Thứ 5 | 23/04/2015
1. Sức sống trường tồn của di sản.
Hát Xoan là một sản phẩm văn hóa dân gian của vùng Phú Thọ - Đất Tổ Hùng Vương. Hát Xoan là một thể loại dân ca nghi lễ - tín ngưỡng, phong tục, giao duyên được diễn ra trong lễ hội tại các ngôi đình làng vào mùa xuân hàng năm trên vùng Đất Tổ.
Căn cứ  vào không gian diễn xướng, hát xoan còn được gọi là hát cửa đình ( khúc môn đình). Trong dân gian còn gọi lối  hát này là hát Lãi Lèn, vì bắt nguồn từ câu hát đệm chính của Xoan: “Len là len hỡi là len...”, và cũng chính vì vậy mà ngôi miếu ở làng Phù Đức - nơi các phường Xoan gốc đến hát đầu năm trước khi đi hát ở các cửa đình khác gọi là miếu Lãi Lèn.
Hát Xoan cũng như các loại hình dân ca khác, là một hiện tượng văn hóa dân gian nói chung và âm nhạc dân gian nói riêng của người Việt ở vùng đồng bằng và trung du Bắc bộ. Hát Xoan thuộc thể loại dân ca lễ nghi tín ngưỡng; là tiếng hát của người nông dân với mục đích hát thờ thần, cầu thần ban phát phù trợ cho dân làng tứ thời tiết lập, mưa thuận gió hòa, nhà nhà no đủ, đông đàn dài lũ, nhân khang vật thịnh, quốc thái dân an...
Trải qua tiến trình phát triển của lịch sử, từ thời đại các Vua Hùng dựng nước Văn Lang; 1.000 năm Bắc thuộc; thời đại phong kiến Việt Nam tự chủ; chế độ phong kiến suy tàn; thời Pháp thuộc; Đế quốc Mỹ xâm lược đến chế độ Việt Nam dân chủ cộng hòa. Hát xoan vẫn tồn tại và đang hiện diện với nghệ thuật đặc sắc riêng biệt: hát thờ Vua Hùng, vợ con, tướng lĩnh và các nhân vật tiêu biểu thời đại Hùng Vương; hát trước cửa đình và hát vào mùa xuân; hát lễ và hát đám. Nét đặc sắc hơn cả của hát Xoan là khi hát có múa và ngược lại khi múa có hát trong âm vang tiếng nhạc cụ chỉ là một chiếc trống da. Sự hiện diện qua các biến thiên của lịch sử đã, chứng tỏ sức sống mãnh liệt và sự biến đổi theo hướng thích nghi để tồn tại của hát Xoan Phú Thọ. Các làng Xoan cổ, các xã, các huyện và đặc biệt là UBND 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ đã cùng thống nhất tên gọi chung là: Hát Xoan Phú Thọ.
Hát Xoan Phú Thọ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần bảo vệ khẩn cấp ngày 24 tháng 12 năm 2011.
 

Trình diễn hát Xoan tại Giỗ Tổ Hùng Vương - lễ hội Đền Hùng năm 2013

2. Được cộng đồng bảo vệ, phát huy.
Đưa Hát Xoan Phú Thọ trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2016, là mục tiêu tiên quyết được đặt ra trong Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại - Hát Xoan Phú Thọ (giai đoạn 2013-  2020) do UBND tỉnh Phú Thọ xây dựng, được Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt tại Quyết định số 2508/QĐ-TTg ngàỳ 7 tháng11 năm 2013.
Trong những năm qua, ngành văn hóa  đã tiếp tục tiến hành sưu tầm, hệ thống hóa các tư liệu ghi chép, điền giã về hát Xoan tại các địa phương, các cơ quan trong tỉnh và Trung ương. Tổ chức điều tra, kiểm kê, nghiên cứu  hát Xoan trên địa bàn 18 xã (ở Phú Thọ - Vĩnh Phúc) và các địa phương khác trong tỉnh. Sưu tầm các ấn phẩm: sách, báo, tạp chí có đăng bài viết về hát Xoan của các tác giả, các nhà nghiên cứu trung ương và địa phương. Dịch hàng trăm trang tài liệu về hát Xoan và các bản hát Xoan từ chữ Nôm, chữ Hán ra chữ quốc ngữ.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ đã tích cực chủ động phối hợp với Nhà xuất bản âm nhạc Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí của trung ương và địa phương ghi âm bài, ghi hình diễn, ghi lời kể chuyện, ghi nguyện vọng của các nghệ nhân...
Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá di sản hát Xoan Phú Thọ trên các phương tiện thông tin đại chúng, các báo, đài trung ương và địa phương. Xuất bản và tái bản các ấn phẩm văn hóa: sách về hát Xoan Phú Thọ, tài liệu hỏi - đáp về hát Xoan Phú Thọ, 5.000 đĩa VCD, DVD giới thiệu hát Xoan. Xây dựng trang Website giới thiệu về hát Xoan Phú Thọ trên mạng internet, trên trang điện tử của Sở VHTTDL và trạm dữ liệu DSVH phi vật thể tại KDTLS Đền Hùng. Xây dựng ngân hàng dữ liệu, tạo điều kiện cho cộng đồng tiếp cận thông tin tại Bảo tàng Hùng Vương.
          Mở các lớp truyền dạy về hát Xoan tại cộng đồng các phường Xoan nhằm duy trì hoạt động của 04 phường Xoan gốc, tổ chức cho các nghệ nhân trực tiếp truyền dạy đầy đủ 36 làn điệu Xoan cổ cho trên 150 nghệ nhân trẻ kế cận tại các phường. Thành lập 30 câu lạc bộ hát Xoan tại các xã, phường, cơ quan trường học trong tỉnh; mục tiêu mỗi xã có 01 câu lạc bộ, các trường học, đơn vị trong tỉnh đều có đội văn nghệ xây dựng được chương trình Hát Xoan trong kịch mục sinh hoạt và biểu diễn; các tiết mục hát Xoan do các nghệ nhân của các phường Xoan gốc trực tiếp truyền dạy. Tổ chức nghiên cứu, hội thảo để xây dựng chương trình tập huấn, thực hành cho những người kế tục nghệ nhân hát Xoan. Thường xuyên mở lớp truyền dậy hát Xoan cho các hạt nhân văn nghệ của câu lạc bộ, các đội văn nghệ và giáo viên dậy âm nhạc trong các trường học phổ thông các cấp; trung bình từ 2 - 3 lớp ở tỉnh, 2 - 4 lớp ớ mỗi huyện / năm; mỗi lớp có từ 35 – 50 học viên.
 Tại các trường tiểu học, phổ thông cơ sở và phổ thông trung học đã đưa hát Xoan vào chương trình học âm nhạc trong giờ sinh hoạt ngoại khóa, chương trình “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” của các trường; 100%  các trường học trên địa bàn thành phố Việt Trì đã có giáo viên biết trình diễn và dạy hát Xoan. Tại Trường trung cấp Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch đã biên soạn giáo trình dạy hát Xoan, đưa hát Xoan thành môn học nghệ thuật bắt buộc đối với học sinh hệ trung cấp.
Tiếp tục tổ chức liên hoan tiếng hát làng Xoan hàng năm, có sự tham gia của 13 huyện, thành, thị, nòng cốt là các làng Xoan gốc và các xã có hát Xoan lan tỏa (18 xã thuộc tỉnh Phú Thọ). Tổ chức nhiều chương trình hát Xoan phục vụ các hoạt động chính trị và ngày kỷ niệm, tổ chức sự kiện, ngày lễ, tết, lễ hội. Đưa hát Xoan phục vụ lễ giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm, sử dụng hát Xoan thành âm nhạc chủ đạo trong các chương trình lễ hội của tỉnh Phú Thọ…
Phối hợp với Viện Âm Nhạc xây dựng các dự án phù hợp yêu cầu và điều kiện thực tiễn hàng năm; tổ chức các hoạt động biểu diễn và giao lưu trong và ngoài tỉnh; xác định đây là cơ hội để gắn kết, khuyến khích đa dạng hình thức, quy mô, địa điểm tổ chức biểu diễn hát Xoan Phú Thọ. Đã tổ chức trình diễn hát Xoan tại Hà Nội và các tỉnh: Điện Biên, Thừa Thiên Huế, Thanh Hóa, Ninh Bình, Quảng Ninh, Lâm Đồng... Tham gia các chương trình giao lưu quốc tế về di sản văn hóa phi vật thể tại Thái Lan và Hàn Quốc.  
          Tiếp tục đầu tư tôn tạo các di tích có trình diễn hát Xoan trong tỉnh đang xuống cấp hoặc đã bị mất hẳn: miếu Lãi Lèn, đình Thét, đình làng Kim Đới (xã Kim Đức); đình An Thái (xã phượng Lâu); đình Bảo Đà (phường Dữu Lâu)... Hỗ trợ cộng đồng chỉnh trang nhà văn hóa để có địa điểm tập luyện và trình diễn hát Xoan. UBND tỉnh đã cấp hỗ trợ gần 300.000 triệu đồng cho 4 phường Xoan gốc (mỗi phường 70.000.000 đ); UBND thành phố Việt trì cấp bổ sung 25.000.000 đồng cho mỗi phường để mua bộ âm thanh và làm quỹ duy trì hoạt động thường xuyên; đặc biệt duy trì chương trình “ Hát Xoan làng cổ” nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa “ Hát Xoan Phú Thọ “, đồng thời tích cực tham gia phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước. Sở VHTT&DL đã cấp hỗ trợ 30 bộ trang âm, loa đài, trang phục, đạo cụ phục vụ hoạt động luyện tập và biểu diễn Hát Xoan cho các câu lạc bộ cấp tỉnh và một số địa điểm có Hát Xoan lan tỏa.
Đã xây dựng hồ sơ đề nghị UBND tỉnh Xét tặng bằng khen, cấp giấy chứng nhận danh hiệu “ Nghệ nhân Hát Xoan Phú Thọ” cho 34 nghệ nhân cao tuổi đang thực hiện  truyền dạy và thực hành hát Xoan tại  các địa phương; đồng thời tặng giấy khen của Sở VHTT&DL cho những người có năng khiếu và thành tích tham gia trình diễn hát Xoan. Đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị Chủ tịch nước xét  tặng danh hiệu “ Nghệ nhân ưu tú “  cho các nghệ nhân hát Xoan có đủ tiêu chuẩn theo quy định của Nhà nước và “ Nghệ nhân dân gian “ theo quy định của Hội văn nghệ dân gian Việt Nam. UBND tỉnh và UBND thành phố Việt Trì đã hỗ trợ kinh phí luyện tập, trang phục, đạo cụ để duy trì hoạt động của các phường Xoan và các câu lạc bộ hát Xoan tại địa phương.
Tổ chức các cuộc hội thảo khoa học về vấn đề bảo tồn và phát huy di sản hát Xoan trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Hội thảo khoa học về vấn đề đưa hát Xoan vào các tua, tuyến, điểm du lịch phục vụ phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Phú Thọ. Hội thảo khoa học về việc tuyên truyền quảng bá hát Xoan, liên kết với ngành giáo dục tổ chức đưa hát Xoan vào trường học. Hệ thống hóa tư liệu về hát Xoan, gắn kết Bảo tàng với cộng đồng hát Xoan phục vụ các sự kiện của tỉnh. Tổ chức các đoàn tham quan, trao đổi kinh nghiệm, học tập với các nước có Di sản văn hóa đồng loại phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
Xây dựng các đề án phát triển du lịch: đưa hát Xoan vào các tua, tuyến, điểm du lịch cụ thể tại từng xã, huyện, thành thị có di sản hát Xoan truyền thống kết hợp với du lịch sinh thái, du lịch tâm linh...Khuyến khích nhân dân và cộng đồng thành lập thêm các tổ chức và hình thức hoạt động, sinh hoạt: phường, đội, câu lạc bộ hát Xoan tại các địa phương. Xây dựng cơ chế thực hiện xã hội hóa, hỗ trợ kinh phí để đầu tư hỗ trợ nghệ nhân, học viên trong việc truyền dạy và thực hành hát Xoan, đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích liên quan đến hát Xoan tại các địa phương. Phối hợp với Sở VHTT&DL tỉnh Vĩnh Phúc và nhân dân địa phương nghiên cứu, khôi phục lại tục hát nước nghĩa giữa phường Xoan Thét (xã Kim Đức) với CLB Hát Xoan Kẻ Sậu (thôn Hoàng Thượng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) trong ngày hội làng truyền thống.
Bảo tàng Hùng Vương đã xây dựng phông trưng bày tư liệu hình ảnh, hiện vật về hát Xoan, hệ thống hóa tư liệu hát Xoan nhằm trưng bày các hiện vật liên quan đến trình diễn hát Xoan: trang phục, đạo cụ, các bản hát Xoan bằng chữ quốc ngữ, chữ Hán Nôm, các ấn phẩm: sách, báo, tạp chí, băng đĩa tư liệu, phim tư liệu về hát Xoan Phú Thọ; chân dung các nghệ nhân, các nhà nghiên cứu về hát Xoan, các phường Xoan trình diễn hát Xoan ở trong và ngoài nước, hình ảnh các hội diễn liên hoan tiếng hát làng Xoan, các di tích có hát Xoan, các hội nghị, hội thảo về bảo tồn, phát huy giá trị Hát Xoan...
Thư viện tỉnh đã xây dựng thư mục sách chuyên đề về “ Hát Xoan Phú Thọ” và “ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” để phục vụ công tác tìm hiểu và nghiên cứu.
Đã và đang tiến hành hoàn thiện hồ sơ trình duyệt để xây dựng nhà hát Lạc Hồng tại quảng trường Hùng Vương, thành phố Việt Trì. Sau khi hoàn công đưa vào sử dụng nhà hát sẽ trở thành địa điểm tổ chức thường xuyên hát Xoan phục vụ nhiệm vụ chính trị và là một địa điểm du lịch hấp dẫn của du khách trên  địa bàn kinh đô Văn Lang xưa.
3. Hát Xoan đang cán đích di sản văn hóa đại diện của nhân loại.
 Hát Xoan vừa là sản phẩm, vừa là hiện tượng văn hóa dân gian đặc trưng của vùng đất Tổ Hùng Vương. Người dân Phú Thọ vẫn quan niệm rằng: được nghe câu hát Xoan sẽ mang lại nhiều điều may mắn cho mọi người trong dịp đầu năm mới. Bởi vậy nên hát Xoan qua ngàn đời vẫn tiềm tàng sức sống.
Với hàng loạt kết quả thực hiện trong giai đoạn (2013 – 2015) về phục hồi, bảo tồn, truyền dạy và thực hành; quảng bá, phổ biến và tu bổ, khôi phục các di tích lịch sử - không gian diễn xướng, nâng cấp cơ sở hạ tầng (không gian thiêng để trình diễn Hát Xoan)… đến năm 2016 sẽ đưa hát xoan ra khỏi tình trạng Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Kết quả ấy đã khẳng định cam kết của tỉnh Phú Thọ với UNESSCO, với các bộ , ngành ở Trung ương về bảo vệ và phát huy di sản hát Xoan Phú Thọ; đưa hát Xoan trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2016; dần từng bước hoàn thiện văn bản pháp lý quản lý, bảo vệ Hát Xoan Phú Thọ; mặt khác tạo được sự đồng thuận của các Bộ, ngành Trung ương và địa phương để đề ra các biện pháp thiết thực, tích cực, cụ thể để bắt tay vào việc bảo tồn phát huy giá trị di sản hát Xoan Phú Thọ; phát huy giá trị hát Xoan trở thành di sản mũi nhọn trong việc phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế xã hội tỉnh Phú Thọ.
Hát Xoan đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Giờ đây, với những kết quả đạt được, Hát Xoan đã và đang có đầy đủ các điều kiện để đề nghị UNESCO xem xét, công nhận là DSVH phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2016. Quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa hát Xoan Phú Thọ phụ thuộc vào trình độ hiểu biết của con người và ý thức trách nhiệm của cộng đồng. Hát Xoan gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là điểm nhấn quan trọng trong đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc Việt Nam./.
 
Phạm Bá Khiêm
Các tin khác

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com