Thứ 6 | 29/08/2014
Hát Xoan là di sản văn hóa phi vật thể quý báu của vùng Đất Tổ Phú Thọ nói riêng và trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung. Hát Xoan là loại hình dân ca nghi lễ, phong tục, còn gọi là hát cửa đình hay “Khúc môn đình”, là hình thức nghệ thuật diễn xướng: Ca- múa- nhạc, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của cộng đồng. Hát Xoan có bề dày lịch sử, có tổ chức phường hội chặt chẽ, không gian văn hóa rộng lớn và sức lan tỏa mạnh mẽ khắp cộng đồng. Với những giá trị nổi bật toàn cầu, ngày 24/11/2011, tại Hội nghị lần thứ 6 của Ủy ban liên chính phủ về Bảo tồn Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO tổ chức tại Bali - Indonesia, Hồ sơ Hát Xoan - Phú Thọ của Việt Nam đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp.
          Cũng như nhiều di sản văn hóa phi vật thể khác, hát Xoan Phú Thọ cũng đang chịu tác động của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Các nghệ nhân, các cụ trùm Xoan là báu vật nhân văn sống  - những người đang lưu giữ nghệ thuật trình diễn hát Xoan đang dần mất đi là một đe dọa lớn đối với sự truyền dạy cho các thế hệ trong việc kế thừa di sản văn hóa dân tộc. Các bài bản Xoan gốc nhiều năm đã bị mai một, hiện tại chỉ là bản sao hoặc truyền khẩu do trí nhớ, mà trí nhớ của các cụ trùm, nghệ nhân đã cao tuổi không tránh khỏi “tam sao thất bản”, làm mất đi tính nguyên gốc của di sản hoặc diễn xướng không đầy đủ nội dung. Hiện tại ở 4 phường Xoan cổ chỉ có khoảng 200 người biết hát Xoan bài bản, có 34 nghệ nhân dân gian được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam và ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ phong tặng trong các năm từ 2005 đến 2012, nhưng thực tế nhiều cụ cao tuổi đã mất, hiện chỉ còn 24 người, trong đó có 10 người còn có đủ sức khỏe và trí nhớ để truyền dạy đầy đủ các bài bản Xoan cổ. Lớp trẻ lại chưa có kinh nghiệm và sự hiểu biết nên hạn chế về ý thức bảo vệ giá trị Di sản hát Xoan, đặc biệt là hạn chế trong việc trao truyền di sản Hát Xoan.
Việc tuyên truyền quảng bá về di sản, khôi phục bảo tồn, tôn tạo các thiết chế làm cơ sở vật chất duy trì hát Xoan như đình, đền, miếu chưa thực sự được chú trọng. Một số nơi đã mất hẳn đình, không còn địa điểm để tổ chức trình diễn hát Xoan truyền thống. Các phường Xoan gốc tuy đã được chú ý bảo tồn, duy trì hoạt động; các câu lạc bộ hát Xoan đã được quan tâm thành lập và có một phần hỗ trợ kinh phí, trang phục, đạo cụ… song đang còn ở mức quá khiêm tốn và đặc biệt là cơ chế, chính sách để động viên, hỗ trợ các nghệ nhân tổ chức các lớp học hát Xoan tại gia đình hay tại cộng đồng. Nếu chỉ thực hiện theo phương thức xã hội hóa sẽ không đủ mạnh để bảo tồn di sản.

 

Ông Nguyễn Minh Triết - Chủ tịch nước CHXHCNVN đang thăm hỏi các nghệ nhân phường Xoan Kim Đới
- xã Kim Đức, thành phố Việt Trì tỉnh Phú Thọ nhân dịp về dự hội nghị Đại đoàn kết các dân tộc tỉnh Phú Thọ
tháng 10 năm 2009

Tại Lễ vinh danh hát Xoan Phú Thọ mới diễn ra ngày 18/2/2012, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Phú Thọ, Bộ Ngoại giao đưa ra Chương trình Hành động bảo vệ hát Xoan Phú Thọ. Các nhà nghiên cứu, những người có tâm huyết với loại hình Di sản Văn hóa này cũng đưa ra những giải pháp nhằm bảo tồn và lưu giữ hát Xoan Phú Thọ.
          Ngành văn hóa thể thao và du lịch Phú Thọ đã tham mưu cho ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ triển khai chương trình hành động quốc gia về bảo tồn và phát huy giá trị Hát Xoan Phú Thọ nhằm đưa Hát Xoan ra khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp vào năm 2015.

 

Hát Xoan tại Hội thơ lục bát Quý Tỵ

1. Phải nâng cao nhận thức và năng lực của cộng đồng, của chủ thể Di sản hát Xoan Phú Thọ nhằm tăng cường hiểu biết, yêu thích và thực sự say mê với việc bảo tồn, phát huy tác dụng Di sản Văn hóa đang hiện hữu ngay trên chính mảnh đất quê hương mình. Tiếp tục điều tra, nghiên cứu, kiểm kê sự phát triển của hát Xoan Phú Thọ: vùng xoan gốc và vùng Xoan lan tỏa; đánh giá kết quả những hoạt động của nhà nước và cộng đồng trong từng năm để bảo vệ Di sản hát Xoan. Triển khai các biện pháp và kế hoạch cụ thể, ưu tiên nghiên cứu, hệ thống hóa tư liệu với mục tiêu bảo tồn bền vững hát Xoan Phú Thọ.
Hiện nay việc bảo tồn các phường Xoan cổ, làng Xoan chủ yếu từ truyền thống gia đình, dòng họ đến cộng đồng làng xóm, do các nghệ nhân truyền lại cho lớp con cháu họ. Các nghệ nhân cũng chưa có được sự chăm sóc, nuôi dưỡng, động viên cả về tinh thần lẫn vật chất trừ khi có nhu cầu biểu diễn phục vụ cho một sự kiện nào đó chứ không thường xuyên, liên tục.
2. Tăng cường nguồn đầu tư của Nhà nước đi đôi với huy động các nguồn lực xã hội góp phần củng cố các phường Xoan gốc. Cái đặc sắc của hát Xoan Phú Thọ là hiện nay vẫn tồn tại các phường Xoan gốc với gần hàng trăm người tham gia, trong đó có 18 cụ tuổi từ 80 trở lên. Theo kiểm kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2009, hát Xoan đã lan tỏa ở 2 tỉnh, 9 huyện, 18 xã với 30 cửa đình. Trước mắt cần củng cố về tổ chức các phường Xoan sao cho các phường đều có ông trùm, có người dẫn cách, người gõ trống và các đào, kép. Về kinh phí hoạt động hàng năm, do ngân sách Nhà nước tài trợ, các năm sau giảm dần (từ năm thứ 4 trở đi), phường Xoan duy trì sự phát triển cần tạo ra nguồn thu từ biểu diễn phục vụ khách du lịch và thực hiện xã hội hoá vận động lòng hảo tâm ủng hộ của các cơ quan, đơn vị và cá nhân. Vấn đề tổ chức các phường Xoan gốc cần đặc biệt quan tâm tới việc khôi phục, trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử gốc có liên quan đến môi trường hoạt động của Xoan, để tạo lại vị thế cho hát Xoan trong lễ hội và phong tục.
3. Tạo môi trường cho dân ca Xoan phát huy giá trị. Bên cạnh việc củng cố bảo tổn các phường Xoan gốc ở chính nơi sinh ra nó có ý nghĩa như xây dựng một bảo tàng sống, phải tạo điều kiện- môi trường thuận lợi để hát Xoan được mở rộng giao lưu, trình diễn, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm với các cộng đồng khác trong nước và quốc tế nhằm tăng cường sự hiểu biết, góp phần bảo vệ, phát huy đa dạng văn hoá và phát triển văn hoá cộng đồng để nó thực sự sống trong cộng đồng, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho cộng đồng. Có như vậy mới phát huy được giá trị đặc sắc của hát Xoan Phú Thọ.
4. Tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá giá trị của hát Xoan để đông đảo nhân dân nhận biết được và thực sự yêu thích hát Xoan. Đưa hát Xoan vào trường học (trong chương trình ngoại khoá hàng năm); dạy hát Xoan trên sóng Đài Phát thanh, Truyền hình của ttrung ương và địa phương; tổ chức liên hoan, hội thi “hát Xoan Phú Thọ” hàng năm; nghiên cứu, phục hồi đưa hát Xoan vào phần nghi lễ giỗ Tổ Hùng Vương và coi đó là một trong những hình thức sinh hoạt văn hoá đặc trưng của Lễ hội; biên tập, bộ tổng tập nghiên cứu về Hát Xoan, kỷ yếu các Hội thảo khoa học về hát Xoan, đĩa VCD, CD về các bài bản của hát Xoan.
5. Ban hành chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân có công bảo vệ, phát huy giá trị di sản hát Xoan tại các phường Xoan và các cộng đồng yêu thích dân ca Xoan. Tiếp tục hoàn thiện hồ sơ đề nghị Nhà nước phong tặng Nghệ nhân Hát Xoan cho các cá nhân có tài năng và có đóng góp quan trọng trong việc bảo tổn và phát huy giá trị di sản hát Xoan.
Cần có chính sách ưu tiên nhằm tạo điều kiện chăm sóc và động viên các nghệ nhân hát Xoan; hỗ trợ cộng đồng, các phường Xoan; các trường học tổ chức truyền dạy và đào tạo thế hệ những người trẻ tuổi để tiếp nối, duy trì và sáng tạo di sản hát Xoan. Xây dựng các chương trình giáo dục thích ứng để giảng dạy hát Xoan trong các trường nghệ thuật và trường phổ thông.
6. Thành lập “Trung tâm Bảo tồn Di sản văn hoá hát Xoan Phú Thọ”: Trung tâm này có  chức năng cơ bản là nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo tồn di sản hát Xoan; biên soạn, xuất bản các ấn phẩm văn hoá tuyên truyền, giới thiệu quảng bá di sản hát Xoan; tổ chức biểu diễn các bài bản, làn điệu hát Xoan cổ; xây dựng những chương trình hát Xoan có chất lượng cao biểu diễn trên sân khấu, phục vụ hội nghị, giao lưu vùng miền và cả nước; trên sóng phát thanh truyền hình tỉnh và Trung ương, góp phần quảng bá giá trị di sản văn hoá hát Xoan Phú Thọ.

 

Các nghệ nhân cùng đại diện các cơ quan tham dự lớp tập huấn "Kiểm kê di sản phi vật thể
Hát Xoan Phú Thọ" tại xã Kim Đức, tp Việt Trì, tỉnh Phú Thọ ngày 29/01/2010

          Trong bối cảnh hiện nay khi Hát Xoan còn không nhiều thời gian để đưa  hát Xoan ra khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp, để trơ thành di sản đại diện của nhân loại , thì nhiệm vụ đặt ra đối với nghành văn hóa Phú thọ một thách thức trước lịch sử. Hát Xoan không chỉ là di sản văn hóa phi vật thể của riêng vùng Đất Tổ mà Hát Xoan còn gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và là điểm nhấn văn hoá quan trọng trong đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc Việt Nam. Trước khó khăn thách thức đó nghành văn hóa thể thao và du lịch Phú thọ đã và đang triển khai quyết liệt chương trình hành động quốc gia nhằm đưa Hát Xoan ra khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp.  Với giá trị văn hóa đặc sắc, với sức sống bền bỉ , sức lan tỏa mãnh liệt và sự vào cuộc của các cấp, các ngành chúng ta tin tưởng Hát Xoan sớm trở thành Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại. 
Nguyễn Ngọc Ân
GĐ sở VH,TT&DL
Các tin khác
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com