Thứ 5 | 16/10/2014
Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ hiện nay còn bảo lưu một số truyền thuyết về hát Xoan:
Ở làng Phù Đức xã Kim Đức thành phố Việt Trì còn kể lại rằng: " Từ thuở Vua Hùng dựng nước, một hôm vào buổi trưa ngày 13 tháng chạp, ba anh em vua Hùng đi tìm đất mở mang kinh đô có đi qua thôn Phù Đức và An Thái dừng chân nghỉ trưa tại một khu rừng gần thôn. Trong khi ngồi nghỉ, ba anh em Vua Hùng nhìn ra bãi cỏ trước mặt, thấy có một đám trẻ chăn trâu vừa chơi các trò chơi như đánh vật, kéo co lại vừa hát những khúc ca nghe rất hay. Thấy vậy, người anh cả nhà họ Hùng liền bảo hai em dạy các trẻ mục đồng hát một số điệu mà họ mang theo. Về sau, để tưởng nhớ công lao của ba anh em vua Hùng, hàng năm cứ đến ngày 13 tháng chạp âm lịch, dân làng lại làm bánh nẳng để cúng vào buổi trưa và cúng thịt bò vào buổi chiều để thờ anh Cả vua Hùng được nhân dân suy tôn là đức Thánh Cả. Đến ngày mùng 2 và mùng 3 tháng giêng âm lịch, dân làng Phù Đức mở hội cầu dể ccầu Đức Thánh Cả phù hộ cho "Dân khang, vật thịnh, mưa thuận, gió hoà, mùa màng tươi tốt". Trong hội cầu, họ diễn lại cảnh hát xướng để nhớ lại sự tích các vua Hùng dạy dân múa hát và chơi các trò chơi dân gian. Do vậy, hội cầu đã trở thành lệ làng hàng năm và bao giờ cũng có trò hát xướng mở đầu...".
 

Các nghệ nhân hát Xoan

Ở làng Cao Mại thị trấn Lâm Thao huyện Lâm Thao còn lưu truyền một truyền thuyết như sau: " Vợ vua Hùng mang thai đã lâu tới ngày sinh nở, cứ đau bụng mãi mà không đẻ được. Người hầu nữ thấy vậy tâu rằng: Có nàng Quế Hoa xinh đẹp, hát hay, múa giỏi. Nên đón về múa hát để có thể làm đỡ đau và có thể sinh đẻ được. Vợ Vua Hùng nghe lời và cho mời nàng Quế Hoa đến để hát múa chầu trực bên cạnh vợ Vua Hùng. Nàng Quế Hoa vâng lời và vào chầu. Khi ấy, vợ Vua Hùng đang lên cơn đau đẻ dữ dội, bà gọi Quế Hoa vào cạnh giường và múa hát. Quế Hoa trổ tài hát hay, múa dẻo, tay uốn, chân đưa, người mềm như tơ , tay dẻo như bún, vợ Vua Hùng và mọi người hầu cận đều rất say mê. Vợ vua Hùng trong khi mải xem nàng Quế Hoa múa hát nên quên cả đau đẻ và đã sinh hạ được ba người con trai khôi ngô tuấn tú. Khi ấy đang là mùa Xuân. Vua Hùng thấy thế hết lời khen ngợi Quế Hoa và truyền cho các mỵ nương học lấy các điệu múa hát ấy để hát mừng trong dịp lễ hội mùa xuân vì thế được gọi là Hát Xuân, sau này vì kiêng tên huý của mỵ nương con gái vua Hùng có tên là Xuân Nương ( có thể là tên một nữ tướng của Hai Bà Trưng trong khởi nghĩa năm 40-43) nên phải gọi chệch là Hát Xoan ".
Lại một chuyện khác cũng ở làng Cao Mại kể rằng: “ Nguyệt Cư công chúa và Vua bà ở xã Cao Mại là con vua Hùng, lúc lọt lòng mẹ cứ khóc hoài không ai dỗ được. Chỉ đến khi nghe người dân làng An Thái hát thì công chúa mới chịu nín. Cứ như thế cho đến khi công chúa lên ba tuổi. Cho đến khi công chúa Nguyệt Cư lấy chồng có thai khi đi qua làng An Thái nghe Hát Xoan thì chuyển dạ đẻ, những người hầu phải chạy thật nhanh về cung để kịp sinh nở. Cũng chính vì sự việc trên mà hiện nay ở Cao Mại còn bảo lưu lệ chạy kiệu Vua Bà và có tổ chức Hát Xoan trong những ngày lễ hội, đình đám để ghi dấu sự kiện…”.
 
Ở làng Hương Nộn xã Hương Nộn huyện Tam Nông, nơi có hát Xoan thờ bà Xuân Nương công chúa, nữ tướng của Hai Bà Trưng. Khi bà Xuân Nương cùng Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa đánh quân nhà Hán tàn bạo. Có lần, hành quân qua làng Xoan Hương Nộn được nghe hát Xoan, hai bà bèn cho quân học hát. Cũng vì sự tích trên mà ngày tế Xuân Nương, dân làng Hương Nộn tổ chức hát Xoan...
 
Các câu chuyện truyền thuyết về hát Xoan mang đầy tính chất huyền thoại và hư cấu nhuốm màu dân gian. Mặc dù vậy, bóc tách những yếu tố huyền thoại hoang đường và hư cấu. Chúng ta có thể thấy được một số thông tin mang tính khoa học có thể xác định được nguồn gốc về sự hình thành và quá trình tồn tại của hát Xoan trong suốt thời gian mấy nghìn năm của lịch sử dựng nước và giữ nước của các thế hệ cư dân Đất Tổ thông qua lối hát còn được bảo tồn đến ngày nay:
 
1- Qua truyền thuyết, chúng ta thấy rằng, hát Xoan có thể được ra đời từ rất sớm, có thể từ thời Hùng Vương dựng nước Văn Lang, hoặc ít ra cũng cho ta một nhận định: Hát Xoan đã có từ rất lâu đời với hình thức ban đầu còn rất sơ khai và nó được dùng làm nghi thức tín ngưỡng trong lễ hội của làng để cầu đảo Trời đất ban cho mưa thuận gió hoà để mùa màng được tươi tốt, đem lại cuộc sống ấm no cho muôn dân trăm họ và được tồn tại đến khởi nghĩa Hai bà Trưng năm 40 đến 43 sau công nguyên. Bằng chứng là tại các địa điểm có hát Xoan hoặc có liên quan đến Hát Xoan đều có tín ngưỡng thờ tự các Vua Hùng và các con gái Vua Hùng như Tiên Dung, Ngọc Hoa, Nguyệt Cư và các con rể, các tướng lĩnh của thời Vua Hùng.
 
2- Các làn điệu Xoan cổ đều được bắt nguồn từ những làng cổ nằm ở địa bàn bán sơn địa thuộc trung tâm bộ Văn Lang thời các Vua Hùng dựng nước. Nó được ra đời cùng với tín ngưỡng mang tính nguyên thuỷ của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước, đó là tín ngưỡng thờ Trời, thờ Thần, thờ Thánh để cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, bội thu. Các làng Xoan đều là những ngôi làng cổ nằm ở vị trí có địa hình bán sơn địa với địa hình đồi, gò trung du xen kẽ với các tràn ruộng trồng lúa nước rất điển hình thuộc địa bàn trung tâm của bộ Văn Lang thời các Vua Hùng dựng nước. Đây là một trong những yếu tố Vị- Thế - Địa rất quan trọng ảnh hưởng và tác động trực tiếp đến sự ra đời và tồn tại của các làn điệu và cách thể hiện của hát Xoan. Chính vì vậy, yếu tố tâm linh là yếu tố quan trọng chi phối đến tính chất của hát Xoan mang tính nghi lễ phồn thực của cư dân nông nghiệp. Vì vậy, Hát Xoan được hát ở cửa đình thể hiện những lễ tục diễn xướng tế thần linh tại các cửa đình và được tổ chức hát vào muà Xuân- Mùa nghỉ ngơi của một chu trình canh tác nông nghiệp trồng lúa nước hai vụ Chiêm- Xuân qua 12 tháng và 4 mùa Xuân- Hạ- Thu- Đông, đó chính là nguyên nhân để hình thành các quả cách liên quan đến bốn mùa Xuân- Hạ- Thu- Đông.
 
3- Hát Xoan là tài sản tinh thần của quần chúng nhân dân lao động, nó được bắt nguồn từ cuộc sống lao động của người nông dân và gắn liền với phong tục, tập quán của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước. Đây là yếu tố để hình thành các quả cách trong lối hát để nói về các nghề trong công nghiệp: Ngư- Tiều- Canh- Mục. Hát Xoan thể hiện ước nguyện thỉnh cầu của người nông dân đối với các bậc Thánh, Thần cao siêu mà họ quan niệm rằng đó chính là các bậc cai quản, ban phát sự may mắn, phong lưu cho bàn dân thiên hạ và gắn liền với vận mệnh sống còn của họ. Hát Xoan thể hiện đạo lý Vua- Tôi, nghĩa vợ chồng, đạo làm cha, đạo làm con. Hát Xoan còn là tiếng nói tình cảm thể hiện tâm tư tình cảm, nguyện vọng và ước vọng, là cầu nối cho sự đoàn kết trong cộng đồng và quan hệ trên- dưới là mối quan hệ bình đẳng, dân chủ, không phân biệt địa vị sang- hèn và giàu- nghèo.
 
4- Hát Xoan là một nghệ thuật được sinh ra từ tín ngưỡng nông nghiệp trồng lúa nước nó được ra đời trên miền đất cội nguồn của dân tộc nơi có nhiều lễ hội dân gian được tổ chức hàng năm vào dịp mùa xuân, do đó nó mang đầy đủ tính chất của nền văn hoá cội nguồn và cổ xưa nhất. Mặt khác, Hát Xoan mang đậm yếu tố tín ngưỡng, tâm linh được hát tại đình làng là nơi thờ Thành Hoàng để thể hiện ước nguyện cầu đảo linh thiêng. Chính vì vậy, Hát Xoan mang đậm tính chất phồn thực thể hiện qua hình thức trình diễn, lời ca và điệu múa thể hiện như trong thể hát Cài Huê và Mó Cá là diễn xướng thiêng liêng được hát để kết thúc một cuộc trình diễn Hát Xoan. Họ quan niệm hát Cài Huê, Mó Cá có ảnh hưởng sâu sắc đến mùa màng, đến sự sinh sôi phát triển giống nòi. Do vậy, không bao giờ họ bỏ qua hai lối hát đó, vì họ sợ rằng nếu bỏ qua hai lối hát đó thì dân làng sẽ chịu cảnh mất mùa, đói kém và gặp thiên tai hạn hán hoặc lũ lụt.v...v. Vì trong cả hai lối hát này đều có các Đào Xoan và các trai làng cùng trình diễn để các trai làng bắt lấy đào hoặc các đào bắt lấy trai làng để tượng trưng cho âm- dương; Nam- Nữ giao phối để sinh sôi nảy nở, vì vậy các cụ gọi đây là “ Âm dương hợp đức” để sinh thành. Trong lối hát Xoan cổ, Cài Huê, Mó Cá được trình diễn vào thời điểm linh thiêng nhất. Đó là vào lúc trời gần sáng. Khi mà khí âm còn nặng nề, khí dương mới bắt đầu xuất hiện. Trời đất bảng lảng giao hoà thì các Đào cùng các Kép bắt đầu trình diễn Mó cá và vào lúc các Kép bắt các Đào Xoan thì các loại đèn nến trong đình đều phải tắt hết, chỉ có hương thắp trên Thượng cung.
 
Có thể nói, một số truyền thuyết về Hát Xoan hiện còn được bảo lưu ở Phú Thọ là ánh sáng phản xạ về sự hình thành và tồn tại của Hát Xoan trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước của các thế hệ cư dân Đất Tổ Vua Hùng. Mặc dù là truyền thuyết dân gian, nhưng vén đi bức màn huyền thoại, các truyền thuyết ấy cũng đã ít nhiều cung cấp tư liệu mang tính khoa học để chúng ta tìm hiểu, nghiên cứu về Hát Xoan Phú Thọ làm căn cứ cho tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, thiết thực góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản hát Xoan ở Phú Thọ thể hiện truyền thống và đạo lý “ Uống nước nhớ nguồn; ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc ta.
 
Hát Xoan Phú Thọ đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại đã nâng tầm giá trị và vị thế văn hoá truyền thống của dân tộc Việt Nam trên trường văn hóa quốc tế. Đây là niềm vinh dự tự hào và trách nhiệm lớn lao của tỉnh Phú Thọ nói riêng và của đất nước Việt Nam nói chung trong quá trình bảo tồn và phát huy giá trị của Hát Xoan Phú Thọ, phấn đấu đưa di sản VHPVT Hát Xoan Phú Thọ ra khỏi danh sách cần bảo vệ khẩn cấp vào năm 2016 để Hát Xoan Phú Thọ mãi mãi là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại./.
 
 
Đặng Đình Thuận
                                                          TP NVVH- PCT Hội VNDGPT
Các tin khác
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com