Thứ 6 | 15/03/2024

Tin và ảnh: Thanh Thủy - Phòng Quản lý Di sản văn hóa

     Ngày 15 tháng 3 năm 2024 (tức ngày mùng 5 tháng 2 năm Giáp Thìn) tại Hội trường Huyện ủy huyện Tam Nông, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ phối hợp cùng Ủy ban nhân dân huyện Tam Nông và Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long đã tổ chức Hội thảo khoa học “Đức Vương Ngô Quyền trong tâm thức Việt”. Chủ trì Hội thảo có: Đồng chí Nguyễn Đắc Thủy - TUV, Giám đốc Sở VHTTDL; đồng chí Quách Hải Lý - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tam Nông; TS. Nguyễn Viết Chức - Chủ tịch Hội đồng quản lý, Viện Nghiên cứu Văn hóa Thăng Long, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội và GS.TS Từ Thị Loan - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Thăng Long, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia. Tham dự Hội thảo có 102 đại biểu là các nhà nghiên cứu đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu, hội nghề nghiệp hàng đầu của Việt Nam như: Viện Sử học, Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Nghiên cứu Hán Nôm; Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam; Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Thủ Đô, Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, Đại học Hùng Vương; cùng các tổ chức chính trị - xã hội như Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Hội văn nghệ Dân gian Việt Nam, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hội Khảo cổ học Việt Nam…

Quang cảnh Hội thảo

     Dòng họ Ngô Việt Nam đã dầy công sưu tầm nhiều tài liệu được biên soạn từ thời Lê Sơ, Lê Trung Hưng…, tổng hợp lại đã xác định Ngô Quyền sinh ngày 12 tháng 3 năm Đinh Tỵ (897), tại làng Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội, mất ngày 18 tháng Giêng năm Giáp Thìn (944), thọ 47 tuổi. Sau khi Ngô Quyền mất nhân dân nhiều nơi đã lập đền thờ ngài và các tướng sĩ. Theo các nhà khoa học hiện nay, nước ta có hơn 80 di tích thờ Ngô Quyền. Trong đó, nhiều nhất ở Hải Phòng - nơi diễn ra trận chiến Bạch Đằng - có khoảng 60 địa điểm. Tại tỉnh Phú Thọ có di tích đền Chẹo, xã Thanh Uyên, huyện Tam Nông. Di tích được UBND tỉnh xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa năm 1995. Hàng năm nhân dân địa phương tổ chức lễ hội vào ngày 11 tháng Giêng - là ngày Ngô Quyền xưng Vương.

Đại tá Ngô Minh, Nguyên Phó Chủ tịch dòng họ Ngô Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

     Hội thảo đã nhận được 38 bài tham luận của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu của Trung ương và địa phương, trong đó có 14 bài được trao đổi trực tiếp tại hội thảo.  Các bài tham luận tại Hội thảo đã đi sâu tìm hiểu, phân tích, đánh giá để làm rõ hơn vị trí, vai trò của Đức vương Ngô Quyền trong dòng chảy lịch sử dân tộc. Qua đó, cung cấp những hiểu biết đầy đủ hơn về Đại Việt trong bối cảnh lịch sử Đông Á thế kỷ X; Ngô Quyền và triều đại nhà Ngô trong tiến trình lịch sử trước và sau thế kỷ X; Kỷ nhà Ngô nhìn từ lịch sử Đạo giáo Việt Nam; Những dấu ấn đặc biệt trong cuộc đời và sự nghiệp của vị Tổ trung hưng đất nước và đặc biệt là tôn vinh Ngô Quyền với tư cách là một nhà quân sự đại tài.
     Đồng thời các tham luận đã tập trung làm rõ những giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, tâm linh của hệ thống di sản văn hóa gắn với Đức vương Ngô Quyền và triều đại nhà Ngô, từ đó đề xuất các giải pháp thiết thực, xác đáng nhằm bảo vệ và phát huy các giá trị đó trong đời sống đương đại.

Đồng chí Trần Ngọc Tăng - Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Viện nghiên  cứu Văn hóa Thăng Long - nguyên Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phú Thọ  phát biểu tham luận tại Hội thảo

TS. Chu Xuân Giao - Viện Nghiên cứu văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học, Xã hội Việt Nam tham luận




 

Các tin khác
Thông báo mới
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com