc đã thể hiện rõ lòng “trung quân, ái quốc” của một vị đại khoa, đại thần triều Lê. Ông được triều đình nhà Lê, Nguyễn nhiều lần ban sắc phong và truy phong Tiết Nghĩa Đại Vương, thụy Nhã Lượng và được đặc cách phong Thành hoàng làng Xuân Lũng, bên cạnh Thành hoàng làng là Cao Sơn Đại Vương. Năm 1667 (Đinh Mùi), đời Cảnh Trị thứ 5, niên hiệu vua Lê Huyền Tông cho phép lập "Tiết Nghĩa từ" ở quê hương để tưởng nhớ công lao to lớn của Ông. Ở Văn miếu Quốc Tử Giám, tại bia số 13 khắc ghi tên ông - Nguyễn Mẫn Đốc, đề danh tiến sĩ khoa Mậu Dần, niên hiệu Quang Thiệu 3 - năm 1518.
 

Mặt trước đền thờ quan bảng Nguyễn Mân Đốc

Tọa lạc giữa khu dân cư trù phú, trên tổng diện tích mặt bằng 381 m2, đền thờ Nguyễn Mẫn Đốc nhìn theo hướng Nam, phía trước mặt qua đường dân sinh là bức bình phong bằng đá và ao sen hình bán nguyệt. Xung quanh đền tường bao xây bằng đá ong và gạch chỉ, cổng xây trụ vuông đơn giản, trên đỉnh gắn đôi nghê chầu bằng xi măng, sân lát gạch bát 200x200 với 2 cây đại cổ thụ ở 2 góc. Qua các tư liệu lịch sử được nghiên cứu; tư liệu Hán Nôm, kết hợp với kiểu dáng kiến trúc, hệ thống cổ vật của di tích, có thể xác định được tương đối chính xác niên đại xây dựng đền thờ Nguyễn Mẫn Đốc vào thời Hậu Lê (cuối thế kỷ XVII - đầu thế kỷ XVIII). Từ dó đến nay, ngôi đền đã trải qua nhiều lần tu sửa: Đại trùng tu vào triều vua Nguyễn Hiến Tổ - năm Thiệu Trị thứ 6 - 1846; năm 1990: Tu sửa phần mái tòa tiền tế, sơn lại cột, lát lại nền; năm 2010: Đắp lại bờ nóc tòa tiền tế, đảo ngói toà hậu cung; năm 2011: Lát lại sân đền, tu sửa 2 góc đao mái trước tòa tiền tế.... Đền thờ Nguyễn Mẫn Đốc hiện mang mặt bằng kết cấu kiến trúc kiểu chữ nhị (=), gồm 2 tòa: tiền tế và hậu cung. Toàn bộ mái đền lợp ngói mũi hài, bộ vì nóc kết cấu kiểu “Thượng giá chiêng - hạ kẻ, vì nách kiểu kẻ ngồi tạo nên vẻ cổ kính, trang nghiêm.
Nhìn chung, đền thờ Nguyễn Mẫn Đốc với đặc trưng của kiểu thức kiến trúc cổ với đầu đao cong vút hay tường hồi bít đốc, các bộ phận cấu thành nên kiến trúc của ngôi đền được bố trí hợp lý, gia cố mực thước chính xác. Là ngôi đền thờ nhân vật lịch sử có thật trong lịch sử phong kiến Việt Nam, kết cấu kiến trúc đền thờ Nguyễn Mẫn Đốc bảo tồn được những giá trị nhất định của công trình kiến trúc cổ với mặt bằng kiến trúc kiểu chữ nhị, bộ vì nóc kiểu giá chiêng, chồng rường, kẻ, bảy… Phía trước đền thờ quan bảng là khuôn viên khang trang, thoáng đãng, với ao hình bán nguyệt và bức chấn phong bằng đá khắc ghi thân thế, sự nghiệp, công trạng của ông.
Ghi nhận công đức quan bảng, các đời sau đều có sắc phong cho ông. Hiện trong đền còn lưu giữ được 10 đạo sắc phong của các triều Lê Trung Hưng và triều Nguyễn; trong đó, đạo sắc có niên đại sớm nhất: Triều vua Lê Dụ Tông - năm Vĩnh Thịnh thứ 6, ngày 10 tháng 8 - 1710.
Trong lịch sử, định lệ, xuân thu nhị kỳ hàng năm triều đình phong kiến về làm lễ quốc tế, nhưng về sau việc phục dịch vất vả nên triều đình ủy nhiệm cho trấn Sơn Tây, phủ Lâm Thao đại diện hàng năm về hành lễ. Ngày giỗ 22/2 (âm lịch) dòng họ tổ chức mời đại biểu xã, tổng đến dự. Ngày tế hàng năm vào tháng 2 hoặc 3 âm lịch hoặc tháng 7 hoặc 8 âm lịch, tế 1 ngày.
Những năm được mùa, lễ hội được tổ chức lớn, kéo dài tới ba, bốn ngày với: Phần lễ đầy đủ các nghi thức rước thần đại lễ; lễ vật bao gồm ván xôi, thủ lợn hoặc bò; có tục làm bánh giày. Chủ tế là người cao nhất của làng (Tiên chỉ hoặc chánh tổng có phẩm hàm). Phần hội thì tổ chức chọi gà, múa sư tử, hát nhà tơ, ... Từ năm 1940 đến nay, do nhiều điều kiện khách quan, định lệ này không tồn tại, mà chỉ tổ chức ngày giỗ 22/2 (âm lịch).
Đền thờ quan bảng Nguyễn Mân Đốc là một trong những di tích quan trọng, còn lưu giữ nhiều giá trị khoa học, lịch sử trong hệ thống di tích của tỉnh Phú Thọ.  Với những giá trị đặc biệt tiêu biểu, di tích lịch sử Đền thờ Nguyễn Mẫn Đốc được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích quốc gia vào năm 2015. Đến nay, di tích luôn là nơi giáo dục truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của dân tộc, là nơi gửi gắm tâm linh quan trọng của nhân dân địa phương.

Bài: Phan Huyền
Ảnh: sưu tầm
Các tin khác
Thông báo mới
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com