Ở lĩnh vực di sản văn hóa vật thể, qua khảo sát cho thấy khởi thủy ngôi đình được làm ở giữa làng An Thái, cách vị trí hiện tại khoảng 50m với kiểu dáng như hiện nay, chỉ có phần mái lợp lá cọ, xung quanh để thông thoáng, không có tường. Song vì vị trí thấp thường bị ngập lụt nên vào khoảng đầu thời Nguyễn (đầu thế kỷ XIX), dân làng An Thái đã di chuyển ngôi đình đến vị trí hiện nay và giữ nguyên kiểu dáng kiến trúc. Mặc dù không còn cơ sở về tư liệu Hán Nôm để xác định chính xác niên đại tạo dựng đình An Thái. Nhưng qua kiểu dáng kiến trúc và nghệ thuật chạm khắc trên thức kiến trúc gỗ có thể đoán định tương đối niên đại xây dựng đình An Thái được làm vào thời Hậu Lê, khoảng cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX; đã trải qua các lần trùng tu, sửa chữa còn được ghi lại trên bộ khung kiến trúc vào các năm: Trên câu đầu gian chính giữa bên trái ghi “Hoàng triều Bảo Đại thập nhị niên, nhị nguyệt, sơ thập nhật trùng tu đại cát” - Tức ngày 10 tháng 2 năm Bảo Đại thứ 12 (1936); và các lần tu sửa sau vào các năm Canh Thìn (năm 1940), năm Kỷ Tỵ (1989)...
Đình An Thái là công trình kiến trúc - nghệ thuật còn bảo tồn được nhiều thành phần kiến trúc cổ, kèm theo là các bức chạm, đồ thờ có niên đại từ cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIIX. Có thể thấy đình An Thái cũng như bao ngôi đình khác của làng Việt thường nằm trong những chuẩn mực sau: Đình tọa lạc trên đỉnh đồi cao mà trong nhân dân còn gọi là núi Đình, nhìn theo hướng Đông
Bắc, quang quẻ, cấy cối tốt tươi, thế đất đẹp đẽ, không bị che chắn, phía trước có nước (đầm Thiếc). Mở đầu cho khuôn viên đình truyền thống là Nghi môn tứ trụ. Trụ lớn trên đỉnh đắp 4 hình chim phượng nhìn ra 4 phía, chống đuôi vào nhau theo kiểu lá lật; dưới hình phượng là bốn mui luyện trên mặt đắp nổi hình hổ phù càm chữ Thọ, là biểu tượng liên quan tới việc cầu no đủ và mọi nguồn hạnh phúc; phần dưới là khối đèn lồng đắp “Tứ linh”. Trụ nhỏ đỉnh đắp hình lân trong tư thế chầu vào. Nghi môn tứ trụ đình An Thái mở 3 lối đi, 2 lối đi phụ 2 bên tạo kiểu cửa hình vòm, phía trên tạo 4 mái đao cong đắp giả ngói ống.
Qua Nghi môn tứ trụ là khoảng sân rộng được lát gạch bát truyền thống. Bố cục đình An Thái theo kiểu chữ Nhất ( ), 1 tòa, 3 gian 2 chái, kiểu nhà 4 mái, đao cong, tỷ lệ mái đình chiếm tới 2 lần thân đình. Gian chính giữa bên trong tạo thượng cung khám thờ cách nền 2,70m, chia làm 2 phần: Phía ngoài đặt bát hương và đồ thờ; phía trong là nơi bày 3 cỗ long ngai, bưng vách gỗ, tạo cửa bức bàn 6 cánh, ván trần thượng cung sơn son vẽ trang trí họa tiết “Lưỡng long chầu nhật”… Bộ khung kiến trúc gỗ kết cấu 6 hàng chân cột, gồm cột cái, cột quân và cột hiên với tổng số 36 cột gỗ. Tất cả các cột đình đều làm theo dạng “búp đòng” với hình thức “đầu cán cân, chân quân cờ” - thượng thu, bụng dưới thách và chân thót lại chút ít”. Đình có tới 6 bộ vì nóc, 4 vì nóc chính theo lối “Thượng giá chiêng, chồng rường - hạ kẻ” đứng lực trên các cột cái; 2 bộ vì hồi theo kiểu cốn mê tỳ lực trên đầu cột trốn, đứng chân trên xà đùi của gian chái. Hệ thống kẻ đình An Thái liên kết theo lối “Tiền bảy, hậu kẻ” gồm 18 kẻ bảy ăn mộng qua các đầu cột quân, thân kẻ vươn dài đỡ tàu mái. Cũng như hầu hết mọi kiến trúc cổ truyền của người Việt ít chú ý đến móng, mà cả tòa đình bên trên chỉ dồn lực xuống đất qua những cột đứng trên chân tảng đá. Đình An Thái cũng như nhiều đình cổ, các chân tảng là những viên đá có tính chất tự nhiên bào phẳng mặt và không theo hình thể cố định. Toàn bộ các cột, xà ngang, dọc ăn mộng với nhau tạo thành một bộ khung đình chắc khỏe đỡ bộ mái xòe rộng 4 phía. Mái đình An Thái lợp ngói âm dương, những viên ngói cổ luôn gợi lại cho hậu thế về quá khứ. Bờ nóc đắp phù điêu “Lưỡng long chầu nhật”, hai đầu kìm đắp vân xoắn. Trên bờ chảy hai bên đặt con xô được thể hiện dưới dạng con lân uốn cong thân, dáng vẻ mập mạp chầu vào giữa.
Về nghệ thuật chạm khắc, nhìn chung số lượng đề tài chạm trổ trên đình An Thái không dày đặc trên bộ khung kiến trúc gỗ như ở các ngôi đình làng được dựng vào cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII, mà ở đây chạm trổ trang trí tập trung vào tứ linh (long, ly, quy, phượng ), với đề tài “Rồng ổ”, “Long cuốn thủy” và cả hệ thực vật thiêng, gắn với tư duy và ước vọng truyền thống của nông nghiệp, luôn cầu mong nhân khang vật thịnh, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Các đề tài này nổi bật nhất ở dưới các dạng rồng khác nhau, với nhiều tư thế đan xen mà không rối. Mỗi hình thức, mỗi động tác đều như muốn bật khỏi cơ thể chúng một ý niệm thiêng liêng thể hiện trên thức kiến trúc gỗ. Những con rồng này còn như làm nền cho hệ đao mác, một đặc điểm gắn với sấm chớp, mà ở đây chúng mang dấu tích của khoảng những năm đầu thế kỷ XVIII. Trên nền của rồng thỉnh thoảng điểm xuyết những vân cuộn có đuôi. Tại một số “kẻ” cùng với rồng còn có các con lân mang tính chất điểm điển hình của nghệ thuật đương thời, chúng rất ngộ nghĩnh, gò mình trên thân kẻ. Điểm xuyết trên các bức chạm là hệ thực vật thiêng như hoa cúc, hoa và lá sen... Chúng ta có thể thấy được ở lĩnh vực kỹ thuật, thì hình thức chạm nổi chủ yếu xuất hiện ở vị trí mặt “kẻ”, “con rường”, “đầu nghé”. Hiện tượng chạm bong, kênh kết hợp với chạm nổi chủ yếu ở “cốn nách”. Kỹ thuật chạm khắc được thể hiện khá cao, tuy là những linh vật quen thuộc, nhưng không khô cứng mà mềm mại, đạt tới giá trị biểu tượng cao.
Có thể nói, nghệ thuật kiến trúc, chạm khắc đình An Thái là một sự thao diễn kỹ thuật nghề mộc một cách tinh tế của nghệ nhân có tay nghề cao. Những người nghệ nhân dân gian bằng những kỹ thuật tinh xảo được hun đúc qua bao thế hệ cha truyền con nối đã để lại cho hậu thế không chỉ là công trình kiến trúc tín ngưỡng vượt ra khỏi giới hạn không gian làng quê, góp mặt vào kho tàng kiến trúc - nghệ thuật của Việt Nam. Và đó không chỉ là những giá trị vật thể hiện hữu trên công trình kiến trúc, mà còn cả những thông điệp về các giá trị văn hóa truyền thống, điểm tựa tâm linh mà ông cha đã để lại cho các thế hệ. Nhìn chung, dưới góc độ kiến trúc, nghệ thuật chạm khắc, đình An Thái đã đủ có một giá trị tự thân vốn có - là một trong không nhiều gạch nối về nghệ thuật đình làng Việt từ cuối thế kỷ XVIII sang đầu thế kỷ XIX.
Còn rất nhiều giá trị khác được bảo tồn trong đình An Thái thể hiện trong hệ thống di vật, cổ vật có giá trị lịch sử, kỹ, mỹ thuật cổ, như: Sắc phong triền Nguyễn, ngai thờ, mũ thờ, câu đối, hoành phi, án gian, lư hương đất nung và gốm Thổ Hà...
Đình An Thái không những có giá trị về mặt kiến trúc, điêu khắc dân gian thuần Việt, hệ thống cổ vật, mà còn là nơi hội tụ, trình diễn nhiều nét văn hóa phi vật thể như nghi lễ, lễ hội, phong tục, tập quán, lề thói, âm nhạc, dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian… và là nơi gắn kết của cộng đồng dân làng. Hàng năm, dân làng An Thái mở 3 kỳ tiệc lệ vào các thời gian: Kỳ tiệc ngày mùng 1 Tết Nguyên Đán, có trình diễn Hát Xoan và tổ chức các trò chơi dân gian như ném còn, đu tiên...; kỳ tiệc ngày mùng 7 tháng Giêng, trình diễn Hát Xoan tại miếu Cấm; kỳ tiệc ngày mùng 9 tháng 9 (âm lịch), dân làng rước kiệu từ miếu Cấm về đình An Thái để tế lễ, sau đó tổ chức Hát Xoan. Lễ vật dân làng An Thái dâng cúng các vị thần vào các kỳ tiệc lệ gồm nhiều loại đồ thờ cúng khác nhau, mang tính biểu tượng đặc trưng cho sinh hoạt tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp vùng lúa nước và bán sơn địa, nơi được coi là Kinh đô nước Văn Lang do các vua Hùng khởi nghiệp. Đó là 4 hệ thống đồ thờ /đồ thờ cúng mang tính biểu tượng đặc sắc, trong đó có đồ thờ/đồ thờ cúng được chế tác từ động vật (lợn, gà), từ thực vật (hoa quả, gạo nếp, cây mạ với ván xôi, bánh chưng, bánh giầy), ngũ quả.. mà ẩn chứa trong đó cả một kho tàng về tri thức ẩm thực của con người, làng xã. Vật phẩm dâng cúng này cũng là những thức ăn thường ngày của dân chúng nhưng khi dâng lên thần thì phải sắm đẹp hơn, nấu ngon hơn, giữ gìn tin khiết hơn, bày biện đẹp mắt hơn. Theo dòng chảy của lịch sử, cho đến ngày nay, các thế hệ của dân làng An Thái - Phượng Lâu với truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, với tâm tưởng luôn hướng về tổ tiên đã gìn giữ những giá trị di sản văn hóa phi vật thể gắn liền với ngôi đình làng: Sinh hoạt tín ngưỡng, nghi thức thờ cúng, tập tục và đặc biệt là Hát Xoan.
Hát Xoan là di sản văn hóa phi vật thể quý báu của vùng đất Tổ Phú Thọ nói riêng và trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung. Hát Xoan là loại hình dân ca nghi lễ, phong tục, còn gọi là hát cửa đình hay “Khúc môn đình”, là hình thức nghệ thuật đa yếu tố: Ca nhạc, hát, múa phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của cộng đồng. Hát Xoan có bề dày lịch sử, có tổ chức nghệ thuật chặt chẽ, không gian văn hóa rộng lớn và sức lan tỏa mạnh mẽ khắp cộng đồng. Với những giá trị nổi bật toàn cầu, ngày 24/11/2011, tại Hội nghị lần thứ 6 của Ủy ban liên chính phủ về Bảo tồn Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO tổ chức tại Bali - Indonesia, Hồ sơ Hát Xoan Phú Thọ đã được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại.
Hát Xoan thực hành trong nghi lễ thờ cúng Hùng Vương ở các đình, đền, miếu và sinh hoạt nghệ thuật của cộng đồng vào mùa xuân. Sau ngày hát tại đình làng mình từ ngày mùng 2 đến ngày mùng 5 tháng Giêng, các phường Xoan tỏa đi hát giao lưu với cộng đồng ở một số đình có tục thờ Hùng Vương và một số câu lạc bộ Hát Xoan ở tỉnh Phú Thọ. Toàn bộ quy trình 3 chặng của Hát Xoan gồm hát thờ, hát nghi lễ, hát hội được phục hồi, bảo tồn, thực hành thường xuyên theo đúng tập tục lưu truyền bởi các cộng đồng. Cộng đồng Hát Xoan tập trung ở hai xã Kim Đức và Phượng Lâu, nằm bên bờ sông Lô, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, cách Thủ đô Hà Nội 80km về phía Đông Bắc. Xã Kim Đức có 3 phường Xoan: Kim Đái, Phù Đức vàThét. Xã Phượng Lâu có phường Xoan An Thái.
Hàng năm, vào tối 30 tháng Chạp, dân làng An Thái mang lễ vật về miếu Cấm để xin phép sáng mùng Một được đón vua về đình làng và xin được múa hát mừng năm mới. Từ sáng ngày mùng 1 Tết, dân làng An Thái chính thức vào hội và phường Xoan tổ chức trình diễn ở đình làng. Một cuộc trình diễn có 3 chặng. Chặng một là Hát nghi lễ với các bài ca ngợi công đức của các Vua Hùng, các vị thành hoàng làng, cầu mong vua phù hộ cho dân làng một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Chặng hai là Hát quả cách với cácbài ngợi ca thiên nhiên, con người, lao động sản xuất (phường nghề, phường củi, phường buôn, phường dệt vải). Chặng cuối cùng là Hát giao duyên đối đáp giữa các cô đào của phường Xoan với các trai làng để bày tỏ tình yêu nam nữ. Trong không gian văn hóa đình làng, phường Xoan giao lưu với cộng đồng thưởng thức Xoan. Vào các kỳ tiệc lệ ngày mùng 7 tháng Giêng, mùng 9 tháng 9 (âm lịch) dân làng An Thái lại tiếp tục trình diễn Hát Xoan. Chức năng này được phường Xoan An Thái và cộng đồng lưu giữ, trao truyền cho đến ngày nay cũng trong chính không gian văn hóa đình làng - đình An Thái.
Bảo tồn, tôn tạo, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa thờ cúng Hùng Vương là môi trường sản sinh và duy trì loại hình nghệ thuật Hát Xoan, tạo không gian văn hóa, môi trường trình diễn Hát Xoan, đảm bảo sự phát triển bền vững của di sản Hát Xoan là một trong những nhiệm vụ trọng tâm tỉnh Phú Thọ đã và đang tập trung triển khai thực hiện, đặc biệt kể từ khi “Hát Xoan Phú Thọ” được UNESCO ghi danh đến nay. Tỉnh Phú Thọ đã có chiến lược về nguồn lực và kế hoạch cụ thể tiếp tục huy động mọi nguồn vốn để đầu tư bảo tồn, tôn tạo, phục hồi đầy đủ các không gian Hát Xoan cho đến năm 2020. Đó là điều kiện cơ bản và là cơ hội bảo đảm môi trường, sức sống cho Hát Xoan. Là một trong 3 đình thuộc 4 phường Xoan; một trong 30 đình, miếu là nơi có tục lệ Hát Xoan thờ thần, đình An Thái đã được Nhà nước quan tâm, ưu tiên đầu tư kinh phí bảo quản, tu bổ, cùng với sự tham gia đóng góp của cộng đồng nhằm nỗ lực bảo tồn không gian hát Xoan thuần chất nhất. Đầu tư quy hoạch, tu bổ, tôn tạo, di tích đình An Thái với đầy đủ các công trình kiến trúc độc đáo mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ tại các di tích nhằm đáp ứng việc tổ chức lễ hội hàng năm cũng như các hoạt động văn hóa dân gian thường xuyên, trở thành địa điểm hấp dẫn, linh thiêng đối với du khách và là một điểm nhấn về văn hoá cội nguồn của tỉnh Phú Thọ. Đặc biệt, là trình diễn giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa Hát Xoan gắn với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương (như một bảo tàng sống về di sản), góp phần quan trọng trong việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đóng góp vào sự đa dạng, phong phú của kho tàng văn hóa thế giới.
Vì vậy, việc gìn giữ giá trị văn hóa đình làng An Thái cũng chính là để kế thừa, bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống nói chung, Hát Xoan Phú Thọ nói riêng và để những giá trị văn hóa ấy lan tỏa trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng../.
Lê Thoa